Sửa Luật Đấu thầu và Luật Giá cần “thiết kế” cho được các chế định chặt chẽ để phòng ngừa và ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng

22/09/2022 06:30

(Pháp lý) – Từ ngày 19-24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9-2022, để xem xét, thảo luận 17 nội dung quan trọng. Trong đó UBTVQH sẽ cho ý kiến nhiều dự án luật sửa đổi được người dân và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm như Luật Đấu thầu; Luật Giá…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 của UBTVQH

Những điểm mới nổi bật trong 2 dự án sửa đổi Luật Đấu thầu và Luật Đấu Giá

1. Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) 2022 có nhiều điểm mới đáng chú ý là:

+ Phạm vi điều chỉnh của Luật được mở rộng theo hướng bổ sung hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh. Trong đó bãi bỏ quy định phạm vi điều chỉnh bao gồm dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng. Bổ sung quy định về các hoạt động không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật; nhưng tổ chức, cá nhân có hoạt động đấu thầu, khi chọn áp dụng quy định của Luật Đấu thầu phải xác định cụ thể các điều, khoản, điểm sẽ thực hiện theo quy định của Luật này.

+ Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, Dự thảo Luật bổ sung 5 hình thức tương ứng với điều kiện cụ thể, gồm: Chỉ định thầu (áp dụng trong các trường hợp khẩn cấp; cấp bách hoặc cần đẩy nhanh tiến độ dự án); lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; mua sắm trực tiếp (để tránh việc chủ đầu tư lạm dụng áp giá cao, gây thất thoát, Dự thảo Luật bổ sung quy định về “tùy chọn mua thêm” để tạo cơ sở pháp lý cho chủ đầu tư mua thêm hàng hóa đã trúng thầu trước đó); đấu thầu quốc tế, đấu thầu nội khối (nhằm đảm bảo phù hợp theo quy định các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên); mua sắm tập trung (cho phép áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác ngoài hình thức đấu thầu rộng rãi để tận dụng về lợi thế về mua sắm với quy mô lớn; bổ sung quy định về thỏa thuận khung mở để có thể lựa chọn nhiều hơn một nhà thầu trúng thầu, tăng tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu).

+ Bổ sung quy định về quy trình, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và thời gian trong đấu thầu. Trong đó tại Điều 17 Dự thảo bổ sung quy định về nội dung, nguyên tắc lập hồ sơ mời thầu (trên cơ sở luật hóa Chỉ thị 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ) nhằm hạn chế tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu. Về hình thức và nội dung áp dụng trong hợp đồng áp dụng trong lựa chọn nhà thầu (từ Điều 62 – 69 dự thảo Luật) cũng được điều chỉnh theo hướng tách bạch các trường hợp trượt giá hợp đồng và điều chỉnh hợp đồng…

2. Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) 2022: So với Luật hiện hành, Dự thảo Luật Giá sửa đổi đã bổ sung 3 Chương về nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước; công tác tổng hợp, phân tích, dự báo thị trường; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ trong thực tiễn.

Với kỳ vọng sẽ khắc phục được các bất cập, hạn chế, các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm... liên quan tới vấn đề Giá hiện nay, Bộ Tài chính (cơ quan soạn thảo) cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi được điều chỉnh theo hướng tăng cường phân công, phân cấp, rõ trách nhiệm trong việc triển khai bình ổn giá trên phạm vi cả nước và trên địa bàn các địa phương. Trong đó có một số điểm mới đáng chú ý như sau:

+ Dự thảo Luật cơ bản kế thừa, cụ thể hóa các quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng tại luật hiện hành; sửa đổi, chuẩn hóa các thuật ngữ cho hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý bảo đảm thống nhất trong thực tiễn áp dụng; bỏ quy định về thanh tra chuyên ngành về giá để đảm bảo thực hiện thống nhất theo Luật Thanh tra. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định tại Điều 3 về nguyên tắc áp dụng Luật Giá với các Luật khác có liên quan để đảm bảo nguyên tắc về việc xử lý các chồng chéo khi có các quy định khác nhau giữa các Luật khác ban hành trước và sau khi Luật Giá có hiệu lực thi hành nhằm tăng cường tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật về giá. 

 

Luật Giá sửa đổi kì vọng sẽ khắc phục được các bất cập, hạn chế, tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm... liên quan tới vấn đề Giá hiện nay

+ Về tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bên cạnh 3 tiêu chí tại Luật 2012 tiếp tục được kế thừa tại Luật sửa đổi đã bổ sung thêm tiêu chí “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội, đời sống người dân, sản xuất kinh doanh;” nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn hiện nay, một số mặt hàng đã được bổ sung tại các Luật chuyên ngành và sẽ được cập nhật tại Luật Giá.

+ Liên quan đến tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá, dịch vụ thẩm định giá và thẩm định viên về giá, để ngăn chặn tiêu cực, Dự thảo Luật xóa bỏ quy định: “Tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá được tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ về thẩm định giá”; quy định khống chế người tham dự kỳ sát hạch cấp thẻ thẩm định viên về giá theo điều kiện “Phải làm việc tại doanh nghiệp thẩm định giá”; và cấm thẩm định viên làm việc trong cùng một thời gian cho từ 2 doanh nghiệp thẩm định giá trở lên…

Cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện một số chế định quan trọng hiện đang bất cập hoặc có kẽ hở khi thực thi…

1. Góp ý cho Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, các ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu theo hướng quy định rõ trong phạm vi điều chỉnh các hoạt động phải đấu thầu, đối với các hoạt động không thuộc đối tượng “phải đấu thầu” thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật; đối với những hoạt động đấu thầu đã được quy định trong luật chuyên ngành khác thì quy định nguyên tắc thực hiện theo luật chuyên ngành.  

Trước thực trạng đấu thầu trong lĩnh vực y tế phát sinh nhiều vướng mắc thời gian qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai, đề nghị Luật sửa đổi phải làm rõ quy định đối với nguồn thu hợp pháp của đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể là đề nghị giải trình, làm rõ nội hàm (bao gồm cả vốn đầu tư, chi thường xuyên) và tính phù hợp, khả thi trong mối quan hệ với việc đảm bảo quyền tự chủ của đơn vị, nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế đang gặp nhiều khó khăn trong việc mua sắm trang, thiết bị y tế. Ông cũng đề nghị không đưa vào phạm vi điều chỉnh đối với nguồn thu dịch vụ do người dân tự nguyện chi trả của đơn vị sự nghiệp y tế do đây không phải là nguồn vốn nhà nước và để đảm bảo quyền tự chủ của đơn vị.

Đối với chỉ định thầu, dự thảo Luật quy định 11 trường hợp chỉ định thầu, các đại biểu cho rằng chưa thực sự phù hợp với mục tiêu “nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế”. Theo đó đề nghị cần giới hạn việc áp dụng chỉ định thầu với các trường hợp đặc thù.

2. Góp ý xây dựng Luật Giá sửa đổi, trước đó tại Hội thảo góp ý do Bộ Tài chính phối cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tề Cộng hòa LB Đức (GIZ) tổ chức (30/6), ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam đánh giá: “Dự thảo Luật Giá sửa đổi chưa đi theo hướng tách riêng như Luật Giá 2012 mà lại chú trọng nhấn mạnh và có thể coi chủ yếu là vai trò của Nhà nước điều tiết giá cả dẫn đến chúng tôi có cảm nhận là vai trò của thị trường mà chủ thể của nó là các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh chiếm vị trí khá mờ”.

Việc quy định định giá của Nhà nước “có tính đến lộ trình giá thị trường phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ”, quy định này sẽ được hiểu có tính logic với quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 17: “Trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giá thấp hơn phương án đã được rà soát, đánh giá theo quy định thì xem xét hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước”. Điều đó được hiểu, quy định này mở đường cho việc quay lại cơ chế bù giá, bù lỗ mà Luật Giá hiện hành đã đoạn tuyệt.

Từ phân tích trên, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, đưa ra nguyên tắc trên là một bước lùi so với Luật Giá hiện hành và rất dễ bị lạm dụng trên thực tế; đồng thời mâu thuẫn ngay với quy định tại khoản 1, Điều 5, Dự thảo: “Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại Luật này thực hiện định giá hàng hóa, dịch vụ theo các nguyên tắc, phương pháp phù hợp với nguyên tắc của nền kinh tế thị trường”.

Tham gia thảo luận về dự án Luật Giá, đa số ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực giá. Các đại biểu đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị công phu, hồ sơ dự án Luật tương đối đầy đủ theo quy định.

Tuy nhiên bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban của Quốc hội cũng cho rằng, dự thảo Luật chưa bảo đảm tính cụ thể, trong số 72 Điều, có đến 13 Điều giao Chính phủ, trong đó có nhiều nội dung thuộc phạm vi quy định của Luật.

Cũng theo Thường trực Ủy ban Quốc hội, Dự thảo Luật chưa đảm bảo tính bao quát; một số nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến hiệu quả, minh bạch trong quản lý giá chưa được quy định rõ, như: Tiêu chí cụ thể về hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; căn cứ xác định danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá; các vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban TVQH chưa được quy định; nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong các trường hợp kinh doanh trên nền tảng số chưa được đề cập; chế độ trách nhiệm trong thẩm định giá chưa rõ ràng; công tác hậu kiểm, việc phòng ngừa các sai phạm trong thẩm định giá chưa đầy đủ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, chúng ta đang hướng tới xây dựng nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, nên nguyên tắc là phải tôn trọng quy luật thị trường, tôn trọng quyền định đoạt về vấn đề giá cả của các tổ chức, cá nhân, chủ thể tham gia thị trường. Sự can thiệp của Nhà nước phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, để tránh xâm phạm quyền lợi của các chủ thể. Do đó, việc thay đổi phân công, phân cấp, phân quyền phải thực hiện theo nguyên tắc, không tùy tiện, cần có đánh giá thực tiễn đầy đủ, đảm bảo các quy định của Luật phù hợp với thực tiễn.

Minh Trung
Bạn đang đọc bài viết "Sửa Luật Đấu thầu và Luật Giá cần “thiết kế” cho được các chế định chặt chẽ để phòng ngừa và ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin