(Pháp lý) - Ông Đinh Đình Phú là Đảng viên kiên tâm bởi ông từng phải kiên trì khiếu nại 4 án kỷ luật mà vẫn giữ niềm tin “trước sau trọn tấm lòng trung thành với Đảng”. Ông cũng là người có một nội lực phi thường khi dám đứng lên tố cáo cả một tập thể tham nhũng và đấu tranh đến cùng để họ phải đứng trước vành móng ngựa, chịu sự trừng phạt của pháp luật. Và ông còn là Đảng viên giàu tinh thần xây dựng khi hơn 80 tuổi, ông vẫn ra sách để hiến kế cho Đảng và Nhà nước “diệt trừ tham nhũng”...
Bồi hồi kể lại vụ Đồ Sơn...
Trong những đại án tham nhũng đình đám xảy ra vào đầu những năm 2000, thì vụ tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn là một vụ nổi cộm. Còn nhớ, vào tháng 3/2003, Thị ủy Đồ Sơn họp ra nghị quyết về việc giao đất ở và đất tái định cư cho các hộ dân phải di dời giải tỏa trong dự án đường 353, trong đó đặt ra việc dành 25% quỹ đất để bố trí cho cán bộ lãnh đạo thị xã và 10% dành cho đối ngoại. Ngày 10/3/2004, ông Đinh Đình Phú gửi lá đơn đầu tiên lên TP Hải Phòng đấu tranh việc này.
Kết quả quá trình đấu tranh bền bỉ của ông Phú là vào ngày 11/8/2005, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can các ông Vũ Đức Vận (nguyên Bí thư Thị ủy Đồ Sơn), Hoàng Anh Hùng (nguyên Chủ tịch UBND thị xã) và Lưu Kim Thái (nguyên Phó Chủ tịch UBND thị xã, trước đó là Trưởng Phòng quản lý đô thị của UBND thị xã) về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đến ngày 2/9/2005 tiếp tục khởi tố ông Chu Minh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hải Phòng về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên sau đó ông Tuấn được miễn trách nhiệm hình sự. Ông Phú đã kiên quyết đấu tranh. Quá trình điều tra lại vụ án, ngoài khôi phục điều tra với ông Tuấn, ngày 5/3/2007, Bộ Công an đã khởi tố thêm một số quan chức của Sở Tài nguyên - môi trường Hải Phòng và hai phường Vạn Hương, Vạn Sơn của thị xã Đồ Sơn. Ngày 19/6/2007, phiên tòa sơ thẩm (lần thứ hai) xét xử tám bị cáo trong vụ án Đồ Sơn. Tòa tuyên phạt hai bị cáo Vận, Tuấn mức 7 năm tù, Hùng 6 năm 6 tháng tù... Ngày 20/9/2007, phiên tòa phúc thẩm (lần thứ hai) của TAND tối cao quyết định bác các đơn kháng cáo xin giảm án, giữ nguyên bản án sơ thẩm (lần thứ hai) đối với cả tám bị cáo.
Vụ tham nhũng ở Đồ Sơn xảy ra đã lâu nhưng những kí ức về vụ án còn vẹn nguyên trong tâm trí ông Phú. Nhiều người biết vụ việc thường băn khoăn, không biết hậu vụ Đồ Sơn, ông Phú sống thế nào? Ông bảo với chúng tôi: Sau phiên phúc thẩm lần hai, những người vi phạm pháp luật bị xử tù, dân Đồ Sơn rất phấn khởi và lấy lại niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, đối với công cuộc chống tham nhũng. Có bốn cấp thì ba cấp bị xử lý: Từ phường, thị xã đến thành phố cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật. Thế nhưng, Đồ Sơn dạo ấy không chỉ có những điều vui. Ngay tại đám tang ông Lưu Kim Thái (bị cáo trong vụ án Đồ Sơn mất ngày 13/6/2007) có người tuyên bố chi mấy chục triệu đồng thuê xã hội đen thanh toán tôi. Dân báo cho tôi ngay, đồng thời cho biết người này hình như là một cán bộ của thị xã Đồ Sơn. Không ngại gì, tôi điện thoại luôn cho bên tổ chức thị ủy hỏi rõ cán bộ thị xã có người như thế này, thế kia không, cuối cùng xác định đích thực người đó công tác bên thị ủy... Thời gian đó, một số đối tượng xã hội cũng thường rình rập tìm cách khủng bố tôi, may là tôi có hai con công tác bên ngành công an nên bọn chúng chưa dám manh động gì. Tôi cũng dặn dò các con tôi cẩn trọng, việc đến đâu xử lý đến đó, không khéo lại mắc mưu bọn họ.
Ông Phú tâm sự: Khi tôi tham gia vào cuộc chiến này, người ta nói là lấy trứng chọi đá, châu chấu đá voi. Tôi đã từng mất cả tiền bạc lẫn tinh thần. Chỉ riêng về vật chất, thời điểm đó tôi đã phải bỏ 40 triệu đồng tiền túi ra, 40 triệu đồng thời đó cũng mua được mảnh đất. Vợ tôi khi đó bị tai biến nằm một chỗ, mẹ già gần 100 tuổi cần người chăm sóc. Mỗi lần đi Hà Nội để mong sớm đưa sự việc ra ánh sáng, tôi đều phải nói dối vợ là đi mua thuốc cho bà ấy. Tôi không thể ngồi yên khi thấy tiêu cực, tham nhũng xảy ra ngay trước mắt. Thế nên tôi mới gọi cuộc chiến đó là “cuộc chiến ba mất một còn”... hay cuộc chiến thầm lặng!
Viết sách về chống tham nhũng
Cuộc đời trải qua nhiều khoảnh khắc, biến cố được ông Phú thuật lại trong cuốn hồi ký “Chiến công thầm lặng”. Cuốn sách của Đinh Đình Phú có độ dài hơn 400 trang, được bắt đầu bằng “Ký ức tuổi thơ” khi nhân vật lên 6 tuổi. Tiếp đến là 11 chương và Phần kết. Trong 11 chương gần như được sắp xếp theo tuần tự thời gian (Dấu ấn đường đời trinh sát phản gián - Vào Đảng; Cả đời ăn cơm của dân; Miền Nam vẫy gọi; Trở về Bắc; Nghiệp vụ phản gián; Những kỷ niệm khôn nguôi ngồi ghế trường Đảng; Cuộc chiến thầm lặng; Chọi trâu, viết sách, yêu thơ; Cuộc chiến chống quan tham….
Xuyên suốt cuốn sách, kể về ông Phú và những người xung quanh ông trong cuộc đấu tranh với cái xấu, thói đố kị và quốc nạn tham nhũng. Chia sẻ về cuốn sách, ông Phú bộc bạch: “Năm mười lăm tuổi tôi làm liên lạc Việt Minh ở quê hương kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm mười chín tuổi tòng quân thành lính Cụ Hồ, trưởng thành mỗi bước hành quân, dấu chân khắp miền đất nước, bom rơi đạn nổ không sờn… Bây giờ tám mươi tuổi tròn, năm mươi năm tuổi Đảng vàng son, ngồi viết hồi ký.” Được biết, cuốn sách này trước khi xuất bản tại NXB Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả Đinh Đình Phú đã “xin ý kiến đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trước khi xin phép xuất bản, đã được nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trả lời vào ngày 12/9/2014: “Tôi đã đọc. Tôi thấy nên xuất bản”.
Ông Phú đặc biệt nên tự truyện của ông cũng rất hấp dẫn. Người đọc được khám phá nhiều tình huống đặc biệt khi ông là một “chiến sĩ an ninh”. Ở trong đó có đấu trí đấu mưu với bọn tình báo phương Bắc để rồi thắng nó, cột nó vào tội ác mà truy tố. Rồi rút ra một phương châm mang tầm lý luận: “Là chính nó nhưng không phải là nó, là nó nhưng không phải là chính nó!”. Nhà văn Nguyễn Trí Huân nhận xét: “Đọc những trang kể chuyện phản gián tình báo phương Bắc của Đinh Đình Phú cứ như đọc trinh thám Sherlock Homes mà lại thân quen gần gũi...”.
“Cuộc đời làm công tác bảo vệ chính trị được Đảng và nhân dân, ngành công an giáo dục và đào tạo, hai cuộc kháng chiến đã trau dồi cho tôi lý tưởng cách mạng "Trung với Đảng, hiếu với dân". Trí khôn đời dạy tôi phải kiên định vượt qua mọi cái xấu phản lực lại, kiên định theo lý tưởng cách mạng của Bác Hồ. Tôi sống với dân, ăn cơm của nhân dân mới thấy hết mọi điều..."dân lành bao giờ cũng tốt"... Địch tình và đối sách cũng học được ở nhân dân, quãng đời tôi sống và học được ở các bậc tiền bối cũng vì dân, vì Tổ quốc, vì dân tộc Việt Nam.” Ông Phú tâm sự trong sách về lý tưởng của mình.
Cũng bởi lý tưởng ấy, nên ông dấn thân vào một cuộc đấu tranh mới thời bình, đó là đấu tranh với quốc nạn tham nhũng. Thấy người dân nhiều nơi tố cáo về nạn tham nhũng đất đai, ông cùng người dân Hải Phòng vào cuộc phản ánh, tố cáo những tiêu cực của chính quyền địa phương. Ông bị các cấp ủy Đảng ở địa phương kỉ luật để cô lập. Nhớ về tâm trạng của mình khi đó, ông viết lại: Tâm trí tôi luôn luôn dằn vặt ăn không ngon, ngủ không yên giấc vì 3 cái án kỷ luật: Cảnh cáo, khiển trách, cảnh cáo của Đảng vì cái tội “chống tham nhũng”. Luôn luôn bị khủng bố tinh thần và vật chất. So với những cuộc đấu tranh với cái xấu trước đó thì cuộc đấu tranh với tội phạm tham nhũng lần này còn nguy hiểm hơn lần trước....
Thế nhưng, không vì vậy mà ông nản lòng. Ông thận trọng trao đổi với những người Đảng viên trung kiên đi trước. Đó là ông Thành Lâm - nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, đó là ông Trần Đông - Thứ trưởng Bộ Công an, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng... Những người đó chỉ cho ông Phú những bước đi quan trọng trong cuộc đấu tranh với quốc nạn tham nhũng. Tiếp đó là những người dân vô danh, cứ hết lần này đến lần khác tìm đến ông Phú cung cấp những thông tin quan trọng. Những nhân tố đó trở thành nguồn động lực quan trọng để ông Phú đấu tranh và thành công.
Trong cuốn sách của mình, ông Phú viết: Tôi xác định, mặt trận nhân dân là động lực. Mặt trận báo chí là quan trọng. Mặt trận đảng viên chân chính là quyết định. Và đúng là trong quá tŕnh diệt tham nhũng, ông Phú đã vận dụng triệt để những nguyên tắc này. Ông bồi hồi chia sẻ: Tôi quan niệm không có cuộc chiến nào mà cá nhân thành công. Vì vậy tôi phải kết hợp ba mũi giáp công. Đó là dựa vào dân, vào báo chí và đảng viên chân chính. Mặt trận báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng. Trong cuốn sách của mình, ông Phú nhắc đến chuyện vui: Thời điểm tôi đấu tranh tiêu cực đất đai ở Đồ Sơn (Hải Phòng), từ năm 2005 đến 2007, tờ báo PLTPHCM đã đăng tải 58 số báo liên tục. Tổng Biên tập của tờ báo lúc đó là ông Nam Đồng đã mời tôi vào tặng tôi kỷ niệm chương và cho tôi đi du lịch Đà Lạt một tuần, đó là kỷ niệm cảm động khó quên của tôi.
Bài học “nóng hổi” cho công tác chống tham nhũng
Nói chuyện với ông Phú, nói tới nói lui, câu chuyện cuối cùng lại quay về chủ đề chống tham nhũng. Vị đại tá già bộc bạch thẳng thắn: “Không bắt sâu thì sâu sẽ ăn hết rau, nên buộc phải bắt sâu”. Ông nói ở cơ sở, dân biết rõ các vị lãnh đạo địa phương người nào thế nào, biết cái nhà lầu này, cái xe hơi kia từ đâu mà có... Giọng đầy sôi nổi ông bảo: “Nói chống tham nhũng - chống sao được, phải là diệt tham nhũng - ngay từ khẩu hiệu đã không đủ mạnh mẽ. Đảng đã chỉ rõ đối tượng tham nhũng là một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức, có quyền cơ mà. Không nhỏ là bao nhiêu - những người có chức, có quyền tha hóa biến chất - đến nỗi tham nhũng trở thành một nguy cơ. Vậy mà không diệt, chỉ chống thôi là sao? Tôi cho là đừng dùng khẩu hiệu toàn dân chống tham nhũng nữa, mà phải quyết liệt diệt tham nhũng.
Trong suốt quá trình đấu tranh, ông Phú nhận ra rằng, tâm lý xã hội chung tuy có nhiều bất bình với những đảng viên vi phạm nhưng người dân vẫn giữ niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Điều họ lên án, đả kích là bọn tham quan đặc quyền đặc lợi phá hoại Đảng.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, khi được hỏi “vụ tiêu cực đất đai Đồ Sơn đã trôi qua rất lâu rồi, đứng ở thời điểm hiện tại ông nhìn nhận cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay có gì khác?”. Ông Phú cũng rất chân tình: Tôi thấy xã hội ta vẫn đang “cháy ngầm dưới lòng đất”. Hiện nay tham nhũng vẫn không khác thời trước ở một điểm, người tham nhũng và người bao che tham nhũng đều có chức, có quyền. Người bao che tham nhũng như cái nhà che chở cho người tham nhũng, khi không có người bao che thì kẻ tham nhũng sẽ trơ trọi, bị phát giác và xử lý. Tôi luôn có niềm tin rằng trong hệ thống của chúng ta vẫn còn nhiều ngọn nến sáng giúp sức cho cuộc chiến chống tham nhũng.
Cuốn sách của ông Phú được xuất bản trước thời điểm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nghiêm trị suy thoái trong Đảng được ban hành. Hy vọng, bài học về chống tham nhũng của ông Phú sẽ làm phong phú thêm những tư liệu, giải pháp trong công cuộc chống quốc nạn tham nhũng hiện nay.
Ông Đinh Đình Phú nguyên là Đại tá An ninh, sinh năm 1935 tại Đồ Sơn, Hải Phòng. Nhờ cuộc đấu tranh bền bỉ với nạn tham nhũng tại nơi mình sống, ông đã được Thủ tướng tuyên dương công trạng chống tiêu cực và trở thành nhân vật “Người đương thời” chống tham nhũng của Đài Truyền hình Việt Nam.
Vũ Anh Tâm