Công an Hà Nội tổ chức diễn tập chống khủng bố
Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 4, khoản 10 Điều 3 về giải thích từ ngữ như sau:
"4. Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó.
10. Xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố bao gồm:
a) Sung quỹ nhà nước hoặc tiêu hủy;
b) Trả lại chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp trong trường hợp bị người khác chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật nhằm cung cấp, hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố;
c) Sử dụng toàn bộ hoặc một phần tiền, tài sản để chi trả cho các nhu cầu sinh hoạt, thiết yếu của cá nhân có tiền, tài sản bị tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và các nghĩa vụ hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân có tiền, tài sản bị tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, tạm giữ trong trường hợp tổ chức, cá nhân không có tiền, tài sản, nguồn tài chính khác;
d) Giải toả tiền, tài sản của tổ chức, cá nhân được đưa ra khỏi danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố hoặc bị xác định nhầm là tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố."
Xử lý tài sản liên quan đến khủng bố phát hiện thông qua hoạt động tài chính
Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 8 Nghị định số 122/2013/NĐ-CP về phong tỏa tài khoản, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố được phát hiện thông qua hoạt động tài chính hoặc hoạt động kinh doanh ngành nghề phi tài chính như sau:
"1. Tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, rà soát danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố. Ngay khi có căn cứ để nghi ngờ khách hàng hoặc phát hiện các bên liên quan đến giao dịch thuộc danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố, tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải thực hiện ngay việc trì hoãn giao dịch, tạm ngừng lưu thông toàn bộ tiền, tài sản của tổ chức, cá nhân bị nghi ngờ; gửi báo cáo bằng văn bản kèm các tài liệu liên quan cho Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cơ quan phòng, chống khủng bố Cục An ninh nội địa hoặc cơ quan phòng, chống khủng bố Công an cấp tỉnh trong thời hạn 24 giờ.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, Cơ quan phòng, chống khủng bố có trách nhiệm xác minh, làm rõ và báo cáo Cục trưởng Cục An ninh nội địa hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh. Trường hợp xác định khách hàng hoặc các bên liên quan đến giao dịch thuộc danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố, Cục trưởng Cục An ninh nội địa hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh ra quyết định áp dụng biện pháp tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong hoặc tạm giữ toàn bộ tiền, tài sản đó và gửi quyết định cho cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để thi hành; nếu khách hàng và giao dịch của các bên không thuộc danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố thì có văn bản thông báo cho tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan chấm dứt việc trì hoãn giao dịch, tạm ngừng lưu thông trong thời hạn 24 giờ.
2. Qua hoạt động nghiệp vụ hoặc tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác của tổ chức, cá nhân mà có căn cứ hợp lý để nghi ngờ tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố lưu thông trong hoạt động tài chính hoặc hoạt động kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan, Cơ quan phòng, chống khủng bố Cục An ninh nội địa báo cáo Cục trưởng Cục An ninh nội địa hoặc Cơ quan phòng, chống khủng bố Công an cấp tỉnh báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh có văn bản yêu cầu tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan thực hiện ngay việc trì hoãn giao dịch, tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong hoặc tạm giữ tiền, tài sản; phối hợp với tổ chức cá nhân liên quan để xác minh, làm rõ nghi ngờ. Trường hợp xác định có tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố, Cơ quan phòng, chống khủng bố báo cáo Cục trưởng Cục An ninh nội địa hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh ra quyết định áp dụng biện pháp tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và gửi quyết định cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thi hành; nếu tiền, tài sản đó không liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố thì có văn bản thông báo cho tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan chấm dứt việc trì hoãn giao dịch, tạm ngừng lưu thông, phong tỏa trong thời hạn 24 giờ.
3. Khi xác định có tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cục trưởng Cục An ninh nội địa có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật".
Bổ sung Điều 14a về xử lý vi phạm vào sau Điều 14, Nghị định số 122/2013/NĐ-CP như sau: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.