Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 tuy đã qua 1 năm triển khai thi hành nhưng do có nhiều quy định mới, mang tính đột phá nên nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn lúng túng trong việc hiểu và áp dụng một số quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đây là nhận định của Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến tại cuộc họp góp ý cho cuốn Hỏi đáp về Luật Ban hành VBQPPL diễn ra hôm qua – 10/8.
Qua thực tiễn áp dụng Luật năm 2015, các bộ, ngành, địa phương đã phản ánh nhiều vướng mắc của mình. Đơn cử, khoản 2 và khoản 3 Điều 156 của Luật năm 2015 quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề. Tuy nhiên, trong thực tế, một số bộ, ngành gặp khó khăn, lúng túng trong việc xác định các văn bản khác nhau có quy định về cùng một vấn đề hay không để từ đó lựa chọn luật áp dụng.
Cụ thể, cùng quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại các chung cư hay không, ngày 15/5/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền sử dụng đất.
Điều 2 của Nghị định 45 quy định đối tượng áp dụng của Nghị định là tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê, không phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Thông tư số 76/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định 45 quy định về thu tiền sử dụng đất, miễn, giảm tiền sử dụng đất nói chung, không quy định về thu tiền sử dụng đất, miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với các dự án cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp. Ngày 20/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Như vậy, Nghị định số 101, Nghị định số 45 và Thông tư số 76 có phải là các văn bản quy định về cùng một vấn đề hay không?
Một ví dụ khác thì cho thấy có những quy định về cùng một vấn đề nhưng lại quy định khác nhau. Đó là khoản 2 Điều 143 và khoản 4 Điều 144 của Luật Đất đai năm 2013 giao UBND cấp tỉnh thẩm quyền quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở nông thôn và đối với đất ở đô thị.
Còn Điều 43d của Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định: “UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương”. Như vậy, cùng một vấn đề là thẩm quyền của UBND cấp tỉnh trong việc quyết định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất tại vùng nông thôn và đô thị song khoản 2 Điều 143, khoản 4 Điều 144 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 43d của Nghị định 43 quy định không giống nhau.
Hay khoản 4 Điều 27 của Luật năm 2015 quy định HĐND ban hành nghị quyết để quy định “biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”. Tuy nhiên, các ý kiến chỉ ra rằng Luật năm 2015 không định nghĩa thế nào là “biện pháp có tính chất đặc thù”.
Trước những băn khoăn rất thực tế của các bộ, ngành, địa phương, qua công tác theo dõi, kiểm tra, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật dự kiến xây dựng cuốn sách “Hỏi đáp về Luật Ban hành VBQPPL”. Nội dung cuốn sách được thiết kế trên cơ sở tổng hợp khó khăn, vướng mắc thực sự mà các bộ, ngành, địa phương đã gặp phải và phản ánh về Bộ Tư pháp cũng như câu hỏi của cử tri, chất vấn của đại biểu Quốc hội và vấn đề do báo chí nêu. Tuy cuốn sách chỉ có tính chất tham khảo, khuyến nghị nhưng ông Tuyến hy vọng cuốn sách sẽ giúp các bộ, ngành, địa phương trong việc thi hành Luật năm 2015 và các văn bản quy định chi tiết thi hành một cách đúng đắn và thống nhất.
Chẳng hạn, tại ví dụ thứ 2, Vụ Các vấn đề chung cho rằng, căn cứ khoản 2 Điều 156 của Luật năm 2015 thì trong trường hợp này, quy định tại khoản 2 Điều 143, khoản 4 Điều 144 của Luật Đất đai năm 2013 được ưu tiên áp dụng. Theo đó, UBND cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở tại các vùng nông thôn và vùng đô thị, chứ không phải đối với tất cả các loại đất tại địa phương.
Còn với “biện pháp có tính chất đặc thù”, Vụ lý giải, tính chất đặc thù của biện pháp phụ thuộc vào vị trí địa – chính trị hoặc trình độ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương (vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng hải đảo; vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn). Các địa phương này có hạn chế và thế mạnh riêng của mình. Nhà nước và các tỉnh có thể ban hành các cơ chế, chính sách, biện pháp đặc thù để khắc phục khó khăn cố hữu và phát huy thế mạnh sẵn có của các địa phương.
Theo Bao Phapluat