Thực tiễn còn một số trường hợp tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi chưa được Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định bằng các điều luật cụ thể.
Đây là một trong những ý kiến trong buổi lấy ý kiến cho dự thảo sửa đổi thông tư liên tịch số 11/2011 của VKSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ LĐ-TB&XH về hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên tổ chức ngày 27-10.
Cần quy định rõ trường hợp miễn trách nhiệm hình sự
Bà Hoàng Thị Quỳnh Chi, vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học Viện KSND tối cao, cho rằng mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định cụ thể về những trường hợp người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi, tuy nhiên thực tiễn còn một số trường hợp tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi chưa được Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định bằng các điều luật cụ thể.
Bà Chi cho rằng nội dung này sẽ vướng mắc khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi, do đó việc sửa đổi, bổ sung thông tư 01/2011 là cần thiêt.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Bé Tư, viện trưởng VKSND quận 2, nêu nhiều vướng mắc cần phải bổ sung trong thông tư. Vấn đề mấu chốt nhất mà ông nêu chính là quy định miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên vẫn chung chung khi để trong phạm trù “có thể”.
Lấy ví dụ về những vụ án mà bản thân ông cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng cũng không muốn buộc tội các bị cáo, như vụ án các học sinh giật mũ của bạn do trêu đùa, vụ án 2 học sinh rủ nhau cướp xe đạp của bạn cùng xóm… khi xử đều thấy các cháu rất đáng thương nhưng không ai dám miễn trách nhiệm hình sự với các bị cáo.
“Chỉ đến khi vụ cướp bánh mì được thực hiện việc miễn trách nhiệm hình sự thì chúng tôi mới cho rằng đây là căn cứ để các cơ quan có thể ra quyết định miễn trách nhiệm. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể trường hợp nào được miễn để cơ quan tố tụng địa phương có thể áp dụng” - ông Nguyễn Bé Tư nói.
Ngoài ra, ông Bé Tư cũng cho rằng người chưa thành niên phạm tội không còn cha mẹ, không nơi cư trú phải xác định lý lịch và gia đình của họ thì phải thực hiện việc giám sát. Nhưng quy định của thông tư còn chung chung nên chưa được cơ quan tiến hành tố tụng địa phương áp dụng.
Khó khăn khi thu thập chứng cứ trẻ bị xâm hại tình dục
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, Đoàn luật sư TP.HCM, nêu nhiều khó khăn trong việc xác định và thu thập chứng cứ trẻ em bị xâm hại tình dục.
Dẫn chứng cụ thể, bà Liên kể về vụ án một bé đi học bị một đối tượng có hành vi xâm hại tình dục và em phản ứng. Do đó, người này ném em vào đống rơm đang cháy đến 2 lần, bé bò được về nhà báo với người thân và chỉ rõ người ném mình vào đống rơm nhưng cơ quan điều tra không tin vào lời khai của em bé và đình chỉ điều tra vì không xác minh được hung thủ khiến gia đình rất uất ức.
Bởi vậy, bà Liên đề nghị cần quy định rõ về vai trò của người tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại; người giám hộ và người làm chứng. Đặc biệt, bà Liên đề nghị ban soạn thảo nên xem thêm quy định về vai trò, vị trí chức năng bảo vệ trẻ em trong thông tư để các đơn vị này bảo vệ những người dưới 18 tuổi.
Ngoài ra, từ thực tiễn xét xử, bà Phạm Thị Duyên, phó chánh tòa gia đình và người chưa thành niên (TAND TP.HCM) lại cho rằng điều 421 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về việc lấy lời khai “phải thông báo trước”.
Vậy việc thông báo này bằng hình thức gì và căn cứ để lại trong hồ sơ để HĐXX biết rằng việc lấy lời khai đã được thông báo cho luật sư, người đại diện hoặc người bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên.
Tiếp thu những ý kiến của những người làm công tác tố tụng, bà Hoàng Thị Quỳnh Chi cho rằng từ thực tiễn xét xử đến quy định trong luật còn nhiều vướng mắc, do đó việc lấy ý kiến đóng góp nhằm bảo vệ tối đa quyền trẻ em đã được pháp luật thừa nhận và bảo vệ trong các vấn đề tố tụng liên quan đến người chưa đủ 18 tuổi.
Theo Tuoitre