Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Người luôn trăn trở về một Quốc hội chuyên nghiệp

27/02/2018 11:18

(Pháp lý) - Về hưu được gần 2 năm, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng đã kịp ra mắt cuốn sách “Bàn về Quốc hội và những thách thức của khái niệm”. Ngoài ra, ông còn làm giảng viên thỉnh giảng dạy kiến thức thực tế cho các sinh viên ở các trường đại học quốc tế, tư vấn chính sách và miệt mài dõi theo nhiều hoạt động của Quốc hội. Trong cuộc trò chuyện đầu Xuân với Phóng viên Pháp lý, những vấn đề thực tiễn nghị trường lại được vị trí thức am tường tận tâm đúc rút và chia sẻ.

 Cuốn sách “Bàn về Quốc hội và những thách thức của khái niệm”- tác giả Nguyễn Sĩ Dũng
Cuốn sách “Bàn về Quốc hội và những thách thức của khái niệm”- tác giả Nguyễn Sĩ Dũng)

Chia sẻ những khái niệm khó một cách dễ hiểu

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng từng có gần 30 năm gắn bó máu thịt với Quốc hội. Ông bảo rằng: “Sự thành công và đổi mới của Quốc hội gắn với sự thành công, vui sướng của đời tôi. Được về làm cho Quốc hội là một may mắn lớn đối với cá nhân tôi, sự may mắn còn lớn hơn gấp bội. Lý do là vì tôi được phân công những mảng việc rất khai sáng và thú vị. Được phân công phụ trách hợp tác Quốc tế, tôi có điều kiện để tiếp cận với nguồn tri thức và tư tưởng dồi dào về nghị viện và quản trị Quốc gia của các nước trên thế giới. Được phân công phụ trách nghiên cứu khoa học, tôi có điều kiện tìm hiểu đến cội nguồn nhiều vấn đề phức tạp và chuyên sâu của nghị viện và khoa học lập pháp. Được phân công phụ trách Công nghệ thông tin , tôi đã có được công cụ tìm kiếm thông tin, trí thức hiệu năng, mọi lúc, mọi nơi để nâng cao trình độ…”. TS. Nguyễn Sỹ Dũng chia sẻ.

Lật từng trang sách là tâm huyết của một cựu nghị sĩ Quốc hội, người đọc có thể tìm thấy những khái niệm lý thú. Ông đưa ra vấn đề: “Lâu nay, chúng ta vẫn hiểu cơ quan lập pháp là cơ quan làm luật. Quyền lập pháp là quyền làm luật. Quốc hội nắm quyền lập pháp thì Quốc hội làm luật. Chính phủ nắm quyền hành pháp thì chính phủ thi hành pháp luật. Đây là cách hiểu chắc chắn như được “đổ bằng bê tông” của lô gich hình thức…”. Từ cách nêu vấn đề đó, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng: “Nếu hiểu như vậy thì chúng ta chỉ có thể thiết kế ra một nền quản trị quốc gia bế tắc và thiếu động lực”.

Từ đó, tác giả đề cập: “Trong quan niệm của thế giới, quyền lập pháp là quyền thông qua các dự luật chứ không phải là quyền làm luật… Về bản chất, lập pháp là hoạt động sáng tạo ra các văn bản quy phạm pháp luật. Đây là quá trình tương tác giữa lập pháp và hành pháp, giữa Quốc hội và Chính phủ để làm ra các đạo luật”.

Khi tâm sự về việc viết sách, ông nói mình viết sách cho những lãnh đạo Quốc hội, ĐBQH, ĐB HĐND và cả những cử tri phổ thông. Đặc biệt, trong hoàn cảnh thiếu hụt những cuốn sách phổ biến kiến thức về các thiết chế nhà nước cho bạn đọc phổ thông với suy tư: Mọi bạn đọc phổ thông đều là những cử tri. Cử tri lại là phần cấu thành quan trọng hơn của một nền dân chủ đại diện. Sự hiểu biết là nền tảng để cử tri có thể tự tin và tích cực tham gia vận hành nền dân chủ đại diện. Điều này sẽ giúp tạo ra động lực và cả áp lực nữa để Quốc hội có thể vận hành hiệu quả và vì lợi ích của nhân dân.

Chính vì thế, ông mô tả dễ hiểu về quyền lập pháp: Chuyện làm luật cũng giống như chuyện xây nhà. Có cơ quan thiết kế thì có cơ quan thẩm định; có cơ quan thi công thì có cơ quan giám sát. Trong mối tương quan như vậy, Chính phủ là cơ quan thiết kế và thi công; Quốc hội là cơ quan thẩm định và giám sát. Chính phủ hoạch định chính sách lập pháp, soạn thảo thành dự luật rồi trình ra Quốc hội. Quốc hội thẩm định dự luật. Đồng ý, thì Quốc hội thông qua. Như vậy nói Quốc hội nắm quyền lập pháp, thì có nghĩa là Quốc hội có thông qua mới thành luật, Quốc hội không thông qua thì không thành luật.

 TS. Nguyễn Sĩ Dũng trao đổi với Phóng viên Pháp lý
TS. Nguyễn Sĩ Dũng trao đổi với Phóng viên Pháp lý)

Từ nhận xét đến hiến kế…

Khi bàn về chức năng giám sát của Quốc hội, tác giả viết: Với những phiên chất vấn nóng bỏng, việc triển khai chức năng giám sát của Quốc hội nước ta trong thời gian qua đã gây được ấn tượng mạnh và được đánh giá rất cao. Mặc dù vẫn còn có những ý kiến cho rằng cần phải nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động giám sát, song xét từ góc độ đảm bảo trách nhiệm giải trình của Chính phủ, những gì Quốc hội làm được là rất to lớn, thậm chí không kém gì chuẩn mực của thế giới. Sở dĩ vẫn còn những đánh giá khác nhau về hoạt động giám sát là vì vẫn còn những vấn đề về khái niệm rất lớn ở đây.

Tác giả cho rằng, ở nước ta phạm vi giám sát của Quốc hội là quá rộng lớn. Quốc hội giám sát Chủ tịch nước, giám sát tòa án (dễ ảnh hưởng đến công lý, vì tòa án có xu hướng xử vừa lòng Quốc hội chứ không còn vô tư phụng sự công lý), giám sát chính quyền địa phương (dễ chồng chéo với giám sát của HĐND). Đồng thời nội dung giám sát có quá nhiều. Quốc hội khó có đủ thời gian và nguồn lực để có thể triển khai hiệu quả chức năng này. Theo khái niệm chuẩn của thế giới thì Quốc hội chỉ giám sát Chính phủ. Chức năng giám sát của Quốc hội ở đây được hiểu như là quyền lập pháp kiểm soát quyền hành pháp. Hiểu đúng như vậy thì mới có thể triển khai hoạt động giám sát hiệu quả được.

Một vấn đề được cử tri và nhiều ĐBQH đặc biệt quan tâm đó là chế tài và công cụ giám sát. Trên thực tế, có nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải áp đặt chế tài pháp lý nghiêm khắc để khắc phục những vấn đề mà Quốc hội đã giám sát. Trong vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng có quan điểm riêng: Hoạt động giám sát không có hậu quả pháp lý, hoạt động giám sát chỉ có hậu quả chính trị. Bởi Quốc hội là thiết chế chính trị nên hoạt động giám sát chỉ có thể dẫn đến hậu quả chính trị. Cụ thể, Quốc hội có thể khen, có thể chê và có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm. Không nhắc nhiều về lịch sử, cuốn sách đi thẳng vào những hạn chế, khái niệm trong vận hành Quốc hội, biện giải cặn kẽ, đưa ra khái niệm chuẩn mực hơn rồi hiến kế đổi mới. Khi được hỏi, về nhiều điểm “thuần chê” trong cuốn sách của mình, TS. Nguyễn Sĩ Dũng giãi bãy: Thực tế thì cuốn sách của tôi có khen, có chê. Tôi nhận thấy nhiều đổi mới của Quốc hội và có đánh giá trong cuốn sách. Trong Quốc hội hiện nay, Quốc hội hoạt động ngày càng hiệu quả và thực quyền, hoạt động lập pháp được tăng cường. Dân chủ được mở rộng … Trong cuốn sách, tôi có những lý giải so sánh để thấy những khái niệm được đưa vào Quốc hội có vấn đề. Tôi nêu vấn đề, trước đà của những đổi mới của Quốc hội, nếu lãnh đạo Quốc hội, ĐBQH nhận thức được các vấn đề thì tổ chức công việc của Quốc hội tốt hơn thì nền quản trị quốc gia cũng sẽ tốt hơn.

Chất lượng Đại biểu Quốc hội: Đôi điều suy nghĩ

Nhiều năm được phân công viết các đề tài gắn với Nghị trường, một số lần có dịp may được gặp và trò chuyện với TS. Nguyễn Sĩ Dũng đều là những cơ hội lý thú với những Phóng viên trẻ như chúng tôi. Mỗi lần gặp là thấy ông mang ngồn ngộn thông tin, trăn trở và cả những nhận xét sắc sảo mà thành thực của một người có chiều sâu trong các kiến thức chuyên môn. Trong ấy, luôn có những trăn trở để hướng tới một nền quản trị quốc gia tiến bộ.

Quốc hội khóa XIV đã qua được 4 kỳ họp. Có ý kiến cho rằng, hoạt động của Quốc hội bài bản hơn. Tại Nghị trường, không khí tranh luận của các đại biểu ngày càng sôi nổi. Là người theo dõi hoạt động của Quốc hội, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng: Thực chất là bây giờ các ĐBQH năng động hơn, số lượng đại biểu đăng kí phát biểu nhiều. Qua đó có thể thấy trình độ của ĐBQH đã được nâng lên. Hầu hết các phiên họp chính thức tại Nghị trường được truyền hình trực tiếp, nếu ĐBQH được cử tri bầu ra, trong suốt 5 năm ngồi tại Quốc hội mà không phát biểu thì có thể sẽ gặp phải sự phản ứng của cử tri “bầu ra mà không làm gì cho cử tri”. Đại biểu mà phát biểu sẽ được cử tri biết, xã hội ghi nhận. Hiệu quả đó có sự khuyến khích của truyền thông.

Sự gai góc của vị trí thức này thể hiện ngay sau khi nêu những nét tích cực và phản biện. Ông cho rằng: Ngay trong phát biểu của ĐQBH cũng tồn tại những vấn đề do hạn chế thuộc về tính đại diện của ĐB (ĐB đại diện cho tỉnh - PV). Khi ĐB phát biểu về kinh tế xã hội, ĐB thường chỉ phát biểu vấn đề của tỉnh nhiều, mà ít đề cập đến vấn đề quốc gia. Hoặc khi đề cập đến vấn đề của quốc gia lại ít có thời gian thảo luận.

Quá trình giơ biển xin tranh luận cũng tồn tại những vấn đề. Còn nhớ, Quốc hội vừa rồi, khi ĐBQH Nguyễn Sĩ Cương nêu vấn đề của địa phương, nhiều đại biểu của địa phương lập tức đưa ra ý kiến tranh luận. Hiện thủ tục không chặt nên không rõ ràng, ĐB tranh luận với quan điểm của Chính phủ hay tranh luận nhau? Nếu phản biện lại quan điểm của Chính phủ thì để giám sát Chính phủ, còn phản biện lại nhau thì e rằng không có thời gian?

Theo dõi hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội, Chính phủ đã tiếp thu, trân trọng hơn các ý kiến của ĐBQH. Thái độ của Thủ tướng khiêm nhường, chia sẻ với ý kiến của từng ĐBQH chất vấn. TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, đó là những cố gắng đáng ghi nhận. Nhưng theo vị Tiến sĩ này thì cần lắm sự thực chất, tránh những biểu hiện hình thức trong hỏi và trả lời thì sẽ thuyết phục được những cử tri khó tính hơn.

 TS. Nguyễn Sĩ Dũng (bên trái) chia sẻ tại buổi Tọa đàm và ra mắt cuốn sách "Bàn về Quốc hội và những thách thức của khái niệm" (nguồn ảnh: nguoiduatin.vn)
TS. Nguyễn Sĩ Dũng (bên trái) chia sẻ tại buổi Tọa đàm và ra mắt cuốn sách "Bàn về Quốc hội và những thách thức của khái niệm" (nguồn ảnh: nguoiduatin.vn))

Hướng tới một Quốc hội chuyên nghiệp

Hướng tới một Quốc hội đổi mới, hoạt động thực chất hơn là mong mỏi của mọi cử tri. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, quá trình này gặp trở ngại lớn về nhận thức trong những khái niệm về chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của Quốc hội. Ngay trong phần mở đầu cuốn sách, TS. Nguyễn Sĩ Dũng đã đưa ra quan điểm: Đổi mới không phải là đại lộ phẳng phiu và thẳng tắp. Có biết bao khó khăn, thách thức trong quá trình đổi mới Quốc hội! Khó khăn thách thức đến không chỉ và không hẳn vì sự thiếu hụt ý chí mà còn có khi cả từ sự thiếu hụt kiến thức. Chính sự thiếu hụt kiến thức đã làm cho hệ thống khái niệm bị hiểu méo mó đi hoặc không đủ sáng tỏ để dẫn dắt hành động. Cả hai điều đó đều ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của việc vận hành Quốc hội và quyền lực lập pháp.

Cuốn sách của TS. Nguyễn Sĩ Dũng có một phần quan trọng, đó là phần đúc “hướng tới một Quốc hội chuyên nghiệp”. Ông định nghĩa: Chuyên nghiệp là chuyên làm một việc gì đó như cái nghiệp của đời mình. Ba yếu tố cấu thành tính chuyên nghiệp là chuyên tâm làm một việc, yêu thích việc đang chuyên tâm làm; làm tốt việc đang chuyên tâm làm.

Ông đưa ra chiêm nghiệm, hướng tới một Quốc hội chuyên nghiệp là Quốc hội có nhiều đại biểu chuyên trách, đam mê công việc Quốc hội, có kỹ năng sử dụng quyền của đại biểu (sự hiểu biết của đại biểu về quy trình, thủ tục và kỹ năng sử dụng các quyền năng của Đại biểu để thúc đẩy chính sách, giám sát Chính phủ, giải quyết yêu cầu của cử tri ở đơn vị bầu cử).… Những chính khách giỏi là những người biết cách đưa vào nghị trình ưu tiên xử lý các vấn đề quan trọng và cấp bách của đất nước.

Phan Phan

Bạn đang đọc bài viết "Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng: Người luôn trăn trở về một Quốc hội chuyên nghiệp" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin