Theo dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (TGPL) đang được thảo luận tại hội trường sáng 1-6, sẽ có 7 nhóm đối tượng được TGPL.
Đó là người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng; người dân tộc thiểu số thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.
Và nhóm người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính: người cao tuổi; người khuyết tật; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật phòng, chống mua bán người; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; người nhiễm chất độc da cam/dioxin; người nhiễm HIV/AIDS.
Cần mở rộng thêm đối tượng được TGPL
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) cho rằng diện đối tượng được TGPL bị thu hẹp. Bởi theo đại biểu này, quy định là “người khó khăn về tài chính” rất chung chung, và có vẻ sẽ hạn chế đối tượng.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng cho rằng trong 7 nhóm đối tượng được TGPL vẫn thấy thiếu hộ nghèo trong các vụ án hình sự không được TGPL, và như vậy “đã bỏ qua một đối tượng yếu thế”.
Đồng tình với đại biểu Thủy, Tám, đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) cho rằng “nếu luật quy định chỉ trẻ em không nơi nương tựa mới được trợ giúp pháp lý thì chưa đủ”.
“Dự thảo luật đã mở rộng đối tượng và mở cả đối tượng từ 16-18 tuổi, tuy nhiên tôi thấy trẻ em vẫn chưa được trợ giúp pháp lý đầy đủ, chưa được tư vấn pháp luật. Tôi băn khoăn khi trẻ em tham gia rất nhiều mối quan hệ xã hội và chúng ta sẽ làm thế nào để trẻ em thực hiện được quyền của mình. Rất mong ban soạn thảo mở rộng phạm vi, và mở rộng đối tượng” - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đề nghị.
Thủ tục TGPL rườm rà
Đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) cho rằng với quy định người được TGPL phải cung cấp giấy tờ chứng minh là người được TGPL thì gây khó khăn cho họ, vì “như vậy lại phát sinh thủ tục hành chính”.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) cũng bày tỏ băn khoăn khi người được TGPL hay có nhu cầu được TGPL phải làm đơn chứng minh mình thuộc đối tượng được TGPL.
“Quy định như vậy rất hành chính” - đại biểu Thủy đặt vấn đề, “những phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, phụ nữ bị buôn bán thì có thể mất giấy tờ thì trong lúc cần TGPL gấp thì họ lấy đâu giấy tờ, lấy ai làm chứng người đó bị bạo hành. Phải mềm dẻo, và có thủ tục chấp nhận tạm thời để TGPL”.
“Để được TGPL thì có những đối tượng phải có nhiều giấy tờ chứng minh, xác nhận, thủ tục phức tạp, nếu được hưởng TGPL mất nhiều thời gian, và có thể có người chết rồi vẫn chưa được TGPL. Đề nghị bỏ điều kiện này” - đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) thắc mắc.
Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng ủng hộ quan điểm nên đơn giản hóa thủ tục chứng nhận, xác nhận. Bởi theo đại biểu này, có ba hình thức TGPL và hình thức tư vấn pháp luật là đơn giản nhất mà cũng quy định như dự thảo, phải trình đủ hồ sơ, cung cấp giấy tờ chứng minh là diện được TGPL thì “chưa phù hợp, quá rườm rà, phát sinh thủ tục hành chính. Nên chỉnh sửa cho phù hợp, chỉ cần hồ sơ đơn giản nhất”.
Theo Tuoitre