Thay đổi chính sách để thu hút FDI trong giai đoạn mới

Trong năm 2021, mặc dù nền kinh tế thế giới và FDI toàn cầu cũng như kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, vốn FDI vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư Việt Nam, vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh đều tăng so với năm 2020, đặc biệt vốn điều chỉnh tăng mạnh tới 40,5%.
10-1655601645.jpeg
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam được kỳ vọng khởi sắc trở lại

Bước sang năm 2022, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam được kỳ vọng khởi sắc trở lại nhờ các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau hai năm đóng cửa bởi dịch bệnh Covid-19. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20 tháng 5 năm 2022 đạt 7,71 tỷ USD tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu trên cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Trong trạng thái bình thường mới, cơ hội của Việt Nam trong quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài đang rộng mở. Việt Nam đã ký kết được các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Các FTA thế hệ mới đặc biệt là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã giúp Việt Nam tiếp cận với nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới. Minh chứng là sự gia tăng về vốn đầu tư từ các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản… Đây đều là các đối thủ chủ chốt trong các FTA đã có hiệu lực. Khi các FTA có hiệu lực, hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam sẽ được hưởng những ưu đãi, đặc biệt là về hàng rào thuế quan.

Mặt khác, trong khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp tục, nhiều công ty công nghệ của Mỹ, Nhật Bản đã rời Trung Quốc sang các nước khác đầu tư, Việt Nam được coi là một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn. Bên cạnh các lợi thế truyền thống như vị trí địa lý, chiến lược, lao động giá rẻ, nền chính trị hòa bình ổn định… Việt Nam hiện nay còn thu hút nhà đầu tư nước ngoài bởi môi trường đầu tư ngày càng năng động, cởi mở, có nhiều chính sách khuyến khích ưu đãi của chính quyền đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Trước đại dịch, các nước trên thế giới phụ thuộc lớn vào các chuỗi sản xuất, cung ứng từ Trung Quốc. Sau khi đại dịch xảy ra, các tập đoàn đa quốc gia muốn dịch chuyển đầu tư sang các nước châu Á khác, như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Philippines… Chẳng hạn như Nikkei Asian Review, Google và Microsoft đang chuyển một số dây chuyền sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam và Thái Lan.

Bên cạnh các cơ hội, Việt Nam còn phải đối mặt trước nhiều thách thức trong quá trình thu hút nguồn vốn FDI, cụ thể:

Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn về các quy định pháp luật chưa rõ ràng, thiếu tính minh bạch, gây ra những khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện. Cơ sở hạ tầng cho các hoạt động logistics chưa phát triển đồng bộ. Nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn còn hạn chế.

Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư nước ngoài chưa hài lòng về khả năng đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thế chế, chính sách, pháp luật; thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư ở Việt Nam.

Các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay gặp khó khăn trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chưa đủ năng lực để chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với xu thế mới, từ đó làm giảm năng lực cạnh tranh so với các doanh nghiệp nước ngoài. Công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các dự án công nghệ cao của Việt Nam còn nhiều hạn chế, doanh nghiệp nội địa nhỏ về quy mô, trình độ công nghệ thấp nên chưa thể trở thành vệ tinh, là mắt xích trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.

Trong khi các nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang sụt giảm do ảnh hưởng của Covid-19, thì các thị trường mới nổi hấp dẫn nhà đầu tư ngày càng xuất hiện nhiều như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia… với đủ hình thức thu hút đầu tư hấp dẫn khác nhau. Họ có lợi thế tương đồng hoặc riêng biệt vẫn đang cạnh tranh quyết liệt với Việt Nam. Các quốc gia này cũng đang ban hành nhiều chính sách rất mạnh mẽ để giữ chân, cũng như lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài như ưu đãi về thuế, xây dựng các khu công nghiệp, gói hỗ trợ đào tạo thợ lành nghề, hoặc những cam kết sẽ cải thiện môi trường kinh doanh nội địa…

Bối cảnh mới với nhiều cơ hội và thách thức như hiện nay đòi hỏi Việt Nam cần phải có những thay đổi về định hướng chiến lược thu hút FDI trong thời gian tới. Cụ thể, Chính phủ cần đánh giá tổng thể các chính sách tài chính, đặc biệt và chính sách thuế thu hút vốn FDI đang được áp dụng để có những điều chỉnh, sửa đổi bổ sung cho phù hợp, hướng đến xây dựng một hệ thống thuế tốt với chi phí tuân thủ thấp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần giảm ưu đãi dư thừa, giảm sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật về ưu đãi và thu hút đầu tư. Nguyên nhân là ưu đãi thuế và tài chính có tác dụng không rõ rệt lên thu hút đầu tư bằng việc cải thiện môi trường kinh doanh và chất lượng hạ tầng. Bên cạnh đó là xây dựng, rà soát tổng thể danh mục ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư gắn với việc đánh giá hiệu quả của các chính sách ưu đãi về đầu tư nói chung và chính sách tài chính nói riêng trên các phương diện quy mô vốn đầu tư, quy mô vốn thực hiện, tỷ lệ vốn thực hiện trên vốn đầu tư, số việc làm tạo ra, kim ngạch xuất khẩu.

Đồng thời, Chính phủ cần cải thiện môi trường kinh doanh như đảm bảo tính công khai, minh bạch ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và pháp luật; thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; thủ tục hành chính đơn giản, đảm bảo thời gian đã quy định; cải thiện về cơ sở hạ tầng (giao thông, thông tin); nâng cao chất lượng lao động của từng địa phương; tạo khung ưu đãi chính sách chung, cho phép các địa phương chủ động hơn trong chính sách ưu đãi phù hợp với nhu cầu và mong muốn của địa phương; tạo thương hiệu cho địa phương nhằm thu hút đầu tư chủ động.

Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước cần phải nỗ lực nâng cao năng lực về tất cả các mặt, từ công nghệ đến năng lực, trình độ và đội ngũ người lao động, quản lý. Chỉ khi đó, các doanh nghiệp FDI mới tìm đến đặt hàng và hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu của họ. Đồng thời, các doanh nghiệp phải kiểm soát chặt chẽ những dự án đầu tư không phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam hoặc những lĩnh vực phà doanh nghiệp trong nước không đủ năng lực về công nghệ.

Theo vietnamfinance.vn

Nguồn bài viết: https://vietnamfinance.vn/thay-doi-chinh-sach-de-thu-hut-fdi-trong-giai-doan-moi-20180504224269932.htm

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin