Những quy định gây khó cho công tác xử lý hình sự hành vi gây ô nhiễm môi trường

25/04/2017 09:40

(Pháp lý) - Theo các chuyên gia pháp luật, Điều 235 quy định về Tội phạm gây ô nhiễm môi trường bộc lộ nhiều “khoảng trống” cần được điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo xử lý nghiêm tội phạm về môi trường, không bỏ sót người, lọt tội.

Pháp nhân phi thương mại gây ô nhiễm môi trường đang “ngoài vùng phủ sóng” pháp luật hình sự ?

Điều 2 Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 về cơ sở trách nhiệm hình sự quy định: “2. Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Liên quan đến quy định này, đối với tội gây ô nhiễm môi trường được quy định tại Điều 235 Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 sẽ được hiểu là chỉ có pháp nhân thương mại gây ô nhiễm môi trường mới phải chịu TNHS.

Người dân không không chịu nổi mùi hôi thối từ nước thải làng nghề thải ra nhưng pháp luật hiện hành không thể truy cứu TNHS đối tượng xả thải
Người dân không không chịu nổi mùi hôi thối từ nước thải làng nghề thải ra
nhưng pháp luật hiện hành không thể truy cứu TNHS đối tượng xả thải)

Các vụ việc vi phạm nghiêm trọng luật pháp về môi trường, kinh tế do các pháp nhân thương mại xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy thủ đoạn thực hiện ngày càng tinh vi và để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Do đó việc quy định TNHS đối với pháp nhân thương mại là phù hợp với thực tiễn nhằm tạo tính răn đe cao đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phòng, chống các loại tội phạm mà chủ thể là pháp nhân vì lợi nhuận gây hại đến môi trường, kinh tế và các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia pháp lý, với việc quy định chỉ có pháp nhân thương mại nếu gây ô nhiễm môi trường mới chịu TNHS là chưa đủ, sẽ bỏ lọt tội phạm. Bởi đối với các pháp nhân không có hoạt động thương mại (theo quy định tại Điều 76 BLDS năm 2015 pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác) sẽ không bị chế tài TNHS hay nói cách khác là nằm “ngoài vùng phủ sóng”, nếu có hành vi vi phạm môi trường ở bất cứ mức độ nào.

Trong khi đó tại khoản 1, Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực từ ngày 01/07/2015, để trở thành một doanh nghiệp xã hội (DNXH) thì ngoài việc được đăng ký thành lập theo quy định pháp luật; còn phải sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký. Nghĩa là các DNXH không phải hoàn toàn hoạt động phi lợi nhuận. Theo điều tra do GSIP, Hội đồng Anh và Spark thực hiện năm 2011, các DNXH ở Việt Nam được mở ra dưới nhiều hình thức như trung tâm, câu lạc bộ, hiệp hội, công ty, hợp tác xã… Về hiệu quả kinh tế, các DNXH hoạt động như các doanh nghiệp khác. Xét về góc độ tài chính, các doanh nghiệp đã tạo ra tổng thu nhập là 255 tỷ đồng, với lợi nhuận là 64,5 tỷ đồng; tổng vốn lưu động là 816 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với vốn điều lệ là 204 tỷ đồng. Như vậy muốn có lợi nhuận thì đương nhiên phải có kinh doanh và không loại trừ những hành vi gây ô nhiễm môi trường ở nhiều quy mô và hình thức khác nhau trong tương lai, thậm chí là trước mắt nhưng chưa lộ diện.

Vì vậy để không bị lạc hậu với thực tế ngay sau luật được ban hành và phù hợp với xu thế hội nhập phát triển của nền kinh tế toàn cầu, theo các chuyên gia pháp luật, cụm từ “pháp nhân thương mại” – chủ thể của tội phạm về môi trường được quy định trong dự thảo nên loại bỏ phần định ngữ, tức không dùng cụm từ “thương mại” đi liền với cụm từ “pháp nhân” trong các điều khoản có liên quan. Theo đó, đối với tội gây ô nhiễm môi trường được quy định trong dự thảo tại khoản 5 Điều 235 nên sửa lại là: “Pháp nhân phạm tội quy định tại điều này, thì bị phạt như sau”…

Định lượng cấu thành tội phạm môi trường chưa phù hợp thực tế

Khoản 1 Điều 235 dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 quy định về cơ sở cấu thành tội phạm Tội gây ô nhiễm môi trường phải chịu chế tài TNHS từ 01 năm đến 05 năm tù, khi chủ thể thực hiện một trong các hành vi sau đây: “a. Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật từ 3.000 kg đến dưới 5.000 kg; b. Xả thải ra môi trường từ 5.000m3/ngày đến dưới 10.000m3/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên…”

Quy định về định lượng cấu thành tội phạm môi trường nêu trên, theo các chuyên gia không những không thể hiện đúng bản chất quan hệ xã hội cần được bảo vệ còn dẫn đến một thực tế là pháp luật hành chính trong một số trường hợp có thể bị vô hiệu hóa pháp luật hình sự, cũng như tạo kẽ hở cho các tổ chức, cá nhân lách luật, gây thiệt hại đến môi trường.

Cá chết vì ô nhiễm do nước thải từ các nhà máy sản xuất quy mô nhỏ thải ra, nhưng với quy định hiện nay, rất  khó truy cứu TNHS đối tượng xả thải
Cá chết vì ô nhiễm do nước thải từ các nhà máy sản xuất quy mô nhỏ thải ra, nhưng với quy định hiện nay, rất khó truy cứu TNHS đối tượng xả thải)

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Hạnh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật & kinh tế ASEAN (thuộc Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng, với quy định chủ thể nào có hành vi chôn, lấp, đổ thải ra môi trường chất thải nguy hại từ 10.000 m3/ngày đêm mới bị truy cứu TNHS thì số cơ sở thuộc diện bị xử lý hình sự rất ít, trong khi đó, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường lớn lại thuộc số những cơ sở có lưu lượng xả thải trung bình, bởi trong thực tiễn sẽ không có doanh nghiệp nào xả thải với mức độ lớn như vậy.

Lấy ví dụ từ thực tế cho thấy nhận định trên của Giáo sư Hạnh và các chuyên gia pháp lý là hoàn toàn có căn cứ. Trên địa bàn TP. Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có gần 300 làng nghề được công nhận đang hoạt động. Kết quả khảo sát cho thấy, khối lượng chất thải trung bình một ngày thải ra môi trường tương đối lớn (như chất thải rắn (40 tấn/ngày); nước thải phát sinh khoảng 600m3/ngày…). Điều đáng nói là thực trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí tại đây có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt mà không cần thông qua quan trắc. Tuy nhiên nếu đem chia đều cho số lượng hộ xả thải trong chừng ấy làng nghề thì mức số vi phạm đó không đáng kể so với quy định về định lượng để cấu thành tội phạm của Bộ luật Hình sự.

Đối với các làng nghề chế biến thủ công thì việc chế tài TNHS càng xa vời, bởi mức độ xả thải ở quy mô một hộ gia đình là không đáng kể. Hơn chục năm qua, người dân tại 2 làng Linh Chiểu và Thược Trạch (xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) chịu hết xiết vì ô nhiễm do các hộ làm nghề bún gây ra. Cứ tính một hộ làm bún thì làm khổ 5 hộ lân cận và cả 2 làng này có đến 159 hộ làm bún, bình quân mỗi ngày thải ra ngoài từ 100 – 200m3 nước thải…

Có thể nói hậu quả từ các làng nghề gây ô nhiễm môi trường là không thể lường hết được. Báo chí thời gian qua đã dành không ít thời lượng và dung lượng để liên tục cập nhật và cảnh báo về thực trạng ô nhiễm làng nghề đang ở mức báo động đỏ. Đây là vấn đề nhức nhối bởi kéo theo nó là những hệ lụy ảnh hưởng không chỉ đến hoạt động sản xuất mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Vì vậy việc điều chỉnh định lượng có mức độ phù hợp với thực tế phát sinh để có căn cứ xác định yếu tố cấu thành tội gây ô nhiễm môi trường ở các làng nghề hoặc ở quy mô hộ gia đình riêng lẻ trong các khu dân cư là hết sức cần thiết, để phòng chống có hiệu quả loại tội phạm này. Hay nói cách khác, để vừa có thể xử phạt hành chính và hình sự đối với tội phạm về môi trường nên chăng giảm bớt chế tài xử phạt hành chính và tăng xử lý hình sự đối với các trường hợp có mức xả thải thấp hơn.

Bình luận về sự bất cập trong quy định về định lượng làm căn cứ xử lý tội phạm môi trường của dự thảo, Giáo sư Lê Hồng Hạnh dẫn chứng trường hợp Công ty Hào Dương ở thành phố Hồ Chí Minh xả thải vượt hành chính 6,3 tỷ đồng, tái phạm nhiều lần với tính chất nghiêm trọng, gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội và môi trường. Tuy nhiên “nếu theo quy định tại dự thảo này thì sẽ không xử lý hình sự được vì lượng xả thải của công ty chỉ đạt khoảng 1.500m3/ngày đêm” - Giáo sư Hạnh phân tích.

Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, đến cuối năm 2014, đã xác định được 104 làng nghề ô nhiễm nhất trên phạm vi cả nước cần phải có kế hoạch xử lý triệt để từ nay đến năm 2020. Trong đó, có những địa phương, mức độ ô nhiễm kim loại nặng độc hại cao gấp hơn 3.000 lần quy chuẩn cho phép. Tỷ lệ bệnh tật tại các khu vực ô nhiễm do làng nghề ngày một gia tăng. Lợi ích kinh tế mà 104 làng nghề này (chiếm từ 1-2% tổng số làng nghề) mang lại không thể bù đắp được những hao tổn về sức khỏe, môi trường cho tương lai.

Theo Tổng Cục môi trường Việt Nam, với 1.350 làng nghề và làng có nghề trên địa bàn Hà Nội, tổng lượng nước thải làng nghề phát sinh khoảng 156.000/m3/ngày đêm. Ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra trên diện rộng và có chiều hướng tăng theo quy mô sản xuất. Kết quả quan trắc chất lượng nước thải tại các làng nghề cho thấy, 100% làng nghề được quan trắc đều có ít nhất 3 chỉ tiêu phân tích nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép.

VŨ LÊ MINH

Bạn đang đọc bài viết "Những quy định gây khó cho công tác xử lý hình sự hành vi gây ô nhiễm môi trường" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin