1. Đặt vấn đề
Luật Hòa giải và Đối thoại tại Tòa án, được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ IX vào ngày 16 tháng 6 năm 2020, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tạo ra một khung pháp lý về việc giải quyết tranh chấp thông qua phương thức hòa giải và đối thoại tại Tòa án. Với 04 chương và 42 Điều, Luật đã quy định các nguyên tắc cơ bản và chính sách quan trọng của Nhà nước về hòa giải và đối thoại tại Tòa án, cũng như quy định rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên và các bên tham gia. Đồng thời, luật cũng quy định chi tiết về quy trình, thủ tục hòa giải và đối thoại, cũng như các quy định về công nhận và thực thi kết quả của hòa giải, đối thoại thành tại Tòa án.
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, Luật Hòa giải và Đối thoại tại Tòa án chính thức có hiệu lực thi hành, góp phần quan trọng trong việc cụ thể hóa mô hình giải quyết tranh chấp tại tòa án, đồng thời làm giảm áp lực cho hệ thống Tòa án nhân dân tại Việt Nam vì có thêm một phương thức giải quyết tranh chấp ở giai đoạn tiền tố tụng để các bên có thể lựa chọn và tận dụng được ưu thế của mô hình hòa giải cũng như giảm thiểu các tranh chấp kéo dài khi phải lựa chọn con đường tố tụng để giải quyết.
Tuy nhiên, việc áp dụng và thực thi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong thực tiễn đã bộc lộ ra một số thách thức cần được giải quyết nhằm tối ưu hóa các quy trình hòa giải, đối thoại và đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, phân tích và đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật là điều cần thiết, nhằm đảm bảo rằng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 được triển khai một cách toàn diện và mang lại những kết quả tích cực nhất.
2. Thực tiễn triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020
2.1. Những kết quả đạt được
Sự ra đời của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp, quy định này mang tính đột phá, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa, pháp lý tốt đẹp của dân tộc trong đó hòa giải là thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xích mích hoặc xung đột thông qua thương lượng một cách ổn thỏa qua đó giữ được mối quan hệ giữa các bên, tránh mâu thuẫn kéo dài. Sau hơn 3 năm năm thi hành, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã phát huy được vai trò và đã đạt được những kết quả nhất định.
Về công tác chỉ đạo triển khai thi hành luật
Công tác triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã được thực hiện một cách cẩn trọng và tích cực sau khi luật có hiệu lực. Theo đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án kèm theo Quyết định số 187/QĐ-TANDTC ngày 17/7/2020, đồng thời ban hành Quyết định số 267/QĐ-TANDTC ngày 25/9/2020 để thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Bên cạnh đó, các cấp tòa án trong nước đã được chỉ đạo, quán triệt sát sao trong công tác thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án như Hội nghị triển khai công tác Tòa án nhân dân hàng năm, Hội nghị giải đáp trực tuyến... Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo tăng cường công tác hòa giải tại Tòa án nhân dân. Trong đó giao chỉ tiêu cho tòa án các cấp“Số vụ hòa giải thành đạt 60% trở lên/năm; 100% số quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm; không có quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự khó thi hành hoặc không thi hành án được”; đồng thời, phát động phong trào thi đua “Nâng cao số lượng, chất lượng, hiệu quả hòa giải vụ án dân sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”.
Triển khai công tác cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam trong giai đoạn mới. Tòa án nhân dân các cấp đều xác định nhiệm vụ triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Tòa án và đã đề xuất với Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp các tỉnh, thành phố nội dung triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Tấm gương điển hình, tiêu biểu trong công tác triển khai Luật Hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án là tại tỉnh Thái Nguyên: Dưới sự quán triệt chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao và thực hiện Đề án số 10-ĐA/TU, ngày 18/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng hiệu quả công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021 - 2025; trong đó giao Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thái Nguyên “chú trọng công tác hòa giải và đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, lao động, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính”, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thi hành nhằm tích cực tổ chức công tác hòa giải, đối thoại, qua đó giảm số lượng các vụ án phải đưa ra xét xử, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án, vụ việc của Tòa án .
Về công tác xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật
Tính đến 2024, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật đã được ban hành tương đối đầy đủ, gồm: 01 Nghị định số 16/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ; 04 Thông tư của Tòa án nhân dân tối cao (Thông tư số 02/2020/TT-TANDTC ngày 16-11-2020, Thông tư số 03/2020/TT-TANDTC ngày 16-11-2020, Thông tư 01/2023/TT-TANDTC ngày 09/3/2023); 01 Thông tư số 92/2020/TT-BTC ngày 13-11-2020 của Bộ Tài chính (Tòa án nhân dân tối cao phối hợp trong việc ban hành Thông tư này); 01 Chỉ thị số 02/2022/CT-CA ngày 14/3/2022 của Tòa án nhân dân tối cao về tăng cường công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án kèm theo Hướng dẫn quy trình hòa giải, đối thoại; 01 giải đáp nghiệp vụ số 01/2021/GĐ-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; 01 Đề án trang bị cơ sở vật chất cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án của Tòa án nhân dân tối cao và khoảng 15 công văn, quyết định về việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Về công tác tuyên truyền, phổ biến luật và các văn bản hướng dẫn thi hành
Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức nhiều hoạt động để tuyên truyền Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án như: Ban hành Kế hoạch tuyên truyền; tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật; tuyên truyền thông qua các đợt tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ Hòa giải viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án; phát hành cuốn thông tin khoa học xét xử và cuốn hỏi đáp về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; đăng tải Luật, các văn bản quy định chi tiết và các văn bản triển khai thi hành Luật trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao; Báo Công lý phối hợp với Truyền hình Quốc hội tổ chức Tọa đàm về Luật, Tạp chí Tòa án nhân dân có mục “Diễn đàn về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án” để đăng tải các bài viết về công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án...
Một số Tòa án như Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Bắc Giang, thành phố Hải Phòng... tổ chức Lễ công bố quyết định bổ nhiệm Hòa giải viên có mời các cơ quan, ban, ngành địa phương của tỉnh, thành phố, cơ quan đài, báo dự và đưa tin . Tòa án hai cấp thành phố Hải Phòng, tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Sơn La, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Ninh,... thực hiện việc cấp phát sách Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cho toàn thể cán bộ, công chức tại đơn vị; đăng tải thông báo tuyển chọn Hòa giải viên, bài viết tuyên truyền, phổ biến Luật trên trang thông tin điện tử của Tòa án.. Ngoài ra, một số Tòa án nhân dân có cách tuyên truyền hay, sáng tạo như Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn in và phát hành cuốn Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để phát cho các đối tượng là Hòa giải viên, Thẩm phán và các sở, ban, ngành ở địa phương; tổ chức thành công cuộc thi “Kỹ năng Thẩm phán và Hòa giải viên trong áp dụng thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án”. Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An biên soạn, đăng tải các ấn phẩm về Luật, viết các tin, bài trên các ấn phẩm, tập san chuyên ngành, xây dựng nội dung bài viết tuyên truyền về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để cập nhật trên cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tỉnh, phối hợp với Đài phát thanh-truyền hình tỉnh thực hiện phóng sự tuyên truyền về công tác thi hành Luật ở Tòa án nhân dân tỉnh và các đơn vị Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc tỉnh .
Về tuyển chọn, bồi dưỡng, bổ nhiệm và hoạt động của Hòa giải viên
Từ khi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực đến nay, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức các đợt bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án để bổ nhiệm Hòa giải viên. Ngoài ra, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức một số đợt bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho Hòa giải viên theo vùng miền và theo yêu cầu của Tòa án địa phương. Tính đến ngày 20/12/2023, các Tòa án đã bổ nhiệm được hơn 3.000 Hòa giải viên. Các Hòa giải viên được tuyển chọn, bổ nhiệm theo đúng quy định, là những người có trình độ, hiểu biết pháp luật, có kinh nghiệm tiến hành hòa giải, đối thoại, có chuyên môn trong lĩnh vực công tác, hiểu biết về phong tục tập quán và có uy tín trong cộng đồng dân cư... Các Hòa giải viên đều rất nhiệt huyết, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao.
Ảnh minh hoạ
Về kết quả hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Tính đến tháng 01 năm 2024, đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, trong đó hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều triển khai thực hiện ở cả hai cấp xét xử. Sau 3 năm đi vào thực tiễn triển khai, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã đạt được những kết quả nhất định:
Trong năm 2021, số lượng vụ việc chuyển sang hòa giải, đối thoại tại Tòa án là 28.004 vụ việc (chiếm tỷ lệ 12,18% số lượng đơn khởi kiện, đơn yêu cầu mà Tòa án nhận được). Số lượng vụ việc đã được hòa giải thành, đối thoại thành là 10.430 vụ việc (chiếm tỷ lệ 37,24 % số lượng vụ việc chuyển sang hòa giải, đối thoại). Số lượng vụ việc đã ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành là 8.682 vụ việc (chiếm tỷ lệ 83,24% số lượng vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành) , tính đến hết ngày 30/9/2021, tổng số vụ việc các Tòa án giải quyết là 229.887 vụ việc trong đó có 197.279 đơn khởi kiện đủ điều kiện tiến hành hòa giải, đối thoại (Số liệu không chính thức) .
Tổng kết năm 2022, các Tòa án đã hòa giải, đối thoại thành theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 72.955 vụ việc, đạt tỷ lệ 62,11% . Theo thống kê không chính thức thì trong năm 2022, các Tòa án nhận được 371.165 đơn khởi kiện đủ điều kiện tiến hành hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (trong đó, các đương sự đồng ý hòa giải, đối thoại là 127.046 đơn, các đương sự không đồng ý hòa giải là 244.119 đơn). Trong số 127.046 đơn nêu trên, các Tòa án đã giải quyết 117.443 vụ việc (hòa giải, đối thoại thành 72.955 vụ việc, đạt tỷ lệ 62,11%; hòa giải, đối thoại không thành 23.916 vụ việc, chiếm 20,4%; không tiến hành hòa giải, đối thoại được 20.572 vụ việc, chiếm 17,49%) .
Riêng trong năm 2023, các Tòa án đã nhận được 299.834 đơn (295.218 đơn dân sự; 4.616 đơn hành chính) khởi kiện đủ điều kiện tiến hành hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Trong số 129.856 đơn đương sự đồng ý hòa giải (Vụ án cũ còn lại: 9.603 đơn, vụ án mới thụ lý: 120.253 đơn), đã giải quyết 119.058 vụ việc, đạt tỷ lệ 91,68% (hòa giải, đối thoại thành 63.030 vụ việc; hòa giải, đối thoại không thành 22.054 vụ việc; không tiến hành hòa giải, đối thoại được 19.557 vụ việc) .
Những kết quả hoạt động hòa giải, đối thoại từ năm 2021 – 2023 được thể hiện qua biểu đồ sau đây:
Biểu đồ: Kết quả hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án từ 2021 – 2023
Thông qua bản đồ và các số liệu nêu trên đã phản ánh tổng quát về tình hình triển khai hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án, trong đó: Năm 2021 là năm có số lượng vụ việc được đưa ra hòa giải đối thoại và có số vụ việc được hòa giải, đối thoại thành ít nhất, năm 2022 đạt được kết quả tích cực nhất trong việc thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án khi có tỷ lệ Số vụ việc hòa giải, đối thoại thành/Số vụ việc đã đưa ra hòa giải, đối thoại cao nhất. Tuy nhiên, xét về tổng hòa cả ba tiêu chí như trong biểu đồ thì năm 2023 là năm có kết quả tốt nhất trong hòa giải, đối thoại khi số lượng vụ việc nhận được giảm, số vụ việc đưa ra hòa giải, đối thoại tăng, đồng thời số vụ việc hòa giải, đối thoại thành có tỷ lệ cao (63.030/119.058), chiếm sấp sỉ 53%.
Nguyên nhân có sự chênh lệch trên là do: (1) Năm 2021 có số lượng vụ việc đưa ra hòa giải, đối thoại và số lượng vụ việc hòa giải, đối thoại thành ít bởi đây là năm đầu triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cho nên công tác chuẩn bị về nhân lực, cơ sở vật chất còn chưa được hoàn thiện, một nguyên nhân khác cũng gây tác động đến việc hòa giải, đối thoại là do đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của các cấp tòa án, nhiều nơi bị phong tỏa trong thời gian dài. (2) Đến năm 2022, hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án tuy đã phát triển về số lượng vụ việc đưa ra hòa giải, đối thoại nhưng chưa phát triển về chất, tức là số lượng vụ việc được hòa giải, đối thoại thành còn ít. Nguyên nhân là do đội ngũ nhân sự, cơ sở vật chất chuẩn bị cho quá trình hòa giải, đối thoại đã có sự chuẩn bị, dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Tuy nhiên do Luật Hòa giải, đối thoại mới được áp dụng nên nhiều đương sự chưa được tiếp cận, chưa hiểu rõ về bản chất và cơ chế của việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án, từ đó gây ra tâm lý e ngại, sợ mất thời gian, chi phí, nghi ngờ về tính thực tiễn, cũng như số lượng Hòa giải viên còn ít về số lượng và thiếu sót về trình độ nghiệp vụ chuyên môn. (3) Riêng năm 2023, mô hình hòa giải, đối thoại đạt được những kết quả khả quan, bởi dưới Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo quyết liệt từ xa đãc giao chỉ tiêu cho tòa án các cấp: “Số vụ hòa giải thành đạt 60% trở lên/năm; 100% số quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm; không có quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự khó thi hành hoặc không thi hành án được” đồng thời phát động phong trào thi đua “Nâng cao số lượng, chất lượng, hiệu quả hòa giải vụ án dân sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”. Bên cạnh đó, các cấp tòa án và các Hòa giải viên cũng đã trưởng thành về kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn, cũng như phát triển về số lượng Hòa giải viên và chuẩn bị tốt các điều kiện cho hòa giải, đối thoại. Đồng thời, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cũng đã được tuyên truyền, phổ biến đến nhiều đối tượng hơn, góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy tư duy lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp đơn giản, hiệu quả.
2.2. Những vướng mắc trong thực tiễn triển khai
Về công tác tuyên truyền Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Khi phát sinh tranh chấp, nhiều bên muốn giải quyết nhanh chóng bằng một Bản án/Quyết định có hiệu lực của Tòa án và do chưa nắm được các quy định, ý nghĩa của việc hòa giải, đối thoại nên phần lớn đương sự đều từ chối hòa giải, đối thoại. Trong một số trường hợp, người khởi kiện được người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khuyên không nên hòa giải, đối thoại để vụ án nhanh được giải quyết theo quy trình tố tụng của pháp luật.
Về Hoà giải viên
Dù đã tăng cường số lượng Hòa giải viên, nhưng vấn đề về quá tải vẫn xảy ra do số lượng vụ việc ngày càng tăng. Số lượng Hòa giải viên hiện nay có khoảng 3000 người nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với yêu cầu định biên (tính đến năm 2022 là 9.987 người) . Nguyên nhân là do nguồn tuyển chọn Hòa giải viên còn hạn chế, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; nhân sự không đủ tiêu chuẩn; thiếu chứng chỉ bồi dưỡng và sự từ chối tham gia của một số người đạt tiêu chuẩn. Hơn nữa, trình độ và kỹ năng của Hòa giải viên không đồng đều, gây khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp.
Về phía các đương sự
Trong quá trình hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Hòa giải viên thường phải đối mặt với sự không hợp tác từ các đương sự, như là không nhận văn bản tố tụng được tống đạt, vắng mặt trong các buổi hòa giải, đối thoại, và lập luận đủ lý do để từ chối cung cấp tài liệu, chứng cứ khi được yêu cầu, khi tham gia hòa giải, đối thoại thì không có ý kiến... Trong trường hợp khiếu kiện hành chính, đại diện của cơ quan nhà nước thường vắng mặt, làm trì hoãn việc tổ chức phiên đối thoại, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp và tạo ra tâm lý tiêu cực cho người khởi kiện.
Về sự phối hợp trong hòa giải, đối thoại của các cơ quan khác
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, Hòa giải viên cần đủ thông tin và tài liệu để đưa ra nhận định và phương án hòa giải. Tuy nhiên, có nhiều tài liệu được các đương sự không thể tự thu thập, nên Hòa giải viên phải phối hợp với các cơ quan liên quan để thu thập hồ sơ và ý kiến. Hiện nay chưa có quy định cụ thể về thời gian phản hồi từ các cơ quan khi được yêu cầu bởi Tòa án hay Hòa giải viên, dẫn đến tình trạng trì hoãn trong việc thu thập thông tin và giải quyết tranh chấp.
Về cơ sở vật chất phục vụ công tác hòa giải tại Tòa án
Hiện đa số các cuộc hòa giải, đối thoại được tổ chức ở Tòa án với không gian nhỏ và cơ sở vật chất vẫn còn thiếu sót. Các phòng hòa giải thường được trưng dụng từ phòng họp, phòng tiếp dân hay thiếu sót về trang thiết bị làm việc như máy tính, máy in, tủ đựng tài liệu bởi chủ yếu là thiết bị làm việc cũ, sẵn có tại Tòa án, thường được sử dụng chung gây ảnh hưởng đến công tác hòa giải. Đồng thời, chưa có hướng dẫn cụ thể về kinh phí đảm bảo cho việc lắp đặt trang thiết bị cho phòng hòa giải và phòng làm việc của Hòa giải viên.
Về vướng mắc trong việc áp dụng quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Căn cứ Điều 20 Luật Hòa giải , theo đó, thời hạn hòa giải, đối thoại tương đối ngắn chỉ khoảng 20 ngày – 30 ngày, chưa đảm bảo đối với vụ việc phức tạp trong quá trình giải quyết các vụ việc ví dụ như: cần chờ ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chuyên môn; cần thời gian để xác minh thông tin và tống đạt văn bản đến các bên;... Nhiều trường hợp việc hòa giải, đối thoại chưa thực hiện xong nhưng do đã hết thời hạn nên Hòa giải viên phải kết thúc quá trình hòa giải, đối thoại dẫn đến kết quả hòa giải, đối thoại không thành ảnh hưởng tâm lý của người khởi kiện ngại tiến hành hòa giải, đối thoại.
Căn cứ Điều 16, Điều 21, Điều 22 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Điều 6 Thông tư 03/2020/TT-TANDTC ngày 01/01/2021 của Tòa án nhân dân tối cao chỉ quy định việc gửi Thông báo chuyển vụ việc sang hòa giải, đối thoại và Quyết định chỉ định Hòa giải viên cho người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định chỉ định Hòa giải viên. Mà chưa quy định về nghĩa vụ của đương sự phải sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác. Do đó, xảy ra trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không biết người khởi kiện yêu cầu gì, hồ sơ tài liệu gồm những gì để quyết định việc đồng ý hay không đồng ý hòa giải, đối thoại.
Về việc thực hiện quyền kiến nghị của Viện kiểm sát: Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án chưa có quy định nào về việc kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân đối với việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Căn cứ Điều 36 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định Viện kiểm sát có quyền kiến nghị xem xét lại trường hợp quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Tuy nhiên, đối với trường hợp phát hiện vi phạm về thời hạn chuẩn bị ra Quyết định theo khoản 3 Điều 32; vi phạm về thời hạn gửi Quyết định theo khoản 4 Điều 32; Quyết định không đầy đủ các nội dung quy định tại Điều 34 thì Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án không quy định Viện kiểm sát có quyền tổng hợp vi phạm để ban hành kiến nghị chung hay không, nếu Viện kiểm sát phải ban hành kiến nghị riêng cho từng vi phạm thì sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp của Tòa án.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Thứ nhất, Tòa án nhân dân các cấp cần phối hợp với các cơ quan chức nănng tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến thông tin thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Đây là một bước quan trọng để giúp người dân hiểu rõ hơn về các quy định và ý nghĩa của mô hình hòa giải và đối thoại. Điều này giúp Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được trở nên phổ biến và trở thành một phương thức giải quyết mâu thuẫn và tranh chấp đơn giản, hiệu quả, tối ưu nhất.
Ảnh minh hoạ
Thứ hai, Tòa án nhân dân các cấp cần phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao trong việc tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm định kỳ hàng năm nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng hòa giải, đối thoại cho các Hòa giải viên. Các cơ quan chuyên môn cùng phối hợp tạo lập một diễn đàn riêng dành cho các Hòa giải viên nhằm giúp các Hòa giải viên có thể giao lưu, kết nối, trao đổi giải quyết những vướng mắc khó khăn gặp phải trong thực tế và giúp các Hòa giải viên kịp thời nắm bắt những văn bản quy phạm pháp luật mới.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong trao đổi, chia sẻ với các quốc gia trên thế giới cũng như trong khu vực, nhất là nước có nhiều kinh nghiệm và thành công trong việc thực hiện hòa giải tại Tòa án như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... để tổ chức các buổi thảo luận, tọa đàm học tập kinh nghiệm nhằm giúp cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án đạt được hiệu quả cao hơn trong thực tiễn thi hành.
Thứ ba, cần có hướng dẫn cụ thể hoặc phương án xử lý trong trường hợp các cơ quan chuyên môn chậm trả lời yêu cầu cung cấp thông tin, hồ sơ tài liệu như đặt ra một thời hạn hợp lý nhất định trong việc thu thập thông tin tài liệu, nếu hết thời hạn mà chưa nhận được phúc đáp thì Hòa giải viên có thể lập Biên bản hòa giải, đối thoại không công thành hoặc xem xét là thuộc trường hợp trở ngại khách quan để tăng thời hạn hoà giải, đối thoại để không bị vi phạm thời hạn theo quy định.
Thứ tư, cần tăng cường chi phí cho hòa giải, đối thoại để đảm bảo thù lao phù hợp với công sức của Hòa giải viên và giải quyết những bất cập trong vấn đề cơ sở vật chất. Hiện nay, chi phí hòa giải được quy định tại Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Nghị định 16/2021 ngày 03/3/2021 của Chính phủ về mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp, việc quản lý, sử dụng chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án và thù lao hòa giải viên tại tòa án. Theo đó, các trường hợp thu chi phí hòa giải chỉ bao gồm đối với các tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch; đối với trường hợp các bên thống nhất lừa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở tòa án; đối với chi phí khi Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến tranh chấp.
Như vậy, quy định về chi phí hòa giải đang còn thiếu xót cần mở rộng và quy định chi tiết các trường hợp thu phí và miễn phí hòa giải, đối thoại nhằm bù đắp chi phí cho công tác hòa giải. Bởi vì có nhiều trường hợp không chỉ hòa giải, đối thoại một lần mà cần tổ chức nhiều buổi hòa giải, đối thoại, do đó chi phí phát sinh cũng sẽ tăng lên rất nhiều, việc phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách nhà nước sẽ không đảm bảo được kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại. Vì vậy để hoạt động hòa giải, đối thoại được thực hiện có hiệu quả và hạn chế các khoản chi phát sinh thêm từ ngân sách nên quy định về việc thu hút đầu tư từ nguồn xã hội hóa, từ lệ phí hòa giải, đối thoại của các bên tranh chấp vì họ là những người được hưởng lợi từ công tác này, nhưng vẫn phải đảm bảo mức thu lệ phí phù hợp để thúc đẩy các bên tranh chấp tham gia hòa giải, đối thoại.
Thứ năm, cần hướng dẫn về thời hạn hòa giải các tranh chấp trong trường hợp cần xác minh thông tin địa chỉ liên lạc của các bên, xin ý kiến của cơ quan chuyên môn, xem xét hiện trạng tài sản trước khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải hoặc theo sự thỏa thuận của các bên... theo hướng gia hạn thời hạn hòa giải trong trường hợp Tòa án chờ kết quả thu thập được hay thỏa thuận gia hạn của các bên. Bởi lẽ, kết quả giải quyết thu thập, xác minh thông tin còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Cần quy định về nghĩa vụ khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì họ phải sao gửi yêu cầu khởi kiện, tài liệu, chứng cứ đó cho người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác hoặc khi có quyết định phân công Hòa giải viên và thông báo cho người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án sẽ sao một bộ hồ sơ khởi kiện để gửi kèm, nhằm đảm bảo quyền tiếp cận tài liệu, chứng cứ, cũng như hiệu quả của các bên đương sự khi Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại.
Về quyền kiến nghị của Viện kiểm sát xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án: Kiểm sát viên cần phải nghiên cứu các nội dung thỏa thuận có vi phạm các quy định tại Điều 33 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Sau đó, thực hiện quyền kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án theo Điều 36 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Đồng thời thể hiện được vai trò, nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong việc thực hiện quyền công tố. Ngoài ra, Viện kiểm sát cần tăng cường phối hợp với Tòa án trong công tác kiểm sát hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Việc tiếp cận ngay từ đầu sẽ tạo điều kiện kiểm sát chặt chẽ toàn bộ hoạt động hòa giải, đối thoại, kịp thời phát hiện vi phạm từ đó có biện pháp tác động phù hợp.
4. Kết luận
Phương thức giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại tại Tòa án hiện là một trong những phương thức giải quyết thể hiện được tính tối ưu trong xử lý tranh chấp bởi các ưu điểm: hiệu quả, đơn giản, tinh gọn, tiết kiệm thời gian, chi phí. Hơn nữa, hòa giải, đối thoại còn có vai trò quan trọng trong việc hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà Tòa án không phải mở phiên tòa xét xử qua nhiều trình tự thủ tục được pháp luật quy định, không phải tổ chức thi hành án… như vậy bên cạnh việc tiết kiệm chi phí, thời gian thì mô hình hòa giải, đối thoại còn hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Điều này thể hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 đã đem lại hiệu quả và việc ban hành luật là cần thiết. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai cho thấy Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 vẫn tồn tại một số vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ để Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 ngày càng hoàn thiện, phù hợp với thực tế.
---------------------------------
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Chấp hành Trung ương (2022), Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam trong giai đoạn mới.
2. Báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án các năm 2021, 2022, 2023.
3. Nguyễn Hòa Bình (2018), Đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, Tạp chí Cộng sản số 908.
4. NCS. Phạm Thị Hằng (2021), Bảo đảm thi hành hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án – Những yếu tố then chốt, Tạp chí Tòa án nhân dân, https://tapchitoaan.vn/bao-dam-thi-hanh-hieu-qua-luat-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-%C2%A0%E2%80%93-nhung-yeu-to-then-chot, truy cập ngày 27/3/2024.
5. Nguyễn Thành Phương, Nguyễn Phan Quốc Kiệt (2022), Pháp luật về đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020, Tạp chí Pháp luật và thực tiễn, Số 51/2022, tr.110 – 118.
6. Quốc hội (2020), Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020.
7. Thanh Tân, Thành Chí (2023), Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án – Thực tiễn công tác kiểm sát và giải pháp nâng cao chất lượng, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang, https://vkstiengiang.gov.vn/chi-tiet-tin?/luat-hoa-giai-oi-thoai-tai-toa-an-thuc-tien-cong-tac-kiem-sat-va-giai-phap-nang-cao-chat-luong/54248329, truy cập ngày 27/3/2024.