Sửa luật để tránh bổ nhiệm đúng qui trình nhưng vẫn lọt cán bộ năng lực yếu kém

Chiều nay (31-5), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Theo Dự thảo, sẽ bổ sung vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Đồng thời, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 dự kiến tại kỳ họp thứ 5 sẽ thông qua 11 dự án, cho ý kiến 09 dự án; kỳ 6 sẽ thông qua 10 dự án, cho ý kiến với 4 dự án.

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, tình trạng điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh dường như khá đương nhiên, cho thấy sự dự liệu của các bộ, ngành không theo kịp sự phát triển.

Bên cạnh đó, theo ông Hiểu, sáng kiến đề xuất tên luật phải bám sát vấn đề của cuộc sống, vấn đề cử tri quan tâm. Vì có những luật, ngay ĐBQH cũng không rõ có đem lại lợi ích gì không, hay chỉ là hình thức pháp lý.

Nhiều ĐBQH mong muốn có thông tin về đề cương, định hướng, phạm vi của Dự luật, thay vì có thuần túy tên luật, để quyết định nên hay không nên đưa dự án đó vào chương trình, tránh xây dựng những luật mang tính hàn lâm, xa rời đời sống.

Đại biểu này cũng đề nghị nâng cao chất lượng đội ngũ xây dựng luật, nhất là ở các Ban soạn thảo, vì qua thực tế, nhiều cơ quan chưa thực sự quan tâm đến đội ngũ này, nên chất lượng luật vẫn còn nội dung, câu chữ chưa phù hợp, thậm chí ngờ nghệch.

Đồng thời, ông Hiểu đề nghị đổi mới nâng cao chất lượng lấy ý kiến nhân dân, tăng cường chế tài xử lý những cơ quan, ban soạn thảo làm luật chậm, nội dung chưa đáp ứng yêu cầu.

Cùng quan điểm với ĐBQH Phạm Huyền Ngọc (Ninh Bình), ông Hiểu đề xuất chuyển dự án Luật về an ninh mạng từ kỳ họp 6 sang sang kỳ họp 5 vì vấn đề này đang tiềm ẩn hiểm họa khôn lường, Quốc hội cần sớm tạo hành lang pháp lý phù hợp đề điều chỉnh, đảm bảo yêu cầu phát triển.

Còn ĐBQH Đặng Xuân Phương (Đắc Lắk) lại đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp 6 việc sửa đổi Luật cán bộ, công chức. Lý do sửa đổi, theo ông Phương, không phải chỉ để giải quyết bất cập trong các quy định về trách nhiệm công vụ và xử lý cán bộ, công chức sau chuyển công tác mà thực tiễn còn đặt ra nhiều vấn đề khác.

 ĐBQH Đặng Xuân Phương đề nghị sửa đổi Luật cán bộ, công chức
ĐBQH Đặng Xuân Phương đề nghị sửa đổi Luật cán bộ, công chức)

“Thời gian qua, cử tri và công luận rất bức xúc trước thực tiễn tại sao việc đề bạt, bổ nhiệm đúng qui trình nhưng vẫn bỏ lọt một số cán bộ có năng lực yếu kém, nhiều sai phạm trong quản lý”, ông Phương nói.

Bên cạnh đó, các qui định về chức danh lãnh đạo chưa được tách bạch khoa học, còn các “biến thể” chức danh như hàm, hay việc thi nâng ngạch lại trở thành cơ chế đề giải quyết tiền lương, chứ không phải về nhu cầu trình độ chuyên môn…

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị đánh giá tác động của chính sách cần đánh giá về kinh tế, xã hội, giới, thủ tục hành chính và hệ thống pháp luật.

Bà Thúy đề nghị lùi thời gian trình dự án Luật Dân số từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 để có thời gian đủ thời gian cho việc thể chế hóa quan điểm của Đảng về vấn đề dân số trong tình hình mới.

Sau khi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được thông qua, bà Thúy đề nghị các cơ quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, bảo đảm tiến độ, chất lượng soạn thảo, nhằm bảo đảm tính ổn định và khả thi của Chương trình.

Cụ thể, Chính phủ phải nâng cao trách nhiệm xây dựng luật chỉ đạo bộ, ngành được giao soạn thảo phân công đúng người có chuyên môn và theo sát thường xuyên quá trình xây dựng, kiểm điểm, xác định rõ nguyên nhân nếu không hoàn thành để báo cáo Quốc hội.

Bà Thúy cũng đề nghị tính đến việc đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp xây dựng pháp luật vì thực tiễn luật được soạn thảo bởi nhiều cơ quan khác nhau, cho thấy có khoảng cách giữa yêu cầu thực tiễn và chất lượng dự luật cũng như chất lượng uật giữa các cơ quan soạn thảo.

Theo PL&XH

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin