Obama ở Việt Nam

26/05/2016 00:56

Tôi vẫn nhớ một đêm rét mướt đầu tháng 11 cách đây 4 năm ở Đan Mạch, tôi ngồi giữa đám đông sinh viên chăm chăm theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trên CNN ở khuôn viên trường.

Đến từ các quốc gia khác nhau, nhưng phần lớn sinh viên trường tôi ủng hộ ông Obama trong cuộc tranh đấu với ông Mitt Romney, hồi hộp theo dõi hai bên giành giật từng tiểu bang, để rồi sung sướng khi ông Obama tái đắc cử lúc rạng sáng.

Hầu hết chúng tôi không phải là người Mỹ, do đó, việc ai làm tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ không mấy ảnh hưởng đến mình. Nhưng cũng như ở nhiều nơi khác trên thế giới, ông Obama chiếm được cảm tình của đa số nhờ nguồn năng lượng tích cực mà ông mang lại, từ chính câu chuyện cuộc đời mình.

Sự vươn lên của ông từ một người gốc Phi, mang tên Hồi giáo (Barack Hussein), không danh gia vọng tộc, trở thành người quyền lực bậc nhất toàn cầu mang lại thứ mà đôi lúc trong cuộc đời chúng ta cảm thấy thiếu: niềm tin, rằng nỗ lực tự thân có thể thay đổi được số phận. Đó có lẽ là lý do vì sao ông Obama là một trong những lãnh đạo được chào đón nhiều nhất trên thế giới. Một khảo sát thực hiện trên 40 quốc gia của Pew, một tổ chức điều tra công chúng, cho thấy hơn 65% người trả lời tin tưởng vào nhân cách của ông.

Sự xuất hiện của ông, vì thế, mang lại hơi thở của sự lạc quan và niềm hy vọng. Với một xã hội đang trong liên hoàn các cuộc khủng hoảng niềm tin, từ các vấn đề môi trường cho đến an toàn thực phẩm, hình ảnh ông Obama dung dị đi ăn bún chả phố cổ phần nào “giải nhiệt” sự bức xúc của cuộc sống.

Ngoài phương diện hình ảnh cá nhân, chuyến thăm của ông Obama, mang rất nhiều ý nghĩa thực tiễn, trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ - Việt đã tốt lên rất nhiều sau hai nhiệm kỳ vừa qua. Là người bắt đầu chính sách “Xoay trục châu Á”, đưa Mỹ tái tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông đã xoá bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam tồn tại gần 50 năm, bước cuối cùng để hoàn toàn “bình thường hoá” quan hệ của hai cựu thù.

Và đúng với phong cách của người Mỹ, tình hữu nghị này không xây dựng một cách viển vông mà thông qua sự tương đồng lợi ích. Cùng quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, Mỹ đưa ra hàng loạt cam kết hỗ trợ Việt Nam về giáo dục, phát triển năng lượng bền vững, và quan trọng nhất, theo lời ông Obama “chia sẻ mối lo ngại chung về hàng hải” trên biển Đông, nơi Trung Quốc mới đây gấp rút xây dựng đảo nhân tạo trái phép và ra lệnh cấm đánh bắt cá tại chính vùng biển Việt Nam có quyền khai thác.

Ông Obama đến Việt Nam trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ, khi đầu năm sau, một vị tổng thống mới sẽ thế chỗ của ông ở Nhà Trắng. Đầu của ông bạc đi rất nhiều sau 8 năm giương khẩu hiệu “Chúng ta có thể” (Yes we can) trong lần tranh cử đầu tiên. Nhưng ngày hôm qua, khi nhìn dòng người náo nức chờ đón ông trên đường phố Hà Nội, tôi hiểu điều ông nói "muốn là đối tác tin cậy của nhau" thực sự không chỉ là mong muốn của nước Mỹ.

Sự chào đón của người dân có mặt khắp các ngả đường từ Phạm Hùng, Trần Duy Hưng (Hà Nội) hay dọc đường Nguyễn Văn Trỗi, Đinh Tiên Hoàng (TP HCM)... cho thấy quá trình “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” của hai nước Việt - Mỹ đã hoàn thành.

Theo Vnexpress

Bạn đang đọc bài viết "Obama ở Việt Nam" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin