(Pháp lý) - Có thể thấy rất rõ những dấu ấn đổi mới rất căn bản, thể hiện hết quyền năng của Tòa án trong xét xử nhiều đại án hình sự kinh tế thời gian gần đây. Dư luận mong rằng tinh thần đổi mới này cần được nhân rộng, lan tỏa trong toàn ngành Tòa án, để Tòa án thực sự là nơi bảo vệ công lý.
Còn nhớ, ngay từ những ngày đầu điều tra vụ án xảy ra tại Oceanbank, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Hà Văn Thắm về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Sau đó, căn cứ các kết quả có được từ mở rộng điều tra vụ án, ngày 19/5/2017, Cơ quan điều tra ra quyết định bổ sung khởi tố vụ án, quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với một số bị cáo về tội “Tham ô tài sản” theo Điều 278 BLHS. Đầu tháng 9/2017, đại án được đưa ra xét xử (giai đoạn 1). Trong quá trình tố tụng tại tòa, nhiều quyết định tố tụng “bất ngờ” mạnh mẽ tiếp theo được Hội đồng xét xử (HĐXX) ban bố thể hiện quyết tâm của các cơ quan tố tụng xử lý đến cùng các hành vi phạm tội, không bỏ lọt tội phạm.
Tuy tòa án không là cơ quan trực tiếp ra quyết định khởi tố vụ án hình sự (theo quy định tại Điều 13 BLHS) nhưng qua xét hỏi, tranh tụng tại tòa đã làm rõ thêm hành vi có dấu hiệu của tội phạm, giúp cơ quan cảnh sát điều tra nhanh chóng ra thêm các quyết định tố tụng.
Một ví dụ rõ nhất là bị can Ninh Văn Quỳnh, nguyên phó tổng giám đốc PVN trước đó đã bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế”. Chỉ sau ít ngày điều tra mở rộng vụ án, ngày 13/9, bị can này lại nhận thêm Quyết định khởi tố bổ sung với tội danh "lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản".
Liên quan đến hành vi góp 800 tỷ đồng (chiếm 20% cổ phần của Oceanbank), từ những lời khai mới tại tòa, cơ quan điều tra đã khởi tố một số nguyên lãnh đạo PVN để điều tra hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Sau bản án sơ thẩm, tòa án còn tiếp tục kiến nghị điều tra làm rõ hành vi của các cá nhân, tổ chức liên quan đến việc góp vốn và quản lý nguồn vốn góp của PVN tại Oceanbank để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Điều 225, BLTTHS 2003 quy định, Tòa án có quyền kiến nghị sửa chữa những khuyết điểm trong công tác quản lý của các cơ quan đơn vị. Bản án sơ thẩm của TAND thành phố Hà Nội khi tuyên xử vụ Oceanbank cũng thể hiện rõ sự vận dụng này. Cụ thể, Tòa kiến nghị Chính phủ xem xét, đánh giá lại việc mua lại 0 đồng một số tổ chức tín dụng (trong đó có OceanBank) cho phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Như vậy là chỉ một thời gian ngắn, với quyết tâm cao trong điều tra, xử lý các hành vi phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là tòa án đã có nhiều hoạt động đột phá là khởi nguồn của nhiều quyết định tố tụng quan trọng, công phá vào thành lũy của tội phạm. Đồng thời, Tòa án phát huy vai trò đóng góp quan trọng bảo vệ nền pháp chế XHCN. Điều đó hoàn toàn phù hợp với BLTTHS hiện thời, và các quy định về thẩm quyền, nhiệm vụ của tòa án tại Điều 2 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014.
Một dẫn chứng khác về đổi mới trong công tác xét xử của Tòa, đó là công tác xét xử đại án xảy ra trong ngành Dược – đại án VN Pharma. Trong quá trình tố tụng đại án này, người ta lại được thấy nhiều quyết định tố tụng bất ngờ mà TAND Cấp cao vận dụng, thể hiện sự độc lập cao trong xét xử, thể hiện sự đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm. Tháng 8/2017, sau khi đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, TAND TP HCM đã tuyên phạt cựu Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm Võ Mạnh Cường cùng mức án 12 năm tù về tội “Buôn lậu”. Những bị cáo liên quan lần lượt phải nhận từ 2 năm tù (cho hưởng án treo) đến 5 năm tù về tội “Buôn lậu” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Ngay khi nhận được bản án, Viện kiểm sát cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã “kiên quyết” kháng nghị bản án sơ thẩm. Theo kháng nghị, cấp sơ thẩm chưa đánh giá đúng bản chất toàn diện vụ án và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Viện kiểm sát đánh giá đây là tổ chức làm giả con dấu, hồ sơ, giấy tờ rất tinh vi, có sự phân công cụ thể trong đó Hùng và Cường đóng vai trò rất quan trọng. Đại diện Viện kiểm sát còn khẳng định, điểm gây nhiều tranh cãi trong vụ án là lô thuốc H-Capita 500mg do công ty VN Pharma nhập về là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng cần làm rõ để xác định hành vi của các bị cáo là buôn lậu hay buôn bán thuốc giả. Đồng thời, theo nội dung kháng nghị, quá trình xét hỏi cho thấy Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho VN Pharma nhập khẩu lô thuốc cũng có nhiều sai phạm khi đơn vị này tham gia giám định chính lô hàng mình cấp phép. Kháng nghị còn yêu cầu điều tra làm rõ số tiền 7,5 tỉ đồng mà các bị cáo khai chi hoa hồng cho những ai? Trên cơ sở đó, Viện kiểm sát cấp cao tại TP Hồ Chí Minh yêu cầu HĐXX tuyên hủy án để điều tra lại vụ án.
Ngày 19/10, đại án VN Pharma được đưa ra xét xử phúc thẩm. Theo dự kiến, sau 5 ngày xét xử và nghị án, ngày 23/10, HĐXX sẽ đưa ra phán quyết. Nhưng chiều ngày 23/10, ngay khi trở lại hội trường xử án, TAND Cấp cao tại TP HCM bất ngờ quay trở lại phần xét hỏi vì lý do đây là vụ án phức tạp và có nhiều tình tiết chưa được làm rõ: quy trình nhập khẩu thuốc; hồ sơ nhập khẩu thuốc trình cơ quan chức năng; những cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thương vụ mua bán hàng hóa; số tiền 7,5 tỉ đồng chi “hoa hồng” cho bác sĩ và kết luận giám định thuốc… Quyết định trở lại xét hỏi ngay “trước thềm" tuyên án của Tòa án cấp phúc thẩm phù hợp với các quy định tại điều 223 (BLTTHS 2003) về trở lại việc xét hỏi và tranh luận: “Qua việc nghị án, nếu thấy có tình tiết của vụ án chưa được xét hỏi hoặc xét hỏi chưa đầy đủ thì HĐXX quyết định trở lại việc xét hỏi và tranh luận”. Điều đó thể hiện sự độc lập, kĩ lưỡng, cẩn trọng của Tòa án trước khi đưa ra các quyết định xét xử vụ án. Và việc TAND Cấp cao quyết định tuyên hủy án của cấp sơ thẩm để điều tra, xét xử lại, không chỉ tỏ rõ sự độc lập trong xét xử của các cấp tòa, mà còn cho thấy đó là quyết định rất sáng suốt.
Cũng tại phiên tòa VN Pharma ngày 23/10, Tòa án cấp phúc thẩm đã ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam 90 ngày đối với Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường – những bị cáo vốn đang được tại ngoại. Biện pháp ngăn chặn được xem là công cụ hữu hiệu phục vụ quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Mặc dù pháp luật không hạn chế quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn của Tòa án cấp phúc thẩm nhưng xuất phát từ ý nghĩa trên đây của loại biện pháp này, phần lớn các biện pháp ngăn chặn nếu được tòa án cấp sơ thẩm áp dụng ngay từ những ngày đầu thụ lý giải quyết vụ án. Do đó, trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn tại cấp xét xử thứ hai như trong vụ án VN Pharma thực sự khiến nhiều người giật mình nhưng điều đó thể hiện sự nghiêm minh, sức mạnh của pháp luật.
Có thể thấy rất rõ những dấu ấn, đổi mới rất căn bản, rất bản lĩnh, thể hiện hết quyền năng của Tòa án trong xét xử nhiều đại án gần đây.
Trao đổi với chúng tôi về những tín hiệu vui từ công tác tố tụng (đặc biệt là công tác xét xử của Tòa án) trong nhiều đại án gây nhức nhối dư luận thời gian qua, Luật sư Phạm Quang Biên - Tổng Giám đốc hãng Luật IMC kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn IMC đồng tình: Đây là những bước tiến cải cách mạnh mẽ của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự. Trong vụ Oceanbank, nhận thấy cơ quan điều tra rất quyết liệt trong quá trình điều tra, sẵn sàng bổ sung, thậm chí thay đổi các quyết định đã ban hành trước đó để phù hợp với sự thật khách quan của vụ án, để xử lý đúng người, đúng tội. Ở khâu tố tụng các vụ án gần đây, đều thấy Viện kiểm sát và Toà án rất khách quan, độc lập trong quá trình thu thập, đánh giá chứng cứ và tôn trọng tối đa quyền tranh luận của các bên. Trong các vụ án hình sự, việc thu thập và đánh giá chứng cứ là những yếu tố cực kỳ quan trọng để định khung và định tội danh. Các vụ án nói trên đều đã làm tốt công tác này.
Với những “tín hiệu vui” đó, Tổng Giám đốc hãng Luật IMC cũng cho rằng, bằng sự nỗ lực, quyết tâm của hệ thống cơ quan tư pháp, BLTTHS 2015 với nhiều điểm mới tiến bộ, tới đây được đưa vào thi hành, kỳ vọng sẽ đem đến những đổi mới tích cực đối với nền tư pháp nước nhà. Đặc biệt, là người trực tiếp tham gia bảo vệ quyền lợi cho thân chủ trong nhiều vụ án, ông Phạm Quang Biên thẳng thắn chia sẻ góc nhìn: “Thực tiễn tham gia bào chữa cho tôi thấy, tinh thần cải cách của các cơ quan tư pháp phía Nam có phần mạnh mẽ hơn so với cơ quan tư pháp phía Bắc…”. Chia sẻ của Luật sư Phạm Quang Biên phải chăng cũng là ý kiến của nhiều chuyên gia khác trong giới Luật, là điều cần lưu tâm khi chiến lược cải cách tư pháp đang ngày một lan tỏa sâu rộng.
Hải Vân