Sửa đổi Luật cạnh tranh: Pháp luật phải làm cho doanh nghiệp tiến bộ hơn

13/05/2017 22:13

Bộ Công thương và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp tổ chức hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi.

Theo Tờ trình, Luật Cạnh tranh hiện hành đã bộc lộ nhiều quy định không phù hợp, khả thi trong thực tiễn. Ví dụ, luật cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan (trừ trường hợp quy định tại Điều 19). Tuy nhiên, trên thực tế các doanh nghiệp rất khó để tự xác định thị phần của mình trên thị trường liên quan, nên rất khó để biết xem mình có thuộc ngưỡng bị cấm hoặc phải thông báo tập trung kinh tế hay không?

Pháp luật cạnh tranh hiện nay cũng chưa quy định rõ ràng về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, chưa tiếp cận được bản chất phản cạnh tranh của hành vi. Ví dụ, thỏa thuận ấn định mức giá sàn, giá trần; thỏa thuận tăng giá hoặc giảm giá (không chỉ ở mức cụ thể) hoặc thỏa thuận duy trì giá bán lại cho bên thứ ba... là những thỏa thuận có bản chất hạn chế cạnh tranh, nhưng chưa được quy định.

Bên cạnh đó, nhiều hành vi phản cạnh tranh mới, đa dạng chưa được điều chỉnh và dự liệu trong Luật Cạnh tranh hiện hành. Các hành vi hạn chế cạnh tranh mang tính tận thu, hoặc đóng cửa thị trường, loại bỏ đối thủ cạnh tranh được thực hiện dưới nhiều hình thức mới với mức độ tinh vi, phức tạp ngày càng cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực dịch vụ và môi trường công nghệ, môi trường số.

 Các chuyên gia pháp lý góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật cạnh tranh. ẢNH: P.T
Các chuyên gia pháp lý góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật cạnh tranh. ẢNH: P.T)

Vì vậy, việc sửa đổi Luật Cạnh tranh đặt ra phải khắc phục được những hạn chế nêu trên, trở thành phương tiện để duy trì hiệu quả và phát triển nền kinh tế. Theo đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, Dự thảo đã bổ sung hệ thống các tiêu chí đánh giá sức mạnh thị trường của doanh nghiệp một cách chính xác, toàn diện hơn, không chỉ dựa vào tiêu chí thị phần như hiện nay.

Đồng thời, bổ sung quy định cấm tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi liên quan đến thoả thuận hạn chế cạnh tranh như: vận động, kêu gọi, dụ dỗ, ép buộc các doanh nghiệp tham gia vào thoả thuận hạn chế cạnh tranh; cung cấp thông tin nhằm hình thành các thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm.

Dự thảo cũng thay đổi cách thức tiếp cận kiểm soát tập trung kinh tế theo hướng trao quyền cho cơ quan cạnh tranh trong việc đánh giá tác động cạnh tranh của việc tập trung kinh tế và tăng cường sự chủ động của doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan cạnh tranh và mở rộng các yếu tố đánh giá một vụ việc tập trung kinh tế.

Thay vì cấm tập trung kinh tế khi thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế từ 50% trở lên trên thị trường liên quan, Dự thảo quy định Ủy ban cạnh tranh Quốc gia thẩm định tập trung kinh tế trên cơ sở đánh giá cấu trúc thị trường, mức độ tập trung trên thị trường, khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường và tác động tích cực của việc tập trung kinh tế đối với nền kinh tế.

Về mô hình cơ quan cạnh tranh, Dự thảo quy định tái cơ cấu các cơ quan cạnh tranh hiện nay gồm Hội đồng cạnh tranh và Cơ quan quản lý cạnh tranh thành một cơ quan duy nhất là Uỷ ban cạnh tranh quốc gia - là cơ quan thuộc Chính phủ, do Chính phủ thành lập.

Để đảm bảo không tạo lỗ hổng pháp lý điều chỉnh đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh sau khi Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được ban hành, Dự thảo vẫn quy định điều chỉnh đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời, loại bỏ các hành vi đã được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác và cập nhật, bổ sung thêm các hành vi mới phát sinh với thủ tục điều tra, xử lý đơn giản, nhanh gọn hơn.

Đại diện Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cho hay, tính đến năm 2016, Hội đồng quản lý cạnh tranh đã tiếp nhận hơn 330 đơn khiếu nại và ra quyết định điều tra với 180 vụ việc. Về mức xử phạt, năm 2016 cơ quan này đã xử phạt lên tới hơn 2 tỷ đồng.

Ông Thanh cũng đồng tình với việc thành lập một cơ quan cạnh tranh, thay cho Hội đồng cạnh tranh và Cục quản lý cạnh tranh như hiện nay, nhưng cho rằng, cơ quan này phải “có đủ quyền lực, độc lập và chịu trách nhiệm thực thi”.

Nhấn mạnh đây là một Dự luật khó, ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân và các chuyên gia để hoàn thiện trước khi trình Quốc hội xem xét.

TS Nguyễn Đức Thanh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế cho rằng, Luật Cạnh tranh hiện hành không “quá kém”, nhưng chưa thật sự là công cụ để quản lý, và làm cho doanh nghiệp tiến bộ lên. Phải hiểu cạnh tranh “như một đức hạnh của thị trường”, chỉ có thông qua cạnh tranh mới kiểm soát được hành vi của các doanh nghiệp vì thực tiễn cho thấy, doanh nghiệp “sợ” nhất là đối thủ cạnh tranh. Đồng thời, qua cạnh tranh để quá trình sản xuất hướng đến người tiêu dùng, doanh nghiệp phải đổi mới sản phẩm, công nghệ, phương pháp sản xuất để có sản phẩm vượt trội, cạnh tranh được. Ví dụ, taxi Uber đang cạnh tranh với taxi truyền thống nhờ lan tỏa công nghệ mới.

Theo PL&XH

Bạn đang đọc bài viết "Sửa đổi Luật cạnh tranh: Pháp luật phải làm cho doanh nghiệp tiến bộ hơn" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin