Nhận diện “ Cách mạng màu” và các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn , đấu tranh

Từ những năm 50, các nước Xã hội chủ nghĩa đã đề cập đến âm mưu “diễn biến hòa bình” và coi đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” là một trong những nội dung quan trọng để bảo vệ thành quả, sự nghiệp Chủ nghĩa xã hội. Tới nay, cùng với các nguy cơ đã được Đảng chỉ ra, âm mưu “diễn biến hòa bình” vẫn đang tồn tại, thậm chí có phần gay gắt, phức tạp hơn khi chuyển thành hình thức “Cách mạng màu” trong thế kỷ XXI.
1-1729761008.jpg

Các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch, phản động. (Ảnh: VTV)

“Cách mạng màu” (Colour revolution) là thuật ngữ chỉ các cuộc bạo loạn phi vũ trang, bạo lực chính trị có tính chất nhằm lật đổ chính quyền nhà nước đương nhiệm, đồng thời lập ra bộ máy cầm quyền mới của lực lượng đối lập được các thế lực phản động hậu thuẫn. Gọi là cách mạng nhưng “Cách mạng màu” như đây là phi Cách mạng vì trái ngược với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng xã hội “Bản chất cách mạng là lật đổ chế độ cũ lỗi thời, xây dựng chế độ mới tiến bộ hơn, vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là cách mạng xã hội biến đổi có tính bước ngoặt và căn bản về chất trong toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội, là phương thức chuyển từ một hình thái kinh tế - xã hội lỗi thời lên một hình thái kinh tế - xã hội mới có trình độ phát triển cao hơn”. Nhưng ở đây các thế lực của “Cách mạng màu” đánh tráo khái niệm khi lẫn lộn giữa cách mạng xã hội với cái gọi là “cách mạng màu”, nhằm tác động để phức tạp hóa các vấn đề trên lĩnh vực của đời sống xã hội (tôn giáo, dân tộc, khiếu kiện, tranh chấp đất đai, vấn đề tham nhũng, hiện tượng tiêu cực, mâu thuẫn cục bộ) từ đó gây ra các hành động biểu tình, gây bạo loạn chính trị.

“Cách mạng màu” góc nhìn từ thế giới:

Nhìn ra Thế giới, chúng ta dễ dàng nhìn thấy các bất ổn chính trị ở nhiều Quốc gia và cùng Lãnh thổ từ cuối thế kỷ XX và từ đầu thế kỷ XXI cho đến nay đa phần đều bắt nguồn từ “Cách mạng màu” dưới bàn tay vô hình của Mỹ và Phương Tây cùng chiêu bài “dân chủ” để khai thác những bất ổn, phóng đại hóa các vấn đề của những Quốc Gia mà Mỹ và Phương Tây chọn làm mục tiêu.

“Cách mạng màu” với nhiều tên gọi khác là cách mạng nhung, đường phố, cam, hoa hồng, hoa tulip, hạt dẻ,… xuất hiện lần đầu tiên với cách mạng Vàng ở Philippines từ năm 1983, Cách mạng Nhung ở Tiệp Khắc năm 1989, cách mạng Đường phố ở Nam Tư năm 2000, cách mạng Cam ở Ukraina năm 2004 và 2014, , cách mạng cây Tuyết Tùng ở Libang năm 2005, cách mạng Xanh ở Iran năm 2009, cách mạng hoa Sen ở Ai Cập từ năm 2011, cách mạng màu ở khu vực Trung Đông Bắc Phi (còn gọi là Mùa xuân Ả rập, gồm: Libya, Syria, Angieri, Yemen, Maroc, Iraq...) và những diễn biến chính trị gần đây tại Thái Lan, Campuchia, Mianmar, Indonesia… cho thấy bản chất nguy hiểm từ sự can dự của các thế lực phương Tây vào tình hình nội bộ các nước có chủ quyền, gây ra bất ổn chính trị kéo dài, ly khai dân tộc nhằm tìm mọi cách thay thế chính quyền hiện tại.

Các Quốc Gia nào được Mỹ và Phương Tây chọn là mục tiêu trong “Cách mạng màu”:

Có rất nhiều lý đó để Mỹ và Phương Tây chọn một Quốc gia làm mục tiêu cho “cách mạng màu”, bài viết này tập trung phân tích vào hai tiêu chí được xem là trọng yếu để Mỹ và Phương Tây lựa chọn:

Thứ nhất, vị trí địa chính trị của các Quốc gia. Như đánh giá ở trên, bước sang thế kỷ XXI mặc dù Mỹ và Phương Tây không còn chịu sự đối đầu trực tiếp từ Liên Xô và các nước Đông Âu, nhưng vẫn chịu sự cạnh tranh và đe dọa gay gắt từ các Quốc gia mới nổi hay đang trong quá trình tìm lại vị thế vốn có của mình (Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran…). Mỹ và Phương Tây hiểu rằng không thể can thiệp trực tiếp bằng quân sự hay gián tiếp vào tình hình chính trị - kinh tế của các Quốc gia trên, đơn giản vì họ có đủ tiềm lực để đánh bật mọi sự can thiệp. Vì vậy, Mỹ và Phương Tây lựa chọn tìm kiếm các đồng minh xung quanh các Quốc gia này để tạo thế bao vây chính trị (Ví dụ: Trung Quốc đang bị bao vây bởi các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan…) hoặc tạo ra các cuộc xung đột, bất ổn chính trị tại các vùng lãnh thổ lân cận để kiềm hãm sự phát triển của các Cường Quốc mới. Minh chứng cho các bất ổn chính trị tại Banglades, Myanmar vì 2 quốc gia trên nằm giữa 2 Cường quốc mới nổi là Trung Quốc và Ấn Độ; các cuộc “cách mạng màu” tại Trung Đông cũng với mục đích làm suy yếu Iran; hay rõ nét hơn là xung đột Nga – Ukraina đã ngăn chặn sự lớn mạnh không ngừng của Nga trong 2 năm gần đây.

Thứ hai, Mỹ và Phương Tây hướng tới các Quốc gia giàu nguồn tài nguyên (chủ yếu là dầu mỏ) để tiếp tục cũng cố và sự chi phối kinh tế của Mỹ trên thị trường thế giới (Libya, Iraq, Venezuela…).

Từ hai tiêu chí trọng yếu nêu trên, chúng ta cũng phần nào hiểu rõ tại sao Việt Nam luôn là mối quan tâm lớn trong chiến lược ngoại giao của các Cường quốc trên thế giới, vì Việt Nam hội tụ đủ cả 2 tiêu chí trên khi vừa là Quốc gia sát cạnh Trung Quốc, là cửa ngõ cuối cùng mà Trung Quốc có thể hướng biển, có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên dồi dào đặc biệt là “Đất hiếm”, trữ lượng “Đất hiếm” tại Việt Nam theo công bố của cục khảo sát địa chất Mỹ là khoảng 22 triệu tấn (đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc), đây là khoáng sản vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao như điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn. Vì vậy, trong công tác ngoại giao điều hành, Đảng ta luôn thể hiện sự sáng suốt để không biến Việt Nam trở thành Ukraina thứ 2 trên bản đồ thế giới.

Sau đây, bài viết phân tích sâu vào “Cách mạng Cam” tại Ukraina để làm rõ hơn chiêu bài của Phương Tây đối với bất ổn tại Ukraina từ năm 2004 đến nay và là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến cuộc chiến chưa hồi kết giữa Nga- Ukraina:

- Những bất ổn chính trị ở Ukraina chính là minh chứng cho thấy rõ thủ đoạn và những ảo tưởng được xây dựng từ "cách mạng màu". Diễn biến từ khủng hoảng chính trị qua 3 vòng bầu cử Tổng thống, chủ yếu giữa hai ứng cử viên là Thủ tướng Vichto Yanukovich và thủ lĩnh phe đối lập Yusenko chủ trương hướng đất nước về phía Tây với sự gia nhập EU và NATO. Khi kết quả bầu cử vòng hai được công bố thắng cử thuộc về Yanukovich với 49,42% số phiếu bầu, nhiều hơn ứng cử viên đối lập 3%. Ngay lập tức, ông Yusenko tuyên bố gian lận bầu cử và kêu gọi xuống đường biểu tình. Và tất nhiên Washington tuyên bố không công nhận kết quả và đe dọa các hành động tiếp theo. Ngay sau đó, các nước phương Tây như Đức, Hà Lan, Canada tuyên bố có gian lận trong bầu cử tại Ukraina. Ngày 26/12/2004, cuộc bầu cử vòng ba được tiến hành dưới sự giám sát của 13 ngàn quan sát viên quốc tế. Sau đó, Ủy ban bầu cử Ukraina tuyên bố phe đối lập Yusenko thắng cử với 51,94% số phiếu bầu. Sau cuộc “Cách mạng cam” thay vì được hưởng các quyền tự do, dân chủ như Phương Tây hứa hẹn, nhân dân Ukraina đã và đang trãi qua những đêm dài ác mộng của con đường mình lựa chọn: 46 triệu dân Ukraina phải trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội “đen tối của lịch sử nước này”, với chỉ số báo động: Năm 2008 - 2009, GDP của nước này giảm 15%; lạm phát tăng 16,4%; thu nhập thực tế của người dân giảm gần 11%, số thất nghiệp tăng gấp ba. Những vấn đề xã hội bức xúc xảy ra như: xung đột vùng miền, chia rẽ sắc tộc, bạo lực, trả thù cá nhân, chính sách xã hội không thực thi hiệu quả… và đỉnh cao là cuộc chiến nổ ra giữa chính quyền thân Phương Tây của ông Zelenky và Nga.

- Có thể thấy, Ukraina là quốc gia chịu ảnh hưởng của Nga, lại theo đuổi chính sách thân phương Tây nhưng không nhất quán, thậm chí dàn dựng "cách mạng màu" để gánh lấy hậu quả nghiêm trọng cho người dân. Các lực lượng bên ngoài đã chuẩn bị kịch bản rất kỹ lưỡng cho việc biểu tình, kích động và lôi kéo mỗi người xuống đường biểu tình nhận từ 5 - 30 USD/ngày. Do đó, phe đối lập đã lôi kéo một lực lượng lớn, chủ yếu là thanh niên, sinh viên tham gia biểu tình. Niềm hy vọng “dân chủ, tự do” theo Mỹ và phương Tây biến thành sự thất vọng tràn trề, bởi sự nghèo đói, chết chóc của người dân Ukraina. Ukraina và các Quốc gia nhỏ chỉ là quân cờ trong bàn cờ của các Cường quốc, nếu không có trong tay độc lập về chính trị, đây cũng là bài học xương máu đã được Việt Nam đúc kết qua hàng chục năm dựng nước và giữ nước.

Nhận diện “ cách mạng màu” tại Việt Nam:

Thực ra “Cách mạng màu” tại Việt Nam đã hình thành dưới hình thức “Diễn biến hòa bình” ngay sau ngày thống nhất đất nước năm 1975. Sau thời điểm trên, cuộc chiến tại Việt Nam không còn trên chiến trường hay trên bàn đàm phán mà là cuộc chiến giữa Chính quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hoạt động chống phá, khủng bố, lôi kéo bạo loạn của các thế lực thù địch.

Sau khi Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, hoạt động “Diễn biến hòa bình” dần biến tướng thành “Cách mạng màu” dưới bàn tay hỗ trợ tài chính của các thế lực phi chính phủ tại Mỹ và Phương Tây nhằm khai thác các vấn đề nhạy cảm trong nước (Tôn giáo, dân chủ, chủ quyền…) để kích động biểu tình gây tiếng vang trên thế giới. Một loạt các sự kiện diễn ra đã cho thấy tính manh động và có tổ chức của “Cách mạng màu” tại Việt Nam:

- Năm 2014, mượn cớ giàn khoan HD981 của Trung Quốc khoan trắc dầu trái phép trên vùng biển Việt Nam, các tổ chức phản động trong ngoài nước đã kích động người dân xuống đường biểu tình tại Đại sứ quán Trung Quốc, các địa điểm trọng yếu tại TPHCM và các tỉnh thành khác. Nghiêm trọng hơn, các nhóm biểu tình kích động đập phá tài sản của các Công ty Trung Quốc đang đầu tư và phát triển tại Việt Nam.

- Năm 2016, dưới danh nghĩa bảo vệ môi trường sau sự cố môi trường biển do công ty Formosa gây ra, các đối tượng đã kích động một số cuộc tụ tập đông người có hành vi bạo lực vi phạm pháp luật dưới chiêu bài “vì môi trường, chống Công ty Formosa Hà Tĩnh”.

- Năm 2018, một kịch bản thâm độc lại lập lại khi các thế lực thù địch lợi dụng cái cớ là phản đối dự thảo Luật Đặc Khu kinh tế, tại tỉnh Bình Thuận xảy ra vụ việc lôi kéo kích động người dân tụ tập đông người trái phép, gây rối an ninh, trật tự, chống người thi hành công vụ, cố ý huỷ hoại tài sản, đập phá trụ sở cơ quan công quyền.

- Năm 2019, tổ chức khủng bố “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” có trụ sở tại Mỹ do Đào Minh Quân - quốc tịch Mỹ cầm đầu, chỉ huy đã lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin bằng cách tổ chức chiến dịch trưng cầu dân ý, “vẽ” ra nhiều dự án cùng những lời hứa hẹn sẽ cấp đất, xây nhà để đánh vào lòng tham của một số người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết…

- Ngày 11/6/2023 vụ khủng bố tại xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng con người, ảnh hưởng xấu tới an ninh, trật tự tại địa phương, và kéo theo nhiều hệ lụy trong xã hội, nhất là tư tưởng của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số bị lung lay, mất niềm tin vào chính quyền cơ sở.

Có thể thấy rõ dù các sự kiện diễn ra các những thời điểm và ở các địa điểm khác nhau nhưng đều có chung các đặc điểm sau:

- Đối tượng  mà chủ mưu “Cách mạng màu” nhắm vào là người dân có nhận thức thấp, hám lợi ích trước mắt, đội ngũ sinh viên học sinh, tri thức còn non nớt trong lập trường chính trị.

- Các cuộc biểu tình, bạo loạn luôn có bàn tày vô hình từ các tổ chức phi chính phủ ngoài Việt Nam hỗ trợ tài chính và đào tạo lôi kéo nhân sự trong thời gian dài.

- Luôn dựng lên các ngọn cờ “Dân chủ”, “Tôn giáo”, “Chủ quyền”… để kích động biểu tình, bạo loạn.

Giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống lại “Cách mạng màu”:

Thứ nhất: củng cố xây dựng hệ thống chính trị cở sở vững mạnh về lập trường chính trị. Không ngừng đào tạo nội bộ để chống lại “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, đây là nguyên nhân và bài học đắt giá từ sự sụp đổ của Đảng Cộng Sản Liên bang Xô Viết để lại cho chúng ta. Như đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu ra tại các hội nghị trong và ngoài nước “Trong chiến tranh, dứt khoát phải giành lấy hòa bình; còn trong hòa bình luôn nghĩ tới có lúc có chiến tranh". Các tổ chức Đảng luôn phải xem cuộc chiến chống “Cách mạng màu” không phải là cuộc chiến ngày một ngày hai mà là cuộc chiến trường kỳ, chỉ cần một phút lơ là thì bài học từ Liên Xô trong quá khứ và Ukraina, Banglades ở hiện tại sẽ hiện hữu trước mắt chúng ta.

Thứ hai, Tăng cường nâng cao nhận thức, kinh tế, xã hội, dân trí của nhân dân nói chung và tập trung vào đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn… Để góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chống lại các lý luận sai trái, bịa đặt, lôi kéo của các thế lực thù địch.

Thứ ba, Thanh niên là tương lai của Đất nước nhưng cũng là đối tượng dễ bị lôi kéo nhất vì lập trường tư tưởng chưa vững vàng, bằng chứng có thể thấy tại sự kiện “Thiên An Môn” tại Trung Quốc năm 1989, khi đội ngũ chính cho hoạt động “Cách mạng màu” là sinh viên, học sinh. Vì vậy, các tổ chức Hội sinh viên, Đoàn Thanh Niên cần phát huy vai trò là cánh tay đắc lực của Đảng để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của Sinh viên, Học sinh từ đó dẫn dắt đi theo con đường Cách mạng đúng đắn.

Thứ Tư, Đảng và các cơ quan truyền thông của Đảng tiếp tục tích cực tuyên truyền chủ trương đường lối đúng đắn cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thông qua nhiều kênh truyền thông để bắt kịp tình hình thế giới chuyển dịch nhanh chóng. Trong giai đoạn hội nhập, hàng loạt nền tảng kết nối đang và sẽ tiếp tục có mặt tại Việt Nam (Facebook, Tiktok, Telegram, viber, Zalo…), chúng ta không thể ngăn chặn sự kết nối thông tin trong thời đại chuyển đổi số, nhưng việc ngăn chặn và sàng lọc các thông tin tại các nền tảng là điều rất quan trọng, nhằm điều hướng dư luận, nâng cao nhận thức cho người dùng, tránh để bị lôi kéo bởi các thông tin sai sự thật mang tính kích động.

Thứ năm, nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đùm bọc và đoàn kết hiếm có Quốc gia nào có được, điều này có được từ lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước của Dân tộc. Vì vậy, việc tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, hiểu biết lịch sử dân tộc sẽ là chìa khóa giúp toàn dân nói chung và giới trẻ nói riêng tiếp tục tin tưởng vào sự nghiệp của Đảng đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện. Việc lan truyền tinh thần yêu nước cần thực hiện một cách cụ thể, có bài bản và chuyên nghiệp:

- Xây dựng giáo trình lịch sử tại các trường đang có công dân Việt Nam theo học để thế hệ tương lai đất nước hiểu đúng về lịch sử, chống lại chủ nghĩa xét lại lịch sử mà các thế lực thù địch đang ngấm ngầm đưa vào giáo dục Việt Nam: lịch sử của chúng ta chưa bao giờ là nhàm chán chỉ có cách truyền đạt của chúng ta chưa đủ sự thu hút.

- Xây dựng các chuỗi chương trình, trào lưu rộng khắp trên các nền tảng xã hội và thực tế tại các ngày lễ lớn trong năm để hướng tới nâng cao tinh thần yêu nước trong toàn dân.

- Kịp thời có các thông tin chính thống cập nhật trước những thông tin sai trái của các thế lực thù địch trên nền tảng thông tin truyền thông.

Thứ sáu, các lực lượng chuyên môn luôn đề phòng trước các thế lực thù địch, tìm ra những tổ chức, cá nhân đứng sau hoạt động chống phá để kịp thời dập tắt bạo loạn ngay từ khi vừa manh nha./.

----------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Báo điện TỬ - đảng Cộng Sản Việt Nam (no date) https://dangcongsan.vn. Available at: https://dangcongsan.vn/ (Accessed: 12 September 2024).

2. Công an tỉnh đắk lắk - công an tỉnh (no date) CÔNG AN TỈNH ĐẮK LẮK - Công an tỉnh. Available at: https://congan.daklak.gov.vn/ (Accessed: 12 September 2024).

3. Bộ Nội vụ - tạp chí điện TỬ TỔ Chức Nhà Nước (no date) Bộ Nội vụ - Tạp chí điện tử Tổ chức nhà nước. Available at: https://tcnn.vn/ (Accessed: 12 September 2024).

Nguyễn Hữu Chiến (Vietcombank chi nhánh Thủ Đức)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin