Thời gian gần đây, công an các đơn vị địa phương trên cả nước nhận được nhiều đơn trình báo của người dân về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi tham gia cộng tác bán hàng trên mạng. Đây là một trong những hình thức lừa đảo mới mà các đối tượng phạm tội đánh vào tâm lý của những người dân thích chủ động trong công việc, tìm kiếm thêm thu nhập trong thời điểm kinh tế gặp khó khăn. Các đối tượng còn tự chủ động tạo ra những trang website dạng sàn thương mại điện tử có giao diện rất giống so với các trang thương mại điện tử chính thống để dẫn dụ các bị hại nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn phổ biến mà các đối tượng phạm tội sử dụng là giả mạo là nhân viên của các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo,... và thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo,... hoặc tin nhắn để đăng tuyển CTV bán hàng online với yêu cầu tuyển dụng phải có điện thoại hoặc máy tính và đặc biệt là phải có tài khoản ngân hàng. Sau khi trao đổi và người có nhu cầu tìm việc làm liên hệ, các đối tượng hướng dẫn CTV thực hiện đặt mua hàng online để tăng tương tác cho các gian hàng. Đồng thời, yêu cầu CTV phải thanh toán đơn hàng trước rồi sẽ được nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu hoa hồng. Giai đoạn này, các đối tượng tập trung đánh vào sự nhẹ dạ, cả tin và lòng tham của con người với những thông tin đưa ra đơn giản mà hấp dẫn “chỉ cần đăng bài”, “được hỗ trợ hoàn hàng”,... với “mồi nhử” cũng hấp dẫn không kém như mua hàng trực tiếp nhưng không nhận hàng, việc mua hàng sẽ được thực hiện chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng do các đối tượng lừa đảo cung cấp; mỗi lượt mua hàng thành công sẽ được hưởng hoa hồng từ 10 đến 20% số tiền gốc của mỗi đơn hàng.
Đối với những đơn hàng có giá trị nhỏ đầu tiên, CTV sẽ được thanh toán kèm theo hoa hồng như đã hứa. Thấy việc kiếm tiền quá dễ dàng, CTV dần dần bị “say mồi” rồi tìm đủ mọi cách để vay mượn tiền của người thân và bạn bè để đặt mua những đơn hàng có giá trị lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng với suy nghĩ duy nhất là đầu tư càng nhiều thì lợi nhuận đem lại càng lớn. Biết “cá” đã cắn câu, lúc này, sau khi xử lý đơn hàng, đối tượng phạm tội không chuyển lại tiền và hoa hồng nữa mà tiếp tục yêu cầu CTV phải thực hiện thêm các đơn hàng khác mới được chuyển lại tiền và hoa hồng. Với tâm lý muốn nhận lại tiền, lại tin vào lời hứa số tiền chuyển vào sẽ được hoàn trả nên nhiều người liên tục chuyển tiền cho các đối tượng cho đến khi không còn khả năng chuyển tiếp và nhận ra bản thân mình đã bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản lúc nào không hay. Sau khi nhận được tiền từ CTV, các đối tượng phạm tội tẩu tán tiền trong tài khoản và cắt đứt liên lạc với nạn nhân. Do các đối tượng phạm tội không có địa chỉ thực tế cộng với việc các đối tượng thường sử dụng thông tin là tài khoản Facebook, Zalo ảo, sim rác,... khi liên hệ với nạn nhân nên rất khó khăn cho việc truy tìm của các cơ quan chức năng.
Qua nghiên cứu từ thực tiễn, có thể kể đến một số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng dưới hình thức tuyển CTV online xảy ra trong thời gian qua được các bị hại chia sẻ lại như sau:
Vụ việc thứ nhất, anh N.Đ.H ở huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam đọc được thông tin trên mạng về việc công ty Sendo tuyển dụng lao động, hình thức chuyển tiền qua thẻ ATM với nội dung “Ứng viên quan tâm chủ động kết bạn qua Zalo và liên hệ qua tin nhắn theo số điện thoại 0924496362, 0924787665 để được mô tả công việc”. Do nhu cầu cần việc làm, nên anh H đã chủ động nhắn tin và được tư vấn: “Hiện tại Sendo đang tìm CTV để duyệt các đơn hàng, mỗi đơn hàng sẽ nhận được 20% lợi nhuận. Khách đặt hàng qua app Sendo chính thống, nhiệm vụ chốt đơn hàng, đủ 5 đơn thì được rút tiền một lần. Muốn vậy, thì chuyển vốn vào tài khoản”. Sau khi anh H nhắn tin hỏi cách thức làm CTV, các đối tượng gửi một loạt thông tin giới thiệu về địa chỉ trụ sở công ty, số điện thoại của nhân viên chăm sóc khách hàng, quản lý, giám đốc và yêu cầu gửi thông tin cá nhân, kết bạn Zalo để trao đổi, tư vấn. Sau khi anh H nhận làm “CTV mua bán hàng”, đối tượng gửi một đường link sản phẩm thật trên các sàn thương mại điện tử yêu cầu tạo đơn hàng và thanh toán, sau đó “hệ thống” sẽ hoàn tiền, kèm theo hoa hồng. Anh H được yêu cầu chuyển tiền vào số tài khoản do đối tượng cung cấp và yêu cầu nộp vốn càng nhiều thì đơn hàng càng lên. Anh H đã tin tưởng nộp tổng cộng 3 lần với số tiền 17 triệu đồng. Sau khi nộp tiền xong, các đối tượng đã chủ động cắt đứt liên lạc với anh H nhằm chiếm đoạt số tiền mà anh H đã chuyển.
Vụ việc thứ hai, ngày 10/3/2022, chị Đặng Thị Thu Huyền sống tại Cà Mau đã tới cơ quan công an làm đơn tố giác về việc mình bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nội dung đơn tố giác cho thấy chị Huyền đã được một người bạn làm cùng công ty cũ giới thiệu công việc làm qua app. Sau đó, chị đã kết bạn với số điện thoại của một người tự xưng là “chuyên viên” có tên là Vũ Văn Lâm để được tư vấn.
Người này cho biết mục đích công việc của CTV là giúp DOJI Group (Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI) quảng bá hình ảnh, tăng lượt đăng ký và tải xuống để nhiều người biết đến công ty hơn. Thực tế, các đối tượng này đã mạo danh nhân viên, tư vấn viên của Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI nhằm mục đích lừa đảo nhiều người “sa bẫy”. Trước đó, CTV được yêu cầu tải app để đăng ký tài khoản làm nhiệm vụ cùng với số vốn đặt cọc ban đầu là 150.000 đồng và lời hứa hẹn có siêu lợi nhuận là 30% hoa hồng. Sau khi đăng ký thành công, “chuyên viên” này hướng dẫn chị Huyền vào “Nhóm giật đơn” và “Nhóm chủ đạo đầu tư” trong ứng dụng Doji để gặp người phụ trách là Lê Văn Quyết.
Theo hướng dẫn của đối tượng Lê Văn Quyết, chị Huyền đã lần lượt chuyển khoản theo từng nhiệm vụ. Ban đầu, đối tượng này đề ra nhiệm vụ chuyển khoản vài trăm nghìn, sau 5 phút CTV sẽ nhận lại được tiền gốc cùng với 30% chiết khấu hoa hồng.
Để tạo lòng tin tuyệt đối cho CTV, đối tượng này tiếp tục nâng nhiệm vụ lên từ 1 triệu - 10 triệu đồng. Sau 4 nhiệm vụ đầu tiên, chị Huyền nhận được gần 4 triệu đồng tiền lãi. Vì thế đến nhiệm vụ thứ 5 “Nạp 100 triệu VNĐ để nhận về 150 triệu VNĐ”, chị không ngần ngại chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng trên.
Sau đó, đối tượng Lê Văn Quyết mời nạn nhân tham gia vào nhóm chat zalo “Đơn VIP 100 triệu - 200 triệu”. Điều đáng nói, 4 thành viên trong nhóm zalo này đều là đồng phạm cùng dàn xếp kịch bản với nhau, đóng giả làm CTV trong hội nhằm tạo niềm tin cho nạn nhân.
Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản 100 triệu, chị Huyền lại nhận được yêu cầu cần nạp thêm 200 triệu với lý do “trong quá trình thực hiện xảy ra lỗi”. Vì không đủ tiền, đối tượng Vũ Văn Lâm yêu cầu chị đặt cọc 40 triệu đồng để giữ lại nhiệm vụ. Sau đó, chị Huyền đã nhờ chồng chuyển nốt số tiền 160 triệu đồng còn lại. Sau khi chuyển hoàn tất, chị Huyền thực hiện rút tiền trên ứng dụng Doji thì không thành công. Khi ấy, tìm hiểu kỹ chị Huyền mới biết Doji không có bất cứ một đợt tuyển CTV nào.
Vụ việc thứ ba, chị V.T.N.H trú tại xã Chư Á, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai đã làm đơn trình báo đến cơ quan công an về việc mình bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền là 765 triệu đồng khi làm CTV bán hàng online. Cụ thể, cuối tháng 02/2022, chị H khi đang đọc tin tức trên mạng xã hội, thấy tin đăng tuyển CTV cho một sàn thương mại điện tử nên đã nhắn tin cho nhà tuyển dụng để tìm hiểu về công việc và được biết nhiệm vụ là đặt các đơn hàng ảo trên một số sàn thương mại điện tử để thu hút người mua hàng.
Theo đó, dù không có nhu cầu mua hàng, chị H phải đặt hàng và thanh toán tiền. Số tiền này được cam kết hoàn trả kèm theo hoa hồng từ 8 đến 20%. Các đối tượng sẽ gửi cho H một đường link sản phẩm có giá tiền ở trong đó. Chị H sẽ giả vờ đặt hàng và chuyển số tiền ghi sẵn trong đó vào một số tài khoản khác. Ví dụ món hàng có giá trị hơn 500.000 đồng thì chị sẽ chuyển tiền vào số tài khoản đó. Sau khi chuyển tiền xong từ từ 3 đến 5 phút, các đối tượng hoàn tiền lại cho chị H bao gồm tiền gốc và tiền hoa hồng. Tùy vào từng món hàng, có món thì được 8%, món 10%, món 20% hoa hồng.
Ban đầu để tạo lòng tin, khi hoàn thành đơn hàng, chị H nhận được tiền gốc và tiền hoa hồng theo thỏa thuận. Tuy nhiên, khi chị nộp số tiền lớn để đặt thêm số lượng hàng nhiều, thì các đối tượng liên tục đưa ra nhiều lý do khác nhau để yêu cầu chị mua thêm hàng. Số tiền đầu tư mà chị H bỏ ra lên tới hơn 765 triệu đồng để mua hàng. Vì cả tin nên H phải vay mượn của bạn bè, người quen hy vọng lấy lại được cả vốn lẫn hoa hồng. Tuy nhiên, sau quá nhiều lần liên hệ không thể rút được tiền mà bị yêu cầu nạp thêm, chị mới nhận ra mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Ba vụ việc nêu trên là ba trong số rất nhiều vụ việc có dấu hiệu của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức tuyển CTV online xảy ra trong thời gian qua. Để tránh trở thành người bị hại trong các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng dưới hình thức tuyển CTV online, mỗi người dân cần:
Thứ nhất, nêu cao tinh thần cảnh giác với những lời mời chào tuyển làm CTV bán hàng online đối với các tài khoản Facebook, Zalo ảo, không chính chủ, hay tin nhắn từ những sim điện thoại rác; không nên tham gia đầu tư, mua bán trên mạng hoặc chuyển tiền cho những tài khoản không quen biết. Khi làm CTV cho bất kỳ đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ hay sàn thương mại điện tử nào thì cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp để kiểm chứng tính chính xác tránh để đối tượng lừa đảo lợi dụng.
Thứ hai, thường xuyên chia sẻ, cảnh báo với người thân, bạn bè và mọi người xung quanh về những phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng dưới hình thức tuyển CTV online.
Thứ ba, khi phát hiện bản thân gặp lừa đảo hoặc thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân nên ngay lập tức báo với cơ quan công an, có thể báo trực tiếp hoặc liên hệ qua đường dây nóng của lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; lực lượng Cảnh sát hình sự của công an các đơn vị địa phương để được hướng dẫn, giải quyết và để cho cơ quan công an nhanh chóng xác minh ngăn chặn và xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật. Ngoài việc trình báo với cơ quan công an, người bị hại còn có thể thông tin, trình báo tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng dưới hình thức tuyển CTV online trên trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam có địa chỉ https://canhbao.ncsc.gov.vn/#!/./.