1. Thực trạng kinh doanh đa cấp ở Việt Nam hiện nay
Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới [1]. Theo đó kinh doanh đa cấp được thể hiện qua 3 đặc điểm chính như sau:
Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa được chính thức công nhận là mô hình kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam kể từ khi Luật Cạnh tranh 2004 ra đời. Đến năm 2016, trên cả nước có 67 doanh nghiệp bán hàng đa cấp, đến năm 2023 còn 20 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động. Tính riêng năm 2023: tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp là 768.283 người, tổng doanh thu ngành bán hàng đa cấp đạt khoảng 16.866 tỷ đồng, tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp đạt khoảng 5.846 tỷ đồng, tổng số thuế đã nộp về ngân sách nhà nước là khoảng 2.255 tỷ đồng [2]. Với cơ hội phát triển thu nhập linh hoạt và có nhiều tiềm năng, thời gian làm việc tự do... đã thu hút được lượng lớn người tham gia dẫn đến các mô hình kinh doanh đa cấp phát triển một cách ồ ạt theo chiều rộng trong khi hành lang pháp lý cho lĩnh vực này còn chưa hoàn thiện, chưa được kiểm soát chặt chẽ đã dẫn đến những biến tướng tiêu cực của kinh doanh đa cấp.
Để hạn chế những rủi ro và tiêu cực từ hoạt động kinh doanh đa cấp gây ra, Nhà nước đã có những chính sách riêng, đồng thời xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý đối với hoạt động kinh doanh đa cấp, cụ thể: Năm 2023, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó đã luật hóa các quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Năm 2024, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có các quy định về quản lý bán hàng đa cấp.
Thêm vào đó cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan khác nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng đã đem lại những kết quả tích cực cho thị trường kinh doanh đa cấp tại Việt Nam, cụ thể: Số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã được tập trung vào chất và loại bỏ những Doanh nghiệp đa cấp hoạt động không hiệu quả, vì vậy số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã giảm từ 67 doanh nghiệp vào năm 2016 đến năm 2024 chỉ còn 20 doanh nghiệp. Chỉ tính riêng năm 2023, Bộ Công Thương đã kiểm tra đối với 06 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính đối với 05 doanh nghiệp và 01 người tham gia bán hàng đa cấp với tổng số tiền 1 tỷ 115 triệu đồng. Thông tin xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp được công bố công khai trên trang web của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia – Bộ Công Thương [3].
2. Nhận diện thủ đoạn “biến tướng” vi phạm pháp luật của Doanh nghiệp kinh doanh đa cấp trong một số lĩnh vực
2.1. Lĩnh vực kinh doanh hàng hóa
Trong thời gian vừa qua, nhiều Doanh nghiệp tổ chức các hoạt động bán hàng đa cấp tại các khu vực nông thôn, vùng xâu, vùng xa, những nơi người dân thiếu hiểu biết, dễ bị lợi dụng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, thủ đoạn chính của các nhóm đối tượng này là đưa ra hình thức vừa quảng cáo tiếp thị, vừa tặng quà và rao bán các sản phẩm thông dụng như thiết bị, đồ dùng nội trợ, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ... với những món quà tặng, lời hứa “có cánh” khẳng định uy tín, chất lượng, sau đó lợi dụng lòng tham của người dân để tạo lòng tin và thu hút các nạn nhân tham gia, sau đó tiếp tục sử dụng những nạn nhân đầu tiên để lôi kéo những nạn nhân khác với những cam kết sẽ trả phúc lợi và thù lao hoa hồng cao. Các đối tượng nạn nhân chủ yếu bị nhắm đến là người lớn tuổi, phụ nữ nội trợ, các bạn trẻ sinh viên...
Ví dụ [4]: Vụ án xảy ra tại Công ty Liên Kết Việt: Theo đó Công ty Liên Kết Việt đã lợi dụng việc được cấp phép kinh doanh bán hàng đa cấp với hàng hóa do Công ty cổ phần tập đoàn thiết bị y tế BQP sản xuất, sau đó sử dụng thủ đoạn gian dối, tạo dựng và cung cấp thông tin sai lệch cho các bị hại về việc liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp, cơ quan uy tín của Bộ Quốc phòng để tạo lòng tin về hoạt động kinh doanh của Công ty Liên Kết Việt và Công ty BQP. Sau đó lôi kéo các bị hại bỏ tiền tham gia hệ thống kinh doanh đa cấp nhằm hưởng hoa hồng, tiền thưởng cao do chế độ trả thưởng, các chương trình khuyến mại trái pháp luật như. Các đối tượng đã đặt ra mô hình trả thưởng theo hình kim tự tháp, lấy tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước, từ tiền lôi kéo người tham gia mới, từ những khoản tiền của những người tham gia trong mạng lưới đa cấp của Công ty Liên Kết Việt mà không phải từ hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp. Hàng hóa bán hàng đa cấp là máy khử độc Ozone Advance great-13 và một số thực phẩm chức năng như: Ngũ Linh đông trùng hạ thảo, Bổ Não Vương, Dưỡng cốt vương, Sâm nhung đông trùng hạ thảo... Hậu quả là đến tháng 11/2015, mạng lưới đa cấp phát triển được 34 chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý tại 27 tỉnh, thành, lôi kéo được hơn 68.000 người tại 49 tỉnh, thành phố tham gia. Tổng cộng, số tiền đã bị lừa đảo chiếm đoạt lên đến hơn 1.121 tỷ đồng.
2.2. Lĩnh vực đầu tư, tài chính
Trong thời đại công nghệ số phát triển, các Doanh nghiệp nắm bắt và chuyển đổi phương thức kinh doanh rất nhanh để bắt kịp với xu thế. Trong đó, kinh doanh đa cấp biến tướng được các đối tượng phạm tội ứng dụng vào các giao dịch tài chính thông qua danh nghĩa đầu tư, huy động vốn không có thật. Nạn nhân chủ yếu là những người đã về hưu có nguồn tiền tiết kiệm, người trẻ tuổi muốn làm giàu nhanh hoặc những người có nguồn tiền nhàn rỗi muốn đầu tư kiếm lời... Với thủ đoạn chính là huy động vốn, mở bán gói đầu tư các dự án có yếu tố công nghệ như bán hàng thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến hay nhượng quyền kinh doanh thương hiệu hoặc mua hàng tích điểm... với cam kết lãi suất, lợi nhuận cao, hưởng cổ tức trọn đời, đồng thời liên tục tuyển người môi giới để mời gọi, lôi kéo thêm những nhà đầu tư mới tham gia và chi trả hoa hồng cao cho người giới thiệu dựa trên số tiền mà người chơi mới “đầu tư”. Tuy nhiên, mô típ thực chất của các đối tượng phạm tội chỉ là lấy tiền của người sau trả tiền cho người trước.
Ví dụ [5]: Đường dây huy động vốn theo mô hình đa cấp trái phép của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thời gian vàng (Gold Time Group) với gần 400.000 người bị lôi kéo tham gia với số tiền bị chiếm đoạt lên tới gần 900 tỷ đồng. Bằng việc huy động vốn dưới hình thức lôi kéo người tham gia mạng lưới thông qua việc tổ chức thường xuyên các cuộc hội thảo, quảng bá về mô hình đa cấp tại nhiều tỉnh, thành phố. Theo đó, điều kiện để tham gia mạng lưới là mỗi người phải nộp cho công ty 3 triệu đồng, gọi là mua phân quyền và được hưởng các quyền lợi mà công ty đưa ra bao gồm cả việc được hưởng cổ tức hàng tháng trọn đời và được trả hoa hồng cực lớn khi giới thiệu người khác tham gia. Qua công tác điều tra cho thấy, các đối tượng đã sử dụng tiền của các nhà đầu tư để nuôi bộ máy, chi hoa hồng, chia cổ tức hàng tháng và mua bất động sản mà không có dự án kinh doanh thật.
Hoạt động kinh doanh đa cấp đang có xu hướng chuyển sang các hình thức biến tướng, diễn biến ngày càng phức tạp .Ảnh minh hoạ.
2.3. Lĩnh vực đa cấp thông qua tiền ảo và mạng internet
Trong thời gian qua, việc đầu tư tiền ảo, tài sản ảo đã thu hút được nhiều sự quan tâm từ giới đầu tư. Lợi dụng sự tò mò, thiếu hiểu biết của các nhà đầu tư, các đối tượng tội phạm đã nhanh chóng xây dựng và điều hành, hoạt động các chương trình, ứng dụng ảo hoặc các sàn giao dịch tiền điện tử, tài sản điện tử không được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc quảng cáo giới thiệu hướng dẫn làm giàu trên các hội nhóm facebook, zalo, telegram… để thu hút, lôi kéo người chơi trên danh nghĩa là đầu tư thông qua đó lừa các nạn nhân nạp tiền vào các ứng dụng, trang web, nền tảng theo mô hình mạng lưới đa cấp với cam kết trả tiền lãi và trả thưởng môi giới “hậu lĩnh” cho người tham gia. Với mô hình tháp ảo, người đứng đầu hệ thống nằm ở đỉnh tháp, lợi dụng và bóc lột các thành viên khác ở đáy tháp để huy động tiền. Những thủ đoạn này thường chỉ hoạt động trong thời gian ngắn, khi thu được một số tiền lớn hay người tham gia không còn khả năng tài chính, không lôi kéo thêm được người mới tham gia… thì các đối tượng sẽ đánh sập các nền tảng, ứng dụng, hội nhóm để chiếm đoạt tài sản từ các nhà đầu tư.
Ví dụ [6]: Tháng 10/2024, Sở Công Thương Hà Nội đã đăng trên trang điện tử của Sở về hoạt động kinh doanh có dấu hiệu kinh doanh đa cấp, lừa đảo của Ví điện tử tự xưng có tên Payasian của Công ty cổ phần Payasian nhằm cảnh báo cho người dân không nên tham gia vào các hoạt động kinh doanh bất chính, lừa đảo. Theo đó, Ví điện tử này được quảng cáo có thể thanh toán được mọi loại tiền tệ trên thế giới, đổi tiền thật lấy tiền ảo nhận lãi suất khủng và đặc biệt đầu tư tiền ảo Paya không chịu sự rủi ro nào, chỉ có tăng giá và có thể tăng gấp 20 lần. Ngoài ra, các nhà đầu tư còn nhận thêm cả hoa hồng "khủng" nếu mời thêm được nhà đầu tư mới. Theo đó, cứ mời được những người đầu tiên thuộc F1 sẽ được 30% hoa hồng, mời được những người F2 sẽ được 20% số tiền bảo chứng của người sau, theo hình kim tự tháp. Tất cả hoa hồng đều chỉ được trả bằng tiền ảo. Chưa hết, nếu mời được người dùng và cài App ví điện tử Payasian thì sẽ được hưởng 1% doanh số giao dịch của người đó suốt đời. Tuy nhiên, trên thực tế, Công ty cổ phần Payasian chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Đồng thời, đối tượng kinh doanh đa cấp của Công ty này không thuộc đối tượng kinh doanh được cho phép theo Điều 4 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP. Như vậy, có thể thấy rằng các hoạt động thu hút đầu tư của Công ty Payasian là trái pháp luật, không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép cho hoạt động kinh doanh đa cấp.
Các hình thức biến tướng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo có xu hướng gia tăng. Ảnh minh họa
3. Một số lưu ý pháp lý cho Doanh nghiệp kinh doanh đa cấp
3.1. Điều kiện hoạt động
Căn cứ Điều 7 Nghị định 40/2018/NĐ-CP xác định các điều kiện phải đáp ứng đối với tổ chức, Doanh nghiệp kinh doanh đa cấp gồm:
Thứ nhất, là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và chưa từng bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Thứ hai, vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên.
Thứ ba, thành viên đối với công ty hợp danh, chủ sở hữu đối với doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên, cổ đông đối với công ty cổ phần, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không bao gồm tổ chức hoặc cá nhân từng giữ một trong các chức vụ nêu trên tại doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trong thời gian doanh nghiệp đó đang hoạt động bán hàng đa cấp.
Thứ tư, ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Thứ năm, có mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản rõ ràng, minh bạch.
Thứ sáu, có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp.
Thứ bảy, có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.
Thứ tám, đối với doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ sở hữu hoặc thành viên hoặc cổ đông, tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đó phải có thời gian hoạt động bán hàng đa cấp trong thực tế tối thiểu là 03 năm liên tục ở một nước, vùng lãnh thổ trên thế giới.
3.2. Các hành vi bị nghiêm cấm đối với Doanh nghiệp bán hàng đa cấp
Các Doanh nghiệp bán hàng đa cấm bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi dưới đây:
Thứ nhất, yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;
Thứ hai, yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp;
Thứ ba, cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó;
Thứ tư, từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng;
Thứ năm, cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
Thứ sáu, cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên, đào tạo viên tại hội nghị, hội thảo, đào tạo hoặc thông qua tài liệu của doanh nghiệp;
Thứ bảy, duy trì nhiều hơn một hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, vị trí kinh doanh đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp;
Thứ tám, thực hiện khuyến mại sử dụng mạng lưới gồm nhiều cấp, nhiều nhánh mà trong đó người tham gia chương trình khuyến mại có nhiều hơn một vị trí, mã số hoặc các hình thức tương đương khác;
Thứ chín, tổ chức các hoạt động trung gian thương mại theo quy định của pháp luật thương mại nhằm phục vụ cho việc duy trì, mở rộng và phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp;
Thứ mười, tiếp nhận hoặc chấp nhận đơn hoặc bất kỳ hình thức văn bản nào khác của người tham gia bán hàng đa cấp, trong đó, người tham gia bán hàng đa cấp tuyên bố từ bỏ một phần hoặc toàn bộ các quyền của mình theo quy định của Nghị định này hoặc cho phép doanh nghiệp không phải thực hiện nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định này;
Thứ mười một, không được phép kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với đối tượng không phải là hàng hóa. Hoặc hàng hóa là thuốc; thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản); thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và các loại hóa chất nguy hiểm. Hoặc sản phẩm nội dung thông tin số.
Thứ mười hai, không sử dụng hệ thống quản lý người tham gia bán hàng đa cấp đã đăng ký với cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp để quản lý người tham gia bán hàng đa cấp;
Thứ mười ba, mua bán hoặc chuyển giao mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp khác, trừ trường hợp mua lại, hợp nhất hoặc sáp nhập doanh nghiệp.
Thứ mười bốn, kinh doanh theo phương thức đa cấp, tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, giới thiệu về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp của mình hoặc của tổ chức, cá nhân khác khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Ảnh minh họa
3.3. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp
Căn cứ Điều 40 Nghị định 40/2018/NĐ-CP đã cụ thể hóa trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp như sau:
• Niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp các tài liệu gồm: Mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; Kế hoạch trả thưởng; Chương trình đào tạo cơ bản; Quy tắc hoạt động; 01 bản danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp của doanh nghiệp bao gồm các thông tin: Tên, chủng loại, xuất xứ, quy cách đóng gói, chế độ bảo hành (nếu có), giá bán và số điểm thưởng quy đổi tương ứng với giá bán, thời điểm áp dụng.
• Thực hiện đúng quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng đã đăng ký.
• Xây dựng, công bố giá bán của các hàng hóa được kinh doanh theo phương thức đa cấp và tuân thủ giá bán đã công bố.
• Xuất hóa đơn theo từng giao dịch bán hàng cho từng người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp và khách hàng mua hàng trực tiếp từ doanh nghiệp.
• Giám sát hoạt động của người tham gia bán hàng đa cấp để bảo đảm người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện đúng hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng của doanh nghiệp.
• Chịu trách nhiệm đối với hoạt động bán hàng đa cấp của người tham gia bán hàng đa cấp trong trường hợp các hoạt động đó được thực hiện tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc tại các hội nghị, hội thảo, đào tạo của doanh nghiệp.
• Khấu trừ tiền thuế thu nhập cá nhân của người tham gia bán hàng đa cấp để nộp vào ngân sách nhà nước trước khi chi trả hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác cho người tham gia bán hàng đa cấp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
• Vận hành hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp đúng với giải trình kỹ thuật khi đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, đảm bảo người tham gia bán hàng đa cấp có thể truy cập và truy xuất các thông tin cơ bản về hoạt động bán hàng đa cấp của họ.
• Vận hành và cập nhật thường xuyên trang thông tin điện tử bằng tiếng Việt để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp
• Vận hành hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp, bao gồm điện thoại, thư điện tử và địa chỉ tiếp nhận.
• Cung cấp quyền truy cập vào tài khoản quản lý hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
• Doanh nghiệp bán hàng đa cấp chịu trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan về điều kiện kinh doanh và lưu thông đối với hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.
• Đảm bảo tối thiểu 20% doanh thu bán hàng đa cấp trong một năm tài chính là doanh thu từ khách hàng không phải là người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp đó.
• Không cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; không cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh
3.4. Chế tài xử lý doanh nghiệp kinh doanh đa cấp trái phép
Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và duy trì sự công bằng trong kinh doanh, nhà nước đã ban hành các chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp. Những chế tài này không chỉ bao gồm các hình thức xử phạt hành chính mà còn có thể kéo theo trách nhiệm hình sự đối với những tổ chức lợi dụng mô hình đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Việc áp dụng các chế tài này nhằm răn đe và ngăn chặn tình trạng kinh doanh đa cấp trái phép, bảo đảm một môi trường kinh doanh lành mạnh và minh bạch.
Về xử lý hành chính: Căn cứ Điều 73 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Theo đó đối với doanh nghiệp vi phạm quy định về kinh doanh đa cấp sẽ phải chịu mức phạt từ 30 triệu đến 100 triệu đồng. Trường hợp doanh nghiệp thực hiện hành vi vi phạm trên phạm vi từ hai tỉnh trở lên, mức phạt có thể gấp đôi. Ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm còn bị buộc nộp lại lợi bất hợp pháp và cải chính thông tin sai lệch.
Về xử lý hình sự: Với sự biến tướng khó lường, liên tục thay đổi hành vi, phương thức thực hiện của các hoạt động kinh doanh đa cấp. Vì vậy, tùy từng diễn biến, cấu thành tội phạm của từng vụ việc thì cơ quan điều tra sẽ xác định hành vi đó thuộc nhóm tội phạm nào. Dựa trên thực tiễn, có thể thấy, các đối tượng lợi dụng mô hình đa cấp để vi phạm pháp luật có thể bị xử lý ở:
Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa c (Điều 217a BLHS) có mức phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm;
Hoặc bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS); hay tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290 BLHS) đều có khung hình phạt thấp nhất từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng 03 năm, và mức hình phạt cao nhất lên đến đến 12 - 20 năm, riêng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể vi phạm tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292 BLHS) với mức hình phạt thấp nhất là từ phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm và mức hình phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Đồng thời, người phạm tội còn có thẻ bị áp dụng các hình phạt bổ sung tương ứng như phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, bị tịch thu tài sản.
----------------------------
Tham khảo:
[1] Khoản 1 Điều 2 Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
[2] https://moit.gov.vn/tin-tuc/bao-chi-voi-nguoi-dan/bo-cong-thuong-tiep-tuc-quan-ly-chat-che-doi-voi-hoat-dong-ban-hang-da-cap.html
[3] https://moit.gov.vn/tin-tuc/bao-chi-voi-nguoi-dan/bo-cong-thuong-tiep-tuc-quan-ly-chat-che-doi-voi-hoat-dong-ban-hang-da-cap.html
[4] https://vtv.vn/kinh-te/mat-ngot-bi-nhan-tien-va-phai-nhan-tien-cua-lien-ket-viet-den-trai-dang-cua-68000-bi-hai-20201222115326041.htm
[5] https://vtv.vn/kinh-te/nhieu-cong-ty-nup-bong-kinh-doanh-da-cap-de-chiem-doat-tai-san-20200826195715661.htm
[6] https://vietnamnet.vn/canh-bao-chieu-tro-giang-bay-nguoi-dan-cua-kinh-doanh-da-cap-617729.html