Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học (Phú Yên), nếu như đơn tố cáo nặc mà có nội dung cụ thể tố cáo hành vi tiêu cực, hành vi tham nhũng với nhiều thông tin tốt thì cơ quan chức năng có thể xem xét để xác minh.
Dự kiến tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 14.3), dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) sẽ được trình và cho ý kiến.
Theo báo cáo của Chính phủ, những năm qua, cơ quan Nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh, trong đó gần 60% là tố cáo sai. Trước ý kiến đề xuất Luật quy định giải quyết cả đơn tố cáo nặc danh, Ban soạn dự án Luật tố cáo (sửa đổi) cho rằng như vậy sẽ gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh, sai sự thật thì sẽ không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo.
Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, Luật hiện hành quy định không xử lý đơn nặc danh, nhưng cơ quan tiếp nhận thấy đơn có nội dung cụ thể, chứa đựng nhiều thông tin vẫn có thể kiểm tra xem xét dấu hiệu vi phạm mà đơn tố cáo đã đề cập. "Căn cứ vào nội dung đơn tố cáo người đứng đầu phải có trách nhiệm đưa ra quyết định xử lý hay không, chứ không nên cứng nhắc đơn có danh hay nặc danh" - ông Đạt bày tỏ.
Theo ông Đạt, đối với việc xử lý đơn tố cáo nói chung, luồng ý kiến cho rằng không nên xem xét đơn nặc danh cũng có căn cứ, bởi như thế sẽ phải xử lý nhiều, nhưng với công tác phòng chống tham nhũng thì đơn nặc danh cũng là một căn cứ tốt để nghiên cứu, xem xét. "Thời gian qua, các đơn nặc danh tố cáo tham nhũng gửi tới Cục, chúng tôi đều xử lý. Chúng tôi thấy tuy nhiều đơn nặc danh nhưng chất lượng ngày càng tốt hơn nhiều", ông Đạt cho hay.
Ông Đạt cũng thừa nhận, thời gian qua công tác bảo vệ, giúp đỡ người tố cáo chưa tốt nên nhiều người cũng ngại khi đứng tên tố cáo hành vi tiêu cực, tham nhũng. "Nhiều người có suy nghĩ đứng ra tố cáo "không phải đầu lại phải tai" nên họ ngại, nhất là trong cơ quan chẳng mấy ai dại gì đứng ra đi tố cáo sai phạm của lãnh đạo để bị trù dập" , ông Đạt nói.
Nhìn nhận về việc có nên xử lý cả đơn tố cáo nặc danh không, ông Nguyễn Thái Học - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên cho rằng không nên cứng nhắc.
"Tùy vào từng trường hợp cụ thể, nếu cơ quan chức năng thấy đơn nặc danh mà có nội dung chứa đựng nhiều thông tin để tố cáo hành vi tiêu cực, hành vi tham nhũng, thông qua đó có thể xác minh làm rõ được những dấu hiệu vi phạm thì nên xem xét, xử lý" - ông Học bày tỏ.
Vẫn theo ông Học, với đơn tố cáo nặc danh, nội dung có chất lượng mà không được xem xét, có thể sẽ bỏ phí thông tin bổ ích. "Còn những đơn tố cáo nặc danh nội dung không có thông tin, tố cáo người này, người kia mang tính bôi nhọ thì không nên xem xét" - ông Học nói.
Theo luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), Luật cần có những quy định mang tính nguyên tắc, nhưng trong thực tiễn áp dụng lại cần có những xử lý mang tính linh hoạt. Nếu quy định cơ quan chức năng phải xem xét, giải quyết cả đơn nặc danh thì không thể làm hết, chưa kể đến chuyện lợi dụng gây sách nhiễu. Còn quy định không xử lý đơn nặc danh có thể sẽ bị bỏ phí thông tin có giá trị. Chính vì thế cần phải có quy định mang tính hài hòa.
Mới đây tại phiên họp của Ủy ban Pháp luật Quốc hội để thẩm tra dự án Luật tố cáo (sửa đổi), đa số ý kiến thống nhất cần bổ sung quy định đối với những đơn tố cáo nặc danh nhưng có kèm theo tài liệu, chứng cứ rõ ràng thì các cơ quan liên quan cũng cần xem xét, xử lý.
Theo Danviet