Tháng 12/1982, tôi tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội. Do thực tập để làm luận văn tốt nghiệp tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội gần 6 tháng, phần nào đã quen người, quen việc nên khi Tòa án Hà Nội xin đích danh, tôi đồng ý về làm việc, mặc dù có tới bốn cơ quan xin cán bộ, trong đó khoa luật cũng muốn giữ lại làm giảng viên. Quyết định đó khiến tôi gắn bó suốt đời với ngành Tòa án và may mắn có nhiều cơ hội được làm việc gần gũi với cố Chánh án Trịnh Hồng Dương, một người thầy, một người anh mẫu mực.
Những kỷ niệm ban đầu
Hồi đó, tất cả cán bộ đều đem cặp lồng cơm trưa. Cơm chẳng có gì đâu, tí rau, mấy quả cà muối, vài hạt lạc rang cũng xong bữa. Giờ nghỉ trưa anh em tụ tập ở hành lang tầng một của trụ sở Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) bây giờ (lúc đó trụ sở này là trụ sở chung của TANDTC, Tòa án Hà Nội (TAHN) và Viện Kiểm sát Hà Nội (VKSHN) để đánh cờ tướng. Anh Dương lúc đó làm việc ở Ban thư ký TANDTC, trưa nào cũng tham chiến. Vừa ăn , vừa chơi cờ rất vui. Anh Dương nổi tiếng là cao cờ nhưng những khi sắp hết giờ nghỉ trưa anh rất hay giấu bớt mấy quân cờ, kiểu “ăn gian” để kết thúc ván cờ một cách vui vẻ.
Về công tác ở Tòa án Hà Nội, thấy chữ tôi viết đẹp nên Phòng Tổ chức giữ lại giao cho viết một quyển sổ theo dõi, quản lý cán bộ của ngành TAHN. Viết xong thì anh Trịnh Hồng Dương từ Ban Thư ký TANDTC được điều xuống làm Phó Chánh án TAHN. Lãnh đạo phân công tôi làm thư ký cho anh Dương. Anh Dương khi đó phụ trách Tòa hình sự phúc thẩm (khi đó TAHN có hai tòa hình sự là hình sự sơ thẩm và hình sự phúc thẩm). Tôi làm thư ký cho anh Dương được khoảng hơn sáu tháng, học hỏi được nhiều điều. Anh Dương trực tiếp xét xử cả sơ thẩm và phúc thẩm, thỉnh thoảng anh bảo tôi đọc hồ sơ, phát biểu quan điểm cá nhân, tập viết án. Anh lắng nghe, xem bản án tôi tập viết, chỉ bảo đúng, sai. Một hôm anh gọi tôi sang phòng anh và bảo “Cậu sang công tác tại Văn phòng nhé vì cụ Thuận – Chánh Văn phòng, ốm nặng, không có ai viết báo cáo “.
Thế là tôi sang làm công tác văn phòng từ cuối năm 1983 và được bổ nhiệm Phó Văn phòng phụ trách văn phòng TAHN. Năm 1984, anh Dương được bầu làm Chánh án TAND thành phố Hà Nội. Một hôm, tôi sang đưa tài liệu, anh Dương đọc xong liền hỏi tôi: “Cậu có thích làm Thẩm phán không, nếu thích thì về làm hồ sơ “. Khi đó Phòng tổ chức cán bộ nhập vào Văn phòng, tôi phụ trách cả mảng việc này. Tôi và một số anh chị khác được Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội bầu làm Thẩm phán Tòa án Thành phố năm 1984. Thế là kiêm nhiệm cả xét xử và Văn phòng.
Tôi xử tất cả các loại án hình sự sơ thẩm, phúc thẩm, dân sự. Tòa nào nhiều án giao hồ sơ là làm. Anh Dương bảo tôi làm nhiều loại án vừa nhanh vững vàng nghề nghiệp, vừa có ích cho việc tổng hợp viết báo cáo.
Năm 1986, anh Dương được bổ nhiệm làm Phó Chánh án TANDTC, anh bảo cụ Hưng (Chánh án TANDTC Phạm Hưng) muốn điều cậu lên làm Phó Văn phòng phụ trách tổng hợp. Tôi muốn ở lại, anh Dương bảo cũng được, vì thế tôi tiếp tục công tác ở TAHN.
Những năm làm việc với anh Dương tại TAHN tôi học được anh rất nhiều cả về nghiệp vụ, cả về lối sống và nhân cách. Anh không quan cách, luôn hòa đồng, giản dị, liêm khiết, thẳng thắn và công bằng.
Thời ấy, TAHN chỉ có mỗi một cái ôtô Rumani chỉ dành phục vụ cho Chánh án. Xe ọp ẹp, hỏng suốt nên thông thường đi công tác các huyện anh Dương và anh em chúng tôi đều đi xe đạp. Có lần mấy anh em đạp xe sang làm việc tại Tòa án huyện Mê Linh, phải hẹn nhau đi từ 4 giờ sáng, qua phà Chèm cho kịp giờ. Khi ấy Tòa án Mê Linh đóng ở một quả đồi xung quanh toàn là cây mít, chúng tôi gọi là đồi mít. Biết anh em tôi sang, các đồng chí trẩy mấy quả mít để dành làm quà. Anh Dương thích mít mật, anh em buộc quả mít vào sau xe đạp. Khi về đến phà Chèm phải đi xe trên cát nên trượt liêu xiêu. Anh Dương yếu tay lái bị ngã xoài trên cát, quả mít chín lại là mít mật bị vỡ. Chẳng có gì để gói lại, bỏ thì tiếc, tôi sáng kiến lấy một bìa hồ sơ ra bọc lại. Anh Dương cứ tần ngần mãi vì tốn mất một cái bìa hồ sơ.
Bậc thầy về nghiệp vụ
Có lẽ ngành Tòa án nhân dân nói riêng và các cơ quan bảo vệ pháp luật của nước ta đều thừa nhận Chánh án TANDTC Trịnh Hồng Dương là một người rất uyên bác cả trong lĩnh vực xây dựng và áp dụng pháp luật. Tôi làm thư ký cho anh Dương từ khi anh làm Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội năm 1983. Làm thư ký phiên tòa, thư ký cho Ủy ban Thẩm phán, học hỏi được rất nhiều về nghiệp vụ xét xử. Tôi rất thích ngồi làm thư ký phiên tòa do anh Dương chủ tọa. Dù là vụ án có phức tạp, gay gắt đến mấy nhưng anh Dương điều khiển phiên tòa bao giờ cũng nhẹ nhàng, có lý có tình, đôi khi còn hài hước làm dịu đi căng thẳng.
Tôi học được cách điều khiển phiên tòa của anh Dương và áp dụng trong suốt gần 30 năm làm Thẩm phán ở cả ba cấp Tòa án. Khi tham gia giảng dạy tại trường cán bộ Tòa án hoặc Học viện Tư pháp, tôi cố gắng truyền đạt cho học viên về kỹ năng điều khiển phiên tòa từ những kinh nghiệm đó. Quả thật điều khiển một phiên tòa thành công là một nghệ thuật chứ không hề đơn giản. Mỗi vụ án đều có cái riêng của nó, trên cái nền, cái khung của trình tự tố tụng phải biết cách điều khiển sao cho vừa và đủ. Tôi làm thư ký phiên tòa cho anh Dương chỉ khoảng 6 tháng, không nhớ là bao nhiêu phiên tòa, nhưng có một phiên tòa mà tôi không thể quên, nó như một kỷ niệm trong nghề Tòa án.
Đó là phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án đối với bị cáo Thái Nhữ Siêu phạm tội làm gián điệp. Anh Trịnh Hồng Dương lúc đó là Phó Chánh án Tòa án Hà Nội làm Chủ tọa phiên tòa. Phiên tòa được xét xử lưu động tại Câu lạc bộ Thanh niên phố Tăng Bạt Hổ Hà Nội. Anh Dương chọn tôi và anh Phạm Tuấn Anh (sau này anh Tuấn Anh là Chánh tòa kinh tế TAHN ) làm thư ký phiên tòa. Trời rất nóng, mái nhà lại lợp tôn nên càng nóng. Thành phố điều xe cứu hỏa đến phun nước lên mái nhà cho đỡ nóng nhưng cũng vẫn nóng hầm hập. Hội trường chật ních người tham dự, lại càng nóng. Lúc đó làm gì có máy lạnh, chỉ có mấy cái quạt nhỏ ưu tiên cho Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa. Phiên tòa xét xử trong một ngày. Buổi trưa hôm đó, tất cả mọi người tham dự phiên tòa đều được ăn trưa miễn phí. Có lẽ đây là phiên tòa duy nhất có việc này. Anh em trong Hội đồng xét xử và thư ký được bố trí ăn trưa và nghỉ tạm ở phía trong. Mệt và nóng quá, ăn cũng không thấy ngon, chỉ uống nước. Anh Dương bảo chúng tôi cố gắng nhé, tớ cũng mệt, cũng lo nhưng phải gắng sức. Sợ thư ký mệt quá, anh Dương bảo Văn phòng kiếm cho anh em tôi cốc cafe nhưng dặn không được mang vào phòng xét xử. Đúng là có cốc cafe cũng tỉnh táo hơn. Sếp tâm lý thật.
Phiên tòa dự kiến khá căng thẳng, nhưng nhờ tài điều khiển của chủ tọa Trịnh Hồng Dương nên bị cáo khai báo và nhận tội. Cuối ngày bản án được tuyên… khiến những người có trách nhiệm thở phào nhẹ nhõm.
Anh Dương là một trong ba Phó tiến sĩ về luật đầu tiên của Việt Nam được Chánh án Phạm Văn Bạch chọn để đưa đi đào tạo ở Liên Xô. Anh Nguyễn Văn Hữu bị mất sớm.
Anh Nguyễn Đình Lộc sau là Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Anh Dương thiên về thực tiễn, anh Lộc thiên về lý luận. Hai anh đều là những cây đại thụ của khoa học pháp lý Việt Nam.
Anh Dương có trí nhớ rất tài, chỉ đọc lướt qua là nhớ cả số bút lục của tài liệu trong vụ án. Anh em Thẩm phán Tòa án các cấp xin ý kiến ,anh Dương chăm chú nghe và chỉ đạo thấu tình đạt lý. Về nghiệp vụ Tòa án, anh Trịnh Hồng Dương là số một, không có từ nào diễn tả được sự uyên thâm của anh. Nhưng anh cũng rất dân chủ trong tranh luận. Có vài lần, hai anh em tranh luận với nhau về nghiệp vụ rất gay gắt, tôi không đồng tình với quan điểm của anh, cãi rất hăng. Anh Dương bảo tớ chỉ đạo như vậy, cứ thế mà làm. Tôi nói anh là lãnh đạo quyết định, em chấp hành, nhưng em xin bảo lưu ý kiến. Sau đó, anh Dương gọi tôi sang bảo tớ nghĩ lại thấy cậu nói cũng có lý, xử theo đề xuất của cậu có vẻ hợp lý hơn nhưng ra tòa phải làm rõ thêm về vấn đề này…
Tôi làm Chánh Văn phòng, bận suốt ngày. Một năm phải viết không nhớ nổi bao nhiêu báo cáo, công văn vì thời kỳ đó chưa có ai viết đỡ. Báo cáo, công văn nào cũng gấp gáp, cứ bò ra mà viết cho kịp. Anh Dương thường hay nhắc khéo chứ không bao giờ giục. Báo cáo Tổng kết năm công tác của ngành là mệt và quan trọng nhất nhưng anh Dương chỉ hỏi cậu viết đến đâu rồi, khi nào xong đưa cho tớ sửa nhé. Tôi nói báo cáo dài lắm, sợ anh đọc không hết được. Anh bảo càng dài càng nhiều vấn đề rút kinh nghiệm, hướng dẫn nghiệp vụ càng tốt, chỉ sợ cậu không viết được dài thôi.
Tôi viết xong báo cáo dài hơn 100 trang đưa cho anh hôm trước, cứ nghĩ là phải vài hôm anh mới đọc và sửa xong vì tôi thấy lịch làm việc của anh kín mít rồi. Thế mà hai hôm sau anh gọi tôi lên đưa lại báo cáo có phê bút đỏ “Đã xem, đã sửa”. Tôi hỏi lịch của anh kín mít thế, anh làm lúc nào vậy? Anh Dương bảo đấy là lịch ngày, tớ còn có lịch đêm không công khai .
(Còn nữa)
Nguồn (Tạp chí Tòa án điện tử)