Phòng, chống rửa tiền: Những bất cập của cơ chế và kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý

(Pháp lý) – Tác giả nghiên cứu những thủ đoạn của các bị cáo trong vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm phạm tội rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Từ đó nhận diện những bất cập của cơ chế phòng, chống rửa tiền hiện nay và kiến nghị giải pháp hoàn thiện khung pháp lý.
1-1719286260.jpg

Ảnh minh họa

Nhận diện những bất cập của cơ chế phòng, chống rửa tiền hiện nay

- Kẽ hở của qui định về bảo mật tài khoản thanh toán

Tại thời điểm bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm thực hiện hành vi “rửa” số tiền khủng, pháp luật điều chỉnh về quản lý và sử dụng tài khoản, chủ yếu là 2 văn bản: Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 80/2016/NĐ-CP); và Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (đã được sửa đổi, bổ sung).

Theo đó, pháp luật qui định, tài khoản thanh toán của cá nhân và pháp nhân bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ trong các trường hợp sau: (i) Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; (ii) Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót; (iii) Khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung… Có nghĩa, nếu loại trừ được 03 trường hợp đã nêu thì tài khoản thanh toán là bất khả xâm phạm. Cũng theo quy định của pháp luật, “việc phong tỏa tài khoản thanh toán nếu trái pháp luật gây thiệt hại cho chủ tài khoản thì bên ra lệnh phong tỏa tài khoản phải chịu tránh nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Quy định của pháp luật về giới hạn phong tỏa tài khoản thanh toán là nhằm để bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật thông tin về tài chính của cá nhân và pháp nhân, qua đó khuyến khích hạn chế sử dụng tiền mặt. Song ở chiều ngược lại sự điều chỉnh đó vô hình trung lại trở thành kẽ hở “con voi” để tội phạm khai thác. Vì vậy không loại trừ hành vi “rửa” hơn 415.666 tỷ đồng thông qua tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lợi dụng kẽ hở của quy định này.

Trong khi đó theo quy định tại Điều 129 BLTTHS năm 2015, việc cơ quan có thẩm quyền phong tỏa tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước chỉ xảy ra khi cá nhân đó bị buộc tội về tội mà BLHS quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại; hoặc theo quy định tại Điều 124 BLTTDS năm 2015, nếu trong quá trình giải quyết vụ án dân sự có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ thi hành án có mở tài khoản và việc áp dụng biện pháp phong tỏa là cần thiết. Còn đối với pháp nhân, theo quy định tại Điều 438 BLTTHS năm 2015, việc phong tỏa tài khoản diễn ra khi pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà BLHS năm 2015 quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại và có căn cứ xác định pháp nhân đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước.

Với quy định trên, có thể hiểu nếu Vạn Thịnh Phát – Ngân hàng SCB hay một cá nhân nào trong hệ sinh thái này không bị khởi tố, điều tra là đồng nghĩa với việc phong tỏa tài khoản thanh toán của 483 cá nhân và 450 pháp nhân sẽ không xảy ra. Do đó mà bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo cấp dưới bằng mọi giá làm tê liệt Đoàn thanh tra NHNN. Cơ quan tố tụng đã làm rõ được tổng số tiền mà bị cáo Lan chi ra dưới hình thức mua quà để biếu tặng Đoàn Thanh tra, Tổ Giám sát ngân hàng có tổng giá trị lên tới hơn 12 tỉ đồng,  hối lộ riêng cho bà cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, với số tiền khủng 5,2 triệu USD.

Nhờ vào vỏ bọc che chắn của Đoàn thanh tra NHNN mà những sai phạm của SCB suốt thời gian dài hơn 5 năm (từ 1/1/2018 - 7/10/2022) không bị phát hiện và không bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định, để mặc cho bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm thao túng, tự do “rửa” toàn bộ số tiền tham ô và lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các tài khoản cá nhân và pháp nhân nói trên, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hơn 514.102 nghìn tỉ đồng.

- Kẽ hở của khung pháp lý về PCRT

C03 Bộ Công an còn kết luận, từ 27/10/2012 - 7/10/2022, bà Lan và đồng phạm đã  vận chuyển hơn 4,5 tỷ USD (tương đương 106.730 tỷ đồng) ra nước ngoài. Để thực hiện, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các đồng phạm tại 21 Công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát thực hiện 78 giao dịch với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ USD được chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định pháp luật thông qua các hợp đồng giao dịch “khống”, như:  mua bán cổ phần, vốn góp; tư vấn; vay nợ giữa các Công ty tại Việt Nam và Công ty, tổ chức ở nước ngoài. Sau đó cũng thông qua các hợp đồng “khống” này, 21 Công ty nhận tiền từ nước ngoài chuyển về trong nước trái quy định pháp luật, với 152 giao dịch, tổng số hơn 3 tỷ USD.

2-1719286268.png

Giai đoạn 2 vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan bị cáo buộc phạm tội “rửa” hơn 445.000 tỷ

Giải thích lý do vận chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài về Việt Nam, bị cáo Lan cho biết do là các khoản tiền vay và trả nợ các đối tác. Cơ quan tố tụng cáo buộc hành vi của bị cáo và đồng phạm phạm tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (theo quy định tại Điều 189 BLHS). C03 kết luận, không có căn cứ xem xét trách nhiệm của Cục PCRT thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) và Vụ Quản lý ngoại hối trong việc phát hiện các đối tượng tại các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB làm trái quy định về việc chuyển tiền quốc tế.

Theo C03, đối với 313.700 giao dịch chuyển tiền điện tử, không có cơ sở để xác định giao dịch chuyển tiền điện tử liên quan đến hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố phải là các giao dịch liên quan đến tổ chức, cá nhân nằm trong “danh sách đen” (bao gồm danh sách tổ chức, cá nhân có liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố do Bộ Công an chủ trì lập và danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định có liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt do Bộ Quốc phòng chủ trì lập theo quy định của pháp luật theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Luật PCRT); và cũng không nằm trong đối tượng bị điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan chức năng của Việt Nam và của quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; nằm trong danh sách cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới (Điều 26 Luật PCRT)…

Như vậy lỗi không nằm ở trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền mà là do hành lang pháp lý về PCRT điều chỉnh còn bất cập, khiến cho Cục PCRT thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) và Vụ Quản lý ngoại hối gặp khó trong việc xác định các đối tượng tại các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB làm trái quy định về việc chuyển tiền quốc tế.

Trong khi đó theo các chuyên gia pháp lý, cách thức các bị cáo thực hiện chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài về Việt Nam cho thấy tiềm ẩn nguy cơ “rửa” tiền bẩn. Bởi nếu đơn giản như lời khai của bị cáo Lan có cần thiết phải hợp thức hóa việc chuyển tiền thông qua các hợp đồng “khống” mua bán, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, vay tiền, tư vấn giữa các công ty “ma” tại Việt Nam và công ty “ma” ở nước ngoài. Rõ ràng đây là một trong thủ đoạn “rửa” tiền của tội phạm thông qua hình thức dịch vụ ngầm chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài. Bị cáo Lan và đồng phạm đã biến hoạt động chuyển tiền bất hợp pháp thành hợp pháp, nguồn gốc tiền được “rửa sạch” dưới danh nghĩa thanh toán quốc tế qua ngân hàng.

Theo Báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia (NRA) về rửa tiền và phòng chống khủng bố, giai đoạn 2012-2017 & Kế hoạch hành động 2019-2020, được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 474/QĐ-TTg, tội phạm rửa tiền xuất phát từ 17 loại tội phạm nguồn khác nhau sắp xếp theo nguy cơ rửa tiền trong đó (bên cạnh tội Tham ô, Nhận hối lộ, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản…) có tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Gần đây nhất (27/4) C01 Công an TPHCM đã phá đường dây vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới Campuchia (với số tiền 13.000 tỷ, xảy ra tại Cơ sở yến sào và tiệm vàng ở quận Tân Bình) được thực hiện bởi băng nhóm tội phạm có có yếu tố nước ngoài và do đối tượng nước ngoài móc nối đối tượng người Việt Nam, với hệ sinh thái 250 công ty “ma”.

Một số kiến nghị giải pháp hoàn thiện pháp luật PCRT

Hoạt động “rửa” tiền diễn ra ngày càng phức tạp quy mô lớn. Tội phạm rửa tiền sử dụng các phương pháp ngày càng tinh vi để dịch chuyển tài sản bất hợp pháp. Từ các thủ đoạn “rửa” tiền của các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát và các vụ án xảy ra thời gian gần đây cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục sửa đổi hoàn thiện hành lang pháp lý về PCRT để đạt được mục tiêu “kép”. Bởi hoàn thiện pháp luật về PCRT để ngăn ngừa tội phạm “rửa” tiền là đồng nghĩa với góp phần triệt tiêu và ngăn ngừa tội phạm tham nhũng có hiệu quả. Cụ thể là:

+ Cho phép việc phong tỏa tài khoản ngay cả giai đoạn tiền tố tụng

Từ diễn biến hành vi “rửa” hơn 415.666 tỷ đồng thông qua tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân của bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm, cho thấy sự cần thiết phải có giải pháp để ngăn ngừa và triệt tiêu thủ đoạn này. Hay nói cách khác cần phải có giải pháp hữu hiệu để “cắt đuôi” dòng tiền phi pháp mà các bị cáo thiết lập thông qua các phương án vay vốn khống để các F1 (tức những cá nhân, pháp nhân nhận tiền đầu tiên) giải ngân. Được biết, từ ngày 01/7/2024, Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ra đời. Tuy nhiên quy định vai trò của cơ quan có thẩm quyền trong việc phong tỏa tài khoản một phần hoặc toàn bộ của tổ chức và cá nhân vẫn không thay đổi.

Quy định trên của pháp luật nhằm khuyến khích thanh toán qua tài khoản phù hợp với các quốc gia trên thế giới trong nỗ lực PCRT và PCTN có hiệu quả về lâu dài. Còn trước mắt, nhất là ở Việt Nam thói quen dùng tiền mặt còn phổ biến, thiết tưởng cần có sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền, theo hướng không chỉ giới hạn trong phạm vi khi cá nhân bị buộc tội và khi pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; mà có thể can thiệp ngay cả ở giai đoạn tiền tố tụng. Có nghĩa, việc phong tỏa tài khoản của cơ quan có thẩm quyền không bị hạn chế bởi các quy định tại Điều 129 và Điều 438 BLTTHS năm 2015, hay quy định tại Điều 124 BLTTDS năm 2015. Có như vậy mới ngăn chặn được kịp thời hành vi “rửa” lượng tiền khủng tương tự như bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm.

+ Có quy định tiết chế và kiểm soát việc thành lập doanh nghiệp tràn lan

Liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát – Ngân hàng SCB, CQĐT làm rõ việc bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các đối tượng thành lập nhiều “công ty ma” sử dụng cho các mục đích riêng. Tính đến tháng 10/2022, hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát có tới 1.460 công ty (gồm 46 công ty nước ngoài) và gần 1.800 người để đứng tên doanh nghiệp, đứng tên các khoản vay. Nhờ vào các “công ty ma” này cùng với thủ đoạn làm “tê liệt” Đoàn thanh tra NHNN mà bị cáo Lan và đồng phạm đã thao túng phạm tội “rửa” tiền và vận chuyển trái phép ra nước ngoài số tiền khủng suốt thời gian dài, gây ra hậu quả nghiệm trọng.

3-1719286268.jpg

Hoạt động “rửa” tiền diễn ra ngày càng phức tạp quy mô lớn

Do đó rất cần được sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về thành lập doanh nghiệp, theo hướng đảm bảo chặt chẽ về điều kiện thành lập doanh nghiệp (ví dụ như có tài khoản pháp nhân tối thiểu mở và duy trì thường xuyên tại các tổ chức tín dụng); và biện pháp kiểm soát việc thành lập, quản lý doanh nghiệp (định kỳ phải khai báo đến cơ quan có thẩm quyền về việc tồn tại của doanh nghiệp)… không để hiện tượng thành lập doanh nghiệp tràn lan nhưng không hoạt động thực tế, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng phục vụ cho những hoạt động phạm tội.

+ Mở rộng tiêu chí nhận diện “danh sách đen”

Cơ quan điều tra Bộ Công an không có căn cứ xem xét trách nhiệm của Cục PCRT thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) và Vụ Quản lý ngoại hối trong việc phát hiện các đối tượng tại các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB làm trái quy định về việc chuyển tiền quốc tế vì đối với 313.700 giao dịch chuyển tiền điện tử không có liên quan đến hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố phải là các giao dịch liên quan đến tổ chức, cá nhân nằm trong “danh sách đen” theo quy định tại tại khoản 9 Điều 3 và Điều 26 Luật PCRT năm 2022.

Những rào chắn trong việc xem xét trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung quy định của Luật PCRT về đối tượng được liệt vào “danh sách đen” không giới hạn trong phạm vi các tổ chức, cá nhân có liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố do Bộ Công an chủ trì lập và danh sách tổ chức, cá nhân bị chỉ định có liên quan đến phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt do Bộ Quốc phòng chủ trì lập theo quy định của pháp luật; và không giới hạn trong các quy định về các giao dịch đáng ngờ, phù hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật PCRT năm 2022.

+ Điều chỉnh tăng nặng chế tài tội “rửa” tiền tương thích với hành vi

Tại Điều 324 BLHS năm 2015 quy định mức án cao nhất đối với tội Rửa tiền là 15 năm tù. Cụ thể, người phạm tội về tiền, tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên; gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia, thì bị phạt từ 10 - 15 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 - 5 tỉ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm.

Với chế tài hình phạt trên cũng có nghĩa người phạm tội rửa tiền từ 500 triệu trở lên cho tới hơn 445.000 tỉ đồng cũng chịu mức án cao nhất là 15 năm tù cho tội rửa tiền. Quy định như vậy là chưa tương thích với hành vi và mức độ gây ra hậu quả của tội phạm. Trong khi đó từ vụ án Vạn Thịnh Phát, SCB hay trước đó là các vụ án Giang Kim Đạt, Phan Sào Nam, Nhật Cường, Alibaba…  cho thấy hành vi rửa tiền của tội phạm đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho xã hội và ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn Luật sư TP.HCM): “Tội rửa tiền theo Điều 324 BLHS còn có hạn chế. Bởi chủ thể của tội rửa tiền hướng tới là các cá nhân, pháp nhân thương mại mà bỏ qua các pháp nhân phi thương mại. Trong đó tại Điều 76 BLDS quy định, pháp nhân thương mại là tổ chức không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận, nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên. Pháp nhân phi thương mại, gồm: cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác…”   (Theo Thanh niên online)

VŨ LÊ MINH

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin