Thông tin Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế GTGT từ năm 2019 khiến nhiều người quan tâm, lo lắng
Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế GTGT từ 10% lên 12% từ ngày 1-1-2019 hoặc tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1-1-2019 và 14% từ ngày 1-1-2021. Mặt khác, Bộ Tài chính lại đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) xuống 15% đối với DN có doanh thu dưới 3 tỉ đồng/năm, DN có doanh thu từ 3-50 tỉ đồng/năm áp dụng thuế suất 17%.
Không tốt cho nền kinh tế
PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, đánh giá hành vi tăng thuế là tín hiệu không tốt cho nền kinh tế bởi khi thuế tăng cho thấy thâm hụt ngân sách đang tăng. Chính phủ cần huy động vốn để giải quyết nguồn thu ngân sách, vô hình trung làm cho lãi suất tăng, chi phí sản xuất của DN cũng tăng, kéo giá hàng hóa tăng thêm, chi tiêu của người dân cũng tăng theo, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, việc tăng thuế có thể ảnh hưởng rất lớn đến chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, buộc cơ quan này phải kìm hãm đà tăng lãi suất bằng cách bơm thêm tiền ra thị trường, vô tình làm cho lạm phát đi lên… Như thế, việc tăng thuế sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy hết sức khó lường.
Theo ông Bảo, cái mà người dân cần là thông tin tăng, giảm thuế phải minh bạch để họ đồng tình thực hiện nghĩa vụ thuế. Nếu nguồn thu ngân sách tăng lên để đầu tư cho các dự án an sinh xã hội thì chắc chắn người dân ủng hộ việc tăng thuế. Do đó, Bộ Tài chính cần công bố việc tăng thuế GTGT từ 10% lên 12%, ngân sách sẽ thu thêm bao nhiêu tiền, số tiền này được sử dụng cho mục đích gì. Còn việc giảm thuế thu nhập DNNVV thì bao nhiêu người được hưởng lợi từ chính sách này.
"Mấy ngày qua, sự việc tại trạm thu phí Cai Lậy gây bức xúc dư luận về chi phí giao thông. Nay thêm thông tin Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế GTGT sẽ tác động rất lớn đến tâm lý về chi phí cuộc sống của rất nhiều người" - ông Bảo nhận định.
Ảnh hưởng đến sức mua
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một thanh tra viên của Cục Thuế TP HCM nhìn nhận về lý thuyết, Bộ Tài chính đã tính toán việc tăng thuế GTGT sẽ làm cho thu ngân sách tăng lên với tỉ lệ nhất định, đồng thời nguồn thu cũng giảm khi giảm thuế thu nhập DNNVV. Như vậy, với việc tăng thuế GTGT, giảm thuế thu nhập DNNVV, Bộ Tài chính sẽ cân đối nguồn thu sao cho tổng thu ngân sách tăng.
Thế nhưng, vị thanh tra này cho rằng Bộ Tài chính tăng thuế GTGT lên 12% là không phù hợp bởi hiện các quốc gia xung quanh như Thái Lan, Singapore… chỉ áp dụng thuế GTGT 5%-7% để kích thích tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Nếu Việt Nam tăng thuế GTGT thêm 2%, tức là người dân phải bỏ thêm tiền khi mua hàng hóa. Như thế, liệu Việt Nam có kích thích người dân tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm, thu nhập của người dân tăng không đáng kể, sức mua không cao. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài thường dồn vốn vào các quốc gia có chỉ số tiêu dùng cao. Do đó, việc tăng thuế GTGT có thể là rào cản tăng trưởng kinh tế lẫn thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Theo ông Lê Văn Cành, Tổng Giám đốc Công ty Artex Sài Gòn, thuế GTGT tăng sẽ kéo giá cả hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ… đi lên bởi DN luôn chuyển hóa số thuế này vào giá thành sản phẩm. Khi đó, năng lực cạnh tranh của DN sẽ bị ảnh hưởng. Mặt khác, giá hàng hóa tăng lên sẽ tạo áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ảnh hưởng đến lạm phát, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô. "Thuế thu nhập DNNVV giảm 3%-5%, tức với lợi nhuận 100 tỉ đồng, DN được giữ lại 3-5 tỉ đồng là rất lớn, giúp cho DN có thêm tài chính để hoạt động kinh doanh" - ông Cành nhận xét.
Một số chuyên gia tài chính cho rằng việc giảm thuế thu nhập DNNVV sẽ kích thích người dân đầu tư kinh doanh, phù hợp với chủ trương khuyến khích hộ kinh doanh lên DN, đồng thời DN có thêm điều kiện để phát triển. Bởi lẽ, khi thuế thu nhập DNNVV xuống còn 15%-17%, DN sẽ giữ lại lợi nhuận khá nhiều, từ đó giảm được vốn vay ngân hàng, giảm mạnh chi phí kinh doanh, tăng thêm năng lực tài chính để mở rộng sản xuất kinh doanh. Khi đó, lợi nhuận DNNVV có thể tăng lên, nhà nước sẽ thu được nhiều tiền thuế từ đối tượng này.
Bộ Tài chính giải thích để tăng nguồn thu nhằm bù đắp cho nguồn thu giảm từ việc giảm thuế thu nhập (thu nhập DN và thu nhập cá nhân), một số nước chuyển hướng sang tăng thuế tiêu dùng, trong đó có thuế GTGT. Cụ thể, năm 2004, 140 quốc gia tăng thuế GTGT thì đến giai đoạn 2014-2016, hơn 160 nước tăng thuế suất sắc thuế này. Các nước ở châu Á như Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản... cũng cơ cấu lại nguồn thu ngân sách theo hướng tăng thuế GTGT.
Chính sách cần nhất quán
Bộ Tài chính cho biết lý do của việc điều chỉnh thuế GTGT lần này là trong quá trình thực hiện, Luật Thuế GTGT hiện hành đã phát sinh nhiều vướng mắc. Cụ thể, ở nhóm đối tượng không chịu thuế GTGT (0%) như phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ, chuyển quyền sử dụng đất..., việc không áp thuế đã gây khó khăn cho DN và công tác quản lý thuế. Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất chuyển nhóm này từ nhóm không chịu thuế GTGT lên chịu thuế. Đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đã thực hiện xã hội hóa cao như nước sạch, hoạt động văn hóa, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim ảnh, thể dục thể thao..., đang áp thuế GTGT 5% thì được đề xuất lên mức 10% để bảo đảm công bằng với các ngành nghề khác… Đối với mức thông thường 10%, Bộ Tài chính cho biết đây là suất thuế thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, khó bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, thừa nhận đề xuất tăng thuế GTGT có thể ảnh hưởng đến một số nhóm hàng hóa, dịch vụ và làm thay đổi chính sách ưu đãi thuế đã cam kết với nhà đầu tư. Thậm chí, khiến dư luận và DN thắc mắc hôm trước vừa trải thảm mời gọi, hôm sau lại đóng cửa. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này là để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. "Trước đây, Việt Nam trải thảm mời tất cả nhà đầu tư nhưng nay đã chuyển hướng sang thu hút đầu tư có chọn lọc. Hoặc trước đây xác định ngành nghề này cần đầu tư phát triển, nay xác định hướng tới thu hút dự án công nghệ cao phù hợp với cuộc công nghiệp 4.0 với mục tiêu xây nền kinh tế trí thức, thương mại điện tử phát triển, ngồi nhà có thể mua hàng hóa khắp thế giới thì chính sách thuế cũng phải đổi" - ông Thi giải thích. Trước đề xuất và lập luận nói trên, một chuyên gia kinh tế cho rằng sắc thuế GTGT tác động rất lớn và toàn diện đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Do đó, chính sách thuế phải nhất quán, nếu có thay đổi thì cần thận trọng cả về mức thuế và thời gian áp dụng, không nên thay đổi nhanh, gây ảnh hưởng lớn đến DN. |
Theo NLD