Phạt nguội được thực hiện ở nhiều nước tiên tiến nhưng để áp dụng ở Việt Nam cần điều chỉnh nhiều quy định hiện có.
Đề án tăng cường hệ thống camera để ghi hình vi phạm giao thông, mục tiêu thay thế hẳn việc CSGT phạt trên đường bằng hình thức phạt nguội tại TP.HCM đang được dư luận chú ý.
Người dân đồng tình, ủng hộ nhưng xét ở góc độ pháp luật để hiện thực hóa bước cải tiến này thì hệ thống các văn bản quy định, chế tài của ta sẽ cần phải điều chỉnh để tránh gây khó cho cả cơ quan chức năng và người dân.
Trách nhiệm liên đới của chủ xe
Phạt nguội thể hiện sự văn minh, tránh phiền hà cho người xử lý lẫn người vi phạm. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật chặt chẽ, xác định người-lỗi vi phạm phải chính xác và ý thức người dân cao thì mới hiệu quả.
Hiện nay, dù phạt nóng hay phạt nguội cơ quan chức năng vẫn phải tuân thủ Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) năm 2012. Theo đó, vẫn phải lập biên bản, ra quyết định xử phạt. Trong phạt nguội phải thêm công đoạn xác định người vi phạm, thông báo đến họ rồi mới lập biên bản, ra quyết định được.
Những lỗi phạt nguội thường phải do người điều khiển phương tiện chịu trách nhiệm trực tiếp chứ không phải chủ sở hữu phương tiện. Vì vậy nếu không xác định rõ chuyện này thì sẽ không xử lý được. Việc chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện không phải là một rất phổ biến.
Luật cũng quy định trách nhiệm chứng minh hành vi vi phạm thuộc về cơ quan chức năng nên việc dùng biện pháp cưỡng ép chủ phương tiện buộc phải nộp phạt thay là không phù hợp. Cần có những quy định chặt chẽ hơn, cụ thể là quy định về trách nhiệm liên đới của chủ phương tiện khi phương tiện được sử dụng vào hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
ThS ĐỒNG MẠNH HÙNG
Gửi thông báo vi phạm phải nhanh, chính xác
Luật XLVPHC quy định: “Việc xử phạt VPHC được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, đảm bảo công bằng, đúng quy định của pháp luật”. Như vậy, việc chậm gửi thông báo vi phạm giao thông đến người vi phạm là chưa tuân theo đúng nguyên tắc này.
Nhiều trường hợp khi gửi thông báo cho người vi phạm nhưng họ không nhớ được đã vi phạm hay không, vi phạm trong trường hợp nào. Như vậy việc xử phạt không đạt được ý nghĩa là phòng ngừa và răn đe.
Ngoài ra, phải tính đến chuyện chủ phương tiện đã mua, bán, cho, tặng bên thứ hai nhưng chưa sang tên; người dân thường trú ở một nơi nhưng sinh sống ở nơi khác cũng khiến việc gửi thư báo gặp khó. Chi phí cho việc gửi phiếu báo phạt sẽ không nhỏ nếu phải gửi đi gửi lại nhiều lần.
Luật sư TRẦN THỊ NGỌC NỮ, Đoàn Luật sư TP.HCM
Chế tài phải đúng luật
Hiện nay có nơi xe bị phạt nguội sẽ không được đăng kiểm cho đến khi chủ xe hoàn tất thủ tục nộp phạt vi phạm. Tuy nhiên, có trường hợp thời điểm xe vi phạm thuộc chủ sở hữu cũ, nay đã bán cho chủ mới nhưng lại bị cơ quan đăng kiểm từ chối. Cách chế tài này dù đối với chủ cũ hay chủ mới đều không ổn về mặt pháp lý vì xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Khi xử phạt nguội, người vi phạm không bị lập biên bản tại chỗ, không bị tạm giữ giấy tờ liên quan như bằng lái, giấy đăng ký xe..., do vậy hành vi vi phạm vẫn tiếp diễn, gây nguy hiểm cho người và phương tiện khác (ví dụ chạy quá tốc độ...). Việc xử phạt nguội sau đó không đảm bảo tính chất ngăn chặn hậu quả do hành vi vi phạm gây ra nữa.
Luật sư NGUYỄN SA LINH, Văn phòng luật sư Gia Linh
Hình ảnh xử phạt phải chặt chẽ
Việc xử lý hành vi vi phạm giao thông qua hình ảnh được pháp luật quy định cụ thể tại Luật XLVPHC 2012, Nghị định 165/2013 và Nghị định 46/2016. Khi có kết quả thu được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, người có thẩm quyền xử phạt phải nhanh chóng xác định tổ chức, cá nhân vi phạm, sau đó thực hiện ngay việc lập biên bản. Kết quả hình ảnh trên được lưu theo biên bản VPHC nên bắt buộc phải chính xác, rõ ràng.
Nếu chưa xác định được đối tượng vi phạm thì thời hạn sử dụng kết quả thu được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật trên là một năm. Khi hết thời hạn mà vẫn không xác minh được thì kết quả hình ảnh không được sử dụng để làm căn cứ xử phạt nữa.
Dựa vào các vướng mắc còn khá nhiều ở nước ta về việc “chính chủ”, địa chỉ liên lạc chính xác của chủ phương tiện… thì việc đảm bảo thời hạn trên không phải dễ.
Luật sư TRỊNH NGỌC HOÀN VŨ, Đoàn Luật sư TP.HCM
Theo kế hoạch của Phòng CSGT đường bộ-đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, đề án lắp đặt camera trên toàn TP đang trình UBND TP đưa ra HĐND TP phê duyệt. Đây sẽ là lộ trình dài, chia làm ba giai đoạn, thực hiện từ thời điểm này đến năm 2020; trước mắt sẽ thí điểm ở khu vực trung tâm tại các tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Pasteur với hơn 500 chốt gắn camera.
Theo PLO