Với 92,91% đại biểu tham gia tán thành, ngày 19/6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi)
Luật Giá (sửa đổi) sửa đổi, bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá
Luật Giá (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý được Quốc hội thông qua gồm 8 chương, 75 điều quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng trong lĩnh vực giá; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý Nhà nước về giá, thẩm định giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cơ sở dữ liệu về giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá; điều khoản thi hành…
Theo đó, Luật Giá (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 có nhiều điểm mới nhằm khắc phục một số hạn chế bất cập của luật hiện hành.
Về phạm vi điều chỉnh, Luật bổ sung quy định cơ sở dữ liệu về giá, theo đó: Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá, thẩm định giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; cơ sở dữ liệu về giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.
Bổ sung quy định về chứng thư thẩm định giá là văn bản do doanh nghiệp thẩm định giá, chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá phát hành sau khi kết thúc hoạt động thẩm định giá để thông báo cho khách hàng, các tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) được ghi trong hợp đồng thẩm định giá về giá trị tài sản thẩm định giá và những nội dung chính của báo cáo thẩm định giá.
Luật Giá (sửa đổi) lần này cũng sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá, như: Loan tin, đưa tin không đúng sự thật, không chính xác về tình hình kinh tế - xã hội gây nhiễu loạn thông tin thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ; lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá không đúng với lĩnh vực chuyên môn, thông báo của cơ quan Nhà nước về lĩnh vực được phép hành nghề của doanh nghiệp thẩm định giá; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá khi không duy trì các điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá quy định…
Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh trong việc đề xuất với Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực về việc trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.., bình ổn giá; đề xuất với Bộ Tài chính về việc trình Chính phủ ban hành, điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải kê khai giá quy định.
Luật cũng quy định cụ thể về việc kê khai giá, niêm yết giá, tham chiếu giá. Theo đó, bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực, UBND cấp tỉnh quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá.
Mục đích, yêu cầu kiểm tra yếu tố hình thành giá, Luật Giá (sửa đổi) quy định giá hàng hóa, dịch vụ khác có biến động bất thường khi xảy ra tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh hoặc các trường hợp phục vụ công tác quản lý, điều hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND cấp tỉnh để phục vụ công tác quản lý, điều hành giá.
Luật Giá (sửa đổi) cũng quy định cụ thể về doanh nghiệp thẩm định giá, điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá; chứng thư thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá; quyền, nghĩa vụ của khách hàng thẩm định giá và tổ chức, cá nhân có liên quan được ghi trong hợp đồng thẩm định giá; xác định giá dịch vụ thẩm định giá; phương thức giải quyết tranh chấp về hợp đồng thẩm định giá.
Đối với công tác thanh tra phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc quy định tại pháp luật về thanh tra. Công tác kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá phải bảo đảm nguyên tắc: Thực hiện theo kế hoạch, hoặc theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền hoặc khi phát hiện vi phạm, dấu hiệu vi phạm; không trùng lặp, chồng chéo về phạm vi, thời gian với hoạt động thanh tra, kiểm toán Nhà nước, kiểm tra cùng lĩnh vực đối với một đơn vị; khách quan, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; hạn chế cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động của đối tượng được kiểm tra…
Luật Hợp tác xã sửa đổi với nhiều điểm mới
Sáng 20/6, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) với nhiều điểm mới. Đáng chú ý, việc quy định về hoạt động tín dụng nội bộ là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX, liên hiệp HTX.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nội dung về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong HTX, liên hiệp HTX có ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu và hoàn thiện dự thảo luật theo ý kiến đa số đại biểu Quốc hội.
Theo đó, bỏ quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong HTX, liên hiệp HTX tại Điều 79 và một số điều khoản liên quan nhằm bảo đảm phản ảnh đúng bản chất của HTX, liên hiệp HTX là đối nhân, không phải đối vốn như doanh nghiệp, tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như công ty cổ phần, công ty TNHH, “doanh nghiệp hóa HTX”, thao túng, chi phối của một số cá nhân, tổ chức đối với hoạt động của HTX, liên hiệp HTX, đặc biệt là đối với HTX, liên hiệp HTX đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều nguồn lực.
Đại biểu Quốc hội ấn nút biểu quyết tại Kỳ họp thứ 5, sáng 20/6
Về thành lập doanh nghiệp của HTX, liên hiệp HTX và góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp, có ý kiến cho rằng, quy định về thành lập doanh nghiệp trong HTX còn chung chung, chưa rõ về tư cách pháp nhân và mối quan hệ giữa HTX, liên hiệp HTX với doanh nghiệp do HTX, liên hiệp HTX thành lập.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định trên nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động, liên kết, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX, liên hiệp HTX và giao Chính phủ quy định điều kiện HTX, liên hiệp HTX thành lập doanh nghiệp, điều kiện góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp theo chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Tại khoản 2 và khoản 3 Điều 81 quy định trường hợp HTX, liên hiệp HTX thành lập doanh nghiệp thì HTX, liên hiệp HTX thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan; Hợp đồng, giao dịch giữa HTX, liên hiệp HTX và doanh nghiệp được thành lập phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với chủ thể pháp lý độc lập.
Tại khoản 2 Điều 82 quy định, trường hợp HTX, liên hiệp HTX góp vốn, mua cổ phần tham gia doanh nghiệp thì HTX, liên hiệp HTX thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, cổ đông của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
Liên quan đến hoạt động huy động vốn từ thành viên và cho vay nội bộ, theo ông Vũ Hồng Thanh, việc quy định về hoạt động tín dụng nội bộ tại dự thảo luật là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX, liên hiệp HTX.
Tuy nhiên, hoạt động này tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của HTX, liên hiệp HTX và có thể gây nhầm lẫn với hoạt động tín dụng trong lĩnh vực ngân hàng. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và quy định cụ thể hoạt động tín dụng nội bộ gồm hoạt động huy động vốn từ thành viên (khoản 1 Điều 79) và hoạt động cho vay nội bộ (Điều 83).
Trên thực tế có những hợp đồng tín dụng nội bộ đã ký trước ngày Luật Hợp tác xã (sửa đổi) có hiệu lực thi hành và cần có quy định chuyển tiếp để xử lý, do đó tại khoản 3 Điều 115 quy định “HTX, liên hiệp HTX phải chấm dứt hoạt động tín dụng nội bộ theo quy định của Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13. Các hợp đồng tín dụng nội bộ đã được ký trước ngày 01 tháng 01 năm 2024 thì các bên tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng nhưng không được gia hạn hợp đồng”.
Nhiều quy định mới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Quang cảnh phiên họp QH chiều ngày 20/6
Về quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng khi chưa có một luật riêng về lĩnh vực này.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật BVQLNTD đã có quy định về bảo vệ người tiêu dùng khi ký kết các hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung. Hợp đồng theo mẫu của ngành ngân hàng, bảo hiểm thường là những hợp đồng in sẵn, nội dung rất phức tạp, mang tính nghiệp vụ chuyên ngành.
Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp này, dự thảo Luật đã có quy định bên cung cấp dịch vụ phải giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua về quyền lợi, điều khoản loại trừ trách nhiệm, cung cấp bằng chứng giao dịch và các quy định để kiểm soát các loại hợp đồng này.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật có các quy định liên quan như các quy định về bảo vệ, thu thập, sử dụng, bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng; về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù; về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Theo đó, phần lớn các vụ việc của người tiêu dùng đều có giá trị nhỏ, xảy ra thường xuyên, liên tục; phù hợp với kinh nghiệm và xu hướng quốc tế. Ngay tại các nước có công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phát triển cũng áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ việc có giá trị nhỏ; việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với vụ việc có giá trị xác định nhằm bảo đảm tiết kiệm chi phí, nguồn lực xã hội để giải quyết các vụ việc có giá trị không lớn, góp phần tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nâng cao ý thức pháp luật một cách hiệu quả cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Đối với các quy định về công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, Luật này quy định rõ hơn nội dung công khai: chỉ công khai "thông báo về thụ lý vụ án của Tòa án" nhằm bảo đảm tính khách quan, chính xác của thông tin được thông báo; quy định rõ hơn hình thức thông báo: được thực hiện tại trụ sở và trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời, cụ thể hóa trách nhiệm của tổ chức xã hội tại Khoản 3, Điều 72 dự thảo Luật về việc công bố, công khai kết quả giải quyết vụ án trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc vụ án để bảo đảm cân bằng quyền lợi, nghĩa vụ giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Một trong những quy định được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm là trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng thì khoản tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội khởi kiện, vì do lợi ích công cộng sẽ được giao cho tổ chức xã hội khởi kiện để sử dụng cho các hoạt động chung vì quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đó, Luật đã quy định tòa án có thẩm quyền quyết định tiền bồi thường thiệt hại và đối tượng thụ hưởng trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện vì lợi ích công cộng tại bản án, quyết định của tòa án. Trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng, tòa án không thể phán quyết việc sử dụng tiền bồi thường.
Do đó, trong trường hợp này, tiền bồi thường thiệt hại được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chung vì quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Chính phủ, không giao trực tiếp cho tổ chức xã hội khởi kiện vì còn nhiều quy định khác liên quan đến vấn đề này. Việc giao Chính phủ quy định chi tiết là có căn cứ, phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ theo quy định của pháp luật.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi gồm 7 chương, 80 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.