Phiên tòa xét xử vụ án Công ty cổ phần liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (công ty Liên Kết Việt) do Lê Xuân Giang cầm đầu đã lừa đảo gần 70.000 người trên địa bàn 27 tỉnh thành gây thiệt hại gần 2.100 tỷ đồng.
Thực trạng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật thông qua lợi dụng phương thức bán hàng đa cấp
Tuy số lượng không nhiều, chiếm tỷ lệ rất thấp trong cơ cấu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng trong thực tế các hành vi vi phạm và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn lợi dụng phương thức BHĐC diễn ra khá phức tạp, hậu quả thiệt hại rất lớn, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh cũng như đời sống của một bộ phận dân cư, chủ yếu là nông dân, viên chức, học sinh, sinh viên; những người đang có nhu cầu việc làm mong muốn có thu nhập cao để nâng cao đời sống, đã đưa họ vào tình trạng nợ nần chồng chất và tạo ra tình trạng lừa lọc lẫn nhau.
Điển hình là vụ án Công ty cổ phần liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (công ty Liên Kết Việt) do Lê Xuân Giang cầm đầu đã lừa đảo gần 70.000 người trên địa bàn 27 tỉnh thành gây thiệt hại gần 2.100 tỷ đồng; vụ án Công ty TNHH nhượng quyền thương mại Thăng Long lừa đảo số tiền 700 tỷ đồng của hàng nghìn người tham gia mạng lưới BHĐC của công ty,…
Qua nghiên cứu các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc lợi dụng phương thức BHĐC trong thời gian qua cho thấy các đối tượng phạm tội thường tập trung hoạt động thông qua một số thủ đoạn phổ biến sau:
- Mở các đại lý, yêu cầu cá nhân phải đặt cọc để được quyền tham gia mạng lưới BHĐC, thu tiền đặt cọc của người tham gia rồi chiếm đoạt tài sản
- Dụ dỗ, lôi kéo nhiều người tham gia mạng lưới kinh doanh ảo do chúng tạo ra với hứa hẹn thu lợi nhuận, hoa hồng cao làm cho họ tin tưởng để lừa bán được hàng với giá cao nhằm chiếm đoạt tài sản: Các doanh nghiệp BHĐC dùng thủ đoạn trả cho người tham gia mạng lưới BHĐC với tỷ lệ hoa hồng rất cao, thường là 30% - 50% giá bán của sản phẩm nhằm gây dựng lòng tin hoặc đánh vào lòng tham của người tham gia dẫn đến người tham gia phải đặt cọc với số tiền cao và thường không được doanh nghiệp trả lại khi bị loại ra khỏi mạng lưới và chiếm đoạt tài sản
- Đưa ra các thông tin gian dối về tính chất, thành phần, công dụng của hàng hóa sản phẩm, quảng cáo mập mờ gây nhầm lẫn cho khách hàng để dụ dỗ người khác tham gia BHĐC nhằm chiếm đoạt tài sản. Ví dụ Lê Xuân Giang trong vụ án công ty Liên Kết Việt đã chào mời khách hàng và khẳng định hàng hóa bán ra gồm máy vật lý trị liệu, máy khử độc Ozone hay thực phẩm chức năng này là sản phẩm được công ty liên doanh, liên kết với các đơn vị của Bộ Quốc Phòng như Bệnh viện Quân Y 108, công ty Thanh Hà,… nhưng trên thực tế lại không phải như vậy
- Không nhận lại hàng hóa do người tham gia trả lại khi họ chấm dứt hợp đồng BHĐC nhằm chiếm đoạt tài sản của họ qua việc bán hàng với giá cao
- Mở các lớp học đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện để trở thành “nhà phân phối”, “cộng tác viên” với lời hứa hẹn chia tỷ lệ hoa hồng cao một cách vô lý (40% - 60%, 30% - 70%) mục đích làm cho mọi người tin để chiếm đoạt tài sản qua việc họ mua hàng hóa với giá quá cao để trở thành nhà phân phối, cộng tác viên của doanh nghiệp BHĐC
- Đưa ra các thông tin giả dối về sự giàu có một cách nhanh chóng khi tham giá vào mạng lưới BHĐC và trở thành nhà phân phối, cộng tác viên của công ty, với tỷ lệ hoa hồng ngày càng cao khi giới thiệu nhiều người tham gia mạng lưới BHĐC nhằm chiếm đoạt tiền mua sản phẩm của những người này
Qua việc nghiên cứu tình hình hoạt động kinh doanh đa cấp, thực trạng đấu tranh của các cơ quan chức năng cho thấy tội phạm này phát sinh, tồn tại, phát triển là do một số nguyên nhân sau:
- Nguyên nhân từ những bất cập trong hệ thống chính sách pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo phương thức BHĐC. Nhiều văn bản pháp luật còn hạn chế, thiếu đồng bộ, thống nhất đã tạo ra những kẽ hở để các đối tượng lợi dụng phạm tội, nhất là các quy định về thành lập doanh nghiệp hoặc trong quản lý hoạt động của doanh nghiệp,…
- Những hạn chế trong công tác tuyên truyền, giáo dục về kinh doanh đa cấp và phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn lợi dụng phương thức BHĐC. Đại đa số người dân đều rất ít hoặc hạn chế hiểu về các quy định pháp luật liên quan đến phương thức BHĐC dẫn đến các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội
- Những yếu kém trong mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh đa cấp
- Nguyên nhân từ chính những người tham gia BHĐC và người tiêu dùng.
Giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống
Từ những nguyên nhân trên, tác giả đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua lợi dụng phương thức BHĐC trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, tham mưu bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động BHĐC bằng cách: tạo hành lang pháp lý vững chắc và thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp phát triển; cần có những quy định về bảo về quyền lợi người tham gia BHĐC; những chế tài xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về kinh doanh theo phương thức BHĐC.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phương thức BHĐC, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp và các cá nhân để phòng ngừa, phát hiện tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn lợi dụng phương thức BHĐC như: tuyên truyền các quy định pháp luật trong quản lý doanh nghiệp, quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp; những hành vi vi phạm pháp luật và các loại tội phạm về kinh tế, hậu quả tác hại do tội phạm gây ra; cách nhận biết tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn lợi dụng phương thức BHĐC, làm cho người dân hiểu được không phải kinh doanh đa cấp là lừa đảo mà chỉ có kinh doanh đa cấp ảo, biến tướng mới là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thứ ba, phối hợp với các cơ quan chức năng trong quản lý doanh nghiệp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như: phối hợp giữa Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và đầu tư trong việc quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp trong việc thành lập, cấp giấy phép cũng như hoạt động liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức BHĐC; phối hợp giữa Cơ quan Thanh tra, Cơ quan Quản lý thị trường, Cơ quan Thuế, lực lượng Hải quan,… trong thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp BHĐC, kịp thời phát hiện các hành vi lừa đảo trong doanh nghiệp để xử lý theo quy định của pháp luật.