Những Đại biểu Quốc hội làm nóng Báo chí

14/06/2017 11:17

(Pháp lý) - Quốc hội những năm qua không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, từ chất vấn đến các phiên truyền hình trực tiếp để cung cấp thông tin đến báo chí và cử tri cả nước. Bên cạnh các hoạt động chung, các khóa Quốc hội luôn có những đại biểu Quốc hội là Luật gia, Luật sư giàu tâm huyết, có năng lực và bản lĩnh, như những điểm nhấn, làm nóng báo chí, được cử tri cả nước tin yêu.

Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Pháp lý xin trân trọng giới thiệu về 3 trong số những Đại biểu Quốc hội như thế.

Nữ đại biểu là chỗ dựa cho người kêu oan

Đó là Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Lê Thị Nga, Thạc sĩ Luật, đại biểu QH liên tiếp từ khóa X đến khóa XIV. Là một chuyên gia luật, từng công tác trong ngành Tòa án, làm Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, bà Lê Thị Nga tiếp nhận và giải quyết rất nhiều đơn thư khiếu nại, kêu oan của công dân với sự tận tụy và khách quan, không ngại va chạm.

Còn nhớ, trong phiên thảo luận ngày 28/10/2015 của Quốc hội, khi đó tử tù Huỳnh Văn Nén mới được trả tự do sau hơn 17 năm bị giam chưa được minh oan, bà Lê Thị Nga cho rằng: "Với những dấu hiệu oan sai khá rõ mà Đoàn giám sát đã chỉ ra, chúng tôi đề nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát Bình Thuận khẩn trương kết thúc điều tra. Nếu cơ quan tố tụng không đủ chứng cứ chứng minh Huỳnh Văn Nén phạm tội thì phải sớm đình chỉ và bồi thường, không phụ thuộc vào việc có tìm ra thủ phạm hay không theo đúng nguyên tắc suy đoán vô tội và yêu cầu của Nghị quyết 96/2015/QH13 ngày 26-6-2015 của QH". Ở thời điểm đó phát biểu của bà Lê Thị Nga tạo được niềm tin rất lớn của người dân đối với QH.

 Đại biểu Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
Đại biểu Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội)

 

Hay vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, trao đổi với báo chí, ngày 6/11/2013 bà Lê Thị Nga nói: Sau bản án phúc thẩm số 1241/HSPT ngày 27-7-2004 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đến nay, và cả trong quá trình thụ hình, gần 10 năm, theo phản ánh, ông Chấn và gia đình liên tục kêu oan nhưng vẫn không được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, mặc dù có nhiều tình tiết đáp ứng đủ theo Điều 273 BLTTHS. Nếu như hội đồng tái thẩm khẳng định oan thì đây là một vụ cực kỳ nghiêm trọng trong hoạt động tư pháp và phải nói rằng không gì có thể bù đắp được những thiệt hại, đau khổ mà ông Nguyễn Thanh Chấn và gia đình, người thân đã gánh chịu. Mười năm là quãng thời gian dài khủng khiếp đối với một án oan như vậy, cần phục hồi nhanh chóng những gì có thể một cách tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Thanh Chấn và gia đình.

Tiếp đó là làm rõ và xử lý nghiêm khắc những người có trách nhiệm trong các giai đoạn tố tụng. Trong trường hợp án oan thì phải xác định được lỗi ở cấp sơ thẩm là gì, cấp phúc thẩm là gì, vì sao những người có trách nhiệm xem xét theo trình tự giám đốc thẩm không xem xét, những cơ quan có thẩm quyền khi nhận đơn của ông Nguyễn Thanh Chấn và gia đình đã giải quyết như thế nào. Tất cả đều phải phân định rõ ràng, không thể nói với một trường hợp bị oan như thế chỉ xin lỗi công khai, bồi thường một số tiền nhất định là xong, còn những người có trách nhiệm không bị chế tài gì cả.

“Cũng từ những vụ án thế này cần phải lưu ý trong tố tụng hình sự khi bị can, bị cáo đã kêu oan, đặc biệt kêu oan liên tục, trong thời gian dài, đồng thời có cung cấp cả chứng cứ minh oan thì phải xem xét kỹ trong tất cả các giai đoạn tố tụng” – bà Lê Thị Nga nói.

Còn rất nhiều vụ án mà bà Lê Thị Nga đã giám sát, quan tâm, xin nêu một vụ án điển hình nữa là vụ Hồ Duy Hải ở Long An, bị tuyên tử hình trong vụ án giết người ở Bưu điện Cầu Voi. Hải đã có quyết định thi hành án vào ngày 5/12/2014, nhưng ngày 4/12/2014 đã bất ngờ được hoãn thi hành án để các cơ quan tố tụng xem xét lại bản án. Sau khi được Chủ tịch nước yêu cầu hoãn thi hành án tử hình đối với bị án Hồ Duy Hải, đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ QH đã vào cuộc và kiến nghị xem xét lại vụ án... Khi đó bà Lê Thị Nga là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, trực tiếp tham gia giám sát vụ án này, đã có buổi gặp trực tiếp tử tù Hồ Duy Hải tại trại giam và gặp bà Nguyễn Thị Loan (mẹ bị án Hồ Duy Hải) để trao đổi về việc bà Loan kêu oan cho con.

Ngày 20/3/2015, UBTVQH thảo luận dự thảo báo cáo của đoàn giám sát của QH về tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, bà Nga cho biết Điều 273 của BLTTHS quy định đối với một vụ án, chỉ cần 1 trong 4 căn cứ: có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra; việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa không đầy đủ, không làm rõ được những mâu thuẫn trong vụ án; kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng BLHS là đủ điều kiện kháng nghị giám đốc thẩm. “Vụ Hồ Duy Hải có đầy đủ cả 4 căn cứ trên. Với tư cách phó đoàn giám sát và đại biểu QH, tôi đã gửi kiến nghị đến Chủ tịch nước về vụ này. Quan điểm là xem lại hai bản án kết tội Hồ Duy Hải có đủ căn cứ không?” - bà Nga cương quyết.

ĐBQH Phạm Xuân Thường (Thái Bình) bày tỏ: “ Với niềm tin nội tâm của tôi Hải là thủ phạm. Tuy nhiên, từ hàng loạt sai sót trong quá trình điều tra, chúng ta như cầm gậy đập vào chân mình. Vì gian dối, đưa các chứng cứ giả mới dẫn đến vụ án phức tạp”. Trước phát biểu của ông Thường, bà Nga nhấn mạnh: “Các ĐBQH có thể đặt ra niềm tin nội tâm nhưng kết tội thì phải dựa trên chứng cứ”.
Bà Lê Thị Nga cũng có văn bản thông báo đến gia đình bị án Hải cho biết: “Sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, với tư cách là Đại biểu QH, tôi đã có văn bản kiến nghị gửi đến Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị xem xét lại vụ án”.

Chính vì thông cảm, thấu hiểu nỗi khổ của người bị oan nên khi thảo luận về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (sửa đổi) ngày 20/9/ 2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã liệt kê một số trường hợp bị oan phải bồi thường được dư luận chú ý trong thời gian qua như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình, ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, ông Phan Văn Lá ở Long An… và nhận xét: “Những trường hợp trên cho thấy để được nhận bồi thường thì mất rất nhiều thời gian, phải qua nhiều thủ tục rất phức tạp, khó thực hiện. Ví dụ trong trường hợp các ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén thì các cơ quan có trách nhiệm bồi thường buộc họ phải có đủ hóa đơn, chứng từ. Người ta đi tù cả chục năm trời, trong hoàn cảnh như vậy, thì lấy đâu ra đủ các hóa đơn, chứng từ?”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết trên thực tế thì dư luận, người dân cho rằng phạm vi bồi thường còn hẹp, cơ quan có trách nhiệm lấy nhiều lý do như hành vi chưa cấu thành tội phạm, không chứng minh được tội phạm khi hết thời hạn điều tra… để không bồi thường. “Người bị oan cũng thấy hành vi xin lỗi còn chiếu lệ. Làm oan người ta trong cả thời gian dài nhưng xin lỗi trong một vài phút” - bà Nga nói. Bà Nga đề nghị ban soạn thảo giải đáp: “Luật có giải quyết được những vấn đề trên hay không? Luật này đặt ra quy định về trình tự bồi thường thế nào? Nếu cứ theo thủ tục dân sự thì mất rất nhiều thời gian, ví dụ như vụ ông Nguyễn Ngọc Phi tòa giải quyết hàng chục năm vẫn không xong”.

Ngoài việc thể hiện trách nhiệm cao đối với đơn thư kêu oan của công dân, đại biểu Lê Thị Nga còn là một đại biểu tích cực phát biểu ý kiến xây dựng pháp luật, đóng góp vào các báo cáo quan trọng được trình trước QH, với tinh thần thẳng thắn vì lợi ích chung.

ĐBQH, Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Người không né những vấn đề gai góc

Dự thảo BLHS sửa đổi năm 2015, trong đó khoản 3 Điều 19 qui định rằng người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự khi không tố giác thân chủ phạm phải các tội xâm phạm an ninh quốc gia, hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng. Theo Dự thảo qui định thì có hơn 100 tội danh buộc luật sư phải tố giác thân chủ. Đây là vấn đề đang được cử tri, đặc biệt là giới luật gia, luật sư quan tâm theo dõi.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tranh luận cho rằng, quan hệ giữa luật sư và thân chủ mà một trong những vấn đề quan trọng của hệ thống tư pháp. Theo ông, có thể không cần thu hẹp danh sách tội phải tố giác nhưng bổ sung 3 điều kiện. Thứ nhất, theo Điều 19 BLHS 2015 quy định thì những thông tin cho thấy có một hành vi phạm tội đang được chuẩn bị thực hiện hoặc là sắp được thực hiện thì mọi công dân, bao gồm cả Luật sư sẽ không được miễn trách nhiệm hình sự nếu không tố giác. Thứ hai, đối với những hành vi đã xảy ra rồi nhưng nếu như không tố giác thì tiếp tục gây nguy hiểm cho xã hội. Ví dụ: Như tội phạm có tổ chức, người cầm đầu bị giam giữ nhưng bên ngoài bộ máy vẫn diễn ra các hành vi vi phạm pháp luật. Với trường hợp này rõ ràng Luật sư phải có nghĩa vụ tố giác, để ngăn chặn hành vi đó của thân chủ. Thứ ba là trong trường hợp này thì Luật sư phải có chứng cứ. Nếu Luật sư chưa có chứng cứ vững chắc đã đi tố giác thân chủ, lại còn dẫn đến oan sai thì chính Luật sư đó cũng không sống nổi với lương tâm của mình.

 Đại biểu Trương Trọng Nghĩa
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa)

Phát biểu của ông chắc chắn sẽ được cân nhắc kỹ khi thông qua điều luật này vì ý kiến có lý, có tình, có căn cứ và có sức thuyết phục. Ông Trương Trọng Nghĩa là một luật sư nổi tiếng, tốt nghiệp Thạc sĩ Luật tại Hoa Kỳ, là Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, ĐBQH khóa XIII và XIV. Với cương vị ĐBQH, tại các kỳ họp Quốc hội, ông phát biểu nhiều ý kiến sâu sắc và có phần gai góc, không né tránh những vấn đề đôi khi được cho là nhạy cảm, thậm chí có thể bị suy diễn sai lạc. Phát biểu về Luật Biểu tình tại Quốc hội ngày 25/11/2016, ông nói: “Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản lãnh đạo Nhà nước. Do đó, ghi nhận quyền biểu tình trong Hiến pháp không chỉ là sự thừa nhận một quyền cơ bản tự nhiên của công dân, mà còn là cam kết của Đảng đối với dân. Chúng ta đã từng có những cuộc biểu tình do các đoàn thể hay Nhà nước tổ chức. Nhưng mấy chục năm nay, kể từ Hiến pháp 1959, chúng ta chưa có một đạo luật về quyền biểu tình cho mọi công dân. Đấy là món nợ của Nhà nước với nhân dân, trả càng sớm càng tốt”.

Trước đó, thảo luận về sửa đổi Hiến pháp Việt Nam 2013, đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội vào sáng ngày 5/11/2013: "Tôi nhận thức rằng sửa đổi Hiến pháp là việc trọng đại mà tác động của nó có thể thúc đẩy hoặc cản trở bước tiến của lịch sử. Hậu thế sẽ đánh giá Quốc hội khóa XIII sẽ làm gì để thúc đẩy chứ không cản trở sự phát triển của dân tộc" và "“Việc đổi mới chính trị đã không đồng bộ và không theo kịp với đổi mới kinh tế như nghị quyết Đại hội Đảng XI đã nêu. Nhân dân góp ý và chờ đợi sự thay đổi trong đó có ba nội dung lớn cần được đổi mới, đó là đổi mới phương thức lãnh đạo trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, đổi mới thành phần kinh tế nhà nước và đổi mới về pháp luật đất đai”.

Hay khi góp ý về Luật Báo chí sửa đổi, sáng 26/11/2016, khi một số đại biểu lo lắng cơ quan báo chí trong nước có thể bị các tập đoàn truyền thông nước ngoài, mạng xã hội lấn lướt nếu không được cung cấp thông tin chính thống và khả năng tài chính đủ mạnh, ông cho rằng: "Chức năng của báo chí là thông tin, giám sát và phê phán chứ không chỉ khen và ca ngợi", "Báo trong nước không đăng thì người ta đọc báo nước ngoài, lề phải không đăng người ta đọc lề trái”.

Nói đến đại biểu Trương Trọng Nghĩa, báo chí và cử tri cả nước không thể quên bài phát biểu 7 phút của ông tại Hội trường khi thảo luận về báo cáo của Chính phủ, ngày 1/4/2016. Ông đồng tình với quan điểm phát triển nêu trong báo cáo là phải đột phá trong tư duy phát triển nhất quán và đồng bộ, lấy lợi ích quốc gia, lấy lợi ích dân tộc, lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất. Và ông nêu những vấn đề phải giải quyết. Thứ nhất, phải làm cho đất nước là nơi đáng sống, người dân và người nước ngoài muốn đến, muốn ở lại chứ không phải muốn ra đi. Thứ hai, phải bảo đảm cho người dân nếu chưa giàu thì cũng phải có tự do dân chủ, an toàn, an ninh, công bằng, công lý, được xã hội quan tâm, sống với nhau có tình nghĩa, có văn hóa, đạo đức tốt đẹp, làm cho người dân tự hào về người Việt Nam, nước Việt Nam, cho dù chúng ta còn nghèo và chưa phát triển. Thứ ba, trong phát triển kinh tế và tiêu dùng hàng ngày phải động viên 90 triệu đồng bào thắt lưng buộc bụng, cần cù siêng năng. Doanh nghiệp nội địa không vì lợi ích thiển cận ích kỷ, dìm nhau, phá nhau trên thị trường… Cán bộ, công chức giảm bớt lãng phí và tuyên thệ không tham nhũng khi nhậm chức và trước mắt cố gắng giảm bớt tham nhũng trong quan hệ với dân và doanh nghiệp. Thứ tư, phải tăng cường thực chất khối đại đoàn kết của 54 dân tộc, đoàn kết vùng miền, đoàn kết đồng bào trong, ngoài nước, hàn gắn các vết thương của quá khứ và không khoét thêm những vết thương mới.

Vấn đề thứ năm, ông nhấn mạnh: “Lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất, nghĩa là phải xác định cho đúng ta, bạn, thù. Ta là đồng bào 54 dân tộc Việt Nam đang sống ở Việt Nam và hải ngoại, ta là nhân dân ta. Bạn là những ai ủng hộ một nước Việt Nam độc lập, chủ quyền, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Còn thù là thế lực thù địch, đó là những thế lực cản trở đổi mới, cản trở phát triển, xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân, làm cho nước ta suy yếu, lệ thuộc nước ngoài, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại an toàn, an ninh của đất nước. Ngoài những thế lực thù địch ấy thì còn lại là ta và là bạn của ta cho dù có sự khác biệt về phương pháp, về quan điểm và về nhận thức. Xác định không đúng ta, bạn, thù, có thể xảy ra tình hình thay vì thêm bạn, bớt thù thì lại thêm thù, bớt bạn, coi bạn là thù và coi thù là bạn, thay vì đánh vào địch thì lại đánh vào ta, ta vì tăng cường đại đoàn kết thì lại làm suy yếu đại đoàn kết dân tộc.”

Những phát biểu như thế định hình một đại biểu Trương Trọng Nghĩa sâu sắc, có trí tuệ và nhiệt tâm trong lòng cử tri với sự quí trọng.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Một đại biểu dấn thân

Là một TS. Luật, công tác tại Văn phòng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng là một trong những gương mặt được cử tri cả nước quan tâm vì nhiều ý kiến thẳng thắn.

Dư luận những ngày tháng 5 vừa qua đang quan tâm trước phản ánh của người dân về khu đất đắt như kim cương ở TP. Lào Cai lại thuộc về sáu vị quan chức của tỉnh, ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nêu quan điểm: "Lãnh đạo tỉnh Lào Cai nên có giải thích rõ ràng cho báo chí để thông tin. Mình không vi phạm thì mình ngại cái gì? Vì muốn hay không muốn thì tất cả việc đấu giá này đều đã có quy định. Cần giải thích rất rõ để công luận biết là chuyện này nằm trong quy định nào?"

Tại cuộc thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội ngày 25/5/2017, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo còn yếu kém, dẫn đến nhiều vụ khiếu kiện tràn lan. Theo ông, qua báo cáo của Ban Dân nguyện trước UBTVQH có thể thấy đây là vấn đề chưa được cải thiện, gần đây nhất là vụ việc ở Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội). "Hôm qua tôi có trao đổi với Thủ tướng và một số ĐBQH, cần phải bóc băng vụ Đồng Tâm để cho đại biểu nhìn nhận một cách đầy đủ, đa diện về vụ việc. Không chỉ cung cấp báo cáo thông thường, cần phải bóc băng cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội với người dân Đồng Tâm để cho các ĐBQH biết và giám sát việc này. Cá nhân tôi luôn theo sát vụ việc này", ông Nhưỡng, người có mặt tại cuộc đối thoại nói. Trong một cuộc trao đổi với báo chí, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng ủng hộ việc không truy cứu trách nhiệm hình sự và không lo rằng sẽ tạo tiền lệ, bởi “Đồng Tâm là Đồng Tâm, còn cái khác vẫn là cái khác. Người dân có lỗi, nhưng xem xét tất cả yếu tố thì lỗi đó xuất phát từ bức xúc chưa được giải quyết thấu đáo dẫn đến việc có động thái tiêu cực. Đây không phải chính quyền “đồng loã” với dân để xí xoá câu chuyện phạm tội”.

 Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng)

Nghe ý kiến này, người ta lại nhớ đến nhiều phát biểu thẳng thắn, với tinh thần trách nhiệm cao của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trên cương vị đại diện cho cử tri tại Quốc hội. Như tại phiên chất vấn trước QH về dự án thép Cà Ná ngày 15/11/2016, ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết, Chủ tịch Tôn Hoa Sen từng hứa với Thủ tướng nếu có sai phạm trong dự án thép Cà Ná tại Ninh Thuận thì sẽ giao toàn bộ tài sản cho Thủ tướng. Ông đánh giá cao lời hứa này. “Tôi xin hỏi Bộ trưởng một câu, tôi không muốn có hệ lụy xảy ra với nhân dân, đất nước nhưng nếu sau này có hệ lụy, Bộ trưởng có dám cam kết lạc quan trước QH để xin hứa rằng sẽ từ chức trước QH hay không?”, câu hỏi rất thẳng của ông Lưu Bình Nhưỡng đáp ứng được mối lo âu của cử tri về dự án đó.

Hay phát biểu tại phiên thảo luận ngày 28/10/2016 về công tác của Toà án, VKS và phòng chống tham nhũng, ông Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ, ông rất băn khoăn khi nghe báo cáo tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến và tính chất rất nghiêm trọng. “Chúng ta có đầy đủ thể chế, đầy đủ công tác cán bộ, tổ chức bộ máy rất mạnh mẽ, chặt chẽ, có các cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng, điều kiện cơ sở vật chất tăng cường, Đảng, Nhà nước cực kỳ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo mà dường như tình trạng tham nhũng vẫn hồn nhiên nhảy múa trên lưỡi gươm pháp luật”, ông Nhưỡng nói một cách hình ảnh.

Bên cạnh những phát biểu sâu sát với tâm tư, nguyện vọng của cử tri, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng là vị chính khách mà báo chí hay phỏng vấn về những sự kiện, những vấn đề nóng được dư luận quan tâm như vụ Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp phép cho Quốc ca; vụ nữ cán bộ thăng quan thần tốc ở Thanh Hóa; việc giám sát tài sản của cán bộ cấp cao; khối tài sản lớn của lãnh đạo TP. Đà Nẵng; vụ một Sở mà có tới 44/46 lãnh đạo ở Hải Dương… Với ý thức trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, ông không né tránh những câu hỏi có thể gây va chạm, luôn luôn có ý kiến để chia sẻ quan điểm, góc nhìn của mình đối với vụ việc đó. Trong bối cảnh nhiều người thực hiện phương châm “Im lặng là vàng”, né tránh những vấn đề phức tạp thì tinh thần dấn thân đầy trách nhiệm của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng được cư tri yêu mến là điều dễ hiểu.

     Thái Đăng

Bạn đang đọc bài viết "Những Đại biểu Quốc hội làm nóng Báo chí" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin