Những nội dung cơ bản của đạo luật được ví như “vương miện” của nền dân chủ - Luật Trưng cầu ý dân (Kì cuối)

16/05/2016 03:49

(Pháp lý) - LTS: Được ví như “vương miện” của nền dân chủ, nhiều quy định của Luật Trưng cầu ý dân thể hiện sự trọng dân, tin dân, dân quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước. Đặc biệt, Điều 44 của Luật quy định nội dung trưng cầu ý dân nếu được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành.

>> Những nội dung cơ bản của đạo luật được ví như “vương miện” của nền dân chủ – Luật Trưng cầu ý dân (Kì 1)

>> Những nội dung cơ bản của đạo luật được ví như “vương miện” của nền dân chủ – Luật Trưng cầu ý dân (Kì 2)

[caption id="attachment_140435" align="aligncenter" width="410"]Nội dung trưng cầu ý dân nếu được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành (trích Điều 44 - Luật Trưng cầu ý dân) Nội dung trưng cầu ý dân nếu được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành (trích Điều 44 - Luật Trưng cầu ý dân)[/caption]

Ban biên tập Tạp chí Pháp lý trân trọng giới thiệu tiếp tới bạn đọc (kì cuối) những nội dung cơ bản của đạo luật đặc biệt quan trọng này.

17. Phiếu trưng cầu ý dân (Điều 35)

Luật quy định trưng cầu ý dân được tổ chức trên phạm vi toàn quốc (không tổ chức trưng cầu ý dân riêng ở địa phương hay khu vực nhất định); Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội, do đó, Luật quy định phiếu trưng cầu ý dân được sử dụng thống nhất trong phạm vi cả nước, trong đó, nội dung phiếu trưng cầu ý dân phải đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu, khách quan, chính xác và rõ nghĩa. Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về nội dung, hình thức phiếu trưng cầu ý dân; việc in ấn, phát hành và quản lý phiếu trưng cầu ý dân.

18. Về thời gian và địa điểm bỏ phiếu; bỏ phiếu sớm, hoãn ngày bỏ phiếu; quyền, nghĩa vụ của cử tri và nguyên tắc bỏ phiếu trưng cầu ý dân (từ Điều 36 đến Điều 39)

Các nội dung này cơ bản tương đồng với các quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân và được quy định cụ thể từ Điều 36 đến Điều 39 của Luật. Theo đó, việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối cùng ngày, Tổ trưng cầu ý dân có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá chín giờ tối cùng ngày.

19. Về kiểm phiếu; phiếu trưng cầu ý dân không hợp lệ; khiếu nại, tố cáo về kiểm phiếu; biên bản kết quả kiểm phiếu của Tổ trưng cầu ý dân (từ Điều 40 đến Điều 43)

Các nội dung này cơ bản tương đồng với các quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân và được quy định cụ thể từ Điều 40 đến Điều 43 của Luật.

Biên bản kết quả kiểm phiếu trưng cầu ý dân được lập thành hai bản, có chữ ký của Tổ trưởng, Thư ký Tổ trưng cầu ý dân và hai cử tri được mời chứng kiến việc kiểm phiếu. Toàn bộ biên bản và phiếu trưng cầu ý dân được niêm phong và gửi đến Ủy ban Nhân dân cấp xã (là cơ quan có trách nhệm tổ chức bỏ phiếu trưng cầu ý dân ở địa phương) chậm nhất là 03 ngày sau ngày bỏ phiếu để tổng hợp và lưu trữ.

[caption id="attachment_140436" align="aligncenter" width="410"]Luật quy định trưng cầu ý dân bằng cách bỏ phiếu kín Luật quy định trưng cầu ý dân bằng cách bỏ phiếu kín[/caption]

 

20. Về kết quả trưng cầu ý dân (Điều 44)

Biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân là quyền của công dân, kết quả trưng cầu ý dân cần thể hiện đúng ý chí nguyện vọng của người dân, thực tế tổ chức bầu cử ở nước ta đã chứng minh việc thu hút, bảo đảm sự tham gia đông đảo của cử tri cả nước là hoàn toàn có cơ sở, do đó, để bảo đảm hiệu lực của vấn đề trưng cầu ý dân được đông đảo cử tri cả nước tham gia, Luật trưng cầu ý dân quy định:

1. Cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất ba phần tư tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu.

2. Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành; đối với trưng cầu ý dân về Hiến pháp quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật này phải được hai phần ba số phiếu hợp lệ tán thành.

21. Báo cáo kết quả trưng cầu ý dân của Ủy ban Nhân dân cấp xã và Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh (Điều 45 và Điều 46)

Luật quy định, Báo cáo kết quả trưng cầu ý dân của Ủy ban Nhân dân cấp xã được lập thành ba bản; một bản gửi đến Ủy ban Nhân dân cấp huyện, một bản gửi đến Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh chậm nhất là 05 ngày sau ngày bỏ phiếu kèm theo biên bản kết quả kiểm phiếu của các Tổ trưng cầu ý dân và một bản lưu trữ. Báo cáo kết quả trưng cầu ý dân của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh được lập thành hai bản; một bản gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội chậm nhất là 09 ngày sau ngày bỏ phiếu kèm theo biên bản kết quả kiểm phiếu của các Tổ trưng cầu ý dân và một bản lưu trữ.

Ủy ban Nhân dân cấp huyện không phải lập Báo cáo kết quả trưng cầu ý dân của địa phương mình nhằm rút ngắn thời gian và thủ tục không cần thiết.

Báo cáo kết quả trưng cầu ý dân của Ủy ban Nhân dân cấp xã và Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh chỉ xác định số phiếu tán thành và số phiếu không tán thành với mỗi phương án được đưa ra trong phiếu trưng cầu ý dân, còn kết quả trưng cầu ý dân do Ủy ban thường vụ Quốc hội tổng hợp kết quả và công bố theo quy định của Luật này.

Nội dung Báo cáo kết quả trưng cầu ý dân của Ủy ban Nhân dân cấp xã và Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh được quy định cụ thể Điều 45 và Điều 46 Luật này.

22. Bỏ phiếu trưng cầu ý dân lại (Điều 47)

Luật quy định, Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền huỷ bỏ kết quả bỏ phiếu trưng cầu ý dân ở khu vực bỏ phiếu có vi phạm pháp luật nghiêm trọng và quyết định ngày bỏ phiếu lại ở khu vực bỏ phiếu. Ở khu vực bỏ phiếu có số lượng cử tri đi bỏ phiếu nhiều hay ít không là căn cứ dẫn đến việc phải huỷ bỏ kết quả bỏ phiếu trưng cầu ý dân ở khu vực bỏ phiếu đó (điểm này khác với Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân).

23. Về xác định và công bố kết quả trưng cầu ý dân (Điều 48)

Phù hợp với Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, Luật Trưng cầu ý dân quy định, sau khi nhận và kiểm tra báo cáo kết quả trưng cầu ý dân của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và giải quyết những khiếu nại, tố cáo (nếu có), Ủy ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết xác định kết quả trưng cầu ý dân trong cả nước.

Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội xác định kết quả trưng cầu ý dân phải được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân; trường hợp bỏ phiếu lại thì thời hạn công bố kết quả trưng cầu ý dân chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày bỏ phiếu lại.

24. Báo cáo Quốc hội về kết quả trưng cầu ý dân (Điều 49)

Cùng với việc công bố kết quả trưng cầu ý dân, Luật quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm báo cáo Quốc hội về kết quả trưng cầu ý dân tại kỳ họp gần nhất. Căn cứ vào kết quả trưng cầu ý dân, Quốc hội quyết định các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện kết quả trưng cầu ý dân.

25. Xử lý vi phạm phạm pháp luật về trưng cầu ý dân (Điều 50)

Tương đồng với quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân, Luật trưng cầu ý dân quy định: Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người nào cản trở hoặc trả thù người khiếu nại, tố cáo về trưng cầu ý dân thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bạn đang đọc bài viết "Những nội dung cơ bản của đạo luật được ví như “vương miện” của nền dân chủ - Luật Trưng cầu ý dân (Kì cuối)" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin