Tiếp tục tháo gỡ rào cản pháp lý, kích hoạt thu hút đầu tư năm 2024

(Pháp lý). Năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam khoảng 5%, là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh tình hình chung toàn cầu rất khó khăn, giúp nền kinh tế nước ta vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên để năm 2024 có được kết quả ấn tượng hơn nữa, chúng ta cần tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý còn tồn tại, để kích hoạt thu hút đầu tư hiệu quả hơn.
1-1704258073.jpg

Tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ

Kinh tế khởi sắc và niềm tin thu hút đầu tư

Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 khoảng 5%, thấp hơn kế hoạch ban đầu, nhưng là mức khá cao so với khu vực và thế giới. Đặc biệt, cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại toàn cầu và cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.

Trong khi đó chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) được Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) khảo sát hàng quý ngày càng cải thiện (riêng trong quý III/2023, chỉ số niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam đã tăng lên từ mức 43,5 điểm của quý trước lên đến 45,1 điểm). Cùng với đó, mức độ bi quan về tình hình hiện tại đã giảm 3%, trong khi đó quan điểm tích cực và trung lập tăng lần lượt là 6% và 4%. Báo cáo của EuroCham cũng cho thấy, hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát dự đoán sẽ tăng cường đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (FDI) khi năm 2023 gần kết thúc.

Đáng chú ý, khảo sát của EuroCham cho thấy sức hấp dẫn đầu tư toàn cầu của Việt Nam vẫn mạnh mẽ. 63% doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào top 10 điểm đến FDI hàng đầu. Đặc biệt, 31% xếp Việt Nam vào top 3, trong đó con số ấn tượng là 16% ca ngợi Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu. Không chỉ các nhà đầu tư Châu Âu, nhiều nhà đầu tư Châu Á cũng đang dành sự quan tâm đặc biệt với môi trường đầu tư Việt Nam. Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới đây cũng cho thấy, tính đến ngày 20/12/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI) đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ.

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới. Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng "Ổn định". Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.

Kết quả đó không chỉ khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với chính sách kinh tế vĩ mô ổn định; môi trường đầu tư của Việt Nam thông thoáng, an toàn. Mặc dù đã đạt được những tín hiệu tích cực, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức, những thách thức này không chỉ đến từ bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực mà còn đến từ sự cạnh tranh gay gắt trong thu hút FDI giữa các quốc gia trên thế giới, trong đó có cả các quốc gia xuất khẩu đầu tư và quốc gia tiếp nhận FDI.

Còn đó những khó khăn, rào cản

Đối với doanh nghiệp trong nước, năm qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh; nhiều chính sách tài khoá, tiền tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đã được thực thi hiệu quả.

11 tháng năm 2023, cả nước có thêm 201.500 doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập, nhưng bên cạnh đó cũng có 158.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là một chỉ báo cho thấy “sức khỏe” của khu vực doanh nghiệp rất đáng quan tâm. “Sức khỏe” của một bộ phận doanh nghiệp suy yếu đã ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người lao động, tiềm ẩn khó khăn về an sinh và trật tự an toàn xã hội.

2-1704258080.jpg

Một số quy định của Luật Thuế TNDN, thuế GTGT đang làm khó doanh nghiệp

Tại Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn, chỉ ra 6 nguyên nhân khiến “sức khỏe” doanh nghiệp yếu, trong đó có nguyên nhân từ rào cản pháp lý. Ông Tuấn cho rằng: “Chất lượng các quy định pháp luật ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và sự hấp dẫn của môi trường đầu tư. Tuy nhiên qua khảo sát doanh nghiệp hàng năm PCI cho thấy, tính ổn định và khả năng dự đoán được pháp luật của Việt Nam tương đối thấp, trong cả giai đoạn ban hành pháp luật và thực thi pháp luật. Thời gian qua nổi lên vấn đề lạm dụng ban hành Thông tư, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật”.

Qua 2 lần sửa đổi, bổ sung, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy các lĩnh vực trong nền kinh tế phát triển theo định hướng ưu tiên, đặc biệt là quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách thuế TNDN đã phát sinh những bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt là với quy định mức suất thuế TNDN áp dụng “cào bằng” 20% là không công bằng đối với DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nếu không thay đổi thì loại hình DN này sẽ không lớn lên được. Trong khi đó số lượng DN nhỏ và siêu nhỏ (hộ gia đình) chiếm hơn 93% tổng số DN thành lập và đang hoạt động.

Liên quan đến Luật Thuế GTGT, vướng mắc lớn nhất là quy định về thủ tục hoàn thuế VAT bắt buộc truy xuất nguồn gốc đầu vào. Để thực hiện trong bối cảnh xảy ra nhiều DN gian lận trong thủ tục hoàn thuế, ngành Thuế phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính, dẫn tới làm chậm hoàn thuế tiền của doanh nghiệp.
Không chỉ vậy, có rất nhiều chi phí chồng lấn nhau khiến nhiều ngành hàng Việt Nam khó cạnh tranh (như phải thực hiện Luật Bảo vệ môi trường thông qua thực hiện trách nhiệm mở rộng với nhà sản xuất trong tái chế… ). Hay “một mặt chúng ta dành nhiều sức để có được việc giảm VAT 2%, nhưng mặt khác Bộ Tài chính lại đang bổ sung rất nhiều ngành hàng vào diện chịu thuế. Đây là chính sách không hợp lý”, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết.

Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều hành động quyết liệt, ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, trong đó đặc biệt là các chính sách tháo gỡ pháp lý cho các doanh nghiệp. Điển hình như: thành lập tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, rà soát tháo gỡ, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản, hàng loạt cơ chế chính sách như Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ thúc đẩy thị trường bất động sản, Nghị định 08/2023/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp… Kết quả, đã có những doanh nghiệp được tháo gỡ, tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp kêu khó, nhất là khó khăn vướng mắc về pháp lý các dự án.

Những rào cản phát sinh từ các quy định của pháp luật đang làm khó doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa và siêu nhỏ, đối tượng dễ bị tổn thương. Những rào cản đó đã làm gia tăng chi phí sản xuất và tiêu hao nguồn lực DN trong bối cảnh kinh doanh cực kỳ khó khăn (đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, tiếp cận vốn tín dụng khó khăn, lãi suất cao), do tác động tiêu cực từ nền kinh tế thế giới.

Tháo gỡ rào cản pháp lý, kích hoạt thu hút đầu tư

Để thu hút đầu tư cần có cơ chế, chính sách đột phá, để giúp DN tăng cường nội lực và vượt khó. Trong đó, ưu tiên tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư FDI, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng.

Đối với bất cập về quy định mức suất thuế TNDN 20% khiến các DNVVN “không lớn” lên được, thay vì áp dụng “cào bằng”, việc hoàn thiện Luật thuế TNDN cần tham khảo kinh nghiệm các nước trong khu vực (Thái Lan, Singapore, Indonesia…), áp dụng thuế suất ưu đãi với mức thấp hơn. Tương tự, những trở ngại trong việc hoàn thuế VAT, theo các chuyên gia, bên cạnh việc sử dụng đồng bộ công nghệ thông tin vào việc quản lý thu thuế, việc sửa Luật Thuế GTGT cần tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia đã vận dụng có hiệu quả: Chuyển số thuế GTGT chưa khấu trừ hết sang các kỳ tiếp theo (như Thái Lan, Bungari, Ba Lan, Chi Lê); bù trừ vào các nghĩa vụ thuế khác (như các nước thuộc khối Liên Xô cũ); yêu cầu kiểm toán trước khi hoàn thuế (Indonesia, Kenya)…

3-1704258080.jpg

Chính sách thu hút đầu tư, cần đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

 

Năm 2024, cần kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp FDI đang hoạt động khi phải thực hiện Thuế tối thiểu toàn cầu. Nghiên cứu bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu là nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Tiếp tục rà soát, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển. Lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hiệu quả công việc. Đặc biệt, cần loại bỏ hoàn toàn các chi phí không chính thức bởi đây là nút thắt cản trở dòng vốn đầu tư không chỉ của các doanh nghiệp FDI mà còn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Trong bối cảnh xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia có dấu hiệu chậm lại, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch; rà soát lại quy hoạch điện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư FDI có công nghệ tiên tiến, có khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia.

Có chính sách ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung vào các lĩnh vực: phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn… Ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu. Xây dựng cơ chế ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước. Rà soát toàn bộ các khu công nghiệp, trong đó có các khu công nghiệp cần ưu tiên mở rộng, xây mới, các khu công nghiệp cần thu hẹp. Công bố danh sách các khu công nghiệp có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng sẵn sàng để thu hút đầu tư…

Chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy. Chủ động kết nối, làm việc với các tập đoàn lớn của thế giới để trao đổi, chia sẻ các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Bài học thu hút đầu tư có hiệu quả của TP. Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Nội cho thấy, thay vì ngồi chờ nhà đầu tư đến với mình, lãnh đạo các địa phương này đã chủ động tiếp thị giới thiệu, xúc tiến đầu tư tại khu vực Châu Á, Châu Âu… Hay định kỳ tổ chức các buổi gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, chỉ đạo sở, ngành chuyên môn vận dụng các cơ chế chính sách hướng dẫn tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ nhà đầu tư. Qua đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng từ doanh nghiệp, nhà đầu tư để đồng hành, tìm giải pháp hỗ trợ, nhất là về các khung pháp lý, huy động nguồn vốn, đảm bảo tính khả thi đối với các dự án thu hút đầu tư.

Ông Đậu Anh Tuấn (Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI): “Để tiếp tục tăng sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh, Việt Nam cần phải tiến hành đồng thời nhiều giải pháp như tiếp tục nâng cao chất lượng hạ tầng, chất lượng nhân lực, thúc đẩy sản xuất công nghiệp nội địa... Trong đó, cần tập trung vào hai nhóm giải pháp chính: Giảm chi phí kinh doanh; cải cách chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật”.

Năm 2024, những thách thức do xung đột địa chính trị và sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nguy cơ lạm phát tại các thị trường chủ chốt của Việt Nam vẫn tiềm ẩn, thị trường trong nước còn yếu, đầu tư khu vực tư nhân chưa phục hồi… Tuy nhiên, từ điểm sáng của nền kinh tế và kết quả thu hút đầu tư trong năm 2023 sẽ là động lực cho DN vươn lên vượt “cơn gió ngược”, đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

VŨ LÊ MINH

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin