Quân đội làm kinh tế: So sánh với bài học tham nhũng từ Trung Quốc?

Nêu bài học từ nước bạn Trung Quốc đang phải xử lý hậu quả sau một thời kỳ quân đội làm kinh tế mạnh, lợi dụng vị thế độc quyền thao túng nhiều lĩnh vực dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, GS Hoàng Chí Bảo lật lại vấn đề: Đó có phải là cứ liệu cảnh báo với việc quân đội Việt Nam làm kinh tế hiện nay?

Nhìn lại câu chuyện nội bộ của Trung Quốc

GS. Hoàng Chí Bảo - nguyên Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương - là một diễn giả tham gia tọa đàm “Kết hợp kinh tế với quốc phòng – Nhiệm vụ chiến lược lâu dài” được báo Quân đội Nhân dân tổ chức sáng 6/7.

Ông Bảo đề cập, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, vai trò tham gia sản xuất, phát triển kinh tế của quân đội ghi dấu ấn không thể phủ nhận.

Trong thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, việc xây dựng các nông, lâm trường quân đội cũng đem lại hiệu quả “thay máu” cho nhiều vùng đất. Từ đó, cả nước đã hình thành một đội quân công nhân quốc phòng, đóng góp lớn cả cho khối dân sự.

 GS.Hoàng Chí Bảo phát biểu tại toạ đàm.
GS.Hoàng Chí Bảo phát biểu tại toạ đàm.)

Ông Bảo so sánh với những diễn biến tại Trung Quốc, trong thời gian nước này thực hiện cải cách, quân đội làm kinh tế rất mạnh. Cho đến thời Chủ tịch Chu Dung Cơ, một trong những việc đầu tiên ông thực hiện là xoá bỏ, không để quân đội, công an nước này làm kinh tế nữa.

Gần đây, những quyết sách mạnh mẽ về chống tham nhũng của lãnh đạo Trung Quốc đã đưa những quan chức hàng đầu trong đảng, chính quyền nước này như Bạc Hy Lai, rồi tới lãnh đạo quân đội như Từ Tài Hậu... ra ánh sáng.

GS. Hoàng Chí Bảo phân tích, câu chuyện của nội bộ Trung Quốc cho thấy, quân đội nước này đã lợi dụng những vị thế độc quyền của mình để thao túng trong nhiều lĩnh vực kinh tế, từ đó dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.

Nhưng đó không thể coi là cứ liệu để áp dụng với việc quân đội Việt Nam làm kinh tế hiện nay.

Theo ông Bảo, quân đội có lực lượng đông đảo, kỷ luật chặt chẽ, trình độ học vấn và tri thức khoa học công nghệ rất cao. Đó là những điều kiện để đảm bảo cho hoạt động sản xuất, tham gia làm kinh tế của quân đội hiệu quả và lành mạnh.

“Hoạt động đầu tư của quân đội chính là điều kiện để tránh được tiêu cực. Tha hoá, xuống cấp của xã hội dù có thế nào cũng khó đấu được với sự miễn dịch trong quân đội vì kỷ luật chặt chẽ, vì sức mạnh văn hoá, tư tưởng nền tảng được xây dựng” – ông Bảo nhận định.

Những "ưu điểm" của việc Quân đội làm kinh tế

Thiếu tướng Vũ Hồng Thắng – Cục trưởng Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng - thông tin, có 33 đoàn kinh tế quốc phòng được quyết định thành lập nhưng do điều kiện hạn hẹp mới thực hiện được 28 khu kinh tế quốc phòng. Khi có chiến tranh, những đơn vị này lập tức chuyển thành đơn vị chiến đấu ở những vị trí xung yếu mà chỉ có quân đội chứ không có đơn vị nào khác làm được.

 Thiếu tướng Vũ Hồng Thắng cho biết đề án sắp xếp lại các DN quân đội đã được Quân uỷ TƯ thông qua, chờ Thủ tướng phê duyệt để thực hiện.
Thiếu tướng Vũ Hồng Thắng cho biết đề án sắp xếp lại các DN quân đội đã được Quân uỷ TƯ thông qua, chờ Thủ tướng phê duyệt để thực hiện.)

Việc quân đội tham gia làm kinh tế, theo ông Thắng, cũng xuất phát từ trăn trở, các cơ sở công nghiệp quốc phòng được nhà nước đầu tư hiện đại, chuẩn bị cho các tình huống chiến đấu, nhưng trong thời bình thì không hoạt động hết công suất, thường chỉ hết 1/3. Nếu để không hoạt động, cơ sở vật chất, trang bị cũng hao mòn đi, đó chính là lãng phí, là có tội với nhân dân, đất nước.

Vậy nên việc quản lý thật tốt, khai thác để tăng hiệu quả, nguồn thu, để có kinh phí lo cho quân đội và đầu tư lại cho phát triển bền vững hơn là hành động đúng đắn.

Việc tăng gia sản xuất, làm kinh tế ngoài thời gian huấn luyện của quân đội cũng để đảm bảo chế độ cho quân binh.

Theo ông Thắng, nếu tính định mức chi từ ngân sách nhà nước thì hiện nay, mỗi quân nhân một ngày riêng tiền ăn chỉ được 50.000 đồng cho 3 bữa. Nếu không có những hoạt động để tự trang bị thêm, góp phần bù đắp thì khó đảm bảo chất lượng và gia tăng sức mạnh quân đội.

Khía cạnh khác, Tướng Thắng chỉ ra, hiện trang thiết bị quân sự hiện đại hầu hết Việt Nam phải nhập, mua về nên thường là bị động. Cần thay thế dần việc đi mua bằng việc tự trang bị mà các cơ sở kinh tế bên ngoài không thể làm, chỉ các đơn vị quân đội phải thực hiện.

Làm kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, theo đó, cũng để trang bị cho quân đội, việc mà quân đội nước nào cũng phải làm. Đồng thời, những sản phẩm nghiên cứu, phát triển của quân đội được đưa ra khu vực dân sự cũng góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước, góp phần tăng nguồn lực xã hội để tái đầu tư trở lại cho quân đội.

Cục trưởng Cục Kinh tế - Bộ Quốc phòng nhấn mạnh chủ trương, sau chiến tranh, quân đội giảm biên chế rất lớn, Quân uỷ TƯ thực hiện việc đưa các đơn vị quân đội ra khu vực sản xuất để nuôi quân, giảm gánh nặng cho nhà nước.

Theo đó, nhà nước sẽ sắp xếp lại 305 doanh nghiệp quân đội để chỉ còn lại 86 doanh nghiệp.

Quân đội cổ phần hoá, thoái vốn triệt để các doanh nghiệp làm dịch vụ, thương mại, không có ý nghĩa với quốc phòng. Các doanh nghiệp còn lại cũng sẽ được sắp xếp lại để có sức mạnh nội lực lớn hơn, thật sự có ý nghĩa với kinh tế quốc phòng - những doanh nghiệp lành mạnh và có hiệu quả.

Ông Thắng cho biết, đề án này đã được Quân uỷ Trung ương thông qua, đang chờ Thủ tướng ký phê duyệt để thực hiện từ nay đến 2020.

Theo Dantri

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin