WHO đưa ra lời khuyên đối với cơ quan chức năng ở Việt Nam, cần tăng thuế để kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất...
Ngày 31/5 hàng năm, được chọn là ngày Thế giới không thuốc lá (World No Tobacco Day - WNTD) của WHO (Tổ chức Y tế thế giới), với mục đích tạo ra và khuyến khích khoảng thời gian 24 tiếng không có khói thuốc lá trên toàn cầu.
Bản thân tôi từng nhiều lần chứng kiến vị đại diện được cử đọc lời kêu gọi “Không hút thuốc” trong ngày “Thế giới không thuốc lá” tại các địa phương, sau khi rời bục diễn thuyết đã vội vã tìm đến một nơi vắng vẻ châm một điếu thuốc và rít say sưa. Quả là một thói quen tai hại, nhưng khó bỏ!
Câu chuyện trên là một ví dụ điển hình cho thực trạng thói quen hút thuốc lá ở nước ta vẫn đang diễn ra phổ biến. Theo WHO, mỗi năm Việt Nam có hơn 40.000 người chết do trực tiếp hút hoặc gián tiếp hít khói thuốc lá. Tổn thất về kinh tế của thuốc lá ước tính hơn 24.600 tỷ đồng, tương đương 1,17 tỷ USD mỗi năm. Trước những hệ lụy khôn lường này, đại diện WHO cho rằng, Việt Nam cần tăng thuế thuốc lá để hạn chế người dùng, đồng thời tăng nguồn thu ngân sách cho Nhà nước.
Không khó để kể ra những nguy hại do việc hút thuốc lá và ngửi khói thuốc lá thụ động đối với con người. Theo các số liệu từ Bộ Y tế, mỗi năm người Việt chi 22.000 tỷ đồng để mua thuốc lá và chúng ta phải tốn thêm 23.000 tỷ đồng cho hoạt động điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá (chỉ tính 5/25 bệnh có liên quan). Dự báo, từ nay đến năm 2030 ở Việt Nam, số người tử vong do thuốc lá gây ra có thể sẽ lên tới 70.000 người, gần gấp đôi so với hiện tại.
Sở dĩ tình trạng người dân và đặc biệt là giới trẻ có xu hướng sử dụng thuốc lá ngày một cao, phổ biến hơn bởi có thể dễ dàng mua thuốc lá ở nơi công cộng, quán cà phê, nhà hàng, địa điểm vui chơi... Bên cạnh đó, việc giám sát, xử phạt đối với các hành vi hút thuốc lá không đúng nơi đúng chỗ chưa nghiêm, đã tác động không nhỏ đến việc cai nghiện.
Hiện nay, ở bất cứ đâu cũng bắt gặp nam giới kể cả nữ giới, người lớn tuổi hay các bạn thanh thiếu niên… ngậm trên miệng điếu thuốc lá, nhả khói nghi ngút... Rõ ràng, thuốc lá đã và đang hiện diện khắp nơi, từ đó đe dọa sức khỏe con người dễ mắc bệnh tật, gây tổn thất kinh tế...
Theo WHO, Việt Nam là quốc gia đang phát triển nhưng lại nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Đại diện WHO cho biết thêm, thuế thuốc lá ở Việt Nam hiện nay chỉ chiếm 42% giá bán lẻ, trong khi mức trung bình này của thế giới là 58% và khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới và WHO cho loại thuế đánh vào thuốc lá chiếm 65 - 80% giá bán.
Những con số cho thấy một nghịch lý, có vẻ Việt Nam đang ưu ái với người nghiện thuốc lá! WHO đưa ra lời khuyên đối với cơ quan chức năng ở Việt Nam, cần tăng thuế để kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất. “Khi tăng thuế thuốc lá, số người hút thuốc sẽ giảm, đồng thời nguồn thu cho Nhà nước tăng lên” - đại diện WHO chia sẻ.
Ngoài ra, các cơ quan liên ngành cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử phạt những vi phạm về thuốc lá và quá trình xử lý phải thật nghiêm khắc, quyết liệt và mạnh mẽ.
Theo ANTT