Nhớ Luật gia Phan Anh !

(Pháp lý) - Là người đặt nền móng cho Hội Luật gia Việt Nam và được bầu làm Chủ tịch Hội Luật gia từ năm 1955 và tiếp tục làm Chủ tịch Hội Luật gia trong 7 khóa liên tiếp, ông không chỉ là Luật gia nổi tiếng trong nước mà còn nổi tiếng trên phạm vi quốc tế. Một trong những đóng góp tiêu biểu của ông là xây dựng nền pháp lý phục vụ quản lý đất nước.

 Luật gia Phan Anh – người có 7 khóa liên tiếp làm Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam
Luật gia Phan Anh – người có 7 khóa liên tiếp làm Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam)

Cuộc đời và sự nghiệp của ông có quá nhiều sự kiện, từ lâu đã được bao thế hệ ngưỡng mộ. Chúng tôi không dám “tham lam” chạm đến những sự kiện lớn và trăn trở của cuộc đời ông. Nhân dịp Xuân mới, Phóng viên Pháp lý xin ghi lại những cảm xúc từ những người thân và những người bạn, người đồng chí của ông.

Trong ký ức người vợ

Luật gia Phan Anh đã ra đi ngót mấy chục năm, thế nhưng, trong căn nhà ở phố Kim Mã hoa giấy vẫn nở ngoài hiên, bà Đỗ Hồng Chỉnh – phu nhân của ông tóc đã bạc trắng, nhưng hàng ngày vẫn không nguôi những ý nghĩ về ông, cũng là thần tượng của mình. Trên bàn thờ của ông Phan Anh, hầu như lúc nào cũng có hoa tươi, mỗi khi có khách đến hỏi chuyện, bà thường thắp lên một nén nhang thơm...

Trong căn nhà thoang thoảng mùi hương với thật nhiều sách, Phóng viên Pháp lý đã có dịp trò chuyện cùng bà để nghe bà nói say mê về ông. Bà bảo: Mấy chục năm nay, tôi vẫn nhiều cảm xúc như vậy khi được ai đó hỏi về ông. Nói về Phan Anh, tôi kính trọng ông ấy. Tôi thấu hiểu ông ấy. Nếu nói về nhà tôi, lúc nào tôi cũng có thể nói mãi...

Từ năm 6 tuổi, bà Hồng Chỉnh đã biết đến ông Phan Anh. Sau này, bà Hồng Chỉnh viết lại trong hồi ký ghi về cuộc đời ông Phan Anh: Cha tôi làm nghề dạy học, mẹ nội trợ... Đối với mẹ, nổi lên hai việc trong nhà là sự đẹp mắt, bữa ăn ngon và có câu chuyện hằng ngày để kể cho các con nghe. Mẹ kể về Nguyễn Thái Học với mối tình của cô Giang. Mẹ kể nhiều về gia đình cụ Phan Điện (bố của ông Phan Anh) sắp có thông gia với ông nội, thái độ bất khuất, thái độ quần chúng của một ông đồ nho và việc dạy con của cụ Phan Điện. Với riêng Phan Anh, lên 9 tuổi, mẹ mất, anh phải đi ở chăn trâu. Nhưng cụ Điện có thơ “Ai ơi, chớ vội khinh hai chú/ Xoay xỏa non sông, cũng một tay...” Và đúng là sau đó, Phan Anh làm việc lớn từ khi còn rất trẻ. Phan Anh học Tiến sĩ ở Pháp, làm báo, làm Luật sư ở Tòa thượng thẩm và tòa đại hình quân sự để bào chữa cho các chiến sĩ cách mạng bị bắt.

Duyên vợ chồng của bà Hồng Chỉnh và ông Phan Anh cũng bắt đầu rất đặc biệt. Trước bà, ông Phan Anh từng có 1 người vợ mất vì bệnh hiểm nghèo lại là cô ruột của bà Hồng Chỉnh. Trước khi mất, bà se duyên cho ông với cô cháu ruột. Trong cuốn sách “Những chặng đường anh đi” của mình, bà Hồng Chỉnh đã ghi lại tình cảm của mình lúc đó: “Cách đặt vấn đề của anh, đối với tôi là đột ngột. Do đó, đã làm tôi sợ. Nhưng vì kính trọng anh, nên tôi phải tự trấn tĩnh. Hơn nữa, phải làm sao để anh được khuây khỏa, không những không cảm thấy một phiền phức nào, mà còn hăng hái để tiến lên, vui với cuộc đời”. Mãi đến năm 1954, bà Hồng Chỉnh hiểu rằng tình yêu của mình là điều không thể thiếu trong cuộc đời Phan Anh và sẽ tiếp sức cho ông hoàn thành sự nghiệp và bà đã nhận lời cầu hôn. Đỗ Hồng Chỉnh thành người vợ kém ông Phan Anh 22 tuổi.

Với bà Hồng Chỉnh, ông Phan Anh còn là một người thầy. Bà bộc bạch tâm sự: “Tôi phải cảm ơn ông nhà tôi nhiều lắm”. Bà Hồng Chỉnh lấy ông Phan Anh khi còn là giáo viên cấp I, được đào tạo bài bản, bà lên dạy cấp II, rồi lại tiếp tục được bồi dưỡng, động viên từ chồng, bà về công tác tại Cục đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Giáo dục. Bà vẫn nói “ Anh Phan giúp tôi đi vào giáo dục có lý tưởng”. Bà bảo: Trước những vấn đề tôi băn khoăn, khúc mắc, anh luôn giúp đỡ giải thích rạch ròi.

Trong kí ức của bà, ông Phan Anh còn là một người thầy truyền cảm hứng. Hồi kí của bà viết: Giáo dục Hà Nội có phong trào thi đua với “lá cờ đầu Bắc Kỳ” mà nội dung chính là “lao động sản xuất” nội dung của nguyên lý là học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội. Bà Hồng Chỉnh đã chia sẻ với Phan Anh về phong trào thi đua này và những nỗi băn khoăn... Ông nói với bà “Ta đi lên chủ nghĩa xã hội không chỉ bằng chính trị mà còn bằng con đường kinh tế”, “nước ta là nước nông nghiệp”, “môn sinh vật là khoa học cơ sở của sản xuất nông nghiệp”. Từ những gợi ý đó của chồng, bà dạy môn sinh vật.

Trong nhiều hành trình cuộc đời bà Hồng Chỉnh, ông Phan Anh còn là người định hướng. Bà về công tác tại Bộ Giáo dục, ông là người giúp bà nhiều trong hiểu thấu đáp khái niệm, cụm khái niệm chứa các nguyên lý học hành. Bà Hồng Chỉnh nói về chồng mình: Anh đặc biệt có khả năng biết lắng nghe và gợi mở để mọi người trong cuộc nói ra được những suy nghĩ dồn nén, khác biệt đến bức xúc và những ý tưởng mới lạ và thăng hoa. Khi thấy tôi loay hoay chưa rõ, anh thường rất kiệm lời. Anh chỉ đưa ra vấn đề và nói “đây là cái em cần”. Thế là mọi việc lại được giải quyết theo cách tốt nhất.

Với bà Hồng Chỉnh, thì những việc ông Phan Anh làm cho công tác hòa bình dân chủ có ý nghĩa tới tận hôm nay.

Luật gia Phan Anh và phu nhân Đỗ Hồng Chỉnh (ảnh chụp năm 1955).
Luật gia Phan Anh và phu nhân Đỗ Hồng Chỉnh (ảnh chụp năm 1955).)

Người đấu tranh cho hòa bình, dân chủ thế giới

Là người tư duy lô-gic và xu hướng nghiên cứu chính trị - pháp lý, ông tập trung vào Tư pháp và Công pháp quốc tế, đặc biệt là tình hình chính trị trong nước và thế giới. Năm 1945 sau khi Nhật hất cẳng Pháp, ông tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim nắm giữ Bộ Thanh niên, phấn đấu với mục đích tránh cho dân tộc khỏi cảnh “huynh đệ tương tàn”. Rồi ông lập ra Trường Thanh niên tiền tuyến Huế (nhiều người sau này trở thành chỉ huy quân sự trong lực lượng vũ trang Cách mạng nước ta).

Đóng góp trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Phan Anh có thể chia thành hai giai đoạn: Một là xây dựng hòa bình ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng ở miền Nam. Hai là xây dựng hòa bình dân chủ mới và đối ngoại hợp tác trong hòa bình... Phan Anh trăn trở với: Củng cố hòa bình, tăng cường hòa hoãn, thực hiện đối ngoại và hợp tác.

Tình hình Việt Nam sau những năm 1975 rất đặc biệt. Sau thống nhất đất nước cần có một quá trình vận động chính trị trước thế giới. Ông Phan Anh là người xây nền móng cho nền ngoại giao và những hoạt động dân chủ đất nước thời bấy giờ. Ông đi dự hàng loạt các sự kiện quan trọng như” “Đại hội những người xây dựng hòa bình”, “Pháp luật, sự hợp tác quốc tế và làm dịu tình hình”, “Khẩn cấp đoàn kết Việt Nam ở Helsingky”, “Nghị viện nhân dân thế giới”, “Đại hội thế giới vì hòa bình và sự sống, chống chiến tranh hạt nhân”... đều là những hội nghị mà Việt Nam cần tranh thủ với thế giới, tranh thủ sự động viên, ủng hộ của bạn bè quốc tế cho sự phát triển của đất nước sau hơn nửa thế kỷ chiến tranh, loạn lạc, chia cắt. Trong mỗi hội nghị mà ông đi dự, khi được hỏi chuyện, ông đều nói rõ những quan điểm của dân tộc mình. Hội nghị tiếp hội nghị, đối với ông Phan Anh là điều kiện để thúc đẩy thế giới đi vào 4 mục tiêu của phong trào hòa bình thế giới: Củng cố hòa bình, tăng cường hòa hoãn, thực hiện đối thoại và hợp tác.

Song song với việc của chính quyền, ông Phan Anh còn làm nhiệm vụ vận động chính trị, như làm Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam. Khi làm Chủ tịch Hội Luật gia, ông Phan Anh xây dựng ngay các hoạt động quốc tế, như việc gia nhập Hội Luật gia Dân chủ quốc tế, việc hưởng ứng thái độ công lý dân chủ, tiến bộ.

Ông còn được biết đến là một trong số ít người đầu tiên xây dựng nền tảng cho mối quan hệ gắn bó giữa Ủy ban TW Mặt trận TQVN với Hội Luật gia Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng chính sách – pháp luật, bảo vệ quyền công dân, nêu cao nền dân chủ XHCN.

Tháng 2/1990, Hội đồng Hòa bình thế giới mời ông Phan Anh đến Hy Lạp họp. Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới Romesh Chandra đón và nói với ông: “Anh đến đây là một niềm vui lớn cho tôi. Phong trào trong tình hình mới cần những người đấu tranh hiệu quả”. Đó là lời khích lệ, cũng là lời ghi nhận về đóng góp của Luật gia Phan Anh.

Và cố gắng của Luật gia Phan Anh được nhiều tổ chức và cá nhân uy tín trên thế giới ghi nhận. Nhân kỉ niệm ba mươi năm, Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế trao tặng ông Phan Anh huy chương kỉ niệm với nội dung: Công nhận sự đóng góp đáng kể vào việc thực hiện các mục đích của Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế đấu tranh vì tự do của nhân dân, sự đoàn kết vì hòa bình và bình đẳng trên thế giới.

Tháng 6/1990, Luật gia Phan Anh mất đột ngột khi còn đang làm việc. Ông Evangeloss Maherras (Phần Lan) làm Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới cũng gửi bức điện viết về ông: “Ông Phan Anh đã đóng góp một cách xuất sắc cho sự nghiệp của phong trào hòa bình thế giới, giải trừ quân bị, phát triển độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ, nhân quyền, công lý xã hội. Là một Luật gia thông thái, ông đã nhấn mạnh tầm quan trọng của điều lệ và luật pháp. Và ông đã bảo vệ trên diễn đàn quốc tế quan điểm phải làm cho luật pháp và dân chủ thành đồng nghĩa trong quan hệ quốc tế qua đối thoại chứ không phải qua đối đầu bằng cách thiết lập một trật tự dân chủ mới và một trật tự kinh tế mới.

Tiếp đó, ông Romesh Chandra (Ấn Độ) – Chủ tịch danh dự Hội đồng Hòa bình thế giới (nguyên Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới) điện viết:... Nhân dân thế giới đã mất đồng chí Phan Anh, một người bạn yêu quý và kính mến, những người hoạt động hòa bình như tôi thương tiếc sự ra đi của một người tận tụy và tài ba đã nêu gương sáng cho hàng ngàn người bằng sự khiêm tốn trầm lặng và sự hăng hái, tích cực trong sự nghiệp chống đế quốc của mình. Đối với cá nhân tôi, đồng chí Phan Anh đã luôn là người hướng dẫn, một người thầy, một biểu tượng của nhân dân Việt Nam anh hùng, mãi mãi là một phần trái tim tôi”.

Những điều lắng lại

Với bà Hồng Chỉnh, “người thầy” Phan Anh vẫn sống trong cuộc đời dù thân xác ông đã “thác”. Năm 2013, bà được các con tặng một bức tranh. Trên bức tranh là hình ảnh cây tùng mọc ở lưng chừng một ngọn núi lớn. Bà Hồng Chỉnh bảo: Điều đó có ý nghĩa là hình ảnh của người cha luôn vững trãi, cho những đứa con từ đó mà lớn lên. Những đứa con của tôi, trong khi vượt khó khăn, nó vẫn nhớ đến bố. Còn tôi, tôi không bao giờ buồn cả. Tôi chỉ nghĩ đến anh. Người ta cứ hỏi tôi rằng, từ lúc trẻ đến lúc bây giờ, tôi cứ cặm cụi nghĩ về ông ấy, viết vì ông ấy... các con tôi có nói gì không? Nó không nói vì nó biết, mẹ nó đối với bố thế nào, bố nó đối với mẹ nó thế nào. Hằng ngày, những điều bà Hồng Chỉnh tâm niệm, bà thường truyền cho những đứa cháu của mình. Cũng có đứa thấu đáo, cũng có đứa chưa thấu đáo, nhưng bà vẫn kiên trì và nhẫn lại... Đó là phẩm chất, tình yêu đáng quý trong gia đình ông Phan Anh sau mấy chục năm ông đã “thác trong đời”.

Những năm gần đây, nổi lên những vấn đề chính trị pháp lý nóng bỏng trên trường quốc tế và cả với riêng Việt Nam. Trong sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam đã hành động rất mau lẹ, ra tuyên bố phản đối hành động ngang ngược này.... Những điều ông Phan Anh làm, Hội Luật gia Việt Nam cũng đang cố gắng làm. Những điều ông Phan Anh xây nền móng, những Luật gia của Hội Luật gia Việt Nam đang vun đắp.

Anh Tuấn

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin