Những tình yêu Hà Nội theo cách “đặc biệt”

(Pháp lý) - Hà Nội là nơi dễ khiến người ở thêm yêu, người đi xa thường nhớ về. Những ngày này, mùa thu Hà Nội đã về, hương thu hiển hiện trên từng con đường, góc phố của Hà Nội. Như thường lệ, đầu mùa thu, giới học giả Hà Nội có dịp ngồi với nhau để trò chuyện về những tình yêu Hà Nội theo những cách đặc biệt. Khởi nguồn là nét vẽ yêu phố của họa sĩ Bùi Xuân Phái và lan tỏa thêm bằng những tình yêu khác…

 Họa sĩ Bùi Xuân Phái
Họa sĩ Bùi Xuân Phái)

Nét vẽ yêu phố

Sinh thời, Bùi Xuân Phái là một con người tài hoa, ông đã lặng lẽ và miệt mài lưu giữ hồn cốt Hà Thành, biểu hiện sâu xa của linh hồn người Việt trong từng mảnh màu, nét vẽ. Ông được nhiều người yêu mến và gọi bằng cái tên sang trọng Phố Phái. Người bạn tâm giao của ông – Nhạc sĩ họa sĩ, thi sĩ Văn Cao từng phác họa: “Không người ở/Không số nhà/Không tên phố/Tôi gửi bài thơ về Phố Phái/Người đưa thư sẽ tìm đến phố anh”.

Bùi Xuân Phái (1920 - 1988) ông từng tốt nghiệp khoa Hội họa trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Ông là thế hệ sinh viên cuối cùng của trường này và sống cùng thời với các danh họa Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm. Tranh phố của Bùi Xuân Phái vừa cổ kính lại rất hiện thực, thể hiện rõ hồn cốt của phố cổ Hà Nội những năm 50 -60- 70. Các mảnh màu trong tranh ông thường có đường viền đậm nét, phố không những trở thành chính nó mà còn gần hơn với con người từ bề ngoài đến chiều sâu bên trong. Ngắm tranh ông vẽ, người ta thấy cả dự cảm tương lai về sự mất đi của những con phố yên bình mang hồn xưa…

 Phố cổ Hà Nội được Bùi Xuân Phái tái hiện tinh tế trong tranh
Phố cổ Hà Nội được Bùi Xuân Phái tái hiện tinh tế trong tranh)

Từng là họa sĩ mà cuộc đời có nhiều thăng trầm, nhưng ông vẫn giữ trọn tình yêu với nghệ thuật, để cho ra những tác phẩm dung dị, sâu lắng. Những tác phẩm nổi tiếng về Hà Nội của Bùi Xuân Phái bao gồm: Phố cổ Hà Nội (sơn đầu 1972); Hà Nội kháng chiến (sơn dầu 1966), Xe bò trong phố cổ (sơn dầu 1972); Phố Vắng (Sơn dầu 1981)…

Cuộc đời yêu vẽ, vẽ mà như không vẽ của Bùi Xuân Phái để lại nhiều giai thoại “Anh Phái mắc bệnh vẽ, ngồi đâu vẽ đấy, bạ gì vẽ đấy. Nhìn theo mà vẽ, thuộc lòng mà vẽ. Vẽ thực, vẽ bịa, vẽ cho đến chết. Mảnh giấy cuối cùng không để lại của anh (anh đã vò xé đi) là hình vẽ mấy người bệnh nằm chung phòng nhà thương. Sự vẽ của anh chỉ có thể gọi bằng câu nói của chính anh, với tôi một lần “vẽ để mà không vẽ” là đúng hơn cả. Thế mà Hà Nội – Phố trong tranh của anh đôi khi lớn, nặng, lâu bền và vượt ra ngoài cuộc đời tác giả. Chúng là giọt máu của cả nền văn hiến Thăng Long mà trong đó anh là một sắc mặt thì đúng hơn. Từ khi có Bùi Xuân Phái, tôi chưa thấy ai vẽ Hà Nội mà không vương vào anh… Bức sơn dầu cuối cùng của anh vẽ một ngày tháng 4/1988 đang treo ở bàn thờ của anh cũng là Ngõ Huyện. Ta thấy ngay căn nhà lặng lẽ, nóc nhà thờ Hà Nội. Hai bức tranh cuối cùng anh cho tôi giữa tháng 6/1988 là hai mảnh giấy của vỏ bao thuốc lá Lauloises của Pháp và một trên vỏ Gallant của Ấn Độ… Nhiều lần anh vẽ ngay trước mặt tôi, lơ đãng, hồn nhiên như đứa trẻ nghịch cát” họa sĩ Thái Bá Vân chia sẻ về những nét vẽ đậm tình với Hà Nội của Bùi Xuân Phái.

 Nhà văn hóa Hữu Ngọc với rất nhiều công trình sách về văn hóa.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc với rất nhiều công trình sách về văn hóa.)

Năm 1988, họa sĩ Bùi Xuân Phái mất vì viêm phổi. Gia đình ông nhờ bán những bức tranh của ông mà bớt khốn khó. Nhiều người bạn được ông tặng tranh, lúc này cũng vì khó bán đi đủ mua thêm nhà và nhiều thứ khác. Người ta vẫn bảo, trên thế giới, không ai hào phóng bằng họa sĩ Bùi Xuân Phái. Ông cho đời, cho người thân, cho bè bạn bằng những nét vẽ của mình.

Những tình yêu Hà Nội theo suốt cuộc đời…

Sau khi họa sĩ mất, gia đình ông xây dựng giải thưởng Bùi Xuân Phái để tặng thưởng cho những văn nghệ sĩ, những người có việc làm yêu Hà Nội. Những năm gần đây, giải thưởng lớn được trao cho Nhà văn hóa Hữu Ngọc và Nhiếp ảnh gia Quang Phùng. Những người mang tình yêu Hà Nội theo cách riêng sâu nặng.

 Nhiếp ảnh gia Quang Phùng (bên phải) nhận giải thưởng lớn của Giải Bùi Xuân Phái
Nhiếp ảnh gia Quang Phùng (bên phải) nhận giải thưởng lớn của Giải Bùi Xuân Phái)

Nhà văn hóa Hữu Ngọc sắp tròn 100 tuổi. Những ai được gặp ông hẳn sẽ thấy ở ông một con người mang chiều sâu, cốt cách của văn hóa Hà Nội. Gần một thế kỉ sống, “cây đại thụ” ấy đã phủ bóng xuống Hà Nội, làm cầu nối đưa Hà Nội và văn hóa Việt ra thế giới, bằng sự uyên bác, nghiêm cẩn và cầu thị của mình. Chia sẻ với chúng tôi, Hữu Ngọc nói rằng: Ban đầu, "tình yêu" của ông dành cho Hà Nội chỉ là cảm tính. Và sự xa cách ngẫu nhiên giữa ông với mảnh đất này, mới giúp tình yêu ấy thấm sâu vào khối óc và trái tim."Kháng chiến 1946, tôi rời Hà Nội, ở trong rừng sâu cô quạnh. Mỗi khi ăn củ sắn, nhắm củ khoai, tôi lại nhớ đến những hàng xôi lúa ở Hà Nội, nhớ đến mùi thơm của đỗ, mỡ hành như thế nào, nhớ đến phở của Hà Nội ra làm sao?. Khi ở bên cạnh những thứ ấy, ta thấy nó rất tầm thường, nhưng khi xa rồi, ta mới thấy hết giá trị của nó, mới hiểu thêm nó ở chiều sâu".

Đến Hà Nội để tìm hiểu văn hóa Hà Nội, nhiều nhà báo, nhà văn nổi tiếng tìm đến ông như một địa chỉ tin cậy để nghe tham vấn những điều họ quan tâm. Hàng chục năm cầm bút, Hữu Ngọc đã cho ra đời 34 cuốn sách. Trong số các kiến thức văn hóa ông “xuất khẩu” ra thế giới, mảng văn hóa Hà Nội chiếm một vị trí quan trọng. Trong rất nhiều cuốn sách của Hữu Ngọc, Hà Nội ban đầu được nhắc tới như một tấm gương phản ánh lịch sử của Việt Nam suốt 4000 năm qua…

 Chùa Một Cột - Kiến trúc văn hóa độc đáo lâu đời của Hà Nội
Chùa Một Cột - Kiến trúc văn hóa độc đáo lâu đời của Hà Nội)

Bởi lòng yêu mến, Hữu Ngọc sau hàng thập kỷ đã trở thành một "bảo tàng sống" về văn hóa Việt nói chung và văn hóa Hà Nội nói riêng. Bây giờ, ở tuổi 100, người ta vẫn thấy Hữu Ngọc hàng ngày ngồi sau xe máy tới NXB Thế giới để làm việc với vai trò cố vấn hoặc trò chuyện cả buổi với những vị khách nước ngoài.

Nhiếp ảnh gia Quang Phùng ở tuổi 83, nhưng những nét chất hồn nhiên vẫn hiện hữu trên khuôn mặt, trong tiếng nói của một cụ ông say mê nhiếp ảnh. Chụp ảnh Hà Nội với bao chuyện buồn, vui, suy tư, say đắm, người nghệ sĩ đường phố Quang Phùng đang ngày ngày kể câu chuyện đời thường một cách thẳng thắn nhất với con mắt của một người được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Từng đến ngôi nhà nhỏ nằm im lìm của ông trong một con ngõ ở trung tâm Hà Nội, tôi được nghe ông say sưa nói về những bức ảnh mới in. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện, một trạng thái đời thường. Những bức ảnh từ cuộc sống thường nhật của ông luôn đẹp, luôn gửi gắm cho cuộc đời này những suy tư, với mục đích cuối cùng là góp thêm tiếng nói cho cuộc đời đẹp hơn. Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng tâm sự về chuyện về từng khuôn hình: “Cây vông này làm nền cho tháp Bút 7 năm nay rồi. Chỗ này là định để trồng cái cây mà 7 năm nay vẫn chưa làm được. Tại sao lại chậm trễ thế. Thế thì tôi phải đợi một hôm trời mưa, vắng người thì mới nổi chủ đề của mình lên được. Còn cây lộc vừng, tôi phải tìm được một nụ hoa ở một cái phông gợi cảm, chứ không thể rối rít lên được. Khi người ta trình bày một cái ảnh mà rối rít lên thì không cơ bản. Anh phải cầm máy cho chắc, phải cầm máy mà đợi, nếu không chưa chụp được thì đã gục ngã.”

Chưa dừng lại ở những câu chuyện lẻ, ông đã tập hợp thành bộ ảnh theo chủ đề: Hàng rong, ô nhiễm môi trường, vẻ đẹp thiên nhiên Hà Nội…để mỗi người, hãy lưu tâm một chút, băn khoăn một chút trước những số phận, vấn đề xã hội đang diễn ra trước mắt ta. Mỗi số phận, cuộc đời qua ống kính nhà nhiếp ảnh Quang Phùng hiện lên mồn một, nhói lòng, thể hiện sự đau đáu với những con người lao động.

Việc làm… yêu Hà Nội

Không chỉ có giải thưởng lớn mỗi năm có phần “thiên vị” cho nghệ thuật với tình yêu Hà Nội. Nhiều mùa giải, năm nào giải thưởng Bùi Xuân Phái cũng dành những phần tôn vinh cho những người có việc làm yêu Hà Nội. Những việc làm đó là cho Hà Nội đẹp hơn, đáng sống hơn. Năm 2017, giải thưởng Bùi Xuân Phái cũng được trao cho UBND thành Phố Hà Nội nhờ quyết định xây dựng Phố đi bộ khu vực Hồ Gươm tạo một không gian văn hóa, du lịch đặc trưng của Hà Nội. Thay mặt lãnh đạo Hà Nội và các cơ quan thực hiện phố đi bộ khu vực Hồ Gươm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận giải thưởng này.

Ở mùa giải thứ 2, khi ấy khu đất ở vị trí số 2 Hai Bà Trưng được gọi là “khu đất kim cương” ngay cạnh Quảng trường Cách Mạng Tháng 8 (cạnh nhà hát lớn, khách sạn Hilton Opera). Dự kiến ban đầu là để giao cho một công ty liên doanh xây dựng một công trình cao tầng làm nhà ở thương mại và điểm đỗ xe. Tuy nhiên sau phản biện của báo chí, Ủy Ban nhân dân thành phố Hà Nội đã không giao cho liên doanh đó mà để cải tạo thành vườn hoa 19/8. Điều đó có ý nghĩa lớn đối với không gian của Trung tâm Hà Nội. Tạo sự thơ mộng, thoáng đãng, thông thoáng khu vực từ đường Phan Chu Trinh về phía nhà hát lớn. Chính vì vậy, đầu mùa thu năm ấy, giải việc làm yêu Hà Nội được trao cho UBND thành phố Hà Nội.

Trước đó, sau nhiều năm gắn bó và bằng tình yêu với Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy đã bàn với cộng sự xây dựng dự án con đường gốm sứ ven sông Hồng. Dự án đã xây dựng một bức tranh lớn bằng gốm sứ khổng lồ trên mái đê Sông Hồng của Hà Nội với chiều dài 6m từ An Dương đến cầu Vĩnh Tuy. Theo ý tưởng của họa sĩ thì “Con đường gốm sứ sông Hồng” được chia làm 4 phần,: Phần 1 tôn vinh những nét đẹp trong di sản nghệ thuật của cha ông theo dòng chảy thời gian từ Đông Sơn qua triều đại Lý – Trần, Nguyễn; Phần 2 là tranh gốm sứ đương đại của các nghệ sĩ Việt Nam trên chất liệu của các vùng gốm truyền thống; Phần ba là các chất liệu đất sét và kỹ thuật làm gốm của các nước và Việt Nam; Phần 4 là tranh gốm của các em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế thể hiện với chủ đề Hà Nội – Thành phố vì Hòa Bình…

 Mùa thu Hà Nội tuyệt đẹp
Mùa thu Hà Nội tuyệt đẹp)

Năm 2013, khi tổ chức trao giải thưởng Bùi Xuân Phái lần thứ 6, giải việc làm được trao cho nghĩa trang Hà Nội xây dựng tại Tây Nguyên. Hơn 40 năm trước, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, những thanh niên Hà Nội được tuyển chọn đặc biệt. Trước khi lên đường, ọ được lệnh để lại miền Bắc tất cả nhật ký, ảnh, giấy tờ, tiền bạc, thư từ… họ đi như những người lính không tên. Họ cùng đánh trận đầu tiên trong đời ở Chư Tan Kra ngày 26/3/1968 và 200 người trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại tại dải núi này trong hố chôn tập thể giữa trận địa.

Cuối tháng 3/ 2009, hơn 30 năm sau chiến tranh, 5 thương binh già, lính đại đội 5, tiểu đoàn 7, trung đoàn 209, sư đoàn 312 trở lại Tây Nguyên tìm mồ chôn tập thể những người đồng đội. Họ là Hồ Đại Đồng, Phạm Văn Chúc, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Minh Ngọc và Nguyễn Văn Tứ. Sau mấy chục chuyến đi vào Tây Nguyên, những hình ảnh tưởng mãi mãi vùi sâu trong ký ức của người trong cuộc được đưa ra dư luận, “đánh động” cơ quan chức năng. Nghĩa trang cho các anh được xây dựng. Giấc mơ về một ngày, tên các anh được khắc chung trên một tấm bia lớn đặt trong khu tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội hy sinh trên dải núi Chư Tan Kra của Tây Nguyên dần thành hiện thực. Đến nay, lực lượng cán bộ quân đội cùng chính quyền địa phương đã quy tập được hài cốt 180 chiến sĩ là người Hà Nội, cùng 191 chiến sĩ ở các tỉnh phía Bắc thuộc Trung đoàn 209 hy sinh tại đây. Công trình đó có ý nghĩa nhắc nhớ quan trọng những người Hà Nội nối dài những tình yêu, lòng tự hào về Hà Nội hôm nay.

Phan Phan

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin