Nguy cơ 'ế' gói tín dụng 280.000 tỷ đồng?

Những diễn biến trên thị trường hiện nay cho thấy khả năng kéo giảm lãi suất trên thị trường đang được rộng mở, tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ khó hấp thụ vốn nếu tình hình dịch bệnh vẫn kéo dài và có diễn biến phức tạp.

Doanh nghiệp khó hấp thụ chương trình tín dụng 280.000 tỷ với lãi suất ưu đãi do tình hình dịch Covid-19 (Ảnh minh hoạ: Internet)

Hiện nay, thanh khoản hệ thống dồi dào, các ngân hàng tung gói tín dụng ưu đãi lãi suất tổng cộng hơn 280 nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp cho biết chưa có nhu cầu vay vốn do hàng hoá đang bị ngưng trệ vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Nhu cầu vốn giảm mạnh

Cuối tháng 2 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện hút ròng 11.000 tỷ đồng qua kênh phát hành tín phiếu. Đây là tuần thứ 5 liên tiếp, NHNN duy trì động thái này và qua đó nâng tổng lượng vốn hút ròng ra khỏi thị trường tính từ thời điểm cuối tháng 1/2020 lên con số 120.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc NHNN liên tiếp hút ròng tiền về trong bối cảnh mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng chỉ biến động với biên độ hẹp cho thấy thanh khoản của hệ thống đang trong trạng thái dư thừa. Bên cạnh đó, việc liên tục hút tiền về cũng thể hiện sự thận trọng của cơ quan ngân hàng Trung ương trong việc điều tiết cung tiền nhằm hạn chế rủi ro đối với lạm phát.

Ngoài ra, những ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 đang có những tác động mạnh đến nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp cũng như hoạt động cho vay của các ngân hàng.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ cho biết, trước đây chỉ có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nay nhiều nước trong khối EU cũng bị ảnh hưởng, dẫn tới việc các quốc gia này sẽ hạn chế hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu. Do đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng

"Những ngày qua, đối tác từ EU thông báo tạm dừng nhập hàng do dịch bệnh, vì vậy, doanh nghiệp chúng tôi đã dừng 2/3 dây chuyền sản xuất", vị giám đốc này cho hay.

Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu may mặc chia sẻ, gần một tháng nay, doanh nghiệp này không nhập khẩu được nguồn nguyên liệu, nên hoạt động sản xuất đình trệ.

Dữ liệu của NHNN cho thấy, trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 0,06%, giảm mạnh so với mức tăng 1% của cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất cùng kỳ trong 6 năm trở lại đây.

Theo ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV, tín dụng 2 tháng đầu năm 2020 BIDV giảm tới 2%, huy động vốn giảm 1,6%. "Đây là xu hướng chung của các ngân hàng hiện nay, bởi những tháng đầu năm, khách hàng rất ít khi đi vay. Ngoài ra, chúng ta còn phải chịu tác động kép từ dịch Covid-19", ông Tú phân tích.

Cửa rộng cho hạ lãi suất

Với các diễn biến trên, Ts. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế, cho rằng khi mà nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế đang xuống thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 gây ra trong lúc một lượng tiền dồi dào được lưu thông giúp hệ thống có tính thanh khoản cao, thị trường đang có những nền tảng tốt để hạ lãi suất.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đánh giá, thời điểm hiện nay, việc hạ lãi suất hay "bơm" nguồn tín dụng ưu đãi cũng không hỗ trợ được nhiều cho các doanh nghiệp, bởi khó khăn hiện tại của doanh nghiệp không phải vấn đề của thị trường tiền tệ mà là thị trường hàng hóa đang bị ngưng trệ.

Cụ thể, khi quy mô hoạt động của doanh nghiệp không mở rộng, thậm chí bị thu hẹp do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu vay vốn sẽ ít đi nên tăng trưởng tín dụng theo đó cũng giảm theo.

Trong báo cáo thị trường mới đây, BVSC cũng nhận định nhu cầu vay vốn để mở rộng kinh doanh, sản xuất có thể sẽ giảm dưới tác động của dịch bệnh khiến nhu cầu về vốn của ngân hàng không chịu áp lực lớn. “Trong kịch bản này, sau giai đoạn nửa đầu năm có lạm phát theo năm cao, lãi suất huy động có thể giảm nhẹ để kích thích tăng trưởng nền kinh tế”, BVSC đánh giá.

Về phía các ngân hàng, Chứng khoán MBKE cho rằng tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2020 sẽ thấp là do ảnh hưởng từ dịch bệnh, nên NHNN có thể sẽ chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng thấp hơn.

“Với hạn mức tăng trưởng tín dụng ban đầu được đặt ra thấp cho các ngân hàng ngân hàng lớn và mạnh, có nghĩa là hạn mức cho các ngân hàng nhỏ hơn có thể sẽ còn thấp hơn. Cùng với thanh khoản hiện đang dư thừa, hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn sẽ giúp giảm mức độ cạnh tranh về tăng huy động giữa các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ; do đó sẽ góp phần ổn định, thậm chí có thể giảm lãi suất tiền gửi, mở ra lộ trình cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay”, MBKE nhận định.

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Nguồn bài viết: https://thoibaokinhdoanh.vn/ngan-hang/nguy-co-e-goi-tin-dung-280-000-ty-dong-1066028.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin