Nhớ Chánh án Trịnh Hồng Dương (kỳ 2)

20/09/2018 07:25

(Pháp lý) - Tôi làm Chánh Văn phòng nên kỳ họp Quốc hội nào cũng cắp cặp theo Chánh án đi họp. Quốc hội cấp cho cái thẻ Đại biểu dự thính, tức là chỉ được nghe, không được nói. Mỗi kỳ họp, Chánh án phải báo cáo công tác của ngành và trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Người ta hay chất vấn về các vụ án cụ thể và yêu cầu phải kháng nghị. Anh Dương xem rất kỹ các vụ án đó và nhiều vụ trả lời là không có căn cứ kháng nghị.

Tôi rất nhớ một vụ án tranh chấp thừa kế ở quận Ba Đình, Hà Nội giữa hai chị em ruột đều tên là Mưa, bà chị là Mưa lớn, bà em là Mưa nhỏ nên chúng tôi gọi là vụ án Mưa lớn – Mưa nhỏ. Vụ án này được đại biểu đưa ra chất vấn tại Quốc hội. Anh Dương trả lời rất thẳng và kết luận: “Tôi không thể kháng nghị vụ Mưa lớn – Mưa nhỏ, xin trả lời sơ sơ như vậy”. Quốc hội cười nghiêng ngả. Nghỉ giải lao giữa giờ, mấy vị đại biểu tôi quen ra bảo là “Sếp cậu không sửa được cái tính thẳng quá, sẽ có một số người không hài lòng đâu. Tôi biết chứ, nhưng mà nói khác thì không phải là anh Dương.

Trụ sở TANDTC, nơi Chánh án Trịnh Hồng Dương gắn bó cả đời vì sự nghiệp ngành Tòa án
Trụ sở TANDTC, nơi Chánh án Trịnh Hồng Dương gắn bó cả đời vì sự nghiệp ngành Tòa án)
 Cố Chánh án Trịnh Hồng Dương
Cố Chánh án Trịnh Hồng Dương)

3. Anh Dương thường xuyên mặc áo bay mua từ thời học ở Liên Xô, cái cặp da giống như cái xà cột cũng đem từ Liên Xô về. Người nhỏ thó, gầy nhom, nhìn tạng người không ai nghĩ đó là Chánh án TANDTC. Có lần xuống địa phương làm việc, lãnh đạo địa phương cứ bắt tay, niềm nở với lính tráng vì họ không ngờ cái ông ăn mặc xuyềnh xoàng nhỏ thó lững thững đi đằng sau lại là Chánh án. Vào cuộc họp vỡ lẽ, cười trừ.

Trong một lần tiếp khách nước ngoài, tôi nhắc anh phải mặc chỉnh tề, đóng bộ hẳn hoi. Anh bảo tớ có bộ comlê rồi, nhưng không mặc áo trắng bao giờ nên không có. Thế là Văn phòng phải đi tậu ngay cho anh một đôi áo trắng. Cũng ít khi thấy anh mặc áo trắng đó đi làm mà chỉ mặc khi có sự kiện gì đó.

Rất ít khi anh Dương xưng hô đồng chí, thường là cậu tớ, ông tôi… một cách thân thiện. Những người gần gũi đều nhớ những chuyện hài hước, dí dỏm của anh. Anh Dương rất hay nửa đùa, nửa thật và hay bắt nọn rất tài. Lính tráng gặp lần đầu chưa biết, nhiều anh cứ đớ người ra. Tôi nhớ có một lần khi tôi còn đang làm ở dưới Tòa án quận thì anh Dương gọi điện bảo tôi lên gặp có việc gấp. Sau khi bảo tôi ngồi, anh hỏi “Cậu khai thật có quan hệ với người nước ngoài không (thời đó có quan hệ với người nước ngoài là phải báo cáo). Tôi nói là không có quan hệ, anh bảo tớ có chứng cứ hẳn hoi, cậu không thể chối cãi, nghĩ kỹ rồi thành khẩn khai báo. Tôi nghĩ không có nên vẫn khẳng định là không có. Anh Dương rút ngăn kéo bàn lấy ra một chiếc phong bì nước ngoài, đưa cho tôi và bảo đây là chứng cứ, cậu không quan hệ với người nước ngoài sao người ta lại gửi tiền cho cậu ? Tôi mở phong bì, đúng là có mấy trăm mác tiền của Đức thật nhưng không biết ai gửi cho. Ngồi đực ra nghĩ. Anh Dương bảo cậu có quan hệ với ai ở Đức không?

Tôi nói anh trai tôi học ở Đức nhưng về nước rồi, không quen biết ai khác. Lúc này anh mới bảo có ai tên là Dược ở Đức không. Tôi mới nhớ ra đó là đứa cháu họ nhà vợ đi xuất khẩu lao động. Từ ngày nó đi tôi cũng không để ý nó ở nước nào. Anh Dương cười và bảo tớ vừa sang công tác ở Đức, tình cờ gặp cháu cậu, nói chuyện nó bảo có ông chú làm ở Tòa án Hà Nội, thì ra là cậu. Nó bảo chẳng kịp mua quà gì nên nhờ tớ mang về biếu cậu mấy trăm mác đấy. Tôi bảo thế mà anh vòng vo tam quốc mãi. Anh Dương bảo hôm nay rảnh rỗi một chút gọi cậu lên vòng vo cho có chuyện mà nói. Lại chịu ông anh.

4. Tôi làm Thẩm phán, Chánh Văn phòng TAND thành phố Hà Nội 9 năm cũng đúc rút được một số kinh nghiệm nghề nghiệp. Một hôm, ông Phạm Thế Duyệt - khi đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội gọi tôi sang Thành ủy, động viên tôi về làm Chánh án Tòa án quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Lúc đó nội bộ Tòa án Hai Bà Trưng mất đoàn kết nghiêm trọng. Ông Bí thư hứa về hai năm, ổn định rồi quay lại Tòa án Thành phố làm Phó Chánh án và phát triển tiếp. Tôi gọi điện xin anh Dương cho lời khuyên. Anh Dương bảo “Cậu về lăn lộn với cơ sở vài năm cũng tốt, làm án từ cái đơn kiện, từ tập hồ sơ vụ án sơ thẩm sẽ nhanh hơn, đúc rút được nhiều kinh nghiệm thực tế hơn và rèn được tác phong quản lý, lãnh đạo “. Anh Dương còn đùa “Vài năm nữa cậu lên thay tớ, cố mà làm cho tốt đấy, ở địa phương phức tạp hơn trên thành phố, làm gì cũng phải cẩn thận, tuyệt đối không được dính dáng vào tiêu cực… “.

Thế là tôi về làm Chánh án Tòa án quận Hai Bà Trưng. Án tồn đọng quá khủng khiếp, gần 1000 vụ án hình sự, gần 2000 vụ án dân sự và khoảng 4000 vụ án phải thi hành án. Ổn định tư tưởng của cơ quan xong tôi xin phép lãnh đạo quận cho miễn tham dự tất cả các cuộc họp để tập trung giải quyết án. Anh chị em lăn ra làm cả ngày, cả đêm, cả ngày nghỉ, ngày lễ. Các chỉ tiêu công tác được bàn bạc dân chủ và thông qua. Không loại trừ ai, kể cả tôi là Chánh án cũng nhận chỉ tiêu như mọi người. Khi Hội đồng nhân dân quận bầu tôi làm Chánh án, Chủ tịch đoàn bảo tôi hứa, tôi chỉ phát biểu là 6 tháng sau tại kỳ họp của Hội đồng tôi sẽ báo cáo, nếu không làm được tôi xin HĐND miễn nhiệm.

Cũng may là anh chị em ủng hộ, ai cũng dốc sức làm việc. Quá vất vả, ai cũng rộc rạc, tôi bị tụt 7kg . Hốc hác nhưng không khí của cơ quan vui vẻ cũng giúp cho anh em vượt qua khó khăn. Chỉ 6 tháng sau chúng tôi đã giải quyết xong cơ bản lượng án khổng lồ, vượt cả sức tưởng tượng. Tôi báo cáo Hội đồng nhân dân quận và TAND Thành phố, họ không tin và thành lập đoàn kiểm tra. Cuối cùng họ phải thừa nhận đó là số liệu báo cáo chính xác. Mồ hôi, công sức của toàn thể cán bộ và nhân viên cơ quan được ghi nhận.
Một hôm, tôi có việc lên TAND Thành phố, tình cờ gặp anh Dương. Thấy tôi gầy hốc hác, anh bảo vất vả quá phải không, cậu phải chú ý giữ sức khỏe kẻo ốm đấy. Tôi nói xí xóa em là lính, khổ mấy, vất vả mấy em cũng chịu được. Anh Dương bảo “Tớ còn một lọ B1,cậu đem về chịu khó uống theo chỉ dẫn “. Tôi xin anh, cảm ơn anh quan tâm . Anh bảo: “Cậu khách khí quá , thôi về đi”. Tôi đem lọ thuốc về cơ quan, nhìn mà ứa nước mắt. Anh Dương đâu có khỏe mạnh gì.

Tôi làm việc ở Tòa án Hai Bà Trưng ngót 9 năm, công việc quá bận rộn vì án của Tòa Hai Bà Trưng thường xuyên nhiều nhất thành phố. Bận mấy nhưng mỗi năm tôi vẫn đến thăm anh được hai lần vào dịp trung thu và Tết nguyên đán. Chẳng có quà gì to tát cả, trung thu thì mua cho các cháu hộp bánh, mấy quả hồng, Tết thì mua biếu anh cây quất nhỏ ( anh Dương rất thích cây quất tết).

Anh Dương được bầu làm Chánh án TANDTC, tôi cũng không lên chúc mừng vì tôi biết anh Dương không thích những chuyện mà anh bảo là vẽ vời.

Một hôm, anh Trần Văn Tú lúc đó là Vụ trưởng Vụ tổ chức TANDTC xuống gặp và đặt vấn đề về việc điều động tôi về làm Thẩm phán kiêm Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao. Quả thật tôi không muốn đi và Quận ủy cũng không muốn tôi đi. Anh Tú xuống gặp tôi ba lần, tôi vẫn không muốn đi. Anh Dương gọi tôi lên và bảo “Về lý cậu không lên thì tớ chịu, nhưng về tình cậu lên giúp tớ, giúp ngành, cậu có lên không?! “. Ông anh đã nói như vậy thì phải lên thôi, mặc dù tôi không thích làm Văn phòng vì tôi đã làm Chánh Văn phòng của TANDTPHN gần 9 năm, tôi quá hiểu về nỗi thống khổ của Văn phòng.

Thế là lên Tòa án tối cao, anh em lại làm việc với nhau, gặp nhau hàng ngày. Tuy làm Chánh án TANDTC nhưng anh Dương vẫn đem cặp lồng cơm trưa, vào những năm đầu của thế kỷ 20 nhưng cặp lồng cơm cũng chẳng khá hơn thời bao cấp. Lúc đó, trong một lần đến thăm và làm việc với TANDTC, thấy anh em sống kham khổ quá ,Thủ tướng Võ Văn Kiệt đồng ý hỗ trợ cho cán bộ TANDTC mỗi người 200.000 đ ăn trưa. Văn phòng bàn và quyết định giữ lại tiền ăn trưa của anh Dương để nấu cơm trưa cho anh.

Chị em tạp vụ nấu cơm và đem cho anh Dương. Thấy chị em cứ phải chờ khi Chánh án đi họp về muộn, anh Dương bảo tôi dặn chị em nếu 12 giờ trưa mà anh chưa về thì cứ để cơm ở cửa phòng mà nghỉ trưa , không phải chờ đợi gì cả.

Anh Dương rất bận, nhưng đi họp về mà thấy anh em địa phương lên xin ý kiến về các vụ án là anh vừa ăn vừa nghe án. Thương anh, tôi bảo anh em Tòa án địa phương để Chánh án ăn xong đã. Nghe vậy, anh Dương bảo không sao đâu, tranh thủ làm đi kẻo chiều tớ còn phải đi họp, đừng bắt anh em phải chờ, hết giờ chiều mới làm thì anh em đến đêm mới về vất vả lắm.

Vừa ăn trưa, vừa làm việc, không muốn anh em địa phương vất vả gần như là việc thường ngày ở TANDTC mà chỉ có ở một mình cố Chánh án TANDTC Trịnh Hồng Dương như thế.

(Còn nữa)

Ghi chép của NGUYỄN QUANG LỘC
(Nguồn: Tạp chí Tòa án điện tử)

 

Bạn đang đọc bài viết "Nhớ Chánh án Trịnh Hồng Dương (kỳ 2)" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin