Thượng tôn pháp luật: Hãy bắt đầu từ việc xử nghiêm cán bộ không thượng tôn pháp luật!

(Pháp lý) - 11.180 quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND bị kiện ra tòa là con số gây chú ý dư luận thời gian qua. Nhưng đáng chú ý và đáng suy nghĩ hơn là 100% trường hợp Chủ tịch UBND và UBND không chấp hành án (hành chính); Riêng TP.Hà Nội xử 189 vụ hành chính, không vụ nào có lãnh đạo thành phố dự; TP. HCM trong 3 năm có 260 vụ, nhưng lãnh đạo không tham gia đối thoại bất cứ một vụ nào, cũng không tham gia phiên tòa, lý do được đưa ra là vì …không đủ cấp phó?

11.180 quyết định, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND bị kiện ra tòa

Thông tin trên được đưa ra tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH) cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giám sát “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính (TTHC) trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính (QĐHC) đối với QĐHC, hành vi hành chính (HVHC) của Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND), UBND diễn ra cuối tháng 8 vừa qua.

 Quang cảnh một phiên tòa xét xử vụ án hành chính ở TP.HCM (ảnh minh họa)
Quang cảnh một phiên tòa xét xử vụ án hành chính ở TP.HCM (ảnh minh họa))

Đoàn giám sát cho biết, theo báo cáo của Chính phủ và qua giám sát, Đoàn giám sát nhận thấy trong các năm qua, các cấp chính quyền đã chú trọng nâng cao chất lượng ban hành QĐHC, thực hiện các HVHC cơ bản đảm bảo đúng quy định của pháp luật về căn cứ, trình tự, thủ tục, nội dung và thẩm quyền; công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân ngày càng được tăng cường.
Trên cơ sở đó, số lượng các QĐHC, HVHC bị khiếu nại, khiếu kiện trên tổng số QĐHC, HVHC là không nhiều. Cụ thể, trong kỳ báo cáo (3 năm: 2015, 2016, 2017), cả nước có 11.180 QĐHC, HVHC của Chủ tịch UBND, UBND bị khiếu kiện đến tòa án. Như vậy, số lượng QĐHC, HVHC của Chủ tịch UBND, UBND bị khiếu kiện đến tòa án chỉ chiếm khoảng gần 10% trên tổng số khiếu nại hành chính.

Các QĐHC, HVHC của Chủ tịch UBND, UBND bị khiếu kiện thuộc lĩnh vực đất đai chiếm 90% tổng số QĐHC, HVHC bị khiếu kiện, thậm chí có những địa phương, khiếu kiện về đất đai chiếm 100% hoặc xấp xỉ 100%. Những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa càng nhanh thì số khiếu nại đối với QĐHC, HVHC của Chủ tịch UBND, UBND có xu hướng cao hơn so với các địa phương khác do có nhiều QĐHC liên quan đến thu hồi đất đai.

Về chất lượng các QĐHC, HVHC, qua xét xử, tổng số QĐHC, HVHC bị tòa án tuyên hủy toàn bộ hoặc một phần là 1.194 (chiếm 10,67% trên tổng số khiếu kiện thụ lý). Bên cạnh đó, có những địa phương QĐHC, HVHC bị tòa án tuyên hủy chiếm khá cao trên tổng số vụ thụ lý, như An Giang là 81%, Quảng Nam 55,76%...

Hà Nội xử 189 vụ hành chính, không vụ nào có lãnh đạo thành phố dự?

Theo dự thảo Báo cáo giám sát của Ủy ban Tư pháp, trình tại phiên họp: Trong 3 năm, TAND thành phố Hà Nội xét xử 189 vụ án hành chính, nhưng chưa có vụ nào, lãnh đạo UBND thành phố tham gia tố tụng. Còn tại TP HCM trong năm 2017 có 260/260 vụ án hành chính không tổ chức đối thoại được do Chủ tịch UBND và đại diện UBND vắng mặt tại tòa.

Có những địa phương, Chủ tịch UBND làm văn bản ủy quyền thường xuyên cho cấp phó tham gia tố tụng. Tuy nhiên cấp phó cũng chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên tòa nào. Thậm chí, “có những địa phương sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của Tòa án, Chủ tịch UBND hoặc Phó Chủ tịch UBND được ủy quyền có văn bản gửi Tòa án đề nghị được vắng mặt trong tất cả các hoạt động tố tụng mà Tòa án triệu tập”, báo Tiền Phong ghi lời bà Thủy tại phiên họp.

Về lý do không tham gia tố tụng, các địa phương đều nêu do "bận công tác" và do Luật Tố tụng hành chính 2015 thu hẹp phạm vi người được ủy quyền tham gia tố tụng so với Luật Tố tụng hành chính 2010, dẫn đến khó khăn. Tuy nhiên lý do này khó được chấp nhận, bởi trong thực tiễn có những địa phương, mặc dù số lượng án hành chính lớn nhưng Chủ tịch UBND và người đại diện UBND vẫn bố trí người tham gia nghiêm túc. Nhưng ngược lại, có những địa phương số lượng án rất ít, nhưng Chủ tịch UBND và người đại diện thường xuyên xin vắng mặt, thậm chí có tỉnh vắng 100% số vụ.

Bà Lê Thị Nga (Chủ nhiệm UBTP) phát biểu tại phiên họp
Bà Lê Thị Nga (Chủ nhiệm UBTP) phát biểu tại phiên họp)

Bà Lê Thị Nga (Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) cho rằng vấn đề không chỉ nằm ở khó khăn do quy định của luật thu hẹp đối tượng được ủy quyền. "Thành phố Hồ Chí Minh trong 3 năm có 260 vụ, nhưng lãnh đạo tỉnh không tham gia đối thoại bất cứ một vụ nào, không tham gia phiên tòa. Như vậy có phải do không đủ số phó?", bà Nga nêu vấn đề.

"Chúng tôi xem ti vi thấy các đồng chí đi khởi công, đi động thổ, đi dự hội nghị ngành nọ, ngành kia thì được. Vậy tại sao không tham gia đối thoại được độ 10 vụ đi, cho gọi là có tham gia. Đây cũng là câu hỏi cử tri phản ánh với đại biểu quốc hội. Còn nói 260/260 vụ không thể nào cử được vì không đủ cấp phó thì có giải thích được không?", báo Thanh niên ghi lời bà Nga tại phiên họp.

Cũng theo báo cáo của Bộ Tư pháp, 100% trường hợp Chủ tịch UBND và UBND không chấp hành án nhưng cơ quan thi hành án dân sự không đề nghị Tổng cục Thi hành án dân sự kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, xử lý trách nhiệm người không chấp hành án.

Muôn sự tại… cán bộ

Trong một diễn biến khác, trung tuần tháng 8 vừa qua, tại phiên họp thứ 14, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng cho biết, “sẽ kiểm tra việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước”

Phải nói là, dư luận đánh giá cao quyết định này, cho rằng đây là quyết định đúng đắn. Thực tế cho thấy, công tác cán bộ thời gian qua làm dư luận bức xúc về tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, người tài không có cơ hội vào làm việc trong bộ máy.

Trước thực trạng đó, gần đây, Trung ương đã có nhiều đổi mới, ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới nhằm bịt kín các kẽ hở trong công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ. Các cơ quan chức năng, nhất là Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã vào cuộc một cách quyết liệt và xử lý nghiêm minh các vi phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Mỗi khi UBKT Trung ương có thông báo kết luận, dư luận đều mong chờ và hy vọng.

Dư luận mong chờ Trung ương thành lập các đoàn, lựa chọn một số địa phương, một số vụ việc mà lâu nay dư luận vẫn nghi ngờ có việc bổ nhiệm không đúng người, bổ nhiệm không trong sáng, bổ nhiệm không đúng quy định để rà soát, kiểm tra, “minh bạch hóa” kết quả.

Dư luận cũng đề nghị, cần thiết Trung ương nên xem xét cả trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm giải quyết việc cho dân, việc tuân thủ pháp luật của cả những cán bộ cấp cao, những cán bộ đầu tỉnh, đầu thành phố. Các chức danh tư pháp như Thẩm phán, Điều tra viên, Kiểm sát viên – những người giữ cán cân công lý nếu ban hành quyết định sai đã bị xử lý, kể cả xử lý trách nhiệm hình sự. Vậy thì không có lý do gì mà Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) tỉnh (hoặc Thành phố) ban hành quyết định hành chính sai mà không bị xử lý trách nhiệm, ngay cả việc ra Tòa cũng không ra, như vậy là không tôn trọng pháp luật.

Công tác cán bộ là công việc trọng yếu của Đảng và Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thành, bại do con người, vì vậy không thể không làm, không thể không xử nghiêm cán bộ thiếu tôn trọng pháp luật, thiếu tôn trọng dân.

Thượng tôn pháp luật: Hãy bắt đầu từ việc xử nghiêm cán bộ không thượng tôn pháp luật!

Trở lại chuyện đáng suy ngẫm mà Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu ra là riêng TP. Hà Nội xử 189 vụ hành chính, không vụ nào có lãnh đạo thành phố dự; TP. Hồ Chí Minh không tham gia đối thoại vì không đủ cấp phó; 100% trường hợp Chủ tịch UBND và UBND không chấp hành án (hành chính)? Dư luận cho rằng, những con số và thông tin đó nói lên một thực tế các vị lãnh đạo có ban hành quyết định hành chính sai cũng không sao cả, ít nhất là không phải ra tòa dù bị dân kiện.

Hiến pháp đã qui định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Cán bộ phải là người gương mẫu đi đầu trong việc tuân thủ pháp luật. Vậy tại sao ra tòa lại chỉ có dân mà cán bộ lại không phải ra, trong khi cán bộ là bị đơn trong vụ kiện? Như vậy có phải là coi thường pháp luật? Cán bộ là công bộc của dân, sao lại ngại và né đối thoại với dân? Như vậy có phải là thiếu tôn trọng dân? Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, nơi mà nguyên tắc thượng tôn pháp luật được đặt lên hàng đầu, vậy thì hãy bắt đầu từ việc xử nghiêm những cán bộ không thượng tôn pháp luật! Đây cũng là một việc cần làm ngay để pháp luật được thực thi công bằng, sốc lại kỷ cương kỷ luật hành chính.

Lê Phúc

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin