Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá : Cần xem xét đến lộ trình và phương án phù hợp

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá không chỉ là một chính sách tài khóa, mà còn là động thái chiến lược với kỳ vọng giảm tỷ lệ hút thuốc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tăng nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, chính sách này cần nghiên cứu kĩ , xem xét lộ trình và phương án phù hợp
1-1734340271.jpg

Ảnh minh họa

Nên xem xét thận trọng

Bộ Tài chính, đơn vị trực tiếp đề xuất lộ trình tăng thuế, đưa ra hai phương án: Phương án 1 sẽ bổ sung 2.000 đồng/bao thuốc ở năm đầu tiên và tăng tịnh tiến 2.000 đồng/bao trong các năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng vào năm 2030; Phương án 2 áp dụng mức tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 3 năm kế tiếp và 2.000 đồng/bao năm 2030 để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030. Cả hai phương án này đều thấp hơn khuyến nghị của WHO, nhưng Bộ Tài chính cho rằng đây là mức tăng hợp lý để không gây “sốc” cho ngành công nghiệp và người tiêu dùng.

Tại buổi thảo luận ở Quốc hội về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) ngày 27/11, nhiều đại biểu cho rằng, những quy định của luật thuế nếu thay đổi thì sẽ có tác động rất lớn đối với xã hội, đối với người dân, đối với doanh nghiệp, vì vậy cần xem xét lại lộ trình cũng như đánh giá những tác động bao trùm.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nhất trí với chủ trương tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá vì đây là mặt hàng có hại cho sức khỏe, không khuyến khích sử dụng. Việc tăng thuế nhằm mục đích giảm nhu cầu sử dụng, tăng thu cho ngân sách nhà nước là cần thiết, phù hợp với Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá.

“Tuy nhiên, giống như nhiều đại biểu, tôi đề nghị cần xem xét thận trọng, căn cứ vào tình hình thực tiễn hiện nay của nước ta để cân nhắc, tính toán kỹ về mức tăng và lộ trình tăng phù hợp nhằm bảo đảm tính hiệu quả của chính sách và đạt được mục tiêu chúng ta đề ra”, ông Cường nói.

Theo ông Cường, tăng thuế ở mức cao hay còn gọi là tăng “sốc” sẽ đạt được mục tiêu giảm cầu nếu làm tốt công tác chống buôn lậu thuốc lá. Tuy nhiên, nếu chưa thể làm tốt công tác chống lậu thì hậu quả lại rất tai hại và mục tiêu giảm cầu không đạt được. 

Doanh nghiệp thuốc lá trong nước hầu hết là doanh nghiệp Nhà nước. Mức tăng thuế tuyệt đối tác động lớn nhất từ các sản phẩm thuốc lá phân khúc giá rẻ, giá trung bình mà chủ yếu là của các doanh nghiệp trong nước sẽ dẫn đến các doanh nghiệp này gặp khó khăn, thậm chí đóng cửa. Hiện nay, các doanh nghiệp này đóng góp 19.000 tỷ đồng/năm vào ngân sách nhà nước. Chỉ riêng Vinataba đã đứng thứ 6 trong 10 doanh nghiệp nhà nước nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam. Tất nhiên, chúng ta không đánh đổi lợi nhuận do thuốc lá mang lại với sức khỏe con người, với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nếu thuốc lá lậu phát triển thì ngân sách Nhà nước thất thu, nguồn lợi đó sẽ vào túi bọn buôn lậu trong khi chúng ta vẫn không đạt được mục tiêu giảm cầu, rủi ro cho sức khỏe người dung từ các sản phẩm nhập lậu là rất lớn vì không được kiểm soát chất lượng, không có cảnh báo sức khỏe cũng như không tuân thủ bất kỳ tiêu chuẩn nào ... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước sẽ khó khăn, đóng cửa, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm, thu nhập của hơn 10.000 lao động tại các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá và 90.000 nông dân trồng nguyên liệu thuốc lá. Chưa kể đến buôn lậu thuốc lá gia tăng sẽ dẫn đến hình thành các băng đảng tội phạm gây mất an ninh, trật tự, v.v.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp của Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng ngành công nghiệp thuốc lá hiện đang tạo việc làm cho hơn 100.000 lao động và một số tỉnh có sự phụ thuộc nhất định vào trồng cây thuốc lá. “Tăng thuế quá nhanh có thể gây xáo trộn, ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của nhiều người dân nông thôn,” ông nói. Cân nhắc này không hề thừa, bởi nếu tăng thuế mà không có lộ trình hợp lý, tác động ngược lại sẽ đẩy người tiêu dùng sang các nguồn cung cấp phi pháp, như thuốc lá nhập lậu.

Xem xét đến lộ trình và phương án phù hợp

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt không nên là công cụ quan trọng nhất để giải quyết những vấn đề liên quan đến sức khỏe hay môi trường. Theo ông An, việc tăng thuế đối với thuốc lá là cần thiết, nhưng cần xem xét phương pháp tính thuế sao cho hiệu quả. Ông phân tích theo lộ trình trước đây, thuế tăng 5% trong vòng 3 năm, doanh nghiệp thuốc lá và người dân liên quan đến sản xuất các mặt hàng này có thể đáp ứng được và có thể nói tạo nên một lộ trình phù hợp. Hiện nay, với đề xuất mới từ Bộ Tài chính, đó là phương pháp tính trên thuế suất 75% cộng với mức thuế tuyệt đối tăng cao hàng năm trong vòng 4 năm là mức tăng sốc. 

“Vì vậy tôi đề nghị phải cân nhắc lại lộ trình cho hợp lý để chúng ta vừa thu được ngân sách, vừa bảo đảm cho doanh nghiệp có môi trường hoạt động, vừa không ảnh hưởng đến người dân làm trong lĩnh vực nông nghiệp và đặc biệt tránh kích thích cho buôn lậu, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự”, đại biểu An cho hay.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) đề xuất lộ trình và mức tăng thuế cần phải được căn cứ vào tình hình thực tế của ngành sản xuất, chuỗi cung ứng nguyên liệu và nhu cầu tiêu dùng. 

Nếu việc tăng thuế quá cao và đột ngột có thể gây tác dụng ngược như sản xuất sụt giảm, hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu gia tăng, không hạn chế được tiêu dùng, thất thu thuế cho ngân sách nhà nước. 

Đại biểu Kim Anh phân tích đối với sản phẩm thuốc lá điếu, đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối cộng thêm áp dụng cả 2 phương án do Chính phủ trình đều là 10.000 đồng một bao, như vậy mức thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tăng thêm khoảng 42% ở phương án 1 và hơn 100% ở phương án 2. 

“Việc tăng thuế đột ngột vào năm 2026 có thể làm giá bán sản phẩm tăng cao, trong khi nhu cầu tiêu dùng không thể giảm ngay với thời gian tăng thuế. Việc tăng thuế đột ngột như trên có nguy cơ dẫn đến tình trạng nhập lậu, trốn thuế gia tăng”, đại biểu Kim Anh cho hay. Bà cho biết thêm hệ lụy của việc thuế tăng cao khiến sản xuất giảm, vùng trồng nguyên liệu bị thu hẹp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động, người nông dân có hoạt động liên quan đến ngành sản xuất thuốc lá, ảnh hưởng đến an ninh biên giới, thu ngân sách giảm. 

Trong một cuộc Tọa đàm tổ chức mới đây, ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, nhấn mạnh việc tăng thuế đột ngột có thể gây bất ổn trong ngành, đặc biệt khi giá thuốc lá hợp pháp tăng mạnh sẽ thúc đẩy buôn lậu thuốc lá tăng phi mã.

“Chúng tôi cho rằng phương án tăng thuế phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay là áp dụng phương pháp hỗn hợp với lộ trình tăng dần. Hiệp hội đề xuất tăng 2.000 đồng vào năm 2026, 2.000 đồng vào năm 2028 và thêm 2.000 đồng vào năm 2030, nhằm tạo ra một lộ trình phù hợp giúp giảm thiểu tác động tiêu cực tới ngành và thị trường”.

PV

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin