Nhiều địa phương xin chế độ cảnh vệ cho Bí thư, Chủ tịch

"Sau vụ việc xảy ra ở một tỉnh, nhiều địa phương cũng đề nghị Bí thư, Chủ tịch nơi đó cũng thuộc diện được có cảnh vệ" - thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho biết.

Thượng tướng Võ Trọng Việt (Ảnh: VPQH).
Thượng tướng Võ Trọng Việt (Ảnh: VPQH).)

Chiều nay (6.6), Quốc hội thảo luận về một số vấn đề còn có những ý kiến khác nhau của dự thảo Luật cảnh vệ.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật cảnh vệ, một số ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng cảnh vệ (bảo vệ đặc biệt) như: Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao… để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Cũng có ý kiến đề nghị thu hẹp diện đối tượng cảnh vệ chỉ gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và một số vị trí đặc biệt quan trọng liên quan đến an ninh chính trị.

Đề cập đến vấn đề này, ĐB Trịnh Ngọc Thúy (TP.HCM) cho biết, đa số cử tri nơi bà công tác đồng tình và đề nghị bà kiến nghị Quốc hội đưa Chánh án TAND Tối cao vào đối tượng có cảnh vệ.

Từ phân tích địa vị pháp lý của ngành TAND được Hiến pháp quy định cũng như địa vị pháp lý của Chánh án TAND Tối cao, ĐB Thúy khẳng định: "Quy định Chánh án TAND Tối cao vào đối tượng cảnh vệ là hợp lý".

Đồng tình với ý kiến của ĐB Thúy, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng đề nghị Quốc hội xem xét quy định chức danh Chánh án TAND Tối cao là đối tượng cảnh vệ, vì chức danh này bảo đảm được tất cả các yêu cầu cả về mặt chính trị và vai trò trong bộ máy Nhà nước.

"Trong các chức danh được quy định là đối tượng có cảnh vệ có Bí thư T.Ư Đảng. Giả sử đồng chí Chánh án TAND Tối cao không phải là Bí thư T.Ư Đảng thì chắc không phải đối tượng cảnh vệ. Một người đứng đầu cơ quan tư pháp của Nhà nước pháp quyền chẳng lẽ không bằng một đồng chí cấp phó của cơ quan hành pháp? Như vậy chưa tương xứng cả về chính trị và Nhà nước" - ĐB Nhưỡng phân tích.

ĐB Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cũng đề nghị Quốc hội đưa chức danh Chánh án TAND Tối cao vào đối tượng cảnh vệ. "Đây là người đứng đầu của cơ quan tư pháp. Chức danh này được Quốc hội bầu và tuyên thệ trước Quốc hội, vị trí của Chánh án TAND Tối cao có vị trí đặc biệt trong cơ quan tư pháp nên cần thiết phải đưa vào đối tượng cảnh vệ" - ĐB Chính nói.

Phát biểu giải trình tiếp thu, Thượng tướng Võ Trọng Việt cho biết: Liên quan đến đối tượng cảnh vệ, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo để lấy ý kiến và khuynh hướng chung là sẽ giữ nguyên như trước.

Vẫn theo tướng Việt, có ba khuynh hướng, trong đó có khuynh hướng muốn tăng thêm đối tượng cảnh vệ.

"Theo khuynh hướng này đối tượng tăng thêm không chỉ có Chánh án TAND Tối cao mà thêm cả Tổng Kiểm toán Nhà nước, bởi Tổng Kiểm toán là người chống tham nhũng, chống tiêu cực, động chạm đến nhiều vấn đề, nhất là lợi ích nhóm cho nên cần phải được bảo vệ”- tướng Việt nói.

"Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Công an cũng được đề nghị đưa vào diện được cảnh vệ. Ngoài ra, sau vụ việc xảy ra ở một tỉnh (vụ nổ súng bắn Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái năm 2016 - PV), nhiều địa phương cũng đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh cũng nằm trong đối tượng được cảnh vệ" - tướng Việt cho biết.

Theo thượng tướng Võ Trọng Việt, cảnh vệ và bảo vệ là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Cảnh vệ tập trung vào những đối tượng đặc biệt quan trọng. Hiện có 18 đối tượng được cảnh vệ. Dự thảo luật này kế thừa từ Pháp lệnh Cảnh vệ, quá trình thực hiện Pháp lệnh đã tổng kết thấy giữ nguyên 18 đối tượng là cần thiết và phù hợp.

Các đối tượng được cảnh vệ theo dự thảo Luật

Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ;

Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ;

Uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản ViệtNam;

Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam gồm: Người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ; Cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ trên cơ sở có đi có lại;

Khách mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; Khách mời khác theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trên cơ sở có đi có lại.

Theo Danviet

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin