Những điểm đặc biệt trong tố tụng đại án AIC và việc vận dụng các qui định pháp luật hình sự liên quan

02/02/2023 14:00

(Pháp Lý) - Ngày 4/1/2023, TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết đối với Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC), và 35 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC. Nhìn lại toàn bộ quá trình tố tụng vụ án cho thấy nhiều điểm đặc biệt, hiếm có tiền lệ, đặc biệt cho thấy sự khẩn trương, quyết liệt của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc điều tra, truy tố, kịp thời đưa ra xét xử vụ án ngay cả khi có nhiều bị can, bị cáo đang bỏ trốn.

anh-1-1672906715.jpg

Phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Cty AIC. (Ảnh:TTXVN)

Đưa ra truy tố, xét xử dù nhiều bị cáo bỏ trốn

Đây là vụ án được đánh giá có nhiu điểm đặc biệt trong lịch sử ngành tư pháp, bởi thông thường, khi bị can/ bị cáo bỏ trốn, cơ quan tố tụng sẽ ra quyết định truy nã và tạm đình chỉ điều tra. Tuy nhiên, trong đại án AIC, 8 bị cáo đã bỏ trốn ra nước ngoài, cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã quốc tế đặc biệt, nhưng không có kết quả và đều bị truy tố, truy tố, xét xử và tuyên án vắng mặt, đó là: Nguyễn Thị Thanh Nhàn; Trần Mạnh Hà; Nguyễn Ðăng Thuyết, nguyên Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội; Ðỗ Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa; Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty Việt Tiên; Nguyễn Thị Tích, Tổng giám đốc Công ty Mopha; Nguyễn Thị Sen, nguyên Giám đốc Công ty Thiết bị Y tế và Môi trường; Ðỗ Văn Sơn, nguyên Kế toán trưởng Công ty AIC.

Căn cứ vào các lời khai của một số bị can liên quan; lời khai của giám đốc, nhân viên các công ty “quân xanh”; kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) về chữ ký và các tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở xác định các bị can/ bị cáo trên đã đưa hối lộ, chỉ đạo, thực hiện, liên hệ, phối hợp với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, thẩm định giá để thực hiện các hành vi thông thầu, gian lận trong đấu thầu, hạn chế hoặc loại trừ cạnh tranh trong đấu thầu…, giúp Công ty AIC trúng thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước lên tới trên 152 tỷ đồng.

Cụ thể, Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Đồng Nai xác định, 14/16 gói thầu thiết bị y tế mà Công ty AIC trúng thầu đã gây thiệt hại trên 148,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Trần Mạnh Hà còn ký các phụ lục hợp đồng với chủ đầu tư để điều chỉnh mức phạt, thời gian thực hiện hợp đồng, gây thiệt hại trên 3,5 tỷ đồng.

Pháp luật về tố tụng hình sự Việt Nam có quy định rõ ràng về việc xét xử vắng mặt với bị cáo. Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 290 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp sau:

– Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả;

– Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;

– Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận;

– Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.

Ở phần tranh luận trước đó, một số luật sư cho rằng cần tạm đình chỉ điều tra đối với những người này, nhưng đại diện Viện KSND TP.Hà Nội đã bác bỏ.

Theo kiểm sát viên, bộ luật Tố tụng hình sự quy định nếu chưa xác định được bị can/bị cáo hoặc không biết rõ bị can/bị cáo đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra, truy tố hoặc chuẩn bị xét xử thì có thể tạm đình chỉ vụ án.

Trường hợp vụ án có nhiều bị can, bị cáo, việc tạm đình chỉ phải đảm bảo điều kiện không ảnh hưởng đến tất cả các bị can, bị cáo khác. Ngược lại, nếu lý do tạm đình chỉ ảnh hưởng đến nhiều hoặc tất cả bị can, bị cáo trong vụ án, cơ quan tố tụng có thể không tạm đình chỉ.

Đối chiếu với vụ đại án AIC, bà Nhàn được xác định có vai trò chủ mưu trong hành vi vi phạm quy định đấu thầu, đồng thời là người trực tiếp thực hiện hành vi đưa hối lộ cho các quan chức tỉnh Đồng Nai. Không chỉ bà Nhàn, 7 bị cáo bỏ trốn đều có hành vi phạm tội liên quan đến các bị cáo khác trong vụ án.

Chính vì vậy, nếu tạm đình chỉ truy tố đối với 8 bị cáo nêu trên sẽ ảnh hưởng đến vụ án. Cơ quan tố tụng không ra quyết định tạm đình chỉ mà tiếp tục đề nghị truy tố, truy tố và xét xử là hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Việc này còn nhằm đảm bảo công bằng cho các bị cáo khác trong cùng vụ án.

anh-2-1672906690.jpg

Tám bị cáo trong vụ án AIC bị xét xử vắng mặt. (Ảnh: Bộ Công an)

Bảo đảm quyền của các bị cáo khi bị xét xử vắng mặt

Theo quy định tại Điều 61 BLTTHS, bị cáo có các quyền: được nhận các quyết định tố tụng; tham gia phiên tòa; được giải thích về quyền và nghĩa vụ; đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch; đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa;…

HĐXX khẳng định, khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án và khởi tố bị can, 8 bị cáo đã bỏ trốn. Sau đó, cơ quan chức năng đã thông báo và yêu cầu họ ra trình diện để được hưởng chính sách khoan hồng. Khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án đã tống đạt và giao quyết định cho địa phương, niêm yết công khai tại nơi cư trú và thông báo trên các phương tiện truyền thông, kêu gọi 8 bị cáo ra đầu thú để được khoan hồng.

Nhưng đến phiên tòa kết thúc, các bị cáo khác vẫn vắng mặt. Chỉ có bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết gửi bản tường trình xin xét xử vắng mặt và chấp nhận phán quyết của Tòa án. Do đó HĐXX khẳng định, các bị cáo vắng mặt là tự từ bỏ quyền của mình theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền bào chữa của 8 bị cáo vắng mặt, tòa án đã chỉ định luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại phiên tòa. Đồng thời, HĐXX cũng tạo điều kiện cho các luật sư bào chữa nghiên cứu hồ sơ và tham gia quyền bào chữa tại phiên tòa.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa trong các trường hợp: bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi… mà người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa.

Liên quan đến quyền kháng cáo bản án của các bị cáo, theo Khoản 1 Điều 333 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

Người có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm theo Điều 331 gồm bị cáo, bị hại, người đại diện của bị cáo, bị hại; người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa…

Theo một số chuyên gia, trong vụ án AIC các bị cáo đang trốn truy nã hoặc vắng mặt có thể sẽ bị ảnh hưởng làm hạn chế tới quyền kháng cáo. Tuy nhiên, HĐXX cho biết sẽ cân nhắc cho luật sư chỉ định, hoặc gia đình các bị cáo bỏ trốn có quyền kháng cáo bản án để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho họ...

Thi hành án đối với bị cáo bỏ trốn ?

Theo các chuyên gia, đối với việc thi hành án với các bị cáo sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì TAND TP Hà Nội sẽ ra quyết định thi hành án. Đối với các bị cáo đang bỏ trốn, Cơ quan công an sẽ căn cứ vào quyết định thi hành án để ra quyết định truy nã, tổ chức truy bắt các bị cáo. Khi nào bắt được thì các bị cáo phải chấp hành quyết định thi hành bản án đã tuyên.

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay việc thi hành án chỉ thực hiện được với bản án đã có hiệu lực pháp luật và cơ quan thi hành án hình sự sẽ triệu tập bị cáo để thi hành án, nếu không triệu tập được thì sẽ tiến hành truy nã.

"Việc xét xử vắng mặt nhiều bị cáo đang bỏ trốn trong vụ án AIC là chưa từng có tiền lệ, đây là vụ án đặc biệt. Trong trường hợp thi hành án đối với các bị cáo bỏ trốn đang bị truy nã thì các cơ quan chức năng sẽ công khai bản án và sẽ tiếp tục truy nã. Khi nào bắt được hoặc bị cáo ra đầu thú thì sẽ thi hành bản án đã tuyên", luật sư Cường phân tích.

Theo luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty luật Bảo Ngọc, Hà Nội), việc thi hành án với 8 bị cáo sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, sẽ căn cứ theo Điều 23 Luật thi hành án Hình sự và Điều 364, Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Thứ nhất: 7 người bị kết án (bị án) được xác định đang bỏ trốn ở nước ngoài, bao gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu chủ tịch AIC) bị phạt 30 năm tù; Trần Mạnh Hà (phó tổng giám đốc AIC) 25 năm tù; Đỗ Văn Sơn (cựu kế toán trưởng AIC) 6 năm; Nguyễn Thị Sen (cựu giám đốc Công ty CP Thiết bị y tế và môi trường) 30 tháng và Nguyễn Thị Tích (Tổng giám đốc Công ty MOPHA) 4 năm; Đỗ Mỹ Hạnh (Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa) bị phạt 5 năm tù và Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Nha khoa Việt Tiên) 4 năm tù.

Với 7 người này, Chánh án TAND Hà Nội sẽ ra quyết định thi hành án yêu cầu cơ quan thi hành án hình sự Công an Hà Nội ra quyết định truy nã.

Sau đó, cơ quan thi hành án ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt. Khi nào bắt được, hoặc khi nào họ đầu thú thì nhà chức trách sẽ thi hành bản án đã tuyên. Thời điểm tính từ ngày bắt được hoặc ra đầu thú.

Riêng với bà Hạnh và ông Vinh (làm đơn xin xét xử vắng mặt song không được tòa chấp thuận), khi có quyết định thi hành án, họ không về nước chấp hành thì có thể bị dẫn độ theo Luật Tương trợ Tư pháp (nếu giữa Việt Nam và nước bị cáo đang lẩn trốn đã ký Hiệp định Tương trợ tư pháp).

Trong trường hợp đó, theo Điều 32 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để thi hành án. Hiện, 25 Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự giữa Việt Nam với các quốc gia đang có hiệu lực. Nếu hai nước chưa ký, việc dẫn độ chưa thể tiến hành.

Thứ hai: Người có đơn xin xét xử vắng mặt và được Tòa chấp thuận là Nguyễn Đăng Thuyết, cựu Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội, bị phạt 30 tháng tù.

Trong 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, ông Thuyết phải có mặt tại trụ sở cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện được chỉ định trong quyết định thi hành án.

Quá thời hạn này mà ông Thuyết không có mặt, cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp sẽ thực hiện áp giải thi hành án. Nếu không về nước chấp hành án, ông cũng sẽ bị xử lý như ông Vinh và bà Hạnh.

HĐXX đã tuyên bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đang bị truy nã) 14 năm tù về tội Đưa hối lộ, 16 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt chủ tịch Công ty AIC phải lĩnh là 30 năm tù.

Cùng với đó, Tòa cấp sơ thẩm tuyên cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành 11 năm tù, cựu chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái 9 năm tù cùng về tội Nhận hối lộ; cựu giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ bị phạt mức án 9 năm tù về tội Nhận hối lộ, 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hình phạt buộc bị cáo Vũ chấp hành 19 năm tù. Bồ Ngọc Thu, cựu giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, lĩnh 3 năm 6 tháng tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Phó tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà (đang bị truy nã) lĩnh tổng mức án 25 năm tù. Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, phó tổng giám đốc Công ty AIC, lĩnh 12 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

29 bị cáo còn lại lĩnh các mức án từ 30 tháng tù treo đến 6 năm tù…

Văn Chiến (tổng hợp)
Bạn đang đọc bài viết "Những điểm đặc biệt trong tố tụng đại án AIC và việc vận dụng các qui định pháp luật hình sự liên quan" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin