Những nữ nhà báo can đảm

22/06/2017 09:09

(Pháp lý) - “Chiến tranh không mang khuôn mặt phụ nữ”, nó là nơi chết chóc và tàn khốc, nhưng bạn đọc cần có thông tin về nó, vì vậy ở những nơi xung đột, những điểm nóng trên thế giới luôn luôn có các phóng viên chiến trường tác nghiệp. Điều đáng nói là không chỉ nam giới mà rất nhiều nữ nhà báo cũng can đảm dấn thân để ghi lại những thông tin, những hình ảnh sống động nhất về nơi bom rơi, đạn nổ ấy... Họ bất chấp hiểm nguy, có thể thương vong, bị bắt giữ và thậm chí bị hành quyết.

 Nữ nhà báo Ruqia Hassan bị IS sát hại
Nữ nhà báo Ruqia Hassan bị IS sát hại)

10 năm có 787 nhà báo bị sát hại khi tác nghiệp

Năm 2015, một sự kiện làm rung động làng báo thế giới là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hành quyết Ruqia Hassan - nữ nhà báo tự do người Kurd tại thành phố Raqqa (Syria), với cáo buộc tội do thám.

Nữ nhà báo Ruqia Hassan được biết đến với bút danh là Nisan Ibrahim. Hassan đã tham gia tất cả các cuộc biểu tình chống IS và cáo buộc chúng tấn công mục tiêu dân sự, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Cô còn viết về cuộc sống khổ sở của người dân dưới ách cai trị của IS ở Syria trên trang Facebook cá nhân và thường đưa tin về các cuộc không kích tại thành phố Raqqa mỗi khi xảy ra.

Facebook của Hassan cho thấy các nội dung cô đưa lên đó đã đột ngột dừng lại từ ngày 21/7/2015, sau khi cô phản ứng với việc IS cấm truy cập wifi tại thành phố Raqqa. Cô viết: “Cứ tiếp tục cắt hết Internet đi, những chú bồ câu đưa thư của chúng ta sẽ không phàn nàn gì đâu”. Sau đó, trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12/2015, Hassan tự nhiên mất tích. Đến ngày 2/1/2016, IS gửi thông báo cho gia đình Hassan biết chúng đã hành quyết cô. Vụ IS hành quyết nữ nhà báo Ruqia Hassan là trường hợp nhà báo thứ năm bị sát hại tại Syria kể từ tháng 10/2015.

Ruqia Hassan là một trong số 110 nhà báo thiệt mạng trên toàn thế giới trong năm 2015. Syria là nước có số nhà báo thiệt mạng nhiều nhất với 13 người bị giết. Ngoài ra, đã có 54 nhà báo bị bắt làm con tin vào thời điểm cuối năm 2015, 26 người trong số này bị bắt ở Syria. Tính trong khoảng thời gian 10 năm qua, 787 nhà báo trên thế giới đã bị sát hại trong quá trình tác nghiệp.

Năm 2016, có ít nhất 74 nhà báo đã thiệt mạng khi tác nghiệp tại các khu vực trên thế giới. Đây là con số thống kê được Tổ chức Nhà báo không biên giới đưa ra. Theo Tổ chức này, Syria là đất nước nguy hiểm nhất đối với phóng viên báo chí. 19 nhà báo đã thiệt mạng khi đang tác nghiệp tại đây. Xung đột tại Syria là đề tài nóng bỏng, thu hút sự quan tâm lớn trên thế giới. Tuy nhiên đây lại là địa bàn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm đặc biệt đối với nhiều phóng viên bởi họ luôn phải đối mặt với những trận pháo kích liên hồi cũng như nguy cơ bị các nhóm phiến quân bắt cóc và giam giữ. Sau Syria, Afghanistan và Mexico cũng là những nước có môi trường làm việc nguy hiểm đối với nhà báo.

Mang sự thật nơi chiến trường đến với công chúng

Mặc dù nhiều nhà báo đã thiệt mạng trong khi tác nghiệp tại các vùng xung đột nhưng những điểm nóng như Dải Gaza, Libya và Syria vẫn thu hút rất nhiều phóng viên dấn thân, trong đó không ít các nữ phóng viên trẻ cũng xung phong ra chiến trường bất chấp hiểm nguy. Nữ phóng viên tự do người Mỹ Lindsey Snell (32 tuổi) đã có hơn 3 năm lăn lộn tại Syria và có lúc tưởng chừng đã “rơi vào địa ngục”.

 Nữ phóng viên tự do người Mỹ Lindsey Snell
Nữ phóng viên tự do người Mỹ Lindsey Snell)

Tháng 7/2016, nhóm Jabhat al-Nusra, một nhánh của al-Qaeda, bắt cóc Snell khi cô đang tường thuật đợt giao tranh ác liệt giữa lực lượng chính phủ và phe nổi dậy ở Aleppo. “Lúc đó tôi nghĩ rằng mình sẽ bị giam một năm cho đến khi gia đình trả tiền chuộc hoặc bỏ mạng tại đây”, Snell kể. Nhờ giấu điện thoại trong người và kịp thời nhắn tin cầu cứu đồng nghiệp, cô được một nhóm nổi dậy do phương Tây hậu thuẫn giải cứu, đưa sang Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, vừa đặt chân qua biên giới, Snell lại bị quân đội nước này bắt giam hơn nửa tháng với cáo buộc làm gián điệp. Nhờ sự vận động của nhiều tổ chức quốc tế, cô được trả tự do chỉ vài ngày trước vụ đảo chính hụt gây chấn động tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Phóng viên Dương Vấn Ý thuộc Dragon TV, Trung Quốc, thì nằng nặc đòi đến Libya tường thuật cuộc nổi dậy lật đổ lãnh đạo Muammar Gaddafi năm 2011 dù ban đầu Ban Biên tập từ chối đề xuất của cô với lý do “nơi đó không dành cho nữ giới”. “Tuy nhiên, nữ Phóng viên 29 tuổi ấy bất chấp những lời khuyên can, vẫn lăn lộn tại những khu vực nóng bỏng nhất và từng có mặt tại miền đông Ukraine lẫn Syria.

Nữ phóng viên chiến trường tự do người Mỹ Steven Dorsey (27 tuổi) cũng chia sẻ: “Có khi suốt hơn 2 tuần liền chúng tôi không kiếm được đồng nào mà số tiền mang theo thì cứ cạn dần”. Những lúc không tác nghiệp ở vùng chiến sự, Dorsey trở về Mỹ làm lính cứu hỏa.

Vì thế, đối với các phóng viên trẻ, động lực thôi thúc họ không phải là tiền bạc mà là quyết tâm mang sự thật nơi chiến trường đến với dư luận. “Chúng tôi cố gắng giúp mọi người hiểu rõ hơn về sự tàn khốc của chiến tranh. Chúng tôi phải tự học cách bảo toàn tính mạng để làm được điều này”, Dương Vấn Ý tâm sự với The Guardian.

Muôn vàn gian nan

Francesca Borri, một nữ nhà báo tự do người Italy, từng chia sẻ trong một bài báo được viết khi đang làm việc ở Syria. Bài viết đăng trên tờ Columbia Journalism Review tháng 7/2013. Cô từng xuất bản hai cuốn sách về các cuộc chiến ở Kosovo và Dải Gaza, với tư cách một nhà hoạt động nhân quyền.

 Francesca Borri, một nữ nhà báo tự do người Italy
Francesca Borri, một nữ nhà báo tự do người Italy)

 

Cô chia sẻ những khó khăn mà một phóng viên chiến trường luôn phải đối mặt. Cô viết: “Sau hơn một năm làm phóng viên tự do, kết bạn với bệnh thương hàn và bị thương ở đầu gối. Biên tập viên của tôi, vốn chỉ theo dõi tin tức, tưởng rằng tôi là một trong những nhà báo người Italy bị bắt cóc, và gửi một bức thư với nội dung: "Nếu bắt được liên lạc, có thể gửi cho tôi chỗ cô bị giam không?".

Tối hôm ấy, cô trở về căn cứ của quân nổi dậy, chốn dung thân của tôi giữa địa ngục mang tên Aleppo, nơi chìm trong khói bụi, những cơn đói và sự sợ hãi. Lúc đó cô chỉ mong có được một người bạn, một câu nói ấm áp hay một cái ôm.

Cô viết tiếp: “Một tối cách đây không lâu, khi khắp nơi là tiếng súng, tôi đang ngồi thu lu một góc, mang vẻ mặt mà bạn chỉ có thể thấy khi thần chết sắp ập đến, thì một đồng nghiệp nam tới, nhìn tôi từ đầu tới chân, và tuyên bố: "Đây không phải chỗ cho phụ nữ". Tôi có thể nói gì với một tên đàn ông như thế? Đồ điên, đây không phải là chỗ cho bất cứ ai. Tôi biết sợ hãi vì đầu óc tôi vẫn bình thường. Vì Aleppo là một nơi chỉ có súng và nội tiết tố nam, nên ai cũng bị chấn thương tâm lý. Anh bạn Henri chỉ biết về chiến tranh còn Ryan thì mất kiểm soát vì lạm dụng thuốc kích thích”.

Những đứa trẻ bất hạnh thường tìm đến chỗ cô, một phụ nữ "mong manh", và muốn biết cô là ai. Cô chỉ muốn nói rằng: "Cô cũng chẳng khác gì các cháu". Đêm đến là lúc cô khoác lên mình vẻ mặt đau buồn, tự bảo vệ bản thân và gạt đi mọi cảm xúc. Đó cũng là lúc cô tự cứu rỗi chính mình. “Bởi Syria không còn là Syria nữa. Nó đã biến thành một trại thương điên. Một gã người Italy thất nghiệp đến và xin gia nhập al-Qaeda. Gã bị mẹ đuổi khắp Aleppo hòng đánh một trận. Một tên người Nhật thì cố mò ra chiến trường, chỉ vì muốn có hai tuần "cảm giác mạnh". Một cử nhân trường luật từ Thụy Điển đến để thu thập bằng chứng về tội phạm chiến tranh. Mấy tay nhạc sĩ người Mỹ thích nuôi râu ngụy trang kiểu Bin Laden, dù sự thật là họ có mái tóc vàng và cao tới 1,93 m. Họ còn mua cả thuốc chống sốt rét dù ở đây không người nào mắc bệnh đó”.

Với những khó khăn và hiểm nguy như thế nhưng nhuận bút tòa soạn chi trả chỉ là 70 USD một bài. Rất rẻ mạt, nhưng không vì nhuận bút thấp mà họ không dấn thân. Cô viết: “Nhưng dù sao chúng tôi vẫn là những phóng viên chiến trường. Chúng tôi đánh đổi mạng sống của mình để lên tiếng thay những người không thể cất tiếng nói. Chúng tôi chứng kiến những việc mà hầu hết mọi người không bao giờ thấy.

Chúng tôi là nhân vật chính của các câu chuyện bên bàn ăn, là những vị khách thú vị mà chủ nhà nào cũng muốn mời tới”.

 Nữ nhiếp ảnh gia Lynsey Addario
Nữ nhiếp ảnh gia Lynsey Addario)

Cũng với tinh thần của Francesca Borri, nữ nhiếp ảnh gia Lynsey Addario đến Somalia chụp ảnh những đứa trẻ gầy gò trơ xương, phản ánh hiện thực đau lòng tại vùng đất đầy rẫy sự chết chóc này, khi cô cảm nhận được những cú đạp đầu tiên của con trai mình trong tháng thứ 5 của thai kỳ. "Con trai tôi đã đến với cuộc đời này từ một hình hài bé nhỏ bên trong cơ thể tôi khi tôi đặt chân đến Somalia, vùng đất đầy rẫy sự chết chóc", phóng viên chiến trường người Mỹ từng đoạt giải Pulitzer viết trong một bài báo về các nạn nhân trận hạn hán năm 2011 tại nước châu Phi này.

Từ những năm 1990, Addario đã bắt đầu chụp ảnh về những chiến binh Taliban ở Afghanistan, chiến tranh tại Iraq, về cuộc khủng hoảng của người tị nạn Syria, và chụp hàng loạt bức ảnh cho các kênh thông tin lớn như Getty Images, New York Times, hay National Geographic. Trong hành trình của cô, sự sống và cái chết cứ luân phiên thay nhau xuất hiện.

 Hai nữ phóng viên cùng một đồng nghiệp nam nơi chiến sự
Hai nữ phóng viên cùng một đồng nghiệp nam nơi chiến sự)

Tháng 2/2015, quyển hồi ký "It's what I do: A photographer's life of love and war" (Đó là những gì tôi làm: Cuộc đời của một nhiếp ảnh gia giữa tình yêu và chiến tranh) nói về hành trình của Addario và những bức ảnh ngoạn mục, ấn tượng cô chụp ở những nơi ít người dám đến đã được xuất bản. Addario chia sẻ trong cuốn hồi ký rằng cô dấn thân vào những nơi nguy hiểm nhất, khốc liệt nhất, vì chính niềm đam mê dành cho công việc của một phóng viên chiến trường và vì cái tâm của một người nghệ sỹ. Qua ống kính máy ảnh, phóng viên Addario lưu lại rất nhiều khoảnh khắc ấn tượng, lột tả những nỗi đau, mất mát của con người ở các vùng chiến sự mà cô đi qua. Cô đặc biệt tập trung vào số phận của những người phụ nữ.

Minh Khôi (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Những nữ nhà báo can đảm" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin