Thực thi pháp luật về Đê điều ở Hải Phòng ( bài 1): Nhận diện những vi phạm hành lang an toàn đê điều vùng cửa sông

26/11/2021 20:06

(Pháp Lý) - Với tầm quan trọng đặc biệt của vùng cửa sông Hải Phòng, Đảng và nhà nước đã quan tâm đặc biệt đến công tác trị thủy để khai thác nguồn nước, phòng chống tác hại của thiên tai. Để xây dựng các giải pháp thoát lũ cho vùng Đồng Bằng Bắc Bộ nói chung và Hải Phòng nói riêng, Nhà nước đã quy hoạch các tuyến sông có đê phòng chống lũ bao gồm: Sông Hóa, Sông Thái Bình, Sông Văn Úc, Sông Lạch Tray, Sông Cấm, Sông Vận, sông Kinh Thầy và sông Đá Bạc, từ đó những con đê lớn dần lên và ngày càng được nâng cấp gia cố đảm bảo năng lực tiêu thoát lũ của đồng bằng sông Hồng.

Hải Phòng với mật độ sông ngòi dày đặc là hạ du của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình đổ ra Biển Đông theo 5 cửa chính: Lạch Huyện, Nam Triệu, Cấm, Lạch Tray, Văn Úc và Thái Bình, là đầu mối tiêu thoát lũ nhằm giảm nhẹ gánh nặng về ngập lụt của khu vực đồng bằng sông Hồng.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế của Phóng viên, đến nay lòng sông chính của một số tuyến sông ngày càng bị thu hẹp, nhiều khu vực bãi sông được tôn cao để làm các khu nhà xưởng, khu neo đậu, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của một số doanh nghiệp… gây ảnh hưởng đến an toàn thân đê và khả năng thoát lũ khi có mưa bão.

11-1637922183.jpg
Trên sông Văn Úc các hoạt động sản xuất và bãi tập kết VLXD diễn ra tấp nập

Nhận diện vi phạm

Trên sông Văn Úc, tại xã Quang Trung và Chiến Thắng, huyện An Lão, Hải Phòng) hiện có một số doanh nghiệp, cá nhân lấn chiếm bãi sông, lòng sông, tập kết VLXD, xây dựng nhà xưởng, bến neo tàu thuyền ...  

Một trong những vụ vi phạm pháp luật về đê điều và hành lang thoát lũ gần đây nhất đã được báo chí thông tin là việc san lấp trái phép khu đất bãi bồi phía ngoài đê tương ứng từ Km23+900 đến Km24+700 đê Tả Lạch Tray. Được biết, Sở NN&PTNT TP Hải Phòng đã có văn bản số 2150/SNN – TL gửi UBND quận Lê Chân về đề nghị xử lý vi phạm trên khu vực bảo vệ đê Tả Lạch Tray và yêu cầu dừng san lấp. 

Rà soát nguồn gốc khu đất bãi bồi, quận Lê Chân cho rằng đây là đất trồng cây hàng năm, hiện nay đơn vị đo đạc đã đo vẽ hiện trạng và lập bản đồ khu đất. Khu đất dự tính sẽ giao cho ông Văn Trần Hoàn thuộc đoạn đê hành lang bảo vệ đê Tả Lạch Tray tại khu vực trên là đê sông cấp IV. Hiện tại đoạn đê trên đã được đầu tư tu bổ theo Dự án kiên cố hoá và điều chỉnh cục bộ hướng tuyến đê Tả Lạch Tray hướng từ cầu An Đồng đến cầu Rào, với độ dốc mái phía sông 1:10; hành lang bảo vệ đê đang được quản lý là 20m tính từ chân đê trở ra phía sông. 

Theo quy định hiện hành việc sử dụng đất bãi sông phải phù hợp với quy định của Luật Đê điều và Quy hoạch phòng chống lũ; Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình đã được Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên  TP Hải Phòng mới chỉ có chủ trương “giao UBND quận Lê Chân cho cá nhân ông Văn Trần Hoàn đại diện cho Công ty CP Sông Hồng thuê đất có thời hạn theo quy định để làm sân tập bóng đá cho các cầu thủ”. Trong khi thủ tục pháp lý về khu đất nêu trên vẫn chỉ mới dừng lại ở rà soát, xin tham vấn các ngành liên quan, thì cả khu đất rộng lớn đã được san lấp, việc san lấp đã được thực hiện vào vài tháng gần đây.

12-1637922183.jpg

Trên địa bàn phường Hải Thành, Quận Dương Kinh cơ sở sản xuất và tập kết VLXD ngay chân đê

Khảo sát và làm việc thực tế tại Quận Dương Kinh, Phóng viên Pháp lý nhận thấy tâm điểm của các vụ việc vi phạm hành lang đê còn phải kể đến khu vực  xảy ra những vi phạm nổi cộm diễn ra trong nhiều năm chưa được xử lý đứt điểm đó là các công trình kiên cố, nhà xưởng nắm sát mái đê biển 1 sát khu vực cống thủy lợi C2 (Phường Hải Thành, quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng). Với diện tích hàng hàng 1.000m2 nhà xưởng nằm sát mặt đê kéo dài đến mép sông của Cty Trường Sơn đến nay mới chỉ được tháo dỡ một phần mái, còn tường bao kiên cố và nhà xưởng vẫn hoạt động. 

Đặc biệt là một khu nhà đất rộng khoảng 5.000 m2 xây dựng kiên cố tại Km7+715 tuyến đê biển 1 qua địa bàn phường Hải Thành có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về đề điều. Theo tìm hiểu của PV, các sở, ngành, đơn vị và chính quyền địa phương nơi đây đã làm rõ nguồn gốc khu đất và những vi phạm có tính chất hệ thống suốt thời gian dài từ khi khởi công xây dựng đến khi hoàn thiện công trình đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, công trình xây dựng vi phạm pháp luật về lành lang bảo vệ đê biển quốc gia vẫn ngang nhiên tồn tại như thách thức chính quyền. Nhưng nhiều năm chính quyền vẫn “loay hoay” chưa tìm ra phương án xử lý.

13-1637922183.jpg
Cần làm rõ có hay không công trình xây dựng (trong ảnh) vi phạm hành lang bảo vệ đê điều tại phường Hải Thành, Quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng?

Ngoài ra, tại vị trí K2 +700 đê biển I, Phường Anh Dũng, Quận Dương Kinh, Cty Suvinco Việt Nam liên tiếp từ năm 2018, 2019, 2020 có hành vi vi phạm, mặc dù UBND Thành phố Hải Phòng đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty này trong lĩnh vực đê điều mỗi năm trên 100 triệu đồng, nhưng đến nay vi phạm vẫn tồn tại.

Cùng với tình trạng lấn chiếm bãi sông, hành lang bảo vệ đê, qua quan sát thực tế, Phóng viên ghi nhận lượng vật liệu lớn chất trên bãi sông, hoạt động tần suất cao của các phương tiện xe cộ, tàu, thuyền, sà-lan vận chuyển, bơm hút cát gây sạt lở bờ sông, lòng sông bị thu hẹp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự an toàn của các công trình đê điều và việc tiêu, thoát lũ về mùa mưa bão.

Có thể trước sức ép của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, nhu cầu về khai thác vật liệu để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và công nghiệp hoá trong ngành thuỷ sản tăng cao, khu vực hành lang thoát lũ trên các tuyến sông đã trở thành điểm ngắm của các doanh nghiệp, cá nhân nhằm giảm thiểu các chi phí bến bãi, chi phí đầu tư … Đây có thể là nguyên nhân xuất hiện và gia tăng các lấn chiếm bãi sông, hành lang bảo vệ đê để tập kết vật liệu xây dựng; cải tạo, cơi nới nhà cửa; xây dựng công trình, nhà xưởng, trang trại, âu tàu, mố cầu cảng, bến tập kết bốc xếp hàng hoá, vật liệu …. 

Qua tìm hiểu được biết, những trường hợp vi phạm chủ yếu là các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến hành lang bảo vệ đê điều và hành lang thoát lũ. Ngoài ra còn có một số hộ dân sống ven đê có các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Các hành vi vi phạm trên chủ yếu là san lấp mặt bằng, tập kết vật liệu xây dựng, than, xây dựng các công trình phụ trợ, nhà tạm, nhà xưởng, nhà điều hành, trạm cân, trụ cẩu, máng rót, trồng cây, đào ao thả cá... trong phạm vi bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ, bãi sông.

Trước khi dời Dương Kinh, Phóng viên đã điện thoại đặt lịch làm việc với Chi Cục thủy lợi và phòng chống thiên tai ( thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng), nhưng một vị lãnh đạo Chi Cục cho biết bận công việc cuối năm, nên chưa thể làm việc với báo chí.

Báo động nguy cơ mùa mưa lũ

Lịch sử ghi lại trận lụt cực kỳ lớn năm 1915, lần đầu tiên một chương trình nâng và gia cố đê điều diện rộng đã được đưa ra. Hệ thống đê này có thể chặn được các trận lũ cao 12m. Tiếp đến là trận lũ kinh hoàng vào tháng 8/1971; cơn bão số 7 năm 2005; Cơn bão conson năm 2010 là những thảm hoạ thiên nhiên gây thiệt hại lớn nhất đối với Hải Phòng. 

Theo tính toán, các kịch bản BĐKH và kết quả từ các mô hình khí hậu cho thấy tổng lượng mưa trong mùa mưa vùng ĐBSH lớn, dẫn đến gia tăng đáng kể lưu lượng đỉnh lũ. Gia tăng số trận mưa có cường độ mạnh, tổng lượng mưa lớn vượt thiết kế gây ngập lụt tại nhiều khu vực có địa hình trũng thấp, khả năng tiêu thoát nước kém. Các chuyên gia về thủy lợi cũng khuyến cáo quan tâm tới khả năng thoát nước ở các vùng cửa sông phía hạ du là điểm mấu chốt để tháo gỡ nút thắt trong việc giảm thiểu gánh nặng cho các tuyến đê phía thượng nguồn.

Đồng bằng sông Hồng và vùng ven biển Hải Phòng là khu vực thường xuyên chịu nhiều tác động của các hiểm họa liên quan đến khí hậu như bão và áp thấp nhiệt đới; xâm nhập mặn vùng ven biển tăng đáng kể làm suy giảm đa dạng sinh học vùng ven bờ, thay đổi hệ sinh thái của các vùng thấp ven sông. 

Với tầm quan trọng đặc biệt của vùng cửa sông Hải Phòng, Đảng và nhà nước đã quan tâm đặc biệt đến công tác trị thủy để khai thác nguồn nước, phòng chống tác hại của thiên tai. Để xây dựng các giải pháp thoát lũ cho vùng Đồng Bằng Bắc Bộ nói chung và Hải Phòng nói riêng, Nhà nước đã quy hoạch các tuyến sông có đê phòng chống lũ bao gồm: Sông Hóa, Sông Thái Bình, Sông Văn Úc, Sông Lạch Tray, Sông Cấm, Sông Vận, sông Kinh Thầy và sông Đá Bạc, từ đó những con đê lớn dần lên và ngày càng được nâng cấp gia cố đảm bảo năng lực tiêu thoát lũ của đồng bằng sông Hồng.

Luật Đê điều 2020, tại Điều 7 khoản 5 quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt. Tuy nhiên, với thực trạng vi phạm lấn chiếm hành lang thoát lũ trên các tuyến sông đang đặt ra thách thức với chính quyền nơi đây và  báo động những “nguy cơ” về thiên tai khi mùa mưa lũ đang đến gần.

Hải Phòng, với  5 cửa biển giống như những “nút thắt” cần khơi thông và để giải bài toán giảm thiểu các thiệt hại của thiên tai cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng với chính quyền địa phương, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của chính quyền sở tại trong việc phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đê điều vùng cửa sông ngay từ khi mới phát sinh. 

Phóng viên Pháp lý sẽ tiếp tục làm việc với chính quyền sở tại và cơ quan chức năng có liên quan để ghi nhận những vướng mắc bất cập khi thực thi luật Đê điều và thực tế phát sinh tại địa phương, đồng thời đề xuất kiến nghị các giải pháp nhằm đồng hành cùng chính quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và kiến nghị hoàn thiện pháp luật liên quan.

Thành Chung – Thái Dương

Bạn đang đọc bài viết "Thực thi pháp luật về Đê điều ở Hải Phòng ( bài 1): Nhận diện những vi phạm hành lang an toàn đê điều vùng cửa sông" tại chuyên mục Pháp lý và Kinh doanh. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin