Liên bộ Công Thương - Tài chính tính sai thuế nhập khẩu xăng dầu lên tới 3.000 tỷ khiến người tiêu dùng chịu thiệt nhưng tuyệt nhiên không có một câu từ trả lời liên quan đến việc: Ai chịu trách nhiệm, xử lý thế nào?
Vụ việc liên bộ Công Thương - Tài chính tính sai thuế nhập khẩu xăng dầu, khiến người tiêu dùng bị “móc túi” tới hơn 3.000 tỷ đồng ầm ĩ suốt hơn 1 năm qua, cho đến nay vẫn chưa tìm ra cách giải quyết thỏa đáng.
Theo quy định, khi nhập xăng dầu, doanh nghiệp phải nộp thuế và về nguyên tắc, khoản này sẽ được tính vào giá bán cho người tiêu dùng.
Tùy thời điểm, thuế nhập khẩu thực tế từ các thị trường có sự khác nhau. Do đó, đòi hỏi phải có cách tính khác nhau để đảm bảo lợi ích người dân.
Thời điểm năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, nhờ việc ký kết các hiệp định thương mại tự do, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, một số thị trường như Asean, Hàn Quốc có mức thuế xuất khẩu xăng dầu giảm sâu, có mặt hàng đã về 0% và doanh nghiệp xăng dầu trong nước đã gia tăng nhập khẩu từ các thị trường này.
Lẽ thường, cần phải có cách tính thuế theo mức thuế suất thuế nhập khẩu đã giảm. Tuy nhiên, liên bộ Công Thương - Tài chính đã giữ nguyên cách tính giá cơ sở dựa trên thuế suất cũ, nhờ đó doanh nghiệp hưởng lợi ước tính tới hơn 3.000 tỷ đồng.
Tất nhiên, số tiền hơn 3.000 tỷ đồng đó là tiền mà người tiêu dùng phải trả, và người hưởng lợi không ai khác chính là doanh nghiệp.
Khi vụ việc được phát hiện, đã từng có nhiều ý kiến đề xuất phải thu hồi lại số tiền đó từ doanh nghiệp, không trả lại được cho dân thì nộp vào ngân sách, hoặc cách tốt nhất là để vào quỹ bình ổn, coi như một cách trả dần cho người tiêu dùng.
Nhưng chờ đợi mãi, vẫn chưa có phương án nào được thực thi. Số tiền hơn 3.000 tỷ đồng mà người dân chịu thiệt hiện vẫn nằm trong túi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
“Chính phủ kiểm tra việc Bộ Tài chính và Bộ Công Thương tính sai giá xăng gây thiệt hại 3.000 tỷ đồng cho người tiêu dùng, cách xử lý như thế nào đối với người có trách nhiệm?” là kiến nghị của cử tri được gửi đi ngay sau kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV. Điều mà người ta chờ đợi nhất, hẳn nhiên là cách xử lý số tiền 3.000 tỷ và trách nhiệm của người gây ra sai sót.
Bộ Công thương - cơ quan được giao quản lý lĩnh vực xuất nhập khẩu xăng dầu đã có văn bản trả lời chính thức gửi tới Quốc hội.
Nhưng tiếc thay, từ “trách nhiệm” đã không một lần được Bộ này nhắc tới trong phần trả lời.
Thay vào đó, bằng một lối giải thích vòng vo, xưa cũ, với đủ các khái niệm quen thuộc như: cơ chế, quy định, nghị định... Bộ Công Thương đã giải thích kiểu “đúng quy trình” cái nguyên nhân tính thuế sai khiến doanh nghiệp hưởng lợi hàng ngàn tỷ, còn người dân “oằn lưng” chịu thiệt.
Tuyệt nhiên không có một câu từ trả lời liên quan đến câu hỏi người dân đặt ra: Ai chịu trách nhiệm, xử lý thế nào với số tiền hơn 3.000 tỷ đó?
Nực cười hơn, thay vì nhận trách nhiệm, Bộ này còn khẳng định “trong công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã và đang phối hợp chặt chẽ, hiệu quả theo phân công của Chính phủ”.
Nhắc đến điều hành, quản lý xăng dầu ở Việt Nam, ai chả biết từ lâu nó vẫn “rối như canh hẹ”. Nếu quả thực việc điều hành xăng dầu đã “hiệu quả” như khẳng định của Bộ Công thương, làm gì có chuyện giá xăng Việt Nam cao nhất nhì thế giới, doanh nghiệp thi nhau báo lãi khủng, trong khi người dân “oằn lưng” cõng đủ thứ thuế, phí từ mỗi lít xăng?
Điều hành xăng dầu theo cơ chế thị trường là điều vẫn được các cơ quan quản lý nhắc đến như một nguyên tắc bất di bất dịch. Tiếc thay, đó là một thị trường nửa vời, có phần méo mó, khi chỉ một vài doanh nghiệp lớn chiếm tới 90% thị phần, chi phối toàn bộ thị trường, buộc người tiêu dùng vào tình thế “bắt sao nghe vậy”.
Chính bởi thế mới có lỗ hổng, khiến người tiêu dùng dễ dàng bị doanh nghiệp “móc túi’ tới hàng ngàn tỷ đồng nhưng không hề nhận được một lời xin lỗi cần thiết, cũng như không thể biết ai phải chịu trách nhiệm về những sai sót này.
Lâu nay, với quan chức, việc nhận trách nhiệm trước dân vẫn là điều không dễ, đặc biệt khi những người lẽ ra phải chịu trách nhiệm đã có cơ hội “đá quả bóng trách nhiệm” sang cho... cơ chế.
Nhưng thiết nghĩ, dù với tư cách cơ quan duy nhất được giao quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương không thể tự mình nhận trách nhiệm, thì cũng cần phải có câu trả lời trực diện hơn, rằng số tiền hơn 3.000 tỷ đồng đó sẽ được xử lý ra sao?
Người dân có thể không kỳ vọng đòi lại được số tiền đã bị “móc túi” một cách vô duyên cớ, nhưng ít nhất, họ cần được thấy một lối hành xử công khai, minh bạch, có trách nhiệm của các cơ quan công quyền với số tiền mồ hôi nước mắt của mình.
Tiếc thay, câu trả lời của Bộ Công thương lại khiến người dân hoàn toàn thất vọng.
Theo Danviet