Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sau hơn hai tháng lấy ý kiến nhận được gần 160 văn bản góp ý từ các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, lao động, chuyên gia. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sau đó đã hoàn thiện, trình Bộ Tư pháp thẩm định với một số điều chỉnh về quyền lợi hưu trí, bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, mở rộng diện đóng bắt buộc...
Báo cáo Quốc hội cả hai phương án rút BHXH một lần
Có ba luồng ý kiến về phương án rút BHXH một lần. Nhóm thứ nhất đồng tình giữ nguyên quy định hiện hành cho phép lao động đóng BHXH dưới 20 năm được rút một lần nếu sau một năm không tham gia hệ thống. Việc cho rút để đảm bảo quyền lợi lao động theo nguyên tắc đóng - hưởng.
Nhóm thứ hai ủng hộ phương án cho rút 50% tổng thời gian đóng và phần còn lại bảo lưu trong Quỹ Bảo hiểm xã hội để sau này hưởng chế độ. Nhóm này coi phần giữ lại là "của để dành" của lao động, cũng là để ngỏ cơ hội cho họ quay lại hệ thống an sinh.
Bộ Tư pháp thuộc nhóm ba, cho rằng chính sách BHXH một lần là thay đổi căn cơ của dự luật. Nếu giải quyết 50% có thể dẫn đến mức hưởng BHXH một lần thấp hơn so với hiện hành. Để tránh phản ứng không tốt từ lao động, Bộ đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ tác động của từng phương án để bổ sung trước khi trình Chính phủ.
Tiếp thu góp ý, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho hay sẽ bổ sung đánh giá phương án để tổng hợp trình Chính phủ, đồng thời báo cáo xin ý kiến Quốc hội cả hai phương án trên.
Rút điều kiện đóng đủ 20 năm BHXH
Dự thảo ban đầu siết điều kiện hưởng lương hưu. Theo đó, lao động đóng đủ 20 năm BHXH và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mới được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, nhiều cơ quan đề nghị bỏ quy định này để công bằng giữa các nhóm đóng, đảm bảo người tham gia BHXH 15 năm, đủ tuổi thì được hưởng lương hưu.
Tiếp thu góp ý, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã loại bỏ điều kiện trên trong dự thảo mới nhất. Theo đó, chế độ hưu trí áp dụng với lao động đóng đủ 15 năm BHXH và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định (tăng theo lộ trình đủ 62 tuổi với nam vào năm 2028 và 60 tuổi với nữ vào năm 2035).
Lao động chờ làm hồ sơ rút BHXH một lần tại Cơ quan Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức (TP HCM) cuối năm 2022. Ảnh: Thanh Tùng
Nâng mức sàn - trần lương tính đóng BHXH bắt buộc
Dự thảo mới nhất đề xuất tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng một nửa và trần đóng bằng 8 lần lương tối thiểu tháng vùng cao nhất (mức cao nhất hiện hành của vùng I là 4,68 triệu đồng/tháng) do Chính phủ công bố.
Như vậy, mức sàn và trần đóng đều đã nâng lên so với dự thảo hồi tháng 3. Bởi lương tối thiểu hiện hành của vùng I là 4,68 triệu đồng/tháng. Nếu áp dụng theo dự thảo, mức sàn và trần tính tại thời điểm này sẽ dao động 2,34-37,44 triệu đồng, song lương tối thiểu vùng đều được điều chỉnh tùy thuộc vào tình hình kinh tế xã hội.
Trước đó, ban soạn thảo đề xuất mức tính đóng BHXH bắt buộc thấp nhất 2 triệu đồng và cao nhất 36 triệu. Chính phủ điều chỉnh mức này dựa trên đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế.
Theo ban soạn thảo, Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương chủ trương cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp thì tới đây sẽ không còn "mức lương cơ sở". Do vậy, cần thay đổi tiền lương tháng đóng BHXH theo hướng không gắn với lương cơ sở mà lấy lương tối thiểu vùng làm căn cứ quy định mức cao nhất và thấp nhất.
Luật hiện hành quy định lương đóng BHXH bắt buộc hàng tháng với lao động khu vực doanh nghiệp không được thấp hơn lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng và cộng thêm 5% với lao động làm nghề độc hại, 7% với người qua đào tạo; mức tiền đóng cao nhất bằng 20 lần lương cơ sở.
Thu hẹp diện đóng bắt buộc với chủ hộ kinh doanh
Dự thảo luật sửa đổi trước đó đề xuất đưa nhóm chủ hộ kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương và lao động làm việc không trọn thời gian vào diện đóng BHXH bắt buộc. Các nhóm này sẽ thụ hưởng đầy đủ quyền lợi về hưu trí, tử tuất, thai sản, ốm đau, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp thất nghiệp.
Sau khi tổng hợp, tiếp thu ý kiến, dự thảo mới nhất đã thu hẹp diện đóng bắt buộc với nhóm chủ hộ có đăng ký kinh doanh và không áp dụng với người đã đủ tuổi nghỉ hưu. Dự kiến số chủ hộ tham gia BHXH bắt buộc có thể giảm từ 5 triệu hộ như dự kiến ban đầu xuống gần 2 triệu hộ.
Tiền lương làm căn cứ tính đóng với nhóm này cũng được điều chỉnh, căn cứ mức sàn và trần theo lương tối thiểu vùng I chứ không dao động 2-36 triệu đồng như dự thảo ban đầu.
Cán bộ tổ dân phố trước ngõ "vùng xanh" trên phố Cửa Nam (Hà Nội) hồi cao điểm Covid-19 năm 2021. Ảnh: Phạm Chiểu
Mở rộng diện đóng tới người không chuyên trách cấp thôn, tổ dân phố
Dự thảo mới bổ sung nhóm đóng bắt buộc là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như người ở cấp xã. Thống kê cả nước khoảng 300.000 người thuộc nhóm này đang làm việc. Trong khi luật hiện hành mới quy định đóng BHXH bắt buộc với người chuyên trách cấp xã.
Cơ quan soạn thảo lý giải do chế độ, chính sách thụ hưởng của hai nhóm giống nhau và đều do Chính phủ quy định nên cần thiết đưa nhóm ở thôn, tổ dân phố vào diện bắt buộc. Đề xuất cũng phù hợp với Nghị quyết 28 của Trung ương, phấn đấu đến năm 2030 đưa 60% lực lượng lao động trong độ tuổi vào hệ thống an sinh.
Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH với nhóm này do Chính phủ quy định, đảm bảo không thấp hơn sàn tối thiểu, tức một nửa lương tối thiểu tháng của vùng cao nhất (vùng I).
Nâng trợ cấp mai táng 14,9 triệu lên 18 triệu đồng
Dự thảo ban đầu quy định lao động đóng BHXH, người đang hưởng lương hưu mà qua đời thì nhận trợ cấp mai táng là 14,9 triệu đồng - gấp 10 lần lương cơ sở hiện hành (1,49 triệu đồng/tháng). Song từ 1/7, lương cơ sở điều chỉnh tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng nên ban soạn thảo nâng mức trợ cấp mai táng lên 18 triệu đồng tại tờ trình mới nhất. Mức này sẽ tăng mỗi khi Chính phủ điều chỉnh lương hưu.
Tuy nhiên, để được hưởng trợ cấp mai táng, thời gian đóng BHXH ít nhất phải từ 60 tháng trở lên. Nhiều ý kiến góp ý nên bỏ quy định này, song ban soạn thảo giữ nguyên để đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng, cân đối quỹ và tránh trục lợi chính sách, nhất là ở khu vực tự nguyện.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6, trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025.