Thẩm phán nơi ngã ba Đông Dương

12/02/2018 14:00

(Pháp lý) - Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, là huyện có 47 km đường biên giới giáp với hai nước bạn Lào và Campuchia, thường được gọi là Ngã ba Đông Dương. Huyện là địa bàn cư trú của đồng bào 17 dân tộc, đa số là đồng bào các dân tộc thiểu số. Vì những đặc điểm đặc thù như thế, nên công tác xét xử ở đây cũng có nhiều điều lạ lùng…

Cột mốc ngã ba Đông Dương
Cột mốc ngã ba Đông Dương)

Cõng nhân chứng đi xác minh

Trụ sở Tòa án huyện Ngọc Hồi nằm trên lưng chừng một con dốc ở thị trấn Plei Kần. Ở vùng cao biên viễn này, hết con dốc này đến con dốc khác, nhờ con đường xuyên Á - AH 17 những con dốc đã được hạ độ cao, chứ nguyên bản hồi còn đường đất thì kinh khủng lắm –Thẩm phán Vũ Văn Thuấn nói.

Con dốc dài khiến câu chuyện giữa chúng tôi với các Thẩm phán, Thư ký Tòa án Ngọc Hồi xoay quanh công việc xuống xã rất gian nan của các cán bộ Tòa án. Thẩm phán Nguyễn Thị Hảo kể về một vụ án dân sự, giải quyết tranh chấp đất đã được sang nhượng giữa A Thân và A Rịu ở xã Đăk Dục. Mảnh đất này vốn của ông già A Blêm bán lại cho A Thân. Thẩm phán Hảo và thư ký Trần Minh Quang hôm đó xuống địa bàn từ sớm để tiến hành hòa giải.

Để có căn cứ xác định mốc giới rõ ràng, thì ý kiến của ông già A Blêm, người đầu tiên khai hoang khu đất rất quan trọng, Thẩm phán đề nghị ông ra tận thực địa, chỉ cho mọi người thấy mốc giới. Ông già nhiệt tình, muốn hai bên khỏi tranh chấp nhưng ông đã 80 tuổi, yếu lắm rồi, cái chân không đi được nữa. Từ nhà ông ra đến khu rẫy hơn 3 cây số, lúc đó trời lại đổ mưa to… Chuẩn bị cho buổi hòa giải, Thẩm phán đã mời đông đủ cán bộ xã, trưởng thôn cùng hai bên nguyên đơn, bị đơn cùng có mặt, nếu không cố gắng, thì không biết hôm nào mới giải quyết xong. Mọi người còn đang phân vân chưa biết tính sao thì Thư ký Quang quyết định cõng ông già.

Anh Quang cõng ông già đội mưa, qua những con dốc trơn trượt và hai con suối để đến được mảnh đất tranh chấp. Khi thấy anh quá mệt, viên Công an xã thay phiên cõng đỡ. Trước mặt tất cả các bên liên quan, những câu hỏi, những thắc mắc được ông già trả lời rõ ràng. Cả đoàn trở lại nhà rông, buổi hòa giải thành công, hai bên vui vẻ đạt được thỏa thuận. Thẩm phán và Thư ký trở về đến tòa thì đã hai giờ chiều, lúc đó mới thấy đói và mệt vì sau bữa ăn sáng lót dạ họ chưa có gì vào bụng.

- Nói chung đường đến các xã thì đã tương đối dễ đi nhưng từ xã xuống thôn, đến rẫy của bà con còn khó đi lắm anh ạ. Nhiều đoạn không đi xe máy được, phải dùng loại xe có xích quấn lốp. Nhiều con dốc phải đi số 1 và chỉ có một người trên xe mới lên nổi dốc. Lại còn nhiều con suối nữa… Mỗi lần đi một lần vất vả nên hòa giải thành thì bọn em rất vui, quên cả mệt nhọc – Thẩm phán Hảo nói.

Đương sự cầm dao đuổi đánh

Địa hình phức tạp, xuống thôn bản xa xôi, khó khăn là điều mặc nhiên phải chấp nhận, đã công tác ở Ngọc Hồi thì không còn ai bận tâm, nhưng họ còn phải đối diện thường xuyên với những khó khăn khác, do nhận thức pháp luật còn hạn chế của đồng bào.

Thẩm phán Vũ Văn Thuấn nhớ mãi kỷ niệm, hôm đó anh xuống định giá đất ở thôn 4 thị trấn Plei Kần. Rẫy xa trung tâm 6-7 cây số, cả đoàn đủ các thành phần có dân quân, bảo vệ đi cùng, tìm đến nhà đương sự. Đến nơi thấy nhà bị đơn đóng cổng, nhưng bên sườn đồi gần đó, hai con trai chủ nhà đang cầm hai cái xẻng để cảnh giới, sẵn sàng hành hung. Thẩm phán gọi cổng, chủ nhà đang uống rượu cầm con dao quắm lao ra đuổi. Ông ta vung dao nhằm anh cán bộ địa chính nhưng bổ không trúng, hai con trai đương sự cũng định lao vào… Thấy tình thế căng thẳng, Thẩm phán Thuấn bình tĩnh ra hiệu cho mọi người rút ra ngoài hết. Cơn căng thẳng lắng dịu dần. Thẩm phán Thuấn bình tĩnh một mình vào nhà đương sự. Anh lặng lẽ ngồi xuống bên đương sự đang ngất ngư. Chủ nhà rót, anh uống, hết lại rót. Sau khi uống với nhau mấy chén, anh mới lựa lời khuyên giải, phân tích phải trái. Cuối cùng anh ta chấp nhận cho đoàn định giá đi đo đất. Trong cuộc đo đất đó, anh ta tức gận đấm trúng mặt nguyên đơn khiến Công an thị trấn phải vào giải quyết… Vậy mà nhờ kiên trì hòa giải, thuyết phục, cuối cùng nguyên đơn xin rút đơn và cho bị đơn hơn 1 sào đất. Nữ Thẩm phán Nguyễn Thị Hảo thì lại gặp một tình huống éo le khác. Hôm đó chị xuống một gia đình vợ có đơn xin ly hôn. Thấy Thẩm phán đến, anh chồng uống rượu, cởi hết quần áo nằm trong nhà, đóng cửa, không tiếp. Thẩm phán Hảo nói với người vợ nhưng đủ rõ đến người chồng nghe thấy: Chị yêu cầu anh ấy mặc quần áo vào, nếu anh ấy không chịu thì yêu cầu chị mở hết cửa ra và đi hàng xóm mời họ sang chứng kiến giúp tôi. Tôi sẽ lập biên bản. Anh chồng thấy vậy vội mặc quần áo để Thẩm phán vào làm việc. Vào đến nơi anh ta chỉ mặc quần dài, áo may ô, Thẩm phán yêu cầu anh ta mặc áo tử tế mới làm việc. Thấy thái độ kiên quyết và bình tĩnh của Thẩm phán anh ta ngượng ngùng chấp hành.

Thẩm phán Nguyễn Bá Khen kể rằng, anh xuống địa bàn tống đạt quyết định đưa vụ án tranh chấp đất đai ra xét xử. Vừa theo chân cán bộ xã đến nhà bị đơn là A Bot, thì chủ nhà chân tập tễnh từ trong nhà đi ra, tay cầm cây gậy, miệng lớn tiếng hỏi: Thằng Tòa án đâu rồi? Dân chỉ: Đó đó, anh đó đó! A Bot vác gậy xông lên định đập, Thẩm phán đành co cẳng chạy cho an toàn. Khi vụ án được đưa ra xử xong, A Bot còn lên tòa quậy tiếp.

Hay vụ ở thôn Phi Pháp, xã Đăk Xú khiến Thẩm phán Khen đau đầu. Đường đến xã đã khó, nhưng từ Ủy ban xã đến rẫy của đương sự dài 7-8 km đường rừng phải đi bộ. Vậy mà thư ký phải đến tận nơi để tống đạt các văn bản tố tụng, đương sự nhất định không nhận giấy và chửi bới hết sức thô tục. Nhiều lần vào như vậy nhưng đương sự kiên quyết không ra Ủy ban để hòa giải, cũng không nhận giấy tờ gì hết.

Sau phiên đầu tiên hoãn theo qui định, phiên tòa sau xét xử vắng mặt bị đơn. Thư ký lại lội bộ vô rẫy giao bản án, nhưng đương sự tiếp tục xua đuổi. Ít lâu sau, cơ quan thi hành án dân sự đến làm việc, bị đơn mới chạy lên tòa.

Một phiên tòa do Chánh án Trần Thị Cúc chủ tọa
Một phiên tòa do Chánh án Trần Thị Cúc chủ tọa)

- Lên tòa xin bản án nhưng không chịu gặp Thẩm phán mà nhất định phải gặp Chánh án – Chánh án Trần Thị Cúc nói. Tiếp anh ta tôi hỏi có chuyện gì anh cứ trình bày. Anh ta nói không biết gì về phiên tòa, không nhận được bản án mà sao bây giờ họ đến thi hành án. Tôi gọi Thẩm phán sang hỏi, lúc đó mới vỡ lẽ là anh ta từ chối không nhận. Tôi bảo: Họ mang đến giao nhưng anh không nhận, bây giờ Thẩm phán sẽ giao cho anh bản án và yêu cầu anh ký vô biên bản giao nhận. Vừa nghe thấy phải ký là anh ta chạy biến ra ngoài, không thấy vào nữa. Hôm sau lại đến đòi bản án nhưng dứt khoát không ký biên nhận…

- Từ hôm đó đến nay hôm nào anh ta cũng đến và gửi đơn tố cáo Thẩm phán khắp nơi, từ tỉnh đến huyện. Nếu biết có nhà báo đến thì thế nào anh ta cũng đến đó – Thẩm phán Khen bức xúc.

- Do nhận thức của người dân hạn chế quá anh ạ, mình rất thương mà không biết sao nữa. Có vụ do người con trai bị tạm giam rồi mặc bệnh liệt, kết quả giám định kết luận do anh ta mắc bệnh teo cơ chứ không phải bị đánh, vậy mà bà mẹ cứ đến tòa kêu khóc. Tôi hiểu nỗi đau khổ, bức xúc của người mẹ thấy con bị như vậy, nên nhiều lần mời chị đó vô phòng để nói chuyện, động viên. Tôi gợi ý, chị về làm đơn xin bảo lãnh tại ngoại cho cháu về chữa bệnh, tôi sẽ giải quyết. Vậy mà kiên quyết không. Họ rất sợ khi phải viết, phải ký anh à. Giải thích hoài không được mới khổ chứ. “Nếu đình chỉ thì tội cho họ”.

Đó là câu nói của Thẩm phán Hảo khiến tôi nhớ mãi. Có vụ án xin ly hôn, Tòa triệu tập họ không đến. Xuống gặp thì họ nói: Mình chán chồng lắm rồi, nó chỉ uống rượu thôi, không làm gì đâu, lại hay đánh vợ… Tòa cứ cho mình ly hôn thôi, mình không có tiền để lên tòa đâu”. Quãng đường mấy chục cây số, cả đi cả về cũng mất 100 ngàn, họ quá nghèo, không có tiền đi. Nếu vì nguyên đơn triệu tập hợp lệ không có mặt mà mình đình chỉ thì tội cho họ. Nghĩ thế em cho chị ta tiền xăng xe để hôm sau lên làm việc với Tòa.

Chánh án Trần Thị Cúc chia sẻ: Bà con các dân tộc ở đây chất phác lắm. Họ có phạm tội hình sự thì chủ yếu là bột phát. Tranh chấp cũng thế, tức thì kiện nhưng nếu Tòa hòa giải, phân tích cho rõ đúng sai thì họ thoái mái, cho nhau vài ba sào đất là thường. Vì thế chúng tôi coi hòa giải là một công việc đặc biệt quan trọng.

- Tôi cũng đang định hỏi lại vụ anh Thuấn kể, bị đơn hung hăng thế mà cuối cùng nguyên đơn rút đơn và cho bị đơn hơn 1 sào đất. Thật lạ.

- Ở đây họ sống với nhau vậy đó anh. Vừa có vụ án ông A Sem, nguyên cán bộ huyện nghỉ hưu, kiện ra tòa đòi đất. Bị đơn là người từ ngoài Bắc vô. Thấy khó khăn, ông A Sem cho mượn ba sào đất trong khu đất hơn 20 ha của gia đình mình cho bị đơn “trồng mỳ mà nuôi con”. Ít lâu sau, gia đình nọ không trồng mỳ mà trồng cà phê. Vậy là ông A Sem đòi lại đất. Bị đơn không trả mà làm đơn gửi khắp các cấp các ngành. Ông A Sem nói: Nếu xin thì tôi có thể cho luôn 3 sào đó nhưng đã để tui phải kiện rồi thì xử đúng theo pháp luật. Vậy là Tòa phải khuyên giải để vụ tranh chấp được giải quyết êm thấm.

- Có vụ em gọi là vụ án “Quả trứng nở ra con gà”, Thẩm phán Hảo kể. Hai gia đình vốn rất thân thiết với nhau, nhưng một lần xảy ra mâu thuẫn, xô xát. Một bên ăn vạ, kiên quyết kiện ra tòa. Ra tòa thì bên kia đồng ý trả tiền bồi thường nhưng buộc bên đòi bồi thường trả lại tất cả những gì đã cho tặng nhau trước đây. Họ từng giúp nhau gà lợn, thóc lúa, nhưng không chỉ đòi lại đúng giá trị mà lý lẽ của họ là những con gà đó sau từng đấy năm đã sinh ra bao nhiêu lứa gà khác rồi, lợn cũng thế… Thẩm phán Hảo lắng nghe hết và tin rằng vụ này có thể hòa giải được. Chị nhờ Ủy ban xã, cán bộ tư pháp, nhờ già làng và các vị cựu chiến binh cùng đến nhà rông để hòa giải. Cuối cùng hai bên lại mang rượu ra uống để mừng nhận lại anh em. Vui lắm anh ạ…

Bí quyết hòa giải

Tác giả (ngoài cùng bên trái) và các Thẩm phán huyện Ngọc Hồi – Kon Tum
Tác giả (ngoài cùng bên trái) và các Thẩm phán huyện Ngọc Hồi – Kon Tum)

- Các anh chị có bí quyết gì mà hòa giải giỏi quá vậy?

- Không có bí quyết gì đâu anh, mình nhiệt tình và biết vận dụng vai trò của già làng, của cán bộ địa phương là thành công thôi. Chánh án Trần Thị Cúc nói. Thực tế, mình nói có khi cả buổi họ cũng coi như không, không phản đối, không đồng tình. Nhưng nếu cán bộ xã, già làng nói thì họ nghe liền.

- Người già thì không biết tiếng phổ thông, nên bọn em nhờ cán bộ xã phiên dịch và cùng thuyết phục. Vậy là được cả đôi đường, hiệu quả ngay anh ạ. Bọn em luôn bảo nhau, thấy dân bình yên là mình vui rồi - Thẩm phán Nguyễn Thị Hảo nói.

Đồng bào Tây Nguyên vốn trọng luật tục, mọi tranh chấp đều được giải quyết, hòa giải tại nhà rông. Người phạm lỗi thường phải tạ lỗi với thần linh và bồi thường cho đương sự bị thiệt hại. Các Thẩm phán huyện Ngọc Hồi đã vận dụng pháp luật vào hoạt động hòa giải thông qua các thiết chế xã hội theo phong tục của đồng bào nên nhiều vụ án được giải quyết với kết quả tốt đẹp, không gây mâu thuẫn nội bộ và không mệt mỏi khi thi hành án. Nhưng để làm được điều đó, trước hết phải trông vào sự trong sáng, vô tư và yêu nghề của mỗi Thẩm phán và cán bộ Tòa án - ở nơi đại ngàn Trường Sơn rất xa trung tâm này, tôi chợt nhận ra những điều bình dị đó.

Nguyễn Phan Khiêm

Bạn đang đọc bài viết "Thẩm phán nơi ngã ba Đông Dương" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin