Nguyễn Nhật Huy – Người điều hành Dự án VNYP: “Không có hạt giống tương lai nào tốt hơn những công dân trẻ hiểu biết”

09/06/2017 09:29

(Pháp lý) - Trẻ, dám nghĩ dám làm, lãng mạn vừa đủ để đảm bảo độ chính xác, đẩy mọi việc tiến triển về phía trước theo hướng lạc quan, khéo léo trong việc cân bằng cuộc sống là mô tả của bạn bè về Nguyễn Nhật Huy – một người trẻ mới chỉ 27 tuổi, người sáng lập ra Diễn đàn mô phỏng Nghị viện trẻ (VNYP). Một dự án mô phỏng hoạt động làm chính sách của Quốc hội, do những người trẻ điều hành và hoạt động.

Lãng mạn vừa đủ… chính xác

Nói về ý tưởng khởi đầu cho VNYP, Nguyễn Nhật Huy chia sẻ: 2016 là một năm đặc biệt khi có nhiều sự việc, sự kiện có tác động mạnh tới tôi, dẫn tới ý tưởng hình thành VNYP. Có lẽ tác động quan trọng nhất đến từ bộ phim truyền hình The Newsroom do Aaron Sorkin sản xuất. Đây là một phim về đề tài báo chí với hai nhân vật chính Will McAvoy và MacKenzi McHale. Will là nhà báo, người dẫn chương trình tin tức có tài nhưng luôn dùng tin tức giật gân để lôi kéo khán giả thay vì tập trung vào các vấn đề quan trọng. MacKenzi trong một lần tranh luận để thuyết phục Will quay lại làm báo đúng nghĩa đã nói “Trong một nền dân chủ, không có gì quan trọng hơn những cử tri hiểu biết”. Câu nói này đã truyền cảm hứng cho tôi… Và tôi tin khi công chúng hiểu biết hơn, nắm rõ thông tin hơn thì xã hội sẽ vận hành tốt hơn. Và tới khi gặp các bạn cùng chí hướng thì VNYP - một diễn đàn cho giới trẻ bày tỏ quan điểm về các vấn đề chính sách ra đời.

  Nguyễn Nhật Huy – người sáng lập, điều hành Diễn đàn mô phỏng Nghị viện trẻ (VNYP)
Nguyễn Nhật Huy – người sáng lập, điều hành Diễn đàn mô phỏng Nghị viện trẻ (VNYP))

Một sự kiện quan trọng khác cũng có ý nghĩa đặc biệt với Huy trong năm 2016 chính là chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam. Chia sẻ với Phóng viên Pháp lý, Huy tâm sự: “Tại sự kiện, mình được chứng kiến các bạn, trong đó có rất nhiều bạn bè của mình, đang làm những việc tuyệt vời để mang lại thay đổi tích cực cho Việt Nam. Đó chính là lúc mình nhận ra những gì mình có được không chỉ là do nỗ lực của bản thân hay hỗ trợ của gia đình mà còn là những thay đổi mà thế hệ đi trước đã mang lại. Đó cũng là lúc mình nhận ra mình cũng nên làm một cái gì đó dù là rất nhỏ…”

Những ý tưởng sơ lược nhất về dự án VNYP được hình thành từ khoảng cuối tháng 7/2016 khi các thành viên sáng lập kết nối với nhau. Bản đề án xin tài trợ được chúng tôi gửi cho Đại sứ quán Mỹ vào ngày 22/08/2016 và tới giữa tháng 09/2016 thì nhóm của Huy nhận được tài trợ. Các hoạt động chuẩn bị cho dự án kéo dài từ đầu tháng 10/2016 tới cuối tháng 12/2016. Dự án chính thức đi vào hoạt động từ ngày 08/01/2017 tới ngày 23/04/2017 thì kết thúc.

Là một kiến trúc sư, lại ấp ủ những ý tưởng của một dự án liên quan nhiều đến ngành khác (Luật và chính sách) Huy gặp phải những thử thách khi thực hiện dự án. Huy chia sẻ: Trong gia đình tôi thì không có ai làm việc liên quan tới chính sách. Bản thân tôi cũng học về kiến trúc và hiện tại đang làm việc tại một văn phòng thiết kế kiến trúc. Vì không có kinh nghiệm và được đào tạo về luật pháp và chính sách nên điều hành dự án như VNYP là một thử thách không nhỏ. Ví dụ như trong việc thiết kế nội dung các hoạt động của dự án, làm sao để các bạn sinh viên hiểu được thế nào là chính sách? Phân biệt chính sách với luật pháp như thế nào? Làm sao để tư duy như một người làm chính sách chứ không phải một người làm chuyên môn? là những câu hỏi cần kiến thức sâu về chính sách mà không phải ai cũng có thể giải đáp, đặc biệt với một người học kiến trúc. Tuy nhiên, bằng kĩ năng của người điều hành, Huy nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ từ rất nhiều chuyên gia về chính sách ở các lĩnh vực, các Đại biểu Quốc hội có kinh nghiệm sâu về lập pháp và hoạch định chính sách nên những khó khăn đó cũng được giải quyết.

VNYP ngoài thử thách, Huy còn rất lạc quan: Ở góc độ là người tổ chức của dự án thì những kiến thức, kỹ năng về thiết kế cũng giúp ích cho tôi rất nhiều. Về cơ bản thì việc điều hành một dự án giống như việc thiết kế ở chỗ người điều hành hay người thiết kế đều cần biết sắp xếp các yếu tố để tạo thành một cỗ máy làm việc hiệu quả. Những kiến thức trong việc sắp xếp công năng của một công trình giúp tôi trong việc sắp xếp nhân sự, nguồn lực của dự án để đảm bảo tạo ra kết quả tốt nhất có thể. Tư duy thiết kế, tư duy hình ảnh, sơ đồ có được khi làm thiết kế cũng giúp tôi minh họa và truyền tải các ý tưởng, sắp xếp công việc cho các thành viên ban điều hành một cách thuận lợi và dễ hiểu hơn.

Thay đổi định kiến về làm chính sách

Trong bối cảnh Việt Nam, có nhiều định kiến về vấn đề làm chính sách. Làm chính sách là việc của các cơ quan nhà nước, của những người làm Luật, của những người từng trải và lớn tuổi… Huy tự tin trao đổi: “Tôi nghĩ rằng có một quan niệm cần thay đổi ở Việt Nam đó là kiến thức và năng lực thì tỉ lệ thuận với độ tuổi, và giới trẻ thì thường ít quan tâm hoặc ít hiểu biết về các vấn đề quốc gia quan trọng như chính sách. Thực ra đây là quan niệm sai. Nếu nhìn xa về lịch sử thì Việt Nam không thiếu những người trẻ tuổi nhưng làm việc lớn như Triệu Thị Trinh hay Trần Quốc Toản. Giới trẻ Việt Nam ngày nay rất năng động, giỏi giang và tâm huyết với các hoạt động chung của xã hội, chính sách cũng không phải là ngoại lệ.

Huy và những bạn trẻ của VNYP đã chứng minh những điều ngược lại: “Tôi nghĩ rằng tìm hiểu chính sách không phải là việc riêng của bất kỳ ngành, nghề nào. Vì chính sách có tác động tới tất cả mọi thành phần trong xã hội và cũng cần ý kiến đóng góp của cá nhân, tổ chức thuộc nhiều lĩnh vực để trở nên hiệu quả hơn nên mỗi người dân, dù hoạt động trong lĩnh vực nào, đều cần có hiểu biết nhất định về chính sách. Chúng ta thường hiểu lầm rằng hình thành chính sách là đặc quyền của Nhà nước và nó là các quy định mà “phía trên” ban hành và “phía dưới” tuân thủ. Cách hiểu này chính là nguyên nhân của sự thiếu hiệu quả của nhiều chính sách ở Việt Nam. Việc hình thành và ban hành chính sách phải là trách nhiệm và nghĩa vụ của tất cả thành phần xã hội và mỗi người nên có những hiểu biết cơ bản để biết vị trí của mình ở đâu trong quy trình đó”.

GS. Nguyễn Lân Dũng (giữa) và các sinh viên trẻ của VNYP
GS. Nguyễn Lân Dũng (giữa) và các sinh viên trẻ của VNYP)

Là người “ngoại đạo”, nhưng sau những hoạt động tại Diễn đàn mô phỏng Nghị viện trẻ, Huy thể hiện góc nhìn chín chắn về vấn đề lập pháp và mong mỏi công tác làm chính sách được cải thiện: Hiện nay đã có Đại biểu Quốc hội đề xuất dự án Luật thay vì chỉ xem xét đề xuất Luật từ Chính phủ. Hầu hết Đại biểu Quốc hội không phải là chuyên gia về chính sách mà họ đến từ các ngành nghề, địa phương khác nhau để đại diện cho người dân nên cần có nhiều sự trợ giúp về kỹ năng, kinh nghiệm làm chính sách. Chính vì vậy mà nâng cao nhận thức của người trẻ về chính sách rất quan trọng để tương lai khi họ trở thành những Đại biểu Quốc hội thì tiếng nói của họ sẽ có trọng lượng hơn.

Nguyễn Nhật Huy làm việc ở Mỹ, một thị trường lao động đòi hỏi người lao động phải vắt kiệt sức mình để làm vậy mà Huy vẫn dành thời gian hướng về đất nước. Huy nói: Nhìn chung thì người Mỹ dành rất nhiều thời gian cho công việc. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là tất cả môi trường làm việc ở đây đều khắc nghiệt như phần lớn phim ảnh mô tả. Điều được chú trọng nhất ở Mỹ là năng xuất và hiệu quả công việc thay vì số giờ làm. Môi trường làm việc của tôi khá hài hòa giữa công việc và cuộc sống. Vì vậy nếu hoàn thành công việc tốt thì tôi vẫn có thời gian sau giờ làm và vào các ngày cuối tuần để tập trung cho công việc với VNYP. Tất nhiên tôi cũng phải hạn chế tối đa các hoạt động khác như giải trí hay du lịch để đảm bảo VNYP tiến hành suôn sẻ. Nhưng làm một việc mà mình thích và tâm huyết thì đôi khi lại có tác dụng thư giãn hơn nhiều với các hoạt động vui chơi, giải trí khác.

“Gieo những hạt giống tốt…”

Sau hơn 3 tháng hoạt động, vào cuối tháng 4/2017, VNYP trải qua phiên họp cuối cùng. Dự án đã tổ chức thành công các buổi học tập chuyên đề, tập huấn kĩ năng, ngoại khóa, chuỗi tọa đàm chuyên sâu... Phiên họp cuối tạo điều kiện cho các “nghị sĩ trẻ” đóng góp cho các vấn đề quan trọng của đất nước, đã có bản tuyên bố 8 vấn đề mà họ đóng góp.

Đánh giá về Diễn đàn Nghị Viện trẻ, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (ĐBQH khóa XII) : Tôi kiến nghị hoạt động này được tiếp tục phát triển. Quốc hội tương lai là những đại biểu này. Hiện nay tỉ lệ ĐBQH trẻ còn ít. Các ĐBQH nên tham khảo các ý kiến xây dựng, thông minh của những sinh viên trong Nghị viện trẻ.

Kết quả của VNYP rất khác nhau với mỗi bạn sinh viên. Những bạn trẻ đồng hành với VNYP đã có những hiểu biết hơn về chính sách, tầm quan trọng của chính sách và vai trò của người trẻ trong việc hoạch định chính sách ở Việt Nam. “Tôi cho rằng đây là một dấu hiệu tích cực vì vai trò của người trẻ trong các vấn đề lớn thường rất ít được coi trọng ở Việt Nam. Và để vai trò đó lớn hơn thì chính các bạn trẻ phải là người tự khẳng định mình…”. Từ những hạt nhân này nhiều người tin tưởng rằng họ có thể trưởng thành, cống hiến và có cơ hội thành những ĐBQH thực thụ.

Nhật Huy là một người từng trải qua 2 nền giáo dục Việt Nam truyền thống và giáo dục Mỹ hiện đại. Nhiều người nói rằng, người Mỹ tự tin, họ thường “nói quá” về những gì mình đã làm được… Thế nhưng, qua trò chuyện, tôi lại thấy một Nhật Huy truyền thống, khiêm tốn khi nói về thành quả của mình và lạc quan khi nhìn về tương lai: “Những thành quả của VNYP vẫn còn rất khiêm tốn và là một bước rất nhỏ trong cả hành trình để nâng cao nhận thức người dân Việt Nam về chính sách. Nhưng tôi tin đây là một bước về phía trước. Con số 100 sinh viên là số lượng không nhiều so với cả dân số Việt Nam. Nhưng sẽ không có những mùa màng bội thu nếu thiếu đi những hạt giống tốt. Và không có hạt giống tương lai nào tốt hơn những công dân trẻ hiểu biết”.

Trên trang cá nhân của mình, sau khi trở lại Mỹ làm việc, Huy viết: Warren Buffett đã từng nói “Có người được ngồi trong bóng râm ngày hôm nay là vì có người khác đã trồng một cái cây cách đây rất lâu”. Huy hy vọng các bạn và mình đã trồng được một cái cây để sau này có thật nhiều cây khác…

Minh Minh

Bạn đang đọc bài viết "Nguyễn Nhật Huy – Người điều hành Dự án VNYP: “Không có hạt giống tương lai nào tốt hơn những công dân trẻ hiểu biết”" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin