“Rất nhiều quan chức đã có cơ hội lợi dụng những lỗ hổng của pháp luật để làm giàu” - TS Nguyễn Sĩ Dũng.
Gần đây, những vụ việc liên quan đến tài sản khủng của quan chức, trong đó có những người đang nắm giữ vị trí cao trong chính quyền, đã khiến dư luận đặt rất nhiều dấu hỏi. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói: “Mục tiêu của chúng ta đặt ra là dân giàu chứ không phải quan giàu. Một nền quản trị quốc gia muốn vận hành tốt phải có được niềm tin của công chúng. Các quan chức giàu có quá làm sao có được niềm tin của công chúng”.
Làm quan và làm giàu: Khó kết hợp “hài hòa”
. Phóng viên: Có người sẽ cho rằng quan chức không giàu chứng tỏ anh không tài giỏi. Chuyện của nhà mình lo không xong thì làm sao lo được cho dân, cho nước. Ông nghĩ sao?
+ TS Nguyễn Sĩ Dũng: Quả đúng là như vậy. Những người lo cho mình không xong khó có thể lo cho dân, cho nước. Tuy nhiên, điều này chỉ khẳng định rằng nghèo khổ không nên là tiêu chí để lựa chọn các quan chức mà thôi. Những người tài giỏi luôn phải đứng trước hai sự lựa chọn: muốn trở nên giàu có thì đi vào lĩnh vực tư; muốn cống hiến thì đi vào lĩnh vực công. Khó có sự kết hợp “hài hòa” giữa làm quan và làm giàu được.
Tất nhiên, giàu có rồi mới ra làm quan và làm quan rồi mới trở nên giàu có là hai chuyện khác nhau. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã là tỉ phú rồi mới ra làm quan. Chúng ta cũng đã bắt đầu có một vài tỉ phú. Nếu một ngày nào đó những người này được mời ra làm quan, sự giàu có của họ sẽ chẳng làm bất kỳ ai dị nghị cả.
. Thế thì tại sao việc quan chức ở ta giàu có hoặc giàu rất nhanh lại trở thành vấn đề, thưa ông?
+ Thì vì rằng lương của các quan chức rất thấp nên làm quan là không thể làm giàu. Trong lúc đó, do hoàn cảnh lịch sử, chúng ta có rất ít người giàu có rồi mới làm quan.
Một thực tế là sau 30 năm đổi mới, chính sách pháp luật của nước ta như Luật Cán bộ, công chức; Luật Phòng, chống tham nhũng… mới dần được xây dựng và hoàn thiện. Thực chất, hoạt động lập pháp của chúng ta trong một thời gian dài đã không theo kịp với những chuyển đổi rất nhanh của cơ chế thị trường. Rất nhiều quan chức đã có cơ hội lợi dụng những lỗ hổng của pháp luật để làm giàu.
Công bằng mà nói, những quan chức như vậy chỉ rất đáng bị lên án về mặt đạo đức chứ rất khó bị xử phạt về mặt pháp luật.
. Nước ta lương của cán bộ, công chức là thấp, thậm chí các chức danh cao cấp của Nhà nước chỉ ở mức hơn 15 triệu đồng/tháng. Liệu đó có phải là một trong những lý do khiến công luận quan ngại nhiều về sự giàu có của các quan chức hiện nay?
+ Tất nhiên, đây là lý do cơ bản nhất. Chúng ta trả lương cho các quan chức cao cấp quá thấp. Nhưng lại bao cấp cho các quan chức này quá nhiều. Cách làm hợp lý hơn là các tiêu chuẩn, chế độ gì đưa được vào lương thì nên đưa hết vào lương. Lương cao hơn thì sự sung túc cũng dễ lý giải hơn.
Thực ra khi đã chấp nhận kinh tế thị trường thì chúng ta cũng nên hiểu những quy luật của kinh tế thị trường, trong đó có quy luật giá cả. Chúng ta bao giờ cũng phải trả cho thứ chúng ta mua. Trả giá thế nào thì mua hàng thế ấy. Chúng ta trả không đủ thì cơ chế thị trường phải bù lại bằng 1.001 cách khác. Mà như vậy thì tham nhũng, tiêu cực chắc chắn sẽ xảy ra.
. Có ý kiến khác cho rằng quan chức giàu không được thiện cảm còn do tâm lý ghét người giàu?
+ Tâm lý đó khó có thể phủ nhận. Trong nhiều truyện cổ tích của chúng ta, người giàu có bao giờ cũng thường xấu xa; người nghèo khổ thì bao giờ cũng thường tốt đẹp. Nhưng điều thú vị là tốt đẹp rồi cuối cùng cũng chỉ để trở nên giàu có. Tâm lý “giận mà thương” này xem ra có vẻ đầy mâu thuẫn.
Một thời gian dài trước đây, người giàu có thường bị gắn với “bóc lột”. Thực tế lịch sử này chúng ta không thể phủ nhận. Nhưng cũng nhìn từ lịch sử, ngày xưa làm quan thì đương nhiên là giàu có.
. Nhưng tôi quan sát thấy tâm lý không thiện cảm với quan chức giàu có hiện nay nổi lên khá nhiều?
+ Bởi như tôi nói ở trên, làm quan chức với mức lương hiện nay thì khó có thể giàu. Mà như vậy thì người dân hoàn toàn có lý khi cho rằng làm quan thì chỉ có tham nhũng mới giàu được.
Thực tế có không ít nhũng nhiễu trong hệ thống công quyền đối với người dân và doanh nghiệp nên có lý do để người dân nghĩ rằng giữa sự giàu có của quan chức và sự nhũng nhiễu là có quan hệ với nhau. Thực ra nhũng nhiễu người dân cũng khó giàu có được, chỉ nhũng nhiễu doanh nghiệp mới dễ giàu có hơn.
Đối với doanh nghiệp, ta phải hiểu khi nào còn có lãi thì doanh nghiệp còn chi trả những khoản ngoài luồng. Đó là nguyên tắc của “kinh tế học tham nhũng”. Chẳng hạn, một miếng đất ở phố cổ Hà Nội có giá trị thị trường rất lớn thì chỉ khi nào giá của nó đạt tới mức đó giao dịch mới xảy ra. Vấn đề là tiền sẽ chảy vào túi ai và theo những công đoạn nào.
Tận dụng lỗ hổng và khiếm khuyết
. Tức là giá trị của đất đai, thương quyền… trong nền công vụ có độ vênh so với thị trường. Và đó là một trong những nguồn gốc của sự giàu có của các quan chức?
+ Độ vênh đó là có và độ vênh đó đưa lại lợi ích vật chất khi quyền năng công vụ được vận dụng. Thị trường có nhiều thứ có giá nhưng hệ thống quản trị hiện nay không nhìn thấy hết được.
Chẳng hạn, những “lốt” đậu xe ở các bến xe không chỉ là chỗ đậu mà còn là thương quyền khai thác dịch vụ vận tải hành khách. Giá của nó chủ yếu là giá của thương quyền chứ không phải là chỗ đậu xe vật lý. Nếu có hình thức đấu giá minh bạch thì không có tham nhũng. Nhưng cứ cấp phát theo kiểu xin-cho thì tham nhũng phát sinh. Chúng ta không có đủ kiến thức, kinh nghiệm để quản lý những giá trị của thương quyền, vật quyền. Nhưng những giá trị này nếu Nhà nước không thu được thì đương nhiên chúng phải chảy vào túi ai đó.
. Những khiếm khuyết trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường cũng là một nguồn gốc giàu có của quan chức?
+ Đúng là như vậy! Chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường khá muộn. Sự hiểu biết và năng lực điều hành nền kinh tế thị trường còn nhiều hạn chế. Nhiều người giàu lên nhờ tận dụng được những lỗ hổng và khiếm khuyết nói trên là có thật.
Một ví dụ khác, Luật Phòng, chống tham nhũng cấm quan chức đầu tư vào những doanh nghiệp trong lĩnh vực mình phụ trách. Như vậy thì một quan chức quản lý ngành giao thông hoàn toàn có thể đầu tư vào ngành vật liệu xây dựng, rồi bán vật liệu để làm cầu, đường cho các doanh nghiệp ngành giao thông. Rõ ràng trong trường hợp này, quan chức nói trên không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc lạm dụng chức quyền thì lại đã xảy ra.
Vì vậy, tốt hơn là nên quy định khái quát như pháp luật của các nước, tất cả những gì gây ra xung đột lợi ích thì quan chức không được làm.
. Xin cám ơn ông.
Cơ hội chỉ là “một dãy ghế”
. Phóng viên: Có người nhận xét rằng ở các nước người ta giàu rồi mới đi làm quan, chứ không phải đi làm quan để làm giàu như nước ta thì tốt hơn. Ông nghĩ sao? + TS Nguyễn Sĩ Dũng: Cũng không hẳn như vậy. Quan niệm phổ biến ở các nước là vào công vụ để cống hiến, không phải để làm giàu. Muốn giàu có, họ sẽ phải vào lĩnh vực tư. Còn ở Việt Nam, do hệ quả của thời bao cấp nên cơ hội trong lĩnh vực tư còn chưa nhiều. Trước đây, đã có một thời cơ hội chỉ là “một dãy ghế”, ghế càng cao hơn thì tiêu chuẩn, chế độ càng nhiều hơn. Nhưng khi chúng ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, cơ hội cho lĩnh vực tư mở ra đã nhiều hơn. Trước đây, đã có thời điểm khi chuyện làm ăn dễ dàng, thị trường chứng khoán bùng phát, nhiều quan chức đã bỏ nhiệm sở ra ngoài làm ăn và thành công. Nhưng sau đó rất tiếc xu hướng này không giữ được. Lĩnh vực công vẫn là nơi có thu nhập ổn định, dễ làm cho người trong hệ thống trở nên giàu có. . Nhưng hiện nay lĩnh vực tư có vẻ đang được khuyến khích mở rộng? + Nghị quyết Đại hội XII đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng thì đó là một điều kiện tốt. Làm giàu trong lĩnh vực tư, nếu được khuyến khích sẽ trở nên dễ dàng và chính đáng, hợp pháp hơn. Khi đó những người có lựa chọn làm giàu sẽ chọn lĩnh vực tư. Một số người giàu có rồi mà muốn cống hiến sẽ tham gia vào lĩnh vực công. Điều cần thiết khi đó là cơ chế tuyển dụng phải công khai và thông thoáng hơn để không đóng cửa với những người vừa có tài, vừa giàu có và vừa muốn cống hiến. Khi đó nếu có một bộ phận quan chức giàu có thì điều đó sẽ không còn là chuyện phản cảm. |
Theo Plo