Tịch thu tài sản bất minh... khi chưa có bản án hình sự?

17/10/2016 09:54

(Pháp lý) - Tài sản lớn không chứng minh được nguồn gốc là tài sản bất minh và có thể bị tịch thu bằng khởi kiện dân sự khi chưa có bản án hình sự. Đó là một trong những định hướng, đề xuất được nhiều người ủng hộ khi sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Thực tế nhức nhối

Chắc hẳn dư luận còn nhớ về một việc xảy ra chưa lâu, cụ thể: Ông Bùi Thanh Tùng là con trai của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Bùi Thanh Quyến. Đến thời điểm bị dư luận biết đến, ông Bùi Thanh Tùng chỉ là lãnh đạo cấp phòng nhỏ, nhưng lại là chủ sở hữu của khu vườn thượng uyển diện tích 4.152 m2, trị giá lớn gây xôn xao dư luận. Đó là công trình “sinh thái” đồ sộ và quy mô. Những hòn non bộ hoành tráng, những cây cảnh “khủng”, những nét điêu khắc tinh xảo tỉ mỉ.

Căn biệt thự của ông Võ Kim Cự được xây dựng trên diện tích hàng trăm m2 nằm ngay trung tâm TP Hà Tĩnh
Căn biệt thự của ông Võ Kim Cự được xây dựng trên diện tích hàng trăm m2 nằm ngay trung tâm TP Hà Tĩnh)

Người ta đã định giá khu vườn này lên tới nhiều tỉ đồng. Dư luận đặt câu hỏi, ông Tùng còn trẻ, cũng chỉ làm đến chức cán bộ cấp phòng mà vì sao ông Tùng lại có nhiều tài sản đến vậy? Trước đó, dư luận cũng xôn xao, các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc làm rõ những khối tài sản của nguyên Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền (khi về hưu mới lộ ra).

Hay mới đây, khối tài sản của ông Võ Kim Cự, một quan chức (nguyên Bí thư tỉnh Hà Tĩnh) cũng bị dư luận chú ý vì ông này liên quan đến cấp phép dự án Formosa. Ông này có một căn biệt thự hoành tráng tại Trung tâm thành phố Hà Tĩnh. Theo một thông tin đăng tải trên một báo điện tử thì một người dân ở đối diện cho biết, căn biệt thự trên được xây dựng từ trước năm 2010, sau đó thì tiếp tục được cơi nới, tu bổ thêm, tiến tới hoàn thiện theo phong cách biệt thự đời mới, bên ngoài có kiến trúc phương tây, bên trong có nhiều loại gỗ quý, đá quý giá trị. Nhiều người dân dù ở sát bên cạnh biệt thự cũng hiếm khi được vào bên trong, luôn “cửa đóng then cài”. Khách ra vào nhà gia chủ Võ Kim Cự đa phần là cán bộ địa phương và các doanh nghiệp lớn trên cả nước. Nhìn căn biệt thự không ít người bàn tán xì xào và đặt câu hỏi ông Cự làm “công bộc” của dân thì lấy đâu ra tiền xây được nhà to thế, lại ở ngay khu “đất vàng” tại TP Hà Tĩnh?

Gần đây nhất, dư luận xôn xao về khối tài sản của một nữ trưởng phòng quản lý nhà của Sở Xây dựng Thanh Hóa. Bà này sinh năm 1986 nhưng theo dư luận phản ánh là đã có một khối tài sản khổng lồ. Cụ thể dư luận phản ánh bà có nhiều biệt thự sang trọng ở Khu đô thị Bình Minh, Khu du lịch FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa), quận Thanh Xuân (Hà Nội), một quần thể sân tennis ở Đồng Chiệc (TP Thanh Hóa), nhiều ô tô hạng sang... Tuy nhiên thực hư đến đâu chưa có cơ quan nào có trách nhiệm vào cuộc kiểm chứng thông tin này.

Một thực tế rõ như ban ngày là hiện nay quan chức ở ta lương thấp nhưng tài sản của không ít quan chức thì lại khổng lồ. Ông Trần Đức Thuận - Nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội cũng từng nêu thực tế: Việt Nam, có những người sở hữu khối tài sản hàng trăm, nghìn tỷ đồng. Ông Thuận dẫn ra thực tế, ngay ở trong Văn phòng Quốc hội, trước đây từng nghe có người mua nhà trị giá gần 100 tỷ đồng. Nếu cứ thuận theo lẽ tự nhiên, dư luận sẽ đặt câu hỏi, tiền ở đâu ra mà tài sản có tới trăm tỉ, trong khi lương thì ở mức “chết đói”?

Dù là thực tế hay các thông tin công khai trên dư luận, mạng xã hội và báo chí phản ánh, nhưng có một vấn đề đặt ra là hiện nay rất hiếm có cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ và chưa có một chế tài cụ thể để xử lý hiện tượng cán bộ, công chức giàu bất thường ?

Công ước quốc tế về PCTN

Công ước Quốc tế về PCTN có khuyến cáo các Quốc gia thành viên về vấn đề tài sản của cán bộ hay quan chức. Theo đó, công ước này có quy định về tịch thu khi chưa có bản án hình sự. Điều 53 của Công ước khuyến cáo về các biện pháp thu hồi tài sản trực tiếp. Theo đó, mỗi quốc gia thành viên, căn cứ vào pháp luật quốc gia, sẽ: (a) tiến hành các biện pháp cần thiết cho phép quốc gia thành viên khác khởi kiện vụ án dân sự tại toà án để xác định quyền hay quyền sở hữu đối với tài sản có được qua việc thực hiện các tội được quy định trong Công ước này; (b) tiến hành các biện pháp cần thiết cho phép toà án của mình yêu cầu người thực hiện tội phạm được quy định trong Công ước này phải bồi thường, đền bù cho quốc gia thành viên khác đã chịu thiệt hại từ tội phạm đó; và(c) tiến hành các biện pháp cần thiết cho phép toà án hay các cơ quan chức năng của mình khi ra quyết định tịch thu công nhận quốc gia thành viên có yêu cầu là chủ sở hữu hợp pháp của tài sản có được do phạm tội được quy định trong Công ước này.

Thu hồi các tài sản bất minh bằng bản án dân sự là một trong những cách thức được cho là sẽ góp phần PCTN hiệu quả (ảnh minh họa)
Thu hồi các tài sản bất minh bằng bản án dân sự là một trong những cách thức được cho là sẽ góp phần PCTN hiệu quả (ảnh minh họa))

Đồng thời khi tài sản có yếu tố quốc tế, thì có cơ chế thu hồi tài sản thông qua hợp tác quốc tế trong việc tịch thu (tại điều 54). (a) tiến hành các biện pháp cần thiết để cho phép các cơ quan có thẩm quyền công nhận hiệu lực thi hành đối với lệnh tịch thu được đưa ra bởi quốc gia thành viên khác;(b) tiến hành các biện pháp cần thiết để cho phép các cơ quan có thẩm quyền, trong phạm vi quyền tài phán, ra lệnh tịch thu tài sản có nguồn gốc nước ngoài theo phán quyết đối với tội phạm rửa tiền hoặc các tội phạm khác thuộc thẩm quyền xét xử của các cơ quan này, hay theo các thủ tục khác được quy định trong pháp luật nước mình; (c) Xem xét tiến hành các biện pháp cần thiết cho phép tịch thu tài sản mà chưa có bản án hình sự trong trường hợp không thể truy tố người vi phạm vì lý do người này đã chết, lẩn trốn hoặc vắng mặt, hoặc trong các trường hợp thích hợp khác.

Đây là những quy định tiến bộ đáng lưu tâm cho hoạt động PCTN ở Việt Nam.

Gợi ý cho Việt Nam

Trở lại bối cảnh PCTN hiện nay của Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng muốn PCTN hiệu quả thì việc kiểm soát được tài sản quan chức cần được đề cao, nhất là cần phải làm rõ tài sản bất minh của quan chức, không giải trình được cần tịch thu. Một yêu cầu bức thiết khác khi sửa luật là phải phù hợp với Công ước Quốc tế về PCTN.

Thanh tra Chính phủ là cơ quan soạn thảo dự án Luật PCTN sửa đổi. Cơ quan này đã kịp thời thể chế và bổ sung để xin ý kiến vào dự thảo Luật PCTN, 3 phương án để xử lý đối với tài sản có dấu hiệu bất minh. Cụ thể;

Phương án thứ nhất: Xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý theo hướng, qua kết quả xác minh nếu có kết luận tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai thì cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm yêu cầu cơ quan quản lý thuế xem xét, truy thu thuế nếu người có nghĩa vụ kê khai giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc của phần tài sản, thu nhập chênh lệch. Cơ quan có chức năng PCTN khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án cấp có thẩm quyền để phán quyết về quyền sở hữu đối với phần tài sản, thu nhập chênh lệch nếu không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc của phần tài sản thu nhập tăng thêm.

Phương án thứ 2: Chỉ khi có bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, có hành vi tham nhũng thì mới được thu hồi tài sản bất minh.

Phương án thứ 3: Tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý phải được thu hồi ngay mà không cần thông qua bản án, không cần thông qua phương thức khởi kiện dân sự.

Có nhiều ý kiến ủng hộ phương thức khởi kiện dân sự (phương án 1) để thu hồi tài sản bất minh. Bởi lẽ phương pháp này hợp hiến và đảm bảo nguyên tắc pháp quyền XHCN. Phương án này nếu được thực thi, kỳ vọng sẽ thêm một “liều thuốc” đặc trị góp phần PCTN hiệu quả hơn.

Phan Phan

Bạn đang đọc bài viết "Tịch thu tài sản bất minh... khi chưa có bản án hình sự?" tại chuyên mục Trao đổi - Góp ý. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin