Tiểu thuyết “Kiếp người” (Trung tướng Hữu Ước): Kiêu hãnh kể chuyện bước qua thị phi chốn quan trường

(Pháp lý) - “Không, mất chức anh mày cũng chơi. Danh dự còn hơn cả mạng sống em ạ”, “Cuộc đời cứ đơn giản đi một tý có phải hay hơn không?”… Đó chỉ là một số câu văn trong hàng nghìn câu văn ấn tượng như găm vào lòng bạn đọc trong bộ tiểu thuyết “Kiếp Người” do Trung tướng Hữu Ước viết.

Tiểu thuyết viết về đời thực

Nhiều người nói, đời Trung tướng Hữu Ước có gì, ông viết trọn trong 3 tập sách (Sống, Lửa, Lạnh) của bộ tiểu thuyết “Kiếp Người” xuất bản khi ông về hưu. Thế nhưng, khi được hỏi, Hữu Ước lại bảo: “Đó chỉ là 1/10 sự thật”. Quyển “Sống” được in trong tấm bìa màu đen tuyền, quyển “Lửa” màu xanh rêu, quyển “Lạnh” lại màu đỏ cam rực lửa đều mang ẩn ý của tác giả. Khác ở những cái tên bắt gặp trên đường đời, những địa danh, nhưng câu chuyện về cuộc đời của nhân vật Thanh Hữu trong tiểu thuyết và Hữu Ước ngoài đời lại như một.

image001

Đó là câu chuyện về Thanh Hữu, một Đại úy, Trưởng phòng của tờ báo Minh Anh trong ngành công an. Khi để Phóng viên điều tra để viết một bài báo bênh vực, minh oan cho các nạn nhân của một vụ bắt giữ trái pháp luật thì chính Thanh Hữu gặp nạn. Đích thân ông Chín, Thủ trưởng ngành ra lệnh bắt Thanh Hữu. Dù là một cán bộ trẻ có năng lực và nhiều mối quan hệ trong ngành nhưng Thanh Hữu vẫn không thoát khỏi lao tù. Anh bị giam ở Chí Hòa ba năm sau ba lần xét xử mới được minh oan và được trở lại ngành công tác. Từ dưới đáy của hàm oan và cuộc sống tù đày nhưng Thanh Hữu đã vượt qua sự nghiệt ngã của số phận để chiến đấu vươn lên, tồn tại. Khi làm lính thì mơ thành Tướng, khi làm Phóng viên thì mơ thành Tổng Biên tập, làm người thì mơ làm Anh hùng…

Sách của Hữu Ước không có lời giới thiệu, không có những lời ca tụng của bạn văn xếp ở trang đầu mà lại bắt đầu bằng biến cố lớn nhất đời người viết, cũng như nhân vật Thanh Hữu. Đó là khi đang là một trưởng phòng, đeo hàm Đại úy, còn rất trẻ ngành công an thì phải chịu cảnh tù tội. Ông nói: “Biến cố ấy làm thay đổi cuộc đời tôi nên nó khiến tôi ám ảnh. Mỗi khi nhớ đến biến cố ấy, tôi coi đó như là một thất bại, nhưng thất bại ấy không làm tôi ủy mị, cay đắng mà điều đó tạo cho tôi những bài học, làm tôi khôn lớn và trưởng thành lên. Tôi chưa bao giờ tự dằn vặt mình, tự trách đời tại sao lại thế? Tôi không gặm nhấm những thất bại, những nỗi buồn. Những thất bại, điều đau đớn, chỉ thoáng qua trong đời tôi rồi lại ào đi… Là một nhà văn, tôi coi đó như một chất liệu cho đời sống… Hiếm có người biết ơn thất bại, nhưng Thanh Hữu thì có.

Tự những biến cố của cuộc đời Thanh Hữu đã thu hút bạn đọc. Những trang văn vì thế thường đầy ắp những câu chuyện.

Trung tướng Hữu Ước cho rằng: “Trong văn chương thì tự câu chữ đã nói lên tất cả. Nếu có lời dẫn chuyện hay nhưng nội dung tác phẩm không ra gì thì cũng không thể thu hút bạn đọc. Tôi muốn văn mình chân thật, trần trụi và đến với trái tim bạn đọc. Văn chương không thể sáng choang, văn chương không phải là cây cảnh (chỉ để ngắm, không sâu bọ sám bén mảng). Tôi quan niệm văn học là cây đời. Cây đời có nghĩa là văn phải có sức sống, với đa dạng trạng thái, đa dạng sắc thái, đa dạng hình ảnh…”.

 Bộ 3 tiểu thuyết “Kiếp Người” của Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước
Bộ 3 tiểu thuyết “Kiếp Người” của Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước)

Nặng tâm tình chốn quan trường

Hữu Ước quan niệm viết văn là buông. Có thể bởi thế ông đắm say và chân thật trong văn chương của mình. Ông tâm tình trong văn những câu chuyện nhân tình, thế thái trong đó có không ít những đúc kết đáng suy ngẫm. Ở “Kiếp Người”, đọc những triết lý làm quan mà Thanh Hữu bộc lộ, những ai từng trải sẽ thấy rất thấm thía “một nửa đời người gắn bó với quan trường bây giờ hắn hiểu quyền lực là niềm vui bất tận và nó cũng nhọc nhằn, cay đắng, cực nhục lắm” hay “khi đã dấn thân vào nghiệp quan trường thì cuộc đời phải xác định nó giống như người làm xiếc trên dây, lúc nào cũng phải tròng trành, chênh vênh”. Những triết lý ấy dường như là tất cả những gì cô đọng trong đời quan trường của tác giả.

Cuốn sách của Hữu Ước nhắc đến những cuộc đụng chạm, va đập, những tranh giành ganh đua quyền lực, đấu đá của chính ông ở chốn quan trường. Những kỹ nghệ vượt “thế bí” ghi trong tiểu thuyết “Kiếp Người” đáng để ai quan tâm đến chốn quan trường lưu tâm. Có trường đoạn, bị đẩy vào đường cùng, có thể mất chức và mất danh dự. Thanh Hữu đã cư xử rất thông minh, trang văn mà đọc đến đây, người đọc đã phải bật cười, Thanh Hữu hay Hữu Ước quá “cao tay”.

“Hắn mang khẩu súng K59 ra bàn tháo băng đạn và lấy khăn lau chùi. Đang lau súng thì Như Thành bước vào, nó hỏi: - Anh lau súng làm gì, anh?

Mặt hắn lạnh tanh, vừa lau súng vừa nói: - Súng của ta lâu quá rồi không dùng nó han gỉ hết.

Rồi hắn lặng lẽ vào phòng ngủ lấy ra một chiếc gối, hắn đặt xuống đệm salon và bật lẫy cò khẩu súng ngắn, gí đầu súng vào chiếc gối bóp cò. Một tiếng nổ rất bé, khô khan vang lên…..

- Là ta thử súng xem đạn còn nổ không thôi. Súng của tao là để bắn vào tội ác”. Hắn - ở đây là Thanh Hữu – Tổng Biên Tập báo Minh Anh đã khéo léo dùng Như Thành – Phó Tổng Biên tập báo Minh Anh để bắn tin cho Hoàng nổ. Gỡ dần thế bí trong một tình huống khó, để ông thoát nạn đời.

Trong những trang tiểu thuyết, Thanh Hữu rất hào sảng với mọi người. Những anh em thân tín, những người được ông tin, yêu và tạo cơ hội rất nhiều. Thanh Hữu có cách cư xử lạ mà những người anh em gắn bó với ông đều quý mến. Đó là khi quân làm sai, ông thường không nặng về chê trách. Việc gì đã hỏng thì hỏng rồi. Ông chỉ lẳng lặng đi sửa cái sai sót ấy như cách để yêu thương, bao bọc cho anh em, cũng là cho mình cơ hội. Thế nhưng cũng bởi chốn quan trường quá nhiều thị phi nên đời Thanh Hữu nhọc nhằn, vất vả. Có người mình kính yêu nhưng lại chỉ tính “chơi mình”.

Lạ ngoài cuộc đời…

Không dễ để phân định tính cách, con người cũng như cách hành xử của Thanh Hữu trong trang tiểu thuyết và Hữu Ước ngoài đời thực. Tuy hai mà là một. Văn chương là cái tạo cho người viết cơ hội nhìn thẳng vào tâm hồn mình, ước mơ mình và những gì mình đã trải qua. Cuối đời, Hữu Ước tự nhận mình là người không biết dùng người. Trong mấy chục năm quan trường ông rất vất vả, đến cả khi về hưu ông vẫn “bị kiện”. Thế nhưng Hữu Ước vẫn vững lập trường “luôn dùng người tài”. “Tôi trân trọng những người có tài và có tâm trong sáng. Nhưng ở đời, người tài hay có tật bởi họ tài và thường nghĩ họ làm được nhiều việc và có quá nhiều tham vọng. Với tôi, tôi lấy mặt tích cực của người tài, cái xấu của họ thì tôi cảnh giác. Suốt cuộc đời mình, tôi bị nhiều người hại, nhưng nhờ cái tâm trong sáng của mình, tôi vượt qua và đứng vững”, Hữu Ước chia sẻ.

Hữu Ước là một người có phẩm chất lạ trước thị phi. Ông không quan tâm đến những thị phi. Làm nhiều việc nhưng ông là người không quan tâm đến mạng xã hội, đến gmail, đến youtube…Thế nên những đồn thổi, khen chê với ông cứ xa vời vợi. Với ông, hạnh phúc là được làm việc, được viết. Nếu không viết được gì, ông sẽ thấy buồn lắm!

 Tổng Biên tập Phạm Văn Miên và cán bộ Báo Công an Nhân dân tặng hoa chúc mừng nhà văn Hữu Ước tại buổi ra mắt tập 2 của bộ tiểu thuyết “Kiếp Người” (nguồn ảnh: cand.com.vn)
Tổng Biên tập Phạm Văn Miên và cán bộ Báo Công an Nhân dân tặng hoa chúc mừng nhà văn Hữu Ước tại buổi ra mắt tập 2 của bộ tiểu thuyết “Kiếp Người” (nguồn ảnh: cand.com.vn))

Hữu Ước là người dám làm những việc mà người khác không dám làm. Hữu Ước tranh đấu, cố gắng trong quá trình xây dựng các tờ báo ngành Công an, Truyền hình CAND, An ninh Thế giới… Với vô số trở ngại, thất bại nhưng ông vẫn làm. Hữu Ước tự hào: Tôi từng gặp thất bại, gặp trở ngại nhưng quan trọng hơn cả là tôi không mất ý chí. Tôi là người có chút may mắn của số phận nhưng không nhiều. Cả đời tôi phải chiến đấu… Tôi chiến đấu để bảo vệ những cái mình đã dựng lên, để không bao giờ khuất phục trước tội ác và không thỏa hiệp với cái xấu.

Nhiều người nói Hữu Ước là người kiêu căng. Hữu Ước cười lớn trước nhận định đó. Ông bảo ông là người đôi lúc có kiêu hãnh vì mọi thành quả đều phải trả giá bằng mồ hôi nước mắt và cả máu. Ông không bao giờ tin là khiêm tốn mà làm được những điều vĩ đại. Người khiêm tốn sẽ sợ nhiều việc lớn, thận trọng với nhiều việc lớn và không bao giờ có những ý nghĩ táo bạo để làm việc lớn đó. Ông dám nói, dám làm. Mấy chục năm làm Tổng Biên tập cả báo in, lẫn truyền hình thành công. Ông hoàn thành sứ mệnh của mình, có lòng đam mê nghệ thuật … “Tôi hoàn toàn có quyền kiêu hãnh với những việc tôi làm và cống hiến!”, ông nói vô tư và hào sảng.

Minh Hải

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin