Liên quan đến loại bài xung quanh việc xử lý rác thải y tế trong bệnh viện Bạch Mai, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) về những nguy cơ bệnh tật vô cùng nguy hiểm đối với con người.
Hệ lụy vô cùng to lớn do lây nhiễm chéo từ rác thải y tế độc hại
Đây là những bức ảnh, clip về việc toàn bộ rác thải y tế đang được trực tiếp dùng tay (tất nhiên là có găng) tái chế ngay trong BV lớn nhất nhì Việt Nam… Với tất cả những hình ảnh (mà chúng tôi chụp, quay được) PGS vừa xem thì ông bình luận gì?
Với hành động này thì không phải người ta vô tình mà đã cố tình vi phạm luật pháp rồi. Cái đó đúng ra là phải bị xử lý, mà phải xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự được. Vì theo luật bảo vệ sức khỏe nhân dân của nhà nước ta và luật ATTP vừa qua thì nhà nước cũng làm rất rõ về mối nguy hại đối với nguồn gốc gây ra bệnh tật trong xã hội. Và một trong những nguồn được xếp vào loại nguy hại nhất là nguồn từ bệnh viện. Chúng ta có thể ái ngại trước một nhà máy đồ sộ sản xuất hóa chất thải ra môi trường, nhưng nó chỉ thải ra một số loại hóa chất nhất định thôi, và nó phải thông qua quá trình chuyển hóa trong thiên nhiên. Nhưng. Rác thải y tế nó lại là một tổng hợp rất nhiều những nguyên nhân gây ra tác hại xã hội rất lớn.
Bệnh viện là trung tâm có khả năng lan truyền những bệnh rất nguy hiểm mà chúng ta không lường trước được. Người đang xử lý, người ta đi găng tay và tưởng là đang bảo vệ, nhưng trên thực tế những bệnh phẩm lại lan truyền qua chính bàn tay (đã đi găng) của họ ra ngoài, qua dụng cụ ra ngoài, qua phương tiện vận chuyển ra ngoài. Rồi trên quãng đường họ vận chuyển từ đó đến tận nơi thu mua thì đã biết bao nhiêu vi khuẩn lây lan ra ngoài, dù lượng vi khuẩn ra ngoài rất nhỏ thôi thì đã làm cho vi khuẩn nguy hiểm phát triển rồi.
Vậy vấn đề ở đây tuy rằng quy mô nhỏ, khối lượng nhỏ, nhưng nguy cơ nguy hiểm cho xã hội lại cực kỳ lớn. Nên bộ Y tế cũng như Quốc hội đã đưa ra luật rất nghiêm khắc về xử lý chất thải y tế. Cho nên, tôi cho rằng đây là một hình thức mang tính chất tội phạm thực sự, mặc dù hành động này chỉ là hành động tham lam, giải quyết một phần nào về tài chính cho một đơn vị nào đó. Nếu chỉ nghĩ công việc như thế thôi thì quá đơn giản, nhưng không phải. Hệ lụy của nó là vô cùng to lớn, chúng ta cần phải ngăn chặn ngay.
Liệu có lý do nào để họ ngụy biện cho việc làm sai như thế này không? Ví dụ họ bảo họ hấp tiệt trùng trước khi bán, thì việc hấp đấy có đúng quy định, có được phép, có hết được vi trùng, vi khuẩn khi tái chế?
Nguyên tắc chung, mọi sinh vật, trong đó có vi khuẩn, nếu ở nhiệt độ cao sẽ bị tiêu diệt. Thế nhưng khi anh làm như thế kia thì trước hết là anh đã dùng bàn tay anh, thì người ta gọi đó là hiện tượng nhiễm chéo. Cần phải nhớ là vi khuẩn không phải cứ nhiều mới bị mà chỉ cần rất ít thôi nó đã lọt ra ngoài môi trường và phát triển và gây thành dịch rất nhanh rồi. Nên cần phải ngăn chặn. Trong bệnh viện, bác sĩ đã phải cho bệnh phẩm vào những túi riêng, từ đấy không được mở ra, chuyển thẳng đến nơi tiêu hủy – như thế làm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây truyền của bệnh phẩm đó ra môi trường. Nhưng đây lại lần lượt đi qua từng công đoạn chọn, nhặt, cắt… Thì trong suốt quá trình đó, hiện tượng nhiễm chéo từ môi trường anh đang làm ra chính khu vực đó thôi cũng đã là nguyên nhân lan tỏa rồi. Nên anh không thể ngụy biện được.
PGS nghĩ thế nào khi những người tổ chức việc tái chế này, có rất nhiều khả năng họ chính là những cán bộ y tế chứ không phải những nhân công đói khổ, thất học?
Tôi nghĩ rằng việc tái chế này là có tổ chức. Vì người ta đã dành cả một phòng, thậm chí có cả máy để hấp (như người ta nói) là đã có hệ thống rồi, tức là có tổ chức. Tôi không biết có khẳng định được hay không, nhưng chắc chắn cơ quan quản lý BV phải biết điều đó, chứ người ta đưa đi chỗ khác làm hoặc làm ngầm thì nó lại là chuyện khác, nhưng đây rõ ràng là có ý thức, vì mục đích lợi ích – tạo nguồn kinh phí hiện nay đang hạn hẹp cho ngành y tế, hoặc cho cá nhân những người trong đó để giải quyết vấn đề về tài chính, nhưng tài chính là bất minh, bất hợp pháp.
Mang sản phẩm tái chế từ rác thải y tế độc hại đi kiểm tra chỉ hành động để… ngụy biện
Việc họ làm như thế này thì đã là nguy hiểm như PGS vừa phân tích rồi, nhưng sau đó nhựa này được coi là nhựa có chất lượng tương đối tốt, được người ta sử dụng tái chế và có rất nhiều khả năng làm ống hút, thìa nhựa… liên quan trực tiếp đến miệng người tiêu dùng, như thế thì nó có những nguy hại như thế nào?
Về chất liệu nhựa thì nhựa dùng cho y tế là loại nhựa cao cấp nhất. Nhưng vấn đề là nó đã được sử dụng trong bệnh viện rồi thì nó trở thành vật liệu nguy hiểm, vì những cái người ta đã mang vào cho nó, lây nhiễm vào cho nó. Đối với những bệnh trong ngành y, đặc biệt là những bệnh nguy hiểm, người ta phải ngăn chặn hết sức chặt chẽ thì xã hội mới hy vọng không có những bệnh dịch lan truyền rộng rãi. Mà nếu lan truyên rộng rãi thì rõ ràng sinh mệnh con người bị đe dọa, và nhà nước sẽ phải chi một khoản tiền rất lớn để chữa bệnh.
Gần đây, khi chúng tôi phản ánh những vấn đề này trên các phương tiện truyền thông, thì cơ quan quản lý y tế, cũng như Cục ATTP của Bộ Y tế đã tiến hành xét nghiệm hơn 50 mẫu sản phẩm làm từ những cái nhựa kiểu này được bán trên thị trường, và họ công bố rằng những mẫu đấy không gây độc. Ông nghĩ thế nào về việc này?
Như tôi đã nói, nếu chúng ta mang những cái thìa, cái ống hút… sau khi đã được tái chế ra để phân tích, thì tôi cho rằng những người đi làm động tác phân tích đó là hành động không hiểu biết về bản chất. Vì trong quá trình nấu, vi sinh vật không còn nữa, đi tìm thì là tìm cái… không còn. Nhưng, trước khi sản phẩm đó được đưa vào trong lò thì nó đã lan truyền bệnh rồi đã lây nhiễm chéo rồi, lây nhiễm từ chính những người bốc hàng, những người dỡ hàng, những người phân loại, tẩy rửa… Cho nên, việc anh đưa những sản phẩm đó vào kiểm tra là ngụy biện và không khoa học!
Để nói một câu ngắn gọn, đơn giản về các hình thức tội phạm liên quan đến ATTP, đầu độc cộng đồng, gây bao đau thương cho xã hội thì ông có kiến nghị gì?
Bây giờ, bằng mọi cách, các cơ quan chức năng phải chặn tất cả những nguồn có khả năng gây bệnh, mà một trong những nguồn đó là rác thải y tế. Chúng ta có hàng trăm bệnh viện khắp cả nước, trung ương lại tập trung hàng chục bệnh viện chuyên điều trị những bệnh rất nặng, rất khó xử lý. Từ các nơi, đưa bệnh nặng về trung ương, rồi từ trung ương lại phát các bệnh nặng về các địa phương. Và tôi cho rằng cần phải làm nghiêm chỉnh, chặt chẽ. Mà chỉ cần một hành động như thế này thôi, tôi cho rằng đã có thể mang ra xử lý hình sự được rồi.
Xin cảm ơn PGS!
Theo NLĐ