Thu hồi tài sản tham nhũng và kinh nghiệm của một số nước (Bài 3)

06/07/2017 14:20

(Pháp lý) - Ở những nước được đánh giá cao hiệu quả về công tác phòng, chống tham nhũng, họ thường rất chú trọng vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, thậm chí còn coi đây là nhiệm vụ then chốt, mang tính “sống còn” trong công cuộc xử lý tội phạm tham nhũng. Theo đó, để thu hồi hiệu quả tài sản tham nhũng, họ tập trung làm rất tốt hai nhóm giải pháp: nhóm giải pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ đầu sự hình thành tài sản, thu nhập bất minh và nhóm giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng đã được hình thành.

Pháp lý sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu kỹ hơn về các giải pháp này.

Cơ chế kiểm soát thu nhập, tài sản của quan chức: phải khả thi và đồng bộ

Kiểm soát được thu nhập, tài sản của người có chức vụ, quyền hạn chính là giải pháp mang tính phòng ngừa sự hình thành tài sản tham nhũng và là tiền đề để thực hiện hiệu quả các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng về sau. Để phát hiện, ngăn chặn những thu nhập, tài sản bất minh của người có chức vụ, quyền hạn đồng thời phát hiện kịp thời hành vi “tẩu tán” tài sản đó, thì cơ quan có thẩm quyền phải có cơ chế để theo dõi, nắm bắt được sự biến động về tài sản, thu nhập của họ ở mọi thời điểm, không chỉ việc tăng tài sản, thu nhập mà ngay cả việc giảm tài sản, thu nhập cũng tiềm ẩn khả năng có những vi phạm pháp luật liên quan đến hành vi tham nhũng của những người đó; Đồng thời phải có những chế tài cụ thể trong việc xử lý và thu hồi tài sản tham nhũng thì hoạt động kiểm soát mới có hiệu quả.

Theo nghiên cứu của người viết bài, một số quốc gia đã làm rất tốt những vấn đề nói trên, thể hiện ở những nội dung sau:

Thứ nhất, xác định phạm vi kê khai, minh bạch thu nhập, tài sản đúng đối tượng và thực chất chứ không dàn trải, hình thức. Theo đó, ở những quốc gia phòng, chống tham nhũng và thu hồi hiệu quả tài sản tham nhũng, thường chỉ xác định những người có nguy cơ tham nhũng cao mới phải kê khai, minh bạch tài sản chứ không phải đối với tất cả các công chức. Chẳng hạn như ở Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy…(các nước Bắc Âu) chỉ yêu cầu kê khai, minh bạch tài sản đối với thành viên của nghị viện và chính phủ. Hay chỉ các quan chức/chính trị gia cao cấp mới phải kê khai như ở Singapore, Australia, Pháp, Italia, Bồ Đào Nha, Anh, Hungary… Quan chức ở đây là các công chức cấp cao ở các bộ, ngành và những người đứng đầu cơ quan và những chính trị gia cao cấp là những người có chức vụ do được bầu. Ngoài ra, những người có liên quan đến các đối tượng bị kiểm soát nói trên cũng nằm trong diện phải kê khai, đó là: vợ/chồng, con, bố, mẹ, ông, bà, anh chị em ruột...

Kiểm soát được thu nhập, tài sản của người có chức vụ, quyền hạn là giải pháp ngăn ngừa hiệu quả hành vi “tẩu tán” tài sản tham nhũng (ảnh minh họa)
Kiểm soát được thu nhập, tài sản của người có chức vụ, quyền hạn là giải pháp ngăn ngừa hiệu quả hành vi “tẩu tán” tài sản tham nhũng (ảnh minh họa))

Thứ hai, nội dung kê khai tài sản, thu nhập phải chặt chẽ, triệt để: Ở những quốc gia vốn đã xác định đối tượng phải kê khai chỉ là những người có nguy cơ tham nhũng cao thì họ cũng quy định nội dung kê khai rất chặt chẽ. Bằng cách yêu cầu người có chức vụ, quyền hạn kê khai con số chính xác về tất cả các khoản thu nhập, tài sản (tiền lương, thưởng, quà tặng, các khoản phí, lợi nhuận từ kinh doanh, kể cả thưởng từ công việc kinh doanh, bán hay cho thuê tài sản, đền bù bảo hiểm, trúng xổ số, thừa kế; các loại tài sản như nhà cửa, đất đai, phương tiện đi lại...) và xác định rõ nguồn gốc của thu nhập đó. Thí dụ, ở Anh, thành viên của Nghị viện phải cung cấp chính xác từng khoản được thanh toán, bất kể lớn nhỏ hoặc thu nhập có được từ đất và tài sản (phải kê khai nếu thu nhập đó lớn hơn 10% so với lương hiện tại của một nghị sỹ). Ở Đức, thành viên Nghị viện phải kê khai những quà tặng có giá trị trên 5.000 EUR. Trong khi đó thành viên Nghị viện Pháp phải kê khai bất kỳ quà tặng nào, bất kể giá trị của nó là bao nhiêu. Ngoài ra, nhiều quốc gia còn yêu cầu kê khai cả các khoản chi tiêu, nhất là các khoản chi tiêu có giá trị lớn, kể cả các lợi ích phi vật chất như hứa hẹn về việc làm của vợ, chồng, con cái của người có chức vụ, quyền hạn...

Thứ ba, có các biện pháp đồng bộ để kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn:

Nhìn chung, ở nhiều quốc gia họ thực hiện tốt việc kiểm soát thu nhập, tài sản của người có chức vụ quyền hạn vì họ có nhiều cơ chế đồng bộ phục vụ cho quá trình này: Kiểm soát chung về thu nhập của mọi công dân thông qua việc kê khai nộp thuế và quản lý thuế thu nhập cá nhân; áp dụng các biện pháp hạn chế sử dụng tiền mặt và kiểm soát các giao dịch có giá trị lớn; có các cơ quan thực hiện chức năng và thẩm quyền theo dõi, kiểm soát các khoản thu nhập, chi tiêu của những người có chức vụ, quyền hạn khi xác định có tài sản tăng lên bất thường nhằm kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng; có kênh theo dõi giao dịch của các tổ chức tín dụng và có hệ thống đăng ký quyền sở hữu tài sản để giám sát các khoản chi tiêu nhằm phát hiện các trường hợp chi tiêu của công chức không cân xứng so với thu nhập chính thức mà họ đã kê khai hoặc tìm cách chuyển tiền ra nước ngoài; sử dụng kênh giám sát xã hội bằng cách thông tin tài sản, thu nhập của công chức được đăng tải trên báo chí hay internet và ngoài những nội dung được đăng tải thì người dân, cơ quan truyền thông hay cơ quan công quyền khác có thể yêu cầu được tiếp cận các thông tin không được công khai…

Có thể kể đến những quốc gia có hệ thống quản lý thu nhập quốc dân tốt như Đức, Anh, Mỹ, Nhật Bản, các nước Bắc Âu...trong đó điển hình cho mô hình này là hệ thống công khai tài chính điện tử để phòng, chống xung đột lợi ích của Mỹ.

Trụ sở Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh
Trụ sở Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh)

Trung Quốc không phải là nước được xếp vào danh sách những nước phòng, chống tham nhũng thành công nhất nhưng những năm gần đây đang nổi bật lên với các chiến dịch “lưới trời” trong đó khá hiệu quả trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Kênh phối hợp giữa Bộ Công an và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trong việc chặn đứng hoạt động chuyển tiền phi pháp thông qua các công ty ở nước ngoài và hệ thống ngân hàng ngầm cũng là một kinh nghiệm rất đáng học hỏi.

Thứ tư, quy định chế tài nghiêm khắc trong xử phạt vi phạm:

Đối với việc kê khai hoặc kê khai không đầy đủ, kê khai gian dối, một số quốc gia sẽ xem xét xử lý theo Luật hành chính hoặc Luật hình sự. Ví dụ như: Ở Pháp, khi những người phải kê khai tài sản, thu nhập cố ý không khai báo một phần đáng kể tài sản hoặc cung cấp một định giá sai về các tài sản của họ, thì những người này sẽ bị phạt đến 30.000 Euros và có thể kèm theo việc cấm các quyền dân sự hoặc cấm nắm giữ chức vụ của họ. Thậm chí Trung Quốc còn quy định hành vi không thông báo về thông tin tài khoản mở ở ngân hàng nước ngoài là tội phạm trong BLHS.

Đặc biệt, đối với hành vi của những cá nhân, tổ chức liên quan mà thiếu hợp tác, gây cản trở cho quá trình xác minh tài sản, thu nhập cũng bị quy định chế tài xử lý nghiêm khắc (có cả xử lý hình sự). Ví dụ như ở Hy Lạp, sau mỗi cuộc bầu cử Quốc hội, các thành viên của Chính phủ, ĐBQH và gia đình họ sẽ bị kiểm tra việc kê khai tài sản. Việc xác minh của các cơ quan chức năng cần đến sự hỗ trợ của các ngân hàng, dịch vụ thuế, kinh doanh trong việc truy cập vào tất cả các tài liệu và dữ liệu họ cần. Việc thiếu hợp tác, gây cản trở cho quá trình kiểm soát có thể bị trừng phạt ít nhất sáu tháng tù giam.

Rõ ràng, với cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được thiết kế và tổ chức một cách thực chất và đồng bộ như vậy sẽ ngăn chặn được tối đa hành vi “tẩu tán” tài sản bất minh trong đó có tài sản tham nhũng. Đồng nghĩa với việc sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho công tác thu hồi tài sản tham nhũng ở các giai đoạn về sau.

Tịch thu tài sản bất minh: có nhiều con đường ngoài bản án hình sự

Tại hội nghị đánh giá về thực thi công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) do Thanh tra Chính phủ Việt Nam tổ chức vào năm 2016, ông Shervin Majlessi, cố vấn pháp luật cao cấp của Ngân hàng Thế giới/Sáng kiến về thu hồi tài sản bị đánh cắp của UNODC (Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm), đã khẳng định rằng: Theo kinh nghiệm quốc tế, nỗ lực thu hồi tài sản tham nhũng thông qua quy trình truyền thống, nghĩa là qua kênh tố tụng hình sự và bản án kết tội của tòa, thường ít mang lại hiệu quả. Do vậy, nhiều nước đã lựa chọn cách thức tịch thu tài sản mà không cần bản án hình sự như Australia, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Ý cùng nhiều nước tại liên hiệp EU…

Cách thức áp dụng biện pháp tịch thu tài sản mà không cần bản án hình sự ở mỗi nước có khác nhau nhưng đều có điểm chung là hướng vào tài sản bất minh (phi pháp, không rõ nguồn gốc): đối với những tài sản mà đương sự không giải trình được nguồn gốc thì sẽ bị tịch thu. Theo đó, các biện pháp dân sự đã được nhiều nước áp dụng bổ sung cho biện pháp hình sự trong việc thu hồi tài sản bất minh nói chung và tài sản tham nhũng nói riêng.

Ở Australia, ngoài phương pháp thu hồi tài sản phi pháp bằng con đường tố tụng hình sự thì còn có 2 phương pháp phi hình sự chính thức như sau: Thông qua luật cho phép việc thu hồi thu nhập từ hành vi phạm pháp không cần kết án đối với tội phạm nước ngoài (thu hồi tài sản dân sự); thông qua việc tố tụng ở các Tòa án dân sự (tố tụng dân sự) đối với các vụ việc trong nước. Ngoài ra, còn có phương pháp (không chính thức) hình thành từ hợp tác giữa các cơ quan với nhau, tập trung vào hỗ trợ pháp lý hành chính. Kể từ khi hoạt động, các lực lượng đặc nhiệm đã thu giữ thành công một loạt các tài sản bao gồm tiền mặt, bất động sản và tài sản thương mại, danh mục đầu tư cổ phiếu, xe hơi sang trọng, đồ trang sức, xe máy, máy bay loại nhỏ, máy bay phản lực, thuyền và xuồng máy, các tác phẩm nghệ thuật và đồ sưu tầm khác.

Ông Shervin Majlessi, cố vấn pháp luật cao cấp của WB/Sáng kiến về thu hồi tài sản bị đánh cắp của UNODC
Ông Shervin Majlessi, cố vấn pháp luật cao cấp của WB/Sáng kiến về thu hồi tài sản bị đánh cắp của UNODC)

Một Đạo luật của Pháp cho phép cơ quan Agrasc (cơ quan quản lý và thu hồi tài sản bị thu giữ và tịch thu trực thuộc Bộ Tư pháp và Bộ tài chính & ngân sách) tịch thu tài sản phi pháp và bán đấu giá ngay cả trước khi có phiên tòa xét xử. Đồng thời còn nới rộng những loại tài sản có thể bị niêm phong và tịch thu, người bị tịch thu cần phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thì mới có thể lấy lại được những tài sản khổng lồ bị niêm phong. Trong 2 năm 2015 và 2016, cơ quan Agrasc này đã niêm phong hơn 800 triệu Euros với rất nhiều dinh thự, tài khoản ngân hàng và chiếc xe hơi đắt tiền. Trong đó đã thu được 480 triệu Euros từ việc bán đấu giá tài sản phi pháp trong năm 2015.

“Ở Mỹ, trong một vụ việc mới đây nhất, nếu chờ quan tòa phán quyết sẽ mất rất nhiều thời gian nên lực lượng chức năng đã sử dụng biện pháp tịch thu tài sản mà không cần tuyên án để tịch thu khoản tiền hơn 1 tỷ USD”, ông Shervin Majlessi cho biết.

Tại Singapore, pháp luật trao quyền cho Cục Điều tra tham nhũng điều tra bất kỳ người nào sở hữu nguồn tiền hoặc tài sản không phù hợp với nguồn thu nhập của họ mà không thể giải trình. Việc người đó sở hữu tiền và tài sản mà không thể giải thích có thể được coi là bằng chứng rằng họ đã nhận tiền hay tài sản đó “bằng cách tham ô hay nhận đút lót dưới dạng tiền thưởng” và khoản tiền/tài sản đó cũng có thể tịch thu chỉ bằng lệnh của tòa (chứ chưa cần kết án).

Trung Quốc đã hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính bằng cách quy định rằng bất kỳ công chức nào mà có tài sản hoặc chi tiêu rõ ràng vượt quá thu nhập hợp pháp, nếu có sự khác biệt lớn, thì có thể bị yêu cầu giải thích về nguồn gốc tài sản của người đó. Nếu công chức không thể giải thích được về nguồn gốc hợp pháp của tài sản, thì phần tài sản vượt quá thu nhập hợp pháp của họ sẽ bị coi là tài sản bất hợp pháp, và bị phạt tù đến 05 năm hoặc cải tạo không giam giữ và tài sản vượt quá thu nhập hợp pháp sẽ bị tịch thu (nhưng đây vẫn là con đường hình sự).

Có thể thấy rằng, ở những nước này đều có cơ chế nhất định để tịch thu tài sản phi pháp, có nguồn gốc không rõ ràng bằng nhiều con đường dù có quy định hành vi làm giàu bất chính là tội phạm hay không. Với nguyên tắc, cứ là tài sản bất minh là tịch thu, sau đó nếu điều tra ra tài sản có nguồn gốc tham nhũng thì cá nhân đó sẽ bị xử lý hình sự. Điều này rõ ràng rất ưu việt, cho nên ở những nước phòng, chống tham nhũng hiệu quả, công tác thu hồi tài sản tham nhũng của họ đạt tỉ lệ cao.

Việt Nam chưa luật hóa cơ chế thu hồi tài sản không rõ nguồn gốc vì cho rằng điều này rất phức tạp, dễ mang tính quy kết, oan sai, vi phạm quyền con người…Tuy nhiên ở một nước luôn đề cao quyền con người như Mỹ và một số nước khác, lại rất “thông thoáng” trong cơ chế tịch thu tài sản bất minh. Vậy có cơ sở để cho rằng, Việt Nam nên nghiên cứu và tham khảo kỹ lưỡng cách làm của những nước kể trên để có thể áp dụng phù hợp với điều kiện ở nước ta hiện nay, giúp công tác thu hồi tài sản tham nhũng không bị nghẽn, hiệu quả thấp như thời gian qua.

Đàm Lan

Bạn đang đọc bài viết "Thu hồi tài sản tham nhũng và kinh nghiệm của một số nước (Bài 3)" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin