Việc thanh tra của Chính phủ là rất cần thiết, không chỉ thanh tra từng đợt, mà phải thường xuyên, liên tục, tất cả dự án chuyển đổi mục đích khác.
Bắt buộc phải làm
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu vừa ký Quyết định số 3344/QĐ-TTCP phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2017 của Thanh tra Chính phủ mà theo đó cơ quan này sẽ tiến hành 23 cuộc thanh tra chính thức và 6 cuộc thanh tra dự phòng.
Đáng chú ý,Vụ II Thanh tra Chính phủ được giao thanh tra tại Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các đơn vị liên quan trong việc quản lý, sử dụng đất đai, tập trung việc chuyển đổi sử dụng đất từ đất quốc phòng, an ninh sang mục đích khác ở Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hoà.
Nội dung liên quan đến chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác cũng được Thanh tra Chính phủ giao Cục I thanh tra tại UBND TP Hà Nội, Cục II thanh tra tại UBND tỉnh Khánh Hoà và UBND TP Đà Nẵng, Cục III thanh tra tại UBND TP Cần Thơ.
Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông lâm TP.HCM cho rằng đất đai trên đất nước Việt Nam thuộc quyền sở hữu toàn dân, nhà nước đại diện toàn dân để quản lý sử dụng, các tổ chức cá nhân được nhà nước giao quyền sử dụng. Nếu nhà nước quản lý sử dụng kém hiệu quả, tạo ra lợi ích nhóm là có tội với nhân dân.
“Lợi ích trên đất đai quá lớn nên rất đễ bị lợi dụng nếu nhà nước quản lý không nghiêm, đặc biệt là đất công và đất thuộc quyền sử dụng của quân đội (Bộ Quốc Phòng). Việc thanh tra trên của Chính phủ là rất cần thiết, không chỉ thanh tra từng đợt, mà phải thường xuyên, liên tục; không chỉ một vài dự án trọng điểm mà tất cả dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ quốc phòng, an ninh hay công cộng”, PGS.TS Ngãi nhấn mạnh.
Theo ông Ngãi, đây là một nhiệm vụ rất khó nhưng không thể không làm. Vì vậy khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Chính phủ cần thiết tập trung vào 3 vấn đề chính và làm rõ nội dung cụ thể.
“Vấn đề thứ nhất, việc chuyển mục đích sử dụng từ quốc phòng, an ninh hay công cộng sang các dự án thương mại có đúng quy định của pháp luật không.
Thứ hai, vấn đề tài chính liên quan đến việc chuyển đổi, giá chuyển đổi có phù hợp với giá thị trường không, nguồn thu được quản lý và sử dụng thế nào.
Vấn đề thứ ba là vấn đề rất phổ biến, không phải chỉ thanh tra những dự án đã chuyển đổi đất sang dự án thương mại, mà là việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh và công cộng cho thuê, cần làm rõ giá cho thuê và nguồn thu được sử dụng như thế nào”, ông Ngãi khẳng định.
Cùng đưa quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Hồng Nga - Phó Trưởng Khoa, Khoa Kinh tế, trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM nhận định, cá nhân ông đánh giá cao việc chỉ đạo thanh tra các dự án chuyển đổi đất công sang mục đích dân sự khác.
Tuy nhiên, theo ý kiến của PGS.TS Nga, đáng lẽ ra việc thanh tra này cần làm sớm hơn để không xảy ra các vụ tiếp theo gần nhất.
“Theo quan điểm cá nhân thì việc tiến hành thanh tra các dự án đó vừa khó lại vừa không khó.
Khó khăn nhất là các dự án này đã được duyệt bởi chính phủ và các cơ quan chức năng, tức là đất đã giao cho các chủ sở hữu để chuyển đổi mục đích sử dụng, về mặt pháp luật, đất đã có chủ hợp pháp và được giao cho các cá nhân hay tổ chức.
Không khó ở đây là thanh tra chính phủ có đủ chức năng và phương tiện theo qui định của pháp luật để thanh tra các dự án được coi là có vấn đề trong việc giao đất công”, ông Nga nhấn mạnh.
Phó Trưởng Khoa Kinh tế, trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM khẳng định, việc thanh tra sẽ được tiến hành theo các thủ tục, trình tự của pháp luật và luật thanh tra chính phủ.
Đặc biệt, theo quan điểm của vị chuyên gia, để việc thanh tra được diễn ra thuận lợi và đạt kết quả như mong muốn, các cơ quan quản lý nhà nước cần làm rõ 3 vấn đề liên quan.
“Thứ nhất, chúng ta nên làm rõ việc chuyển mục đích sử dụng có đúng theo qui định, qui trình và qui hoạch tổng thể tại các thành phố có dự án hay không. Thứ hai là việc giao đất có đúng qui trình và có mang tính cạnh tranh hay không. Cuối cùng là có hay không việc sử dụng các mối quan hệ để mang lại lợi ích nhóm hay không”, PGS.TS Nga nêu quan điểm.
Sai phạm phải truy thu
PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi cũng đề cập đến các trường hợp đất vàng bị định giá thấp để chuyển đổi mục đích sử dụng xây dựng nhà cao tầng, trung tâm thương mại.
Theo nhận định của ông, sau khi thanh tra, nếu xác định được giá thấp trong việc chuyển đổi đất cho các dự án thương mại, cần phải quy trách nhiệm và truy thu.
“Phải làm như vậy mới công bằng, hội đồng nào, cá nhân nào quyết định giá như vậy phải chịu trách nhiệm. Nhà đầu tư nào lobby để được giá thấp là quyền của họ. Theo tôi lỗi này không thuộc nhà đầu tư, mà là do cán bộ quản lý. Tuy nhiên vấn đề này cũng hết sức thân trọng vì giá cả thị trường thay đổi hàng ngày, cần phải dựa vào giá thị trường vào thời điểm chuyển đổi thì mới công bằng”, ông Ngãi nhấn mạnh.
Một vấn đề khác được Trưởng khoa Kinh tế trường Đại học Nông Lâm TP.HCM nhắc đến đó là, giá trị tài sản tại các dự án rất lớn, rất dễ xảy ra lợi ích nhóm, thất thoát. Vì vậy ông Ngãi cho rằng các cơ quan chức năng làm việc một cách hiệu quả, công khai, minh bạch thì tình hình sẽ được cải thiện đáng kể.
“Tôi hy vọng thanh tra sẽ làm minh bạch tất cả, nếu sai phạm phải truy thu cho bằng được, bổ sung cho nguồn thu đáng kể cho ngân sách một cách chính đáng, tôi tin rằng nhân dân ai cũng ủng hộ việc làm này của thanh tra”, ông Ngãi chia sẻ.
Để giải quyết tốt vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hồng Nga cho rằng, chúng ta cần trả lời rõ câu hỏi như: liệu việc giao đất vàng để chuyển đổi mục đích sử dụng có dấu hiệu vi phạm hay tham nhũng hay không?
Theo vị chuyên gia, nếu đất vàng không đem đấu giá công khai, cạnh tranh và minh bạch thì việc đất vàng bị đánh giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường là chuyện rõ như ban ngày.
“Nếu có dấu hiệu vi phạm thì cần phải xử lý người ký quyết định, sau đó đến các cơ quan quản lý nhà nước tư vấn cho người ra quyết định.
Việc chúng ta bắt các doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất còn thiếu thì câu hỏi đặt ra là tiền sử dụng đất còn thiếu là tiền gì? Tất cả các doanh nghiệp được giao đất kinh doanh đều phải nộp tiền sử dụng đất theo nghị định 45/2014 của chính phủ.
Việc nộp chênh lệch giữa giá được giao và giá thị trường thì rất khó xác định vì giá thị trường phải dựa trên qui luật cung cầu, trong trường hợp này là để xác định giá thị trường cần phải tổ chức đấu giá công khai và cạnh tranh, điều này là bất khả thi khi đã giao đất cho một đối tượng cụ thể. Chúng ta không thể đấu thầu “ảo” được”, ông Nga chỉ rõ.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng, nếu có sai phạm, chúng ta có thể tăng thu ngân sách bằng cách trả lại tiền cho các chủ sở hữu và mang tài sản đất đai này đấu giá công khai và cạnh tranh, thậm chí cho phép các doanh nghiệp FDI tham gia đấu giá.
“Lâu nay chúng ta đều biết việc sử dụng các quĩ đất nhà nước là rất lãng phí, trong kinh tế học cái này gọi là “bi kịch đất công”, việc chưa giao đất cho một tổ chức, một doanh nghiệp hay một cá nhân đã dẫn tới sử dụng nguồn tài nguyên công này rất không hiệu quả, thậm chí nguồn tài nguyên khan hiếm đất đai này còn bị tàn phá và có thể sa mạc hóa.
Do vậy việc nhà nước giao đất công để sử dụng hiệu quả hơn góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên việc triển khai giao đất nhiều nơi chưa đúng theo qui luật thị trường và gây thất thoát cho NSNN và đây là mảnh đất đầy phù sa cả về nghĩa đen và bóng cho tham nhũng và lợi ích nhóm”, ông Nga thẳng thắn.
Hạn chế các cao ốc, tòa nhà cao tầng trong nội đô
Tiếp tục phân tích, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi nhắc đến việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần lên án về tình trạng cao ốc mọc tràn lan ở Hà Nội và TP.HCM.
Ông Ngãi chỉ ra rằng, Hà Nội và TP.HCM đã phát triển quá nhanh, tạo ra mất cân đối giữa nông thôn thành thị. Đặc biệt nhiều cao ốc mọc lên làm tăng di cư vào 2 thành phố này, hệ lụy tất yếu là kẹt xe, ngập nước, tệ nạn xã hội tràn lan, môi trường xuống cấp nghiêm trọng...
“Hôm nay mới nhận ra điều đó là muộn rồi, nhưng muộn còn hơn không, cần hạn chế ngay việc xây dựng các nhà cao tầng (chung cư hoặc cao ốc cho thuê) trong trung tâm, đặc biệt chấm dứt việc chuyển đổi đất quốc phòng, an ninh và công cho các dự án thương mại (xây cao ốc). Người dân 2 thành phố lớn này hạnh phúc nhất là những ngày tết, nhờ vào việc về quê nghỉ tết của nhiều người di cư. Tại sao người dân ở 2 thành phố này không được hạnh phúc 365 ngày như những ngày tết, đó là câu hỏi đặt ra cho những người hoạch định chính sách phải tìm câu trời”, ông Ngãi phân tích.
Đưa ra quan điểm khác, PGS.TS Nguyễn Hồng Nga nhận định, việc thanh tra của Thanh tra Chính phủ không thể hạn chế được sự gia tăng cao ốc tại nội thị của các thành phố lớn.
Theo ông điều này hoàn toàn dễ lý giải. Đầu tiên quĩ đất vàng rất khan hiếm và có giá trị lớn tại các khu đô thị. Hơn nữa do là quĩ khan hiếm nên giá sẽ rất cao và các nhà đầu tư phải tính toán sao cho có lợi nhất và việc họ xây cao ốc là phù hợp với sự phát triển “đi về phía mặt trời.
Đặc biệt, các doanh nghiệp thường muốn thuê hoặc mua cao ốc văn phòng để tiện giao dịch và một Office tại khu đất vàng ở trung tâm là “tín hiệu” tốt đề kinh doanh và tìm đối tác uy tín.
“Ở đây để giảm thiểu tắc đường và các vấn đề về an sinh xã hội, chúng ta phải tìm cách phát triển cơ sở hạ tầng trên cao và dưới đất cùng quá trình di dân để người dân chuyển ra các quận huyện ngoại thành sinh sống. Nếu khoảng cách 100 km đi hết khoảng 60 phút thì người dân sẽ “tự nguyện” rời các quận nội thành để “nhường chỗ” cho các trung tâm thương mại và căn hộ văn phòng.
Trong việc qui hoạch tổng thể về dài hạn thì đây là nhiệm vụ tối quan trọng của nhà nước về tầm vĩ mô trong một thành phố lớn và sự nối kết về cơ sở hạ tầng cứng giữa các tỉnh thành và vùng miền”, ông Nga kiến nghị.
Theo Bao Datviet