Thanh tra Chính phủ: Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023, nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao ý thức, vai trò của cấp ủy, người đứng đầu, công chức, viên chức, người lao động của các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ.

Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt các nhiệm vụ,  giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đồng bộ, kịp thời các nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ và Tổng Thanh tra Chính phủ theo chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật; kịp thời ngăn chặn, xử lý, đẩy lùi tham nhũng.

images729748-c-c-ch-ng-tham-nh-ng-1683207859.jpg

Một cuộc họp của Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ

Nội dung của Kế hoạch bao gồm: Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao theo chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo. Tổng Thanh tra Chính phủ, Thành viên Ban Chỉ đạo đã ban hành Kế hoạch số 77/KH-TTCP ngày 21/2/2023 thực hiện các nhiệm vụ được giao theo chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo; Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch số 14-KH/BCSĐ ngày 21/3/2023 thực hiện chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan cấp trên. Trên cơ sở đó, yêu cầu thủ trưởng các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ căn cứ vào các kế hoạch nêu trên và chức năng, nhiệm vụ của mình để chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả theo yêu cầu.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao của Thanh tra Chính phủ như: Các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Thanh tra; phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc các cơ quan thanh tra được trích từ khoản tiền thu phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định tại Khoản 3 Điều 112 Luật Thanh tra… Tăng cường, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gắn với pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, của Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ.

Thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp tục rà soát, hoàn thiện đồng bộ và tổ chức thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng, tiêu cực theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức, hoạt động của Thanh tra Chính phủ và các cục, vụ, đơn vị; thực hiện kế hoạch về chuyển đổi vị trí công tác trong lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là việc vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết khiếu nại, tố cáo; khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ sử dụng tài chính, tài sản công theo quy định; thực hiện các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu thực hiện quy tắc ứng xử; tăng cường chấp hành kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức Thanh tra Chính phủ. Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về tặng quà, nhận quà tặng, báo cáo, nộp lại quà tặng; kiểm soát xung đột lợi ích theo quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện nghiêm việc kê khai, công khai, xác minh tài sản, thu nhập, chế độ báo cáo theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong các hoạt động (tổ chức cán bộ; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực …); chủ động nắm tình hình, xử lý kịp thời các kiến nghị, phản ánh, đơn, thư khiếu nại, tố cáo; bảo vệ người tố cáo theo Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/1/2019 của Bộ Chính trị; phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm theo quy định đối với những vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Thanh tra Chính phủ. Đồng thời xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm người đứng đầu tại các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong đơn vị do mình quản lý, phụ trách; gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với việc bình xét thi đua, khen thưởng đối với cơ quan, đơn vị.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu Thủ trưởng các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Kế hoạch. 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin